Vừa qua, một số con ngõ nhỏ trên phố Thượng Đình có thể đi ra đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã được các cư dân lắp đặt barie chắn ngang, chặn dòng xe máy dẫn ra đường Nguyễn Trãi vào giờ cao điểm buổi sáng. Những cư dân ở đây cho rằng, việc này nhằm hạn chế tình trạng ồn ào, ùn tắc nghiêm trọng tại các con ngõ nhỏ này vào giờ cao điểm.
Những chiếc barie được thiết kế bằng sắt và đổ bê tông ở đế chắc chắn, một đầu có hệ thống khóa cẩn thận, có thể nhấc lên hoặc hạ xuống. Những chiếc barie này được hạ xuống và khóa lại trong giờ cao điểm buổi sáng từ 07h00-08h30, hết giờ cao điểm sẽ được nâng lên.
Việc dựng barie chặn xe tạo ra nhiều tranh cãi. Nhiều ý kiến lại cho rằng việc người dân tự ý làm barie chắn đường đã gây cản trở việc đi lại. Bên cạnh đó, việc làm này còn ảnh hưởng đến công tác phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn nếu không may có sự cố xảy ra.
Trao đổi với Tạp chí Luật sư Việt Nam về một số vấn đề pháp lý liên quan, Luật sư Lê Hồng Vân, Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, ngõ (hẻm) thường được hiểu là làn đường, lối đi chung nhỏ và hẹp trong khu dân cư.
Theo Luật Giao thông đường bộ, hệ thống ngõ, hẻm, ngách tại các thành phố là một bộ phận cấu thành mạng lưới giao thông nội đô, các chủ thể tham gia giao thông có quyền và nghĩa vụ như nhau. Hơn nữa, một trong những nguyên tắc cơ bản của hoạt động giao thông đường bộ là phải đảm bảo thông suốt, trật tự, an toàn, hiệu quả, không được phép lắp đặt thiết bị khác gây cản trở người tham gia giao thông.
Luật Giao thông đường bộ cũng nêu rõ, hành vi đào, khoan, xẻ đường trái phép; đặt, để chướng ngại vật trái phép trên đường... là một trong những hành vi bị nghiêm cấm. UBND các cấp có trách nhiệm tổ chức bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trong phạm vi địa phương; bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường bộ theo quy định của pháp luật.
"Việc một số người dân sinh sống trong các ngõ, hẻm của Hà Nội dựng rào chắn không cho xe máy và các phương tiện giao thông của những người không phải cư dân nơi này đi qua vì sợ tiếng ồn, sợ ách tắc giao thông giờ trong cao điểm nếu chưa được sự cho phép của cơ quan quản lý Nhà nước về giao thông tại địa phương (UBND cấp xã/phường,...) là không được phép", Luật sư Lê Hồng Vân nhấn mạnh.
Luật sư Vân cũng phân tích thêm, tùy vào tính chất và mức độ, hậu quả của hành vi mà cá nhân thực hiện có thể bị xử lý hành chính, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự và bồi thường thiệt hại (nếu có).
Theo đó, về xử phạt hành chính, theo Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP, người có hành vi dựng rào chắn, barie tại các ngõ, ngách có thể bị phạt tiền từ 2-3 triệu đồng, mức phạt này áp dụng đối với cá nhân, mức phạt đối với tổ chức sẽ gấp đôi (từ 4-6 triệu đồng). Ngoài ra, cá nhân vi phạm còn bị áp dụng biện pháp buộc phải tháo dỡ công trình xây dựng trái phép và khôi phục lại tình trạng ban đầu.
Trường hợp rào chắn, barie là nguyên nhân xảy ra các vụ tai nạn giao thông đường bộ, người có hành vi dựng rào chắn, barie có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh có liên quan theo quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và phải thực hiện các nghĩa vụ bồi thường cho người bị thiệt hại.