Cựu Bí thư Tỉnh uỷ Bình Dương Trần Văn Nam.
Hôm nay (15/8), Tòa án nhân dân TP. Hà Nội mở phiên tòa xét xử vụ đại án “đất vàng” với cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương và 27 bị cáo với tội danh bị cáo buộc là "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí" và "Tham ô tài sản". Quá trình hô biến “đất công thành đất ông” diễn ra trong một thời gian khá dài, có tính toán “đường đi, nước bước” của chủ mưu với sự giúp sức, tiếp tay của các cơ quan chức năng và cán bộ lãnh đạo tỉnh Bình Dương, họ đã “bài binh, bố trận” để việc này diễn ra “theo quy định, đúng quy trình” gây thất thoát hơn 5000 tỉ đồng. Đây là một con số khủng khiếp đối với những người dân “thắt lưng, buộc bụng” xây dựng đất nước mạnh giàu.
Vụ án xảy ra tại Bình Dương nhưng được xét xử tại Hà Nội là do việc “phá án” thuộc Cơ quan điều tra Bộ Công an thực hiện, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao ủy quyền cho Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội giữ quyền công tố và Tòa án cùng cấp thực hiện việc xét xử.
Rồi đây, trước công đường, thủ đoạn tham nhũng sẽ bị phơi ra dưới ánh sáng pháp luật và tất yếu, có sự trừng phạt thích đáng dành cho những người phạm tội. “Đất vàng” vẫn còn đó và thuộc quyền sở hữu của Nhà nước mới là điều quan trọng nhất của việc phá án này, ngăn chặn được sự “thất thoát” một khối tài sản khổng lồ rơi vào tay tư nhân. Điều đáng tiếc nhất và “bài học kinh nghiệm sâu sắc” nhất là tình trạng buông lỏng sự giám sát quyền lực dẫn tới việc phạm tội không chỉ làm “thân bại, danh liệt” cá nhân của cán bộ lãnh đạo mà còn gây tiếng xấu trong dư luận xã hội với những hệ lụy và hệ quả khó lường.
Một vụ án khác, rất nhỏ so với đại án này nhưng cũng xảy ra trong lĩnh vực quản lý đất đai. Công an huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng vừa khởi tố bị can đối với 4 cán bộ thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Đăng ký đất đai, công chức địa chính, 3 người bị bắt tạm giam, 1 người cho tại ngoại, cấm đi khỏi nơi cư trú. Khi làm thủ tục, cán bộ không lấy ý kiến các hộ giáp ranh, giả mạo chữ ký dẫn đến việc diện tích đất được cấp trùng với đất đã giao cho Ban Quản lý rừng phòng hộ Lâm Hà quản lý. Việc vi phạm này không có gì là “tinh vi” cả, “mắt thường” cũng nhận ra, nếu sớm phát hiện và sửa sai thì không đến nỗi 4 cán bộ phải lâm vòng lao lý. Tuy nhỏ, nhưng vấn đề buông lỏng sự giám sát quyền lực (chức trách, nhiệm vụ) lại hiện diện trong vụ án này. Những vụ việc tương tự như vậy trong việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất xảy ra khá phổ biến tại nhiều địa phương khác nhau trong cả nước. Đó là một thực trạng gây bất ổn xã hội cần phải khắc phục căn cơ, đưa những trường hợp “bị lộ” vào trại giam, ra xét xử và trừng phạt tuy đã khá nhiều nhưng vẫn không thể ngăn chặn tích cực tình trạng này.
Vì thế, vấn đề giám sát quyền lực lớn nhỏ cần phải thực hiện một cách quyết liệt và hiệu quả, đồng bộ hơn, bắt đầu bằng việc giải quyết nghiêm túc các khiếu nại, tố cáo của người dân và lắng nghe dư luận xã hội.
NHỊ NGỌC
Sử dụng Internet để môi giới việc làm nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản sẽ bị xử lý như thế nào?