Giải pháp nào làm giảm sạt lở đất?

05/11/2020 02:33 | 3 năm trước

(LSVN) - Dưới tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), sự bất thường của thời tiết cực đoan và thiên tai sẽ trầm trọng hơn trong tương lai, khiến cho việc dự báo, cảnh báo và quản lý rủi ro càng khó khăn hơn. Để phòng chống thiên tai, đặc biệt là các sự cố sạt lở đất trong bối cảnh BĐKH ngày càng phức tạp thì cần có những giải pháp căn cơ; cùng với những chính sách mang tính hỗ trợ thì phải tính đến phương án đầu tư lâu dài.

GS. Trần Thục, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn, Ủy ban quốc gia về biến đổi khí hậu. Nguồn: Internet.

Theo GS. Trần Thục, trong thời gian vừa qua, tổ hợp bất lợi của các điều kiện khí hậu, thời tiết như: hoạt động của La Nina; dải hội tụ nhiệt đới đi qua khu vực Trung Bộ; hoạt động của các đợt không khí lạnh đã gây nên bão, mưa, lũ nghiêm trọng ở miền Trung. Lũ ở nhiều khu vực đã vựợt quá các trận lũ lịch sử các năm 1979, 1983, 1999.

Chỉ trong một thời gian ngắn, đã có nhiều loại hình thiên tai cùng lúc tác động đến miền Trung, làm gia tăng về cường độ và mức độ rủi ro thiên tai. Bão chồng bão, mưa lớn, lũ lớn, trượt lở đất liên tiếp đã làm vượt quá khả năng chống chịu của người dân và của hạ tầng.

Về các vụ sạt lở, với các sườn dốc, nước là “khắc tinh” số 1. Mưa với cường độ rất lớn đã làm tăng nhanh độ bão hòa của đất vốn bị khô hạn lâu ngày của mùa trước dẫn đến trượt lở đất.

Độ ổn định của sườn dốc phụ thuộc vào các yếu tố như: Tính chất cơ lý của đất gồm lực kết dính và lực ma sát; hình thái sườn dốc gồm chiều cao và độ dốc là yếu tố liên quan đến trọng lượng của khối trượt; lượng nước chứa trong đất làm tăng trọng lượng của khối trượt và làm giảm sức bền đất.

Một sườn dốc khô sẽ khó bị trượt hơn là sườn dốc bị bão hòa nước. Nếu mức độ bão hòa nước diễn ra từ từ thì sườn dốc còn có thể thích nghi kịp, nhưng nếu quá trình bão hòa diễn ra quá nhanh khi mưa lớn xảy ra đối với đất đang bị khô thì sườn dốc không huy động sức bền để chống lại và khi đó trượt lở sẽ diễn ra. Hơn nữa, các hoạt động xây dựng hạ tầng tạo taluy, bạt chân sườn dốc cũng sẽ làm mất ổn định sườn dốc và kích hoạt trượt lở.

Qua phân tích số liệu mưa trong bão ở miền Trung có thể thấy, với cùng một tần suất xuất hiện thì lượng mưa 1 ngày lớn nhất trong bão ở giai đoạn 1993-2017 đã tăng khá nhiều so với giai đoạn 1977-1992. Theo kịch bản BĐKH thì sự gia tăng mưa cực đoan này càng lớn.

Qua nghiên cứu, GS. Trần Thục cho biết dữ liệu quan trắc hơn 50 năm qua trên toàn cầu cho thấy các hiện tượng thời tiết, khí hậu cực đoan đã có xu thế gia tăng cả về cường độ và tần suất. Đến năm 2019, nhiệt độ trung bình toàn cầu đã tăng 1,1°C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Số lượng bão nhiệt đới cường độ mạnh tăng và các siêu bão ngày càng xuất hiện nhiều hơn.

Dưới tác động của BĐKH, ở Việt Nam, chúng ta đang chứng kiến những dấu hiệu bất thường của thời tiết, khí hậu. Có thể nêu ra một số ví dụ như: năm 2014 vào tháng Giêng - giữa mùa khô nhưng các tỉnh từ Hà Tĩnh vào Quảng Ngãi lại có một đợt lũ cao bất thường, thậm chí cao hơn cả mùa mưa năm sau – trong mùa khô có lũ lớn và trong mùa mưa lũ nhỏ. Những năm gần đây mưa ở miền Trung khá bất thường, có năm rất nhiều như 2020, có năm rất ít như năm 2018 - 2019. Năm 2016, xuất hiện đợt mưa tuyết chưa từng gặp ở nước ta, đỉnh Ba Vì - Hà Nội, rừng quốc gia Vụ Khoang - Hà Tĩnh cũng có tuyết – điều chưa từng được ghi nhận trước đây.

Dưới tác động của BĐKH, thời tiết có dấu hiệu cực đoan hơn cả về hai phía nóng hơn và lạnh hơn. Rất nhiều khả năng, sự bất thường của thời tiết cực đoan và thiên tai sẽ trầm trọng hơn trong tương lai, khiến cho việc dự báo, cảnh báo và quản lý rủi ro thiên tai càng khó khăn hơn.

Theo GS. Trần Thục thì có nhiều biện pháp để thích ứng với BĐKH, cả biện pháp công trình và phi công trình. Trong các biện pháp phi công trình, dự báo và cảnh báo rủi ro thiên tai là một trong những biện pháp hiệu quả nhất, giúp cho người dân biết được những rủi ro để phòng tránh và ứng phó kịp thời nhằm giảm tổn thất; truyền thông, nâng cao hiểu biết về BĐKH và thiên tai là điều cần thực hiện thường xuyên và liên tục.

Tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch quốc gia thích ứng với BĐKH, xác định rõ các mục tiêu cụ thể để thích ứng với BĐKH, gồm: Nâng cao hiệu quả thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về BĐKH, trong đó có hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu, thúc đẩy việc lồng ghép thích ứng với biến đổi khí hậu vào hệ thống chiến lược, quy hoạch; Tăng cường khả năng chống chịu và nâng cao năng lực thích ứng của cộng đồng, các thành phần kinh tế và hệ sinh thái thông qua việc đầu tư cho các hành động thích ứng, khoa học và công nghệ, nâng cao nhận thức để sẵn sàng điều chỉnh trước những thay đổi của khí hậu; Giảm nhẹ rủi ro thiên tai và giảm thiểu thiệt hại, sẵn sàng ứng phó với thiên tai và khí hậu cực đoan gia tăng do BĐKH.

Đối với thiên tai lũ và ngập lụt tại khu cực có nguy cơ cao như ở miền Trung, cần áp dụng các giải pháp công trình như: xây dựng hệ thống các hồ chứa trữ nước và cắt lũ đối với các lưu vực sông lớn. Đã có nhiều hồ chứa được xây dựng ở miền Trung, đáp ứng được một phần yêu cầu cắt lũ. Tuy nhiên, xây dựng các hồ chứa cần đi đôi với việc thực hiệm nghiêm chỉnh quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa.

Trực tiếp nhất là xây dựng các công trình nhà ở phòng chống bão, lũ, công trình kiên cố làm các điểm sơ tán dân, di dân khi lũ lụt; nhà chống lũ như nhà phao, nhà kê nền, nhà gác, nhà sàn. Việc lựa chọn các công trình nhà tránh lũ, chống lũ phụ thuộc vào đặc điểm lũ lụt cũng như tập quán sinh hoạt của từng địa phương.

Về các giải pháp phi công trình, quan trọng nhất là tăng cường công tác dự báo, cảnh báo, dự báo sớm lũ và ngập lụt cho các lưu vực. Trong thời gian qua, công tác dự báo lũ lụt đã được ngành Khí tượng Thủy văn thực hiện khá tốt và đáng được ghi nhận. Tuy nhiên, trong bối cảnh BĐKH, thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp và khó lường hơn, việc tăng cường công nghệ nhằm cảnh báo, dự báo lũ lụt chính xác hơn sẽ là cơ sở quan trọng trong ứng phó và triển khai các biện pháp khắc phục hiệu quả, đây là giải pháp được xem là cốt yếu và quan trọng nhất.

Các giải pháp phi công trình cũng sẽ chú trọng xây dựng bản đồ phân vùng nguy cơ lũ quét và sạt lở đất căn cứ trên hiện trạng sử dụng đất, loại đất và mưa của từng khu vực. Các vùng nguy cơ được chia thành các vùng “xanh” là vùng an toàn; “đỏ” là vùng có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất và vùng “vàng” là vùng cận nguy hiểm.

Một vấn đề rất quan trọng là cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng hơn nữa về trượt lở, lũ quét, tốt nhất là đến được các cấp xã, bản, đặc biệt ở các khu vực có nguy cơ trượt lở cao; triển khai cắm biển cảnh báo ở các vị trí có nguy cơ trượt lở cao. Đồng thời, cần tăng cường sử dụng tri thức của người dân địa phương trong phòng chống lũ quét, sạt lở đất. Thực tế, nhiều vụ lũ quét, sạt lở đất xảy ra nhưng giảm thiểu được thiệt hại là nhờ vào kinh nghiệm phát hiện trước thiên tai của người dân địa phương.

Cần phải bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ đầu nguồn, khôi phục rừng phòng hộ đầu nguồn, đặc biệt là các khu vực thường gây ra lũ lụt, nhằm bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ lớp phủ thực vật, tăng khả năng giữ nước của lưu vực, hạn chế khả năng tập trung dòng chảy lũ.

Đối với thiên tai lũ quét, sạt lở đất, các giải pháp công trình tập trung vào nghiên cứu và xây dựng các đập ngăn bùn đá (đập Sabo) và các công trình phụ trợ tại các khu vực có nguy cơ cao và tập trung dân cư.

Cũng theo ông Trần Quang Hoài, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai (PCTT), Tổng cục trưởng Tổng cục PCTT (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), dải đất miền Trung - “rốn lũ”, “rốn bão” của cả nước, nơi đã quen với cảnh “sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa”. Nhưng dưới tác động của BĐKH, dải đất vốn kiên cường trước những gian khó này dường như đang khó chắn gió, ngăn giông hơn bao giờ hết. 

Ông Trần Quang Hoài, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Nguồn: Internet.

Riêng trong tháng 10/2020, thiên tai dồn dập ập đến dải đất miền Trung, liên tiếp với 04 cơn bão (số 6, 7, 8 và 9), 01 vùng áp thấp và 01 áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến đất liền và 02 đợt mưa lũ lớn lịch sử, kéo dài tại khu vực miền Trung từ ngày 06 - 13/10 và từ ngày 16 - 20/10. Đặc biệt là cơn bão số 9 đi vào đất liền trưa ngày 28/10.

Đây được đánh giá là cơn bão mạnh nhất trong 20 năm gần đây và đã gây thiệt hại hết sức nghiêm trọng về người và tài sản tại các địa phương trong khu vực. Với thời gian lưu bão kéo dài (6 tiếng), tâm bão số 9 tại Quảng Ngãi có sức gió cấp 11 - 12 giật cấp 14-15; đồng thời gây mưa lớn bình quân từ 600-800mm tại các tỉnh Nghệ An – Hà Tĩnh, từ 200 - 400mm tại các tỉnh Quảng Bình – Bình Định; cá biệt một số điểm tại Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Ngãi mưa rất lớn như: Thạch Xuân (Hà Tĩnh) 857mm, Thanh Hương (Nghệ An) 730mm...

Bão số 9 vừa đi qua thì từ ngày 2/11, bão số 10 đã đi vào biển Đông. Dự báo đêm ngày 4, rạng sáng ngày 5/11, bão đổ bộ khu vực Đà Năng – Phú Yên, với sức gió cấp 9, giật cấp 12. Điều đó cho thấy, BĐKH khiến thiên tai ngày càng gia tăng và khốc liệt hơn.

Để sẵn sàng ứng phó với thiên tai, ngày 15/5/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến về công tác PCTT và tìm kiếm cứu nạn năm 2020 để quán triệt, chỉ đạo các giải pháp công tác PCTT các tháng còn lại cho hơn 20.000 cán bộ chủ chốt làm công tác PCTT các cấp. Trước đó, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT cũng đã ban hành Chỉ thị số 36/CT-TWPCTT ngày 16/4/2020 về việc tăng cường công tác PCTT năm 2020. Phân công phụ trách địa bàn và tổ chức các đoàn công tác của thành viên Ban Chỉ đạo kiểm tra công tác PCTT tại các địa phương trước mùa mưa lũ.

Đồng thời, ban hành hướng dẫn và chỉ đạo các địa phương rà soát, chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện để sẵn sàng ứng phó với các tình huống thiên tai xảy ra, đặc biệt là lũ quét, sạt lở đất. Cùng với đó, xây dựng, tăng cường các trạm đo mưa tự động, trạm cảnh báo lũ quét. Nghiên cứu đề xuất xây dựng thí điểm công trình phòng, chống lũ bùn đá cho một số tỉnh miền núi. Phối hợp với các cơ quan truyền thông chuyển tải các thông tin dự báo, cảnh báo kịp thời về tình hình thiên tai, thiệt hại và hướng dẫn kỹ năng ứng phó, phòng tránh nhằm giảm thiểu thiệt hại khi thiên tai xảy ra.

Ban Chỉ đạo cũng xây dựng các tài liệu PCTT, đặc biệt là hình thái lũ quét, sạt lở đất, để tuyên truyền, hướng dẫn cho cộng đồng bằng nhiều hình thức phong phú. Các tài liệu hướng dẫn PCTT hiện đã được Ban Chỉ đạo xây dựng thành phim, chuyển tải qua các ca khúc dân ca lời mới; được chuyển tải trên các ứng dụng Zalo, Facebook, trang tin điện tử,…

Đặc biệt, khi cơn bão số 9 vào đến biển Đông, 9h sáng ngày 26/10, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 1470/CĐ-TTg và trực tiếp họp trực tuyến để triển khai công tác ứng phó với các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa. Đồng thời, Chính phủ đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo tiền phương do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng làm Trưởng ban và Sở chỉ huy tiền phương đặt tại Đà Nẵng, để trực tiếp chỉ đạo; Các địa phương thành lập Ban chỉ huy tiền phương huy động lực lượng vũ trang, ứng trực 24/24.

Ngay sau khi quyết định thành lập, Ban chỉ đạo tiền phương đã khẩn trương cơ động vào vùng trung tâm ảnh hưởng bão; phối hợp với Ban chỉ huy các tỉnh trọng điểm, lực lượng Quân khu 5, lực lượng công an, trực tiếp kiểm tra các mặt công tác ứng phó với cơn bão. Ban chỉ đạo tiền phương đã liên tục có các cuộc họp đôn đốc triển khai đến tất cả các tỉnh, đặc biệt là kiểm tra trực tiếp tại 4 tỉnh trọng điểm Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định. Thủ tướng Chính phủ thường xuyên chỉ đạo và động viên các lực lượng trực tiếp ứng phó tại hiện trường.

Để đối phó với bão số 9, công tác thông tin, truyền thông và dự báo được tăng cường. Ngay sau khi cơn bão vào tới Biển Đông, Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia đã phát lệnh “Cơn bão khẩn cấp” liên tục dự báo, cảnh báo 02 giờ/lần trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng; đồng thời nâng cấp độ rủi do thiên tai cấp độ 4; nhắn tin khẩn cấp 73 triệu lượt tin nhắn tới thuê bao trong vùng ảnh hưởng của bão.

Công tác phòng chống thiên tai thời gian qua đã huy động được sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, các lực lượng và người dân. Chính vì vậy đã giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do bão gây ra

Từ đầu năm 2020 đến ngày 1/11, riêng lũ quét, sạt lở đất đã làm chết và mất tích 129 người. Tại thời điểm này, cùng với việc chuẩn bị đón bão số 10, trên biển lại đang diễn ra những hình thái thời tiết phức tạp, khu vực miền Trung sau nhiều ngày chìm trong mưa lũ, đất ở hầu hết các nơi đã bão hòa nước thì bất cứ chỗ nào cũng có nguy cơ sạt lở cao.

Đối với công tác PCTT, cần lưu ý ở cả 3 giai đoạn: phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả. Trong đó giai đoạn phòng ngừa đặc biệt quan trọng, ở cấp trung ương cần xây dựng đề án tổng thể về PCTT, đặc biệt là lũ quét, sạt lở đất; chỉ đạo, hướng dẫn các tỉnh miền núi lập các phương án ứng phó với lũ quét, sạt lở đất phù hợp với yêu cầu thực tiễn, bao gồm: phương án sơ tán dân, phương án chuẩn bị nhân lực, vật tư phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm,…; tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho lực lượng làm công tác phòng chống thiên tai ở cấp huyện, xã; tập huấn nâng cao nhận thức cho người dân và cộng đồng; diễn tập theo phương án được phê duyệt.

Quan trọng nhất là, phải gấp rút hoàn thiện Đề án “Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam” theo Quyết định 351/QĐ-TTg ngày 27/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Đề án đặt ra thời hạn đến năm 2020 là xây dựng được bản đồ cho 37 tỉnh thành phố có nguy cơ trượt lở cao, nhưng đến nay mới chỉ xây dựng được cho 15 tỉnh, thành phố. Đề án cũng chỉ mới xây dựng được bản đồ tỷ lệ 1/50.000. Với tỷ lệ này thì trên bản đồ, địa bàn một xã chỉ là một chấm nhỏ; không thể xác định được điểm có nguy cơ trượt lở, cũng như các đối tượng bị tác động để phục vụ công tác chỉ đạo ứng phó.

Cùng với đó, tổ chức kiểm tra, rà soát, xác định và cắm biển cảnh báo khu vực nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đến từng thôn, bản, hộ dân, công trình công cộng (nhất là trường học, cơ sở y tế), tuyến đường giao thông, khu sản xuất để chủ động di dời bảo đảm an toàn hoặc sẵn sàng phương án sơ tán dân khi xảy ra mưa lũ lớn.

Về lâu dài, chúng ta phải di dời, tái định cư cho các hộ dân đang sinh sống trong những khu vực có nguy cơ trượt lở đã được cảnh báo. Để thực hiện điều này thì cần nguồn lực rất lớn; do đó, trong kế hoạch đầu tư trung hạn 2021 - 2025 và kế hoạch ngân sách hằng năm cần ưu tiên bố trí vốn cho công tác này. Đồng thời, việc tái định cư phải được làm bài bản, trên cơ sở nghiên cứu khoa học kỹ lưỡng và ý kiến góp ý của người dân.

Như việc tái định cư cho người dân bản Sa Ná, xã Na Mèo (Quan Sơn, Thanh Hóa); sau trận lũ quét ngày 3/7/2019, cả bản gần như bị san phẳng. Để ổn định cuộc sống cho người dân, một bản tái định cư được lập lên ở nơi cao ráo, các gia đình được bố trí đất canh tác. Mô hình tái thiết tại Sa Ná đang được Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT nghiên cứu nhân rộng ra toàn quốc để giảm thiểu thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất.

Khi thiên tai xảy ra, các cấp, các ngành, chính quyền các địa phương phải kịp thời có thực hiện những giải pháp ứng phó để giảm thiểu thiệt hại. Triển khai các giải pháp cấp bách tiêu thoát nước, giảm tải để giảm nguy cơ sạt trượt, đảm bảo an toàn cho công trình và khu vực dân cư trong mùa mưa lũ. Cần phát huy hiệu quả của lực lượng xung kích PCTT cấp xã để chủ động ứng phó tại chỗ ngay từ giờ đầu khi xảy ra thiên tai, đặc biệt là trong trường hợp chi viện từ bên ngoài chưa tiếp cận được hiện trường.

Cũng cần lưu ý là, khi xảy ra thiên tai, các địa phương cần phát huy tốt phương châm “4 tại chỗ” để ứng cứu kịp thời. Đặc biệt, đối với những điểm có nguy cơ cao xảy ra trượt lở đất, chính quyền các địa phương phải ngăn chặn những hoạt động xây dựng các công trình hạ tầng có nguy cơ làm gia tăng sạt lở; nếu bắt buộc phải thực hiện công trình thì phải có giải pháp bảo vệ được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Khi xảy ra mưa lũ, tuyệt đối không để lực lượng công nhân, lao động làm việc ở những công trình có nguy cơ sạt lở cao. Sự việc sạt lở đất ở công trình thủy điện Rào Trăng 3 là một bài học rất đau lòng.

Sau thiên tai, các địa phương phải tích cực, chủ động đánh giá thiệt hại, xác định trúng nhu cầu cứu trợ, hỗ trợ; đẩy nhanh công tác tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả, đồng thời thực hiện chính sách an sinh xã hội để ổn định tâm lý, đời sống của người dân. Các địa phương phải có kế hoạch và triển khai kịp thời khắc phục hậu quả, phục hồi sản xuất, bảo đảm cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu, quản lý giá, bình ổn thị trường; đẩy nhanh công tác vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh ở khu vực bị lũ quét, sạt lở đất.

Trong những đợt mưa lũ vừa qua ở miền Trung cũng như những đợt thiên tai khác, cùng với việc triển khai ngay các chính sách an sinh xã hội, lãnh đạo Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT thường xuyên có mặt tại hiện trường trong và sau thiên tai để chỉ đạo hoạt động ứng phó; đồng thời quan tâm chỉ đạo bố trí các nguồn lực cho công tác khắc phục hậu quả.

MỸ LINH

/7-luu-y-cho-doanh-nghiep-khi-bo-tri-lam-them-gio-tu-nam-2021.html