Tạp chí Luật sư Việt Nam số ra tháng 3/2022 với chủ đề chính: “Thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường”, gồm một số bài viết sau đây:
Về chủ đề chính, mục “Nghiên cứu - trao đổi”, TS. Hoàng Quốc Lâm (Trung tâm Truyền thông tài nguyên và Môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường) có bài “Pháp luật về bảo vệ môi trường trong việc bảo đảm phát triển bền vững”. Tác giả phân tích: Nước ta đang đối mặt với nhiều thách thức, hàng loạt mâu thuẫn nảy sinh giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường (BVMT) có tác động mạnh tới việc thực hiện pháp luật nói chung và pháp luật môi trường nói riêng, đòi hỏi các nhà khoa học và lập pháp tìm cách giải quyết để đưa đất nước phát triển bền vững (PTBV)… Xét trong mối quan hệ giữa con người, xã hội và tự nhiên, 3 mục tiêu của PTBV chính là mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội, phát triển con người với sự khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và BVMT. Chỉ khi nào cả ba mục tiêu này kết hợp, gắn bó chặt chẽ được với nhau trong quá trình phát triển liên tục thì xã hội mới có được sự PTBV. Do vậy, PTBV chính là sự tương tác, sự thỏa hiệp hay sự dung hòa của 3 hệ thống: kinh tế (sự phát triển kinh tế - xã hội); xã hội - nhân văn (sự phát triển con người) và tự nhiên (sự khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên và môi trường), nhằm tạo ra sự thống nhất bền vững của hệ thống bao trùm - hệ thống “tự nhiên - con người - xã hội”.
Tác giả đồng thời đề xuất một số giải pháp thực thi pháp luật về BVMT trong việc bảo đảm PTBV, trong đó nhấn mạnh: PTBV không phải là lựa chọn, mà là con đường bắt buộc, cần quán triệt quan điểm môi trường là cơ sở, nền tảng để PTBV. BVMT vừa là mục tiêu, vừa là nhiệm vụ, cần được đặt ở vị trí trung tâm của các quyết định phát triển; quản lý, giải quyết hài hòa hơn nữa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với BVMT, tăng trưởng kinh tế phải đồng thời với BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu phù hợp với quy định của Luật BVMT năm 2020. ThS Trần Linh Huân (Trung tâm Trọng tài thương mại phía Nam) có bài “Thực trạng pháp luật về BVMT không khí và kiến nghị hoàn thiện”.
Tác giả cho rằng, hiện nay hành lang pháp lý điều chỉnh về hoạt động bảo vệ môi trường không khí tại Việt Nam đã được xây dựng và không ngừng hoàn thiện. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được thì hệ thống quy định pháp luật điều chỉnh về hoạt động này cũng còn tồn tại không ít vấn đề hạn chế, bất cập, điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến tính hiệu quả trong hoạt động bảo vệ môi trường không khí. Xuất phát từ đó, bài viết của tác giả đã tập trung phân tích đánh giá, làm rõ những vấn đề còn bất cập, hạn chế trong quy định pháp luật về BVMT không khí và từ đó đưa ra một số đề xuất, kiện nghị hoàn thiện.
Luật sư Lê Văn Hợp với bài viết “Tội phạm môi trường và các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT” đã tập trung phân tích về những hành vi vi phạm pháp luật về BVMT hiện hành và các chế tài xử lý vi phạm cả về hành chính và hình sự. Bài viết cho thấy, trong những năm gần đây, tình hình tội phạm môi trường và các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT diễn biến rất phức tạp, phổ biến trên nhiều lĩnh vực đời sống xã hội. Tội phạm môi trường đã hủy hoại, làm cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên, biến đổi khí hậu, chất lượng môi trường suy giảm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sức khỏe của nhân dân. Vì vậy, xác định, quy định cụ thể các chế tài nghiêm minh, đủ sức răn đe, trừng phạt các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường là một trong những biện pháp phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật môi trường là rất cần thiết, góp phần bảo về môi trường sống xanh, sạch, đẹp, phát triển bền vững đất nước.
Ở mục “Kiến thức”, tác giả Đinh Văn Quế có bài bình luận về tội "Gây ô nhiễm môi trường". Dựa vào các quy định của Bộ luật Hình sự 2015, so sánh với Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định về tội "Gây ô nhiễm môi trường"; đối chiếu với thực tiễn, tác giả đã giải thích một cách khoa học về các dấu hiệu cấu thành tội phạm này.
Ngoài những bài viết xoay quanh chủ đề chính, mục “Nghiên cứu - trao đổi” còn có bài “Nhận thức pháp lý về vận động hành lang” của PGS.TS.LS Chu Hồng Thanh (Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội). Vận động hành lang là một khái niệm đã xuất hiện ở nhiều quốc gia, có những quốc gia đã luật hóa khái niệm này nhưng nhiều quốc gia và nhiều ý kiến của các nhà nghiêu cứu cho rằng không thể quy định trong luật về vận động hành lang. Ở các nước đang phát triển, khái niệm này dường như còn rất mới và xa lạ. Qua các phân tích trong bài viết, tác giả cho rằng ở Việt Nam cũng như nhiều nước khác, vận động hành lang đang là một nhu cầu thực tế và nó sẽ phát triển cùng với sự phát triển của kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế. Với sự đa dạng hóa về lợi ích, hoạt động vận động hành lang sẽ diễn ra mạnh mẽ và ngày càng đa dạng. Trong bối cảnh đó, phải xem xét vận động hàng lang là một hoạt động bình thường và cần phải có cơ chế để kiểm soát hữu hiệu nhằm phát huy tính tích cực, hạn chế những tiêu cực của hoạt động này. Ban hành và hoàn thiện pháp luật về vận động hành lang là một nhu cầu thực tế.
Tạp chí Luật sư Việt Nam tháng này còn có bài của các tác giả là Luật sư, trên cơ sở thực tiễn hành nghề đã đi sâu phân tích, đánh giá việc thực hiện và hướng dẫn áp dụng các quy định của pháp luật hình sự và tố tụng hình sự còn nhiều hạn chế và bất cập, từ đó kiến nghị những giải pháp khắc phục (bài “Mạnh dạn áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội” ở mục “Nghiên cứu - trao đổi; bài “Hướng dẫn thi hành pháp luật hình sự và tố tụng hình sự còn nhiều hạn chế” ở mục “Kinh nghiệm - thực tiễn”...
Bên cạnh đó, mục "Văn hóa - Xã hội" sẽ gửi tới bạn đọc câu chuyện về một Luật sư chân chính bị hàm oan…
Với những nội dung đa dạng, hấp dẫn, xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả trong cả nước Tạp chí Luật sư Việt Nam số 3/2022.
BBT
Cần phát triển nghề Luật sư tương xứng với vai trò và vị thế trong xã hội