Giải mã sự “tinh quái” của loài chuột trên tranh Đông Hồ

25/01/2020 08:41 | 4 năm trước

LSVNO - Về bố cục đồ họa, cả 2 bức tranh “Đám cưới chuột” và “Chuột vinh quy” đều được các nghệ nhân xưa sắp xếp theo nghệ thuật sắp đặt trên bản gỗ về bố cục rất chặt chẽ; hình thức kết cấu tra...

LSVNO - Về bố cục đồ họa, cả 2 bức tranh “Đám cưới chuột” và “Chuột vinh quy” đều được các nghệ nhân xưa sắp xếp theo nghệ thuật sắp đặt trên bản gỗ về bố cục rất chặt chẽ; hình thức kết cấu tranh theo logíc “trong tranh có hoạ, trong hoạ có đồ”. Tranh “Đám cưới chuột” và “Chuột vinh quy”, kết cấu đồ - hoạ với nhiều hoạ tiết độc đáo, khiến người thưởng thức tranh nếu không quan sát kỹ, rất dễ bị nhầm lẫn.

Cụ Nguyễn Hữu Sam được Hiệp Hội làng nghề Việt Nam phong tặng “Danh hiệu Nghệ nhân làng nghề Việt Nam” vào năm 2007, đến Xuân Canh Tý này là hơn một giáp. Cụ Sam cùng một vài cụ thuộc làng Mái xã Song Hồ (huyện Thuận Thành – Bắc Ninh) có thành tích trong việc gìn giữ, khôi phục, phát triển thương hiệu tranh dân gian Đông Hồ, để lưu truyền mãi cho đến ngày nay…

Cả gia đình cụ Sam hiện đang bảo tồn hơn 1.100 bản khắc gỗ tranh dân gian Đông Hồ các loại. Trong đó, có 50 – 60% bản khắc cổ đã được phục chế. Số còn lại, dòng họ Nguyễn Hữu sưu tầm, lưu giữ cách đây từ 50 năm đến hơn 400 năm trước. Trong số này, có trên 100 mẫu tranh còn nguyên vẹn bản khắc gỗ, với nhiều nội dung miêu tả thiên nhiên, phong cảnh như bộ tranh tứ mùa (Xuân, Hạ, Thu, Đông), bộ tứ bình, tứ cô; tranh chuyện có nội dung trích trong các cốt truyện xưa như bộ Tống Trân Cúc Hoa, bộ Phương Hoa, Truyện Kiều, Thạch Sanh, bộ Quang Trung; và một số bản khắc gỗ về các loài động vật có truyền thuyết dân gian, gần gủi với đời sống lam lũ của người nông dân Việt Nam.

Đối với loài mèo, cụ Sam cho biết, trong số bản khắc gỗ có niên đại cách đây hơn 400 năm, còn lưu truyền rất ít. Qua quá trình dân gian thanh lọc trong sự biến động của các vương triều phong kiến nước ta, riêng gia đình và dòng họ Nguyễn Hữu hiện chỉ bảo tồn nguyên bản, truyền đời lưu giữ được 4 bản khắc cổ có hình tượng con mèo. Ngoài bản gỗ “Em bé ôm mèo” và “Chú mèo trèo cây cau”, trong 2 bản khắc gỗ “Đám cưới chuột” và “Chuột vinh quy” thì hình tượng con mèo được thể hiện rất uy nghiêm và có ý nghĩa xã hội rất sâu sắc.

Đám cưới chuột; và, Chuột múa rồng.

Về bố cục đồ họa, cả 2 bức tranh “Đám cưới chuột” và “Chuột vinh quy” đều được các nghệ nhân xưa sắp xếp theo nghệ thuật sắp đặt trên bản gỗ về bố cục rất chặt chẽ; hình thức kết cấu tranh theo logíc “trong tranh có hoạ, trong hoạ có đồ”. Tranh “Đám cưới chuột” và “Chuột vinh quy”, kết cấu đồ - hoạ với nhiều hoạ tiết độc đáo, khiến người thưởng thức tranh nếu không quan sát kỹ, rất dễ bị nhầm lẫn.

Thoạt nhìn tranh “Đám cưới chuột”, người xem thấy ngay hoạ cảnh một con mèo uy nghiêm, 12 con chuột và đồ 13 chữ hán nôm đặt ở 5 vị trí khác nhau. Trong tranh, con mèo được sắp đặt ở góc nhìn chủ đạo bên phải phía trên, đang “huơ tay (chém gió)” thể hiện uy quyền của loài mèo đối với chuột, trên lưng mèo đồ chữ “Mưu”. Còn lũ chuột được bố cục thành hai thứ bậc, bị phân định bởi một đường cong ngoằn ngèo.

Bậc trên gồm 4 con chuột già đang khúm núm trước con mèo rất oai nghiêm. Lão chuột cụp đuôi lom khom mang con chim đi đầu, dưới chim có đồ hai chữ hán nôm (tạm dịch là: “Tống lễ”), con thứ 2 xách con cá, sau lưng đồ hai chữ “Tác nhạc” (tạm dịch là: Nổi nhạc lên!), lão chuột thứ 3 và thứ 4 đều thổi kèn báo hiếu (có người gọi là kèn đưa tang) và đồ trên các đầu chuột 4 chữ hán nôm “Lão, Thử, Thủ, Thân” (tạm dịch là: Chuột già giữ thân vẹn toàn).

Bậc dưới của tranh được sắp đặt đồ hoạ 8 con chuột. Con chuột cỡi ngựa đi trước, đồ trên đầu ngựa 2 chữ "Chú rể", con thứ 2 vác ô, con thứ 3 vác tấm biển được đồ 2 chữ “Nghinh hôn” (đón dâu), còn 4 con chuột hầu khênh lộng “nàng dâu chuột” theo sau. Trong đó, hai con chuột hầu khênh lộng đi sau chót ngoảnh đầu nhìn về phía sau, trên đầu chúng có đồ 5 chấm nhỏ biểu thị cho ngũ hành: “Kim, mộc, thuỷ, hoả, thổ”. Hoạ tiết này ý nói họ hàng nhà chuột biết cách sống hợp với “quy luật của trời – đất” nên phát triển rất phồn thịnh, sinh sôi đông đúc, có mặt ở khắp bốn phương. Cho nên, theo sau “nàng dâu chuột” trong ngày vu quy còn có con đàn, cháu đống rất vui vẽ, nhộn nhịp!

Bức tranh “Chuột vinh quy” lại có những điểm khác biệt về hình thức. Thứ nhất, không có đường nét đồ hoạ phân cách ngoằn ngèo ở giữa bức tranh. Thứ hai, số lượng chuột trong tranh còn 11 con, thiếu con chuột già cụp đuôi mang chim; trước con chuột xách cá có đồ ba chữ “Hiệu thủ lễ” (tạm hiểu là: Đem lễ đi cống nạp); hai con chuột theo sau: kèn, trống inh ỏi! Thứ ba, bậc dưới có một con chuột rước cờ đi trước, trong cờ đồ hai chữ “Vinh quy”; con chuột thứ 3 cũng vác tấm biển được đồ hai chữ “Tiến sỹ”.

Khác biệt căn bản ở bức tranh “Chuột vinh quy” so với tranh “Đám cưới chuột” là sự đồ hoạ, sắp đặt sự thành đạt “cũng cờ, cũng biển, cũng cân đai”, theo lễ nghi “cờ rước, trống rong”!

Về nội dung hai bức tranh trên, theo cụ Sam, ở thời điểm cuối thế kỷ 16 đến nửa đầu thế kỷ 17, quan lại của xã hội phong kiến Việt Nam có nhiều biến động nhiễu nhương, nông dân “thấp cổ bé họng” bị ức hiếp, loạn lạc. Cho nên, bộ phận các thầy đồ nho bấy giờ dùng nhiều loại hình nghệ thuật trào phúng khác nhau để phản ánh hiện thực xã hội, trong đó có nghệ thuật đồ hoạ nhằm phơi bày những thói hư, tật xấu của quan lại triều đình.

Trong nghệ thuật này, các nghệ nhân xưa thường mượn tính cách của các loài động vật để ám chỉ các hành vi trái với đạo đức, tập quán, hương ước của thiết chế cộng đồng dân cư làng xã trong nông thôn Việt Nam. Trong tranh “Đám cưới chuột” và “Chuột vinh quy”, theo cụ Sam, đều có nội dung phê phán hiện tượng: “Cá lớn nuốt cá bé”. Tuy nhiên, xét theo tính cách của những kẻ tham ăn, bòn mót, chui rúc, gặm nhấm, phá phách, đục khoét, tham nhũng công quỹ, bị dân gian nguyền rủa và được chuyển tải vào tranh Đông Hồ qua hình tượng loài chuột để ám chỉ, ví von, phê phán.

Trong tranh dân gian Đông Hồ, con mèo so với con chuột, được các cụ đồ nho mưu tả đại diện cho thế lực quan lại, thống trị; con chuột thuộc tầng lớp hạ đẳng bị cai trị, áp bức, bần cùng và bị khắc tinh với loài mèo.

Cả đời nhà chuột từ khi sinh ra, đến khi tác duyên “cưới vợ” sinh đàn, kéo lũ theo quy luật của tạo hoá, rồi học hành “đỗ đạt thành tài”, vinh quy bái tổ vẫn phải sống nhẫn nhịn trong thảm hoạ bởi sự đe doạ của loài mèo. Vì vậy, trong ngày hôn lễ của con cháu nhà chuột, lũ chuột già (lão thử thủ thân) tinh quái nghĩ ra trò xiểm nịnh mang chim, mang cá (thứ đặc sản mà loài mèo ưa thích) để “tống lễ” (theo cách hiểu trong ngôn ngữ của pháp luật hình sự bây giờ, “tống lễ” chẳng qua là việc “đưa hối lộ” để khiến người có chức vụ, quyền hạn “nhận hối lộ” hứa hẹn làm hoặc không làm một điều gì đó trái pháp luật) cho mèo, mong đổi lấy sự yên thân, vẹn toàn.

Bức tranh “Chuột vinh quy” lại gửi gắm thâm ý khác, trong xã hội phong kiến đương thời những người chăm chỉ, dùi mài kinh sử, thi đỗ trạng nguyên đều được triều đình ban võng, lọng và mời ra làm quan; nhưng khi chuột (ý nói dân đen khác với “con vua thì lại làm vua”) đỗ tiến sỹ “vinh quy” về quê bái tổ vẫn phải “Hiệu thủ lễ”, đem lễ để cống (quan) mèo. Thật là, “phép vua thua lệ làng”!

Tuy vậy, ở bức tranh “Chuột vinh quy” hình thái “đưa lễ” của lũ chuột cũng có biểu hiện khác. Trong tranh lũ chuột chỉ còn 11 con, thể hiện sản vật cống nạp cũng bớt đi một con chim; thái độ “nhận lễ” của mèo cũng bớt sự căng thẳng, không còn gương oai, hằm hè như ở búc tranh “Đám cưới chuột” nữa.

Chuột vinh quy; và, Thầy đồ cóc.

Theo cụ Sam, tranh có ý diễn đạt: “Quan to đóng thuế ít, bỗng lộc nhiều”; so với quyền uy của mèo, tuy là chuột nhưng cũng đã được vinh quy “tiến sỹ” xếp vào hạng thứ quan rồi, cho nên lễ vật mang đi cống (quan) mèo được giảm một bậc, bằng tượng hình bớt đi một con chim!

Xem tổng quan tranh “Đám cưới chuột” và “Chuột vinh quy” đi “tống lễ” để đổi lấy sự “thủ thân”, người xem tranh thường hoài nghi: Trước sự cám dỗ bằng “chim, cá”, liệu mèo có nhận lễ (theo cách hiểu tếu táo thời nay là “nhận hối lộ”) của lũ chuột?

Cụ Sam lý giải, dẫu biết rằng chuột già cụp đuôi trong tranh “Đám cưới chuột” có ẩn ý rất biện chứng ở chỗ “mất đầu còn đuôi; đuôi còn thì đầu còn”. Chuột già bày mưu mang cá, mang chim đi “hối lộ” mèo là dấn thân, đối mặt với sự nguy hiểm đến tính mạng. Cho nên, lũ chuột mới phải “tác nhạc”, làm cho mèo bùi tai là để hoà hiếu, “nịnh” cho mèo nhận lấy lễ vật, thì ngày vu quy và ngày vinh quy mới được vui vẻ, vẹn toàn.      

Như vậy, mối quan hệ giữ mèo và chuột trong hai bức tranh dân gian trên toát lên tính nhân văn vừa thể hiện sự uy nghiêm, nhưng vị tha của mèo vừa có ý nói lũ chuột mưu trí, gan dạ, biết nhường nhịn và mưu cầu hạnh phúc, khát khao được sống chung với mèo trong hoà bình.

Tuy nhiên, có người nhận định oái oăm rằng, việc “đưa và nhận hối lộ” trong luật tục xã hội phong kiến bấy giờ cũng đã được quy định đều là “tội phạm và phải chịu hình phạt”. Theo logíc này, lũ chuột vừa tinh quái ma mãnh vừa tham lam không muốn mất con cá, con chim nên đã “trống rong, cờ rước”, “tác nhạc” - nổi nhạc lên inh ỏi, cố ý phô bày việc “đưa hối lộ”; nếu mèo “nhận hối lộ” thì “trạng chết, chúa cũng băng hà”, vì bàn dân thiên hạ cũng đều biết cả, chỉ chờ cơ hội để vạch mặt quan tham nhũng! 

Cụ Sam dặn, thú chơi và thưởng thức tranh Đông Hồ trong những ngày đầu xuân cũng phải biết cách. Bởi lẽ, tranh dân gian Đông Hồ có thuộc tính châm biếm hài hước, tính nhân văn sâu sắc vừa  mộc mạc, đơn giản vừa độc đáo lại đa dạng, thâm ý và phong phú về cách hiểu.

Cho nên, bức tranh “Đám cưới chuột” phải treo (hoặc dán) bên tranh “Chuột múa rồng” thì mới toát ý. Bởi, nội dung bức tranh “Chuột múa rồng” thể hiện sự khát khao yêu hoà bình, cầu cho mưa thuận gió hoà và mong cho thần dân được mùa, cuộc sống bình an, no đủ. Bức tranh này treo bên bức tranh “Đám cưới chuột” còn bật ra ý “phú quý sinh lễ nghĩa”. Có thế, việc cống thuế, nạp tô, lễ lạt của lũ chuột đối với (quan) mèo mới thuận chèo, mát mái.

Còn bức tranh “Chuột vinh quy” treo bên bức tranh “Thầy đồ cóc” sẽ bổ túc ý nghĩa cho nhau. Ý nói rằng, lũ chuột muốn làm quan và dung hòa quyền lực chung sống với mèo, thì cần phải có trí tuệ, mưu lược và lòng dũng cảm; muốn có trí tuệ phải chăm chỉ học hành và biết lắng nghe “Lão ô độc giảng” (cóc già khuyên bảo) thì mới có trí, dũng được!

 LS. Lê Trọng Hùng