Dư âm đặc biệt về Khoá bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ Luật sư tại Thanh Hóa

10/11/2020 16:32 | 3 năm trước

(LSVN) - Trên cương vị là Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Thanh Hóa, với hơn 20 năm gắn bó với nghề, tôi được tham gia nhiều khóa bồi dưỡng, cũng như tham gia lên kế hoạch tổ chức các chuyên đề bồi dưỡng nghiệp vụ Luật sư, nhưng chưa có lần nào để lại trong tôi nhiều cảm xúc đặc biệt như buổi tập huấn ngày 07/11/2020 vừa qua trên Quê hương Thanh Hoá anh hùng.

Lớp bồi dưỡng diễn ra đơn giản nhưng vô cùng ấm cúng.

Đối với Đoàn Luật sư tỉnh Thanh Hóa và có lẽ đây là lần đầu tiên của 63 tỉnh, thành tổ chức tập huấn về chuyên đề: “Quán triệt và thực tiễn áp dụng Thông tư số 46/2019/TT-BCA ngày 10/10/2019 của Bộ trưởng Bộ Công an”; đây cũng là lần đầu tiên chuyên đề “Những điểm mới của Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam” được đưa ra để các Luật sư đánh giá, bình luận. Đây là hai chuyên đề gắn với hoạt động thực tiễn mang tính cốt lõi trong hành trang mỗi người Luật sư vào thời điểm hiện nay.

GS. TS. Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh.

Lần đầu tiên Đoàn Luật sư tỉnh Thanh Hóa được vinh dự đón chào sự hiện diện, chia sẻ thông tin và tập huấn về chuyên môn của GS. TS. Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh (nguyên Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính tư pháp, nay là thành viên tổ nghiên cứu giúp việc Bộ trưởng Bộ Công an) và Tiến sĩ, Luật sư Phan Trung Hoài – Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam; Luật sư Nguyễn Minh Tâm – Ủy ban Thường vụ, Phó Tổng thư ký Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Chưa bao giờ trong một khóa tập huấn của một Đoàn Luật sư địa phương lại được đón chào cùng lúc ba giảng viên vô cùng đặc biệt mà chúng tôi luôn kính trọng và ngưỡng mộ.

Các Luật sư tham gia lớp bồi dưỡng.

Đặc biệt hơn nữa, lần đầu tiên Đoàn Luật sư tỉnh Thanh Hóa được đón các Luật sư đồng nghiệp đến từ vùng đất địa đầu của đất nước: Đoàn Luật sư tỉnh Điện Biên, Đoàn Luật sư tỉnh Sơn La, Đoàn Luật sư tỉnh Hòa Bình. Điều làm tôi xúc động đến không cầm được nước mắt khi tôi nghe Luật sư Lê Thị Xuân (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Điện Biên) nói trước buổi tập huấn: “Ở Đoàn Luật sư Điện Biên chúng tôi có một đồng nghiệp đi hơn tám trăm ki lô mét để đến lớp tập huấn tại Thanh Hóa. Quê của Luật sư này ở Mường Nhé, anh phải đi bộ một ngày đường rừng đến thành phố Điện Biên Phủ, rồi từ thủ phủ Điện Biên bắt xe khách mấy chặng nữa để về với Thanh Hóa, chắc là sáng mai mới tới nơi…”. Một chặng đường gần một nghìn cây số, chỉ mong đến với Thanh Hóa để được gặp các thầy, nghe các thầy truyền giảng, mong một lần được về với Thanh Hóa để được chia sẻ những khó khăn, trăn trở của nghề Luật sư với đồng nghiệp Thanh Hóa.

Tôi chưa đến Mường Nhé quê anh, cũng chẳng quen biết anh, nhưng sao ngày đầu gặp trên quê hương tôi, ta lại thân thương đến vậy. Anh là ai? Tôi tự hỏi rồi lại bâng khuâng tự trả lời. Anh thuộc Đoàn Luật sư Điện Biên đến quê tôi vào một sáng đầu đông, gió se lạnh vương chút nắng cuối thu lưu lại những vệt vàng không rõ hình, nhảy nhót theo vòm lá bên thềm nhà khách.

Anh đi tập huấn nghiệp vụ Luật sư, một cái nghề đối với anh còn mới lạ. Điểm tập huấn tại Thanh Hóa, một cái tỉnh giao nhau giữa miền Bắc và miền Trung, nơi xa lắc, xa lơ kể từ quê anh đi đến. Nơi anh, Mường Nhé ra tới thành phố Điện Biên thôi đã phải vượt hơn hai trăm ki lô mét đường rừng, rồi từ thành phố Điện Biên tới quê tôi hơn năm trăm ki lô mét nữa. Đây có lẽ là chuyến đi đầu tiên xa nhất khỏi nơi bản làng quê anh. Xa quá, vất vả quá, tôi thầm nghĩ ! Thấy cay cay nơi sống mũi, nghèn nghẹn trong cổ họng. Tình yêu nghề của anh đã lay động trong tôi và của cả chúng tôi nữa.

Tặng quà lưu niệm cho các giảng viên lớp bồi dưỡng.

Luật sư Lê Thị Xuân còn nghẹn ngào chia sẻ với Luật sư Trịnh Ngọc Ninh, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Thanh Hóa sau khi đón nhận bức tranh Trống đồng Đông Sơn mà Đoàn Luật sư Tỉnh Thanh Hóa gửi tặng: “Xin gửi lại bức tranh ý nghĩa này cho Đoàn Luật sư tỉnh Thanh Hóa vì Đoàn Luật sư tỉnh Điện Biên chưa có trụ sở để treo…”! Chúng tôi nghẹn lòng gật đầu cùng với những giọt nước mắt không biết vì sao cứ chực trào ra… Nghe lời nói giản dị của Luật sư, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Điện Biên, tôi tự nhìn lại mình. Phải chăng cái tình yêu nghề Luật sư đó thiêng liêng không thể định hình được, không thể nắm bắt được, nó mờ ảo, mong manh, bảng lảng như sương mai nơi Mường Nhé, dễ ngấm vào tâm, vào hồn người Luật sư nơi miền biên viễn ấy?

Một điều đặc biệt của khóa học lần này, không hiểu vì sao chúng tôi dành trọn một ngày, thậm chí thời gian dành cho tập huấn còn vượt quá chương trình của Ban tổ chức, nhưng hơn 100 Luật sư vẫn thấy hình như thời gian trôi đi nhanh quá. Chưa bao giờ tôi nhận thấy một không gian của lớp tập huấn lại tập trung cao độ đến như thế khi nghe các giảng viên chia sẻ một cách tận tâm các chuyên đề. Tất cả đều hướng về bục giảng với sự chăm chú, hứng thú đến lạ thường!

Phần thảo luận của các Luật sư.

Đến phần thảo luận, một không khí sôi nổi, hào hứng từ tất cả các Luật sư tham dự, phá vỡ sự tĩnh lặng trước đó. Chúng tôi thấy rất nhiều những cánh tay của các Luật sư đồng nghiệp giơ lên xin phát biểu, thảo luận. Tôi nhớ nhất lời chia sẻ của Luật sư Trần Thị Bích Liên (Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Sơn La) khi nói về khó khăn của nghề Luật sư tại vùng đất này. Luật sư Liên nói lên một con số làm tất cả chúng tôi phải giật mình: “Các Luật sư Sơn La chủ yếu chỉ tham gia án chỉ định, một năm có khoảng 150 án chỉ định từ Cơ quan Điều tra nhưng không biết vì lý do gì hay bằng một cách nào đó mà có hơn 100 trường hợp bị can từ chối Luật sư?”. Thế mới thấy nghề Luật sư ở Việt Nam đặc biệt là vùng cao, vùng sâu, vùng xa gian khổ và gian nan thế nào ! Nếu không có một trái tim, một quyết tâm phụng sự công lý, bảo vệ lẽ phải, luôn cháy trong mỗi Luật sư, thì có lẽ ở những nơi đó không còn xuất hiện khái niệm “Luật sư” trong cuộc sống.

Thông qua sự xuất hiện với những chia sẻ chân thành của các đồng nghiệp tại Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, chúng ta hình dung được một phần thực trạng hành nghề Luật sư đương đại, giúp cho chúng tôi - những Luật sư hoạt động ở trung tâm thành phố có thêm niềm tin, động lực và quyết tâm theo đuổi và thực hiện một cách tận tâm với sứ mệnh cao của của nghề.

Tặng quà kỉ niệm cho các Đoàn Luật sư.

Một điều đặc biệt nữa khiến tôi cứ trào dâng cảm xúc đến nao lòng, đó là những khoảnh khắc trong buổi tối giao lưu văn hóa - nghệ thuật gắn kết tình đồng nghiệp giữa bốn Đoàn Luật sư sau khi chương trình tập huấn kết thúc.

Mở đầu của chương trình giao lưu, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Thanh Hóa phát động phong trào gây quỹ ủng hộ đồng bào miền Trung ruột thịt với một thông điệp là “Lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều”. Tôi ngỡ ngàng khi tất cả các đồng nghiệp của chúng tôi đều dành những tình cảm đặc biệt quyên góp ngay khi lời phát biểu bắt đầu. Ban Tổ chức bị “cháy chương trình”, nhưng rất hạnh phúc và cảm động bởi những tấm lòng của các đồng nghiệp đã dành cho miền Trung thân yêu. Con số của Ban Tổ chức gửi lên cho chúng tôi cũng làm chúng tôi thấy vô cùng xúc động. Luật sư Phan Trung Hoài, Luật sư Nguyễn Minh Tâm đã dành trọn thù lao bài giảng của mình cho chương trình ủng hộ đồng bào miền Trung. Đoàn Luật sư tỉnh Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa cũng dành trọn tình cảm của mình để gửi gắm đến đồng bào miền trung thân yêu.

Giao lưu văn nghệ.

Và tất cả như vỡ òa, phá tan những trắc ẩn trong tôi, khi ban tổ chức tuyên bố khai mạc chương trình giao lưu văn hóa, nghệ thuật - một đêm ca nhạc đặc sắc với chủ đề “Gắn kết tình đồng nghiệp” mang đậm chất Tây Bắc, hòa quện vào miền đất xứ Thanh. Các ca sĩ không chuyên của Đoàn Luật sư Thanh Hóa, Sơn La, Điện Biên, Hòa Bình đã trình diễn với những bất ngờ nối tiếp bất ngờ, cảm xúc nối liền cảm xúc!

Khúc ca: Chào Sông Mã anh hùng vang lên hùng tráng từ một vị Luật sư đã luống tuổi (Luật sư Nguyễn Ngọc Uyển). Lời hát lay động lòng người, như thay lời chào của Luật sư xứ Thanh đến các đồng nghiệp nơi miền Tây Bắc. Tình người ấm áp, quện cùng mùi hương của rượu ngô Sơn La làm nồng thêm, gắn thêm tình đồng nghiệp. Tiếng hát vang xa hòa cùng những điều xòe gợi lên miền hoa ban trắng, bát ngát thênh thang mùa hoa cải Điện Biên, Sơn La…

Luật sư Nguyễn Minh Tâm cũng không ngăn được cảm xúc của mình, đã lên sân khấu “bào chữa cho Thị Kính” bằng một khúc ngâm không thể tuyệt vời hơn, lay động, chạm đến trái tim… Dù không muốn nhưng buổi tối giao lưu đã khép lại bằng một lời da diết của đồng nghiệp “Người ơi người ở đừng về…”.

Luật sư Nguyễn Minh Tâm với tiếp mục văn nghệ ngẫu hứng.

Dư âm, những cung bậc cảm xúc trong tôi và tất cả các đồng nghiệp có mặt của khóa tập huấn lần này có lẽ còn đọng mãi! Xin gửi lời tri ân đến các Thầy, xin được cảm ơn các đồng nghiệp đến từ Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, xin được cảm ơn Ban Tổ chức Đoàn Luật sư tỉnh Thanh Hóa đã cho chúng tôi những cảm xúc đặc biệt này.

Luật sư TRẦN ĐẠI XUÂN
Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Thanh Hoá
/mot-so-van-de-ve-tham-quyen-xet-xu-quy-dinh-tai-diem-b-khoan-2-dieu-268-bo-luat-to-tung-hinh-su-2015.html