Ảnh minh họa.
Theo quy định của BLLĐ năm 2019 về tranh chấp lao động thì: “Tranh chấp lao động là tranh chấp về quyền và nghĩa vụ, lợi ích phát sinh giữa các bên trong quá trình xác lập, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ lao động; tranh chấp giữa các tổ chức đại diện người lao động với nhau; tranh chấp phát sinh từ quan hệ có liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động”[1]. Và trong đó có phân chia tranh chấp lao động thành 02 loại là tranh chấp lao động cá nhân và tranh chấp lao động tập thể, từ đó có những quy định về chủ thể có thẩm quyền giải quyết tranh chấp, trình tự, thủ tục giải quyết đối với hai loại tranh chấp này. Như vậy, các tranh chấp lao động cá nhân trong quan hệ lao động có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam giữa NLĐNN và NSDLĐ sẽ áp dụng như sau:
1. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân trong quan hệ lao động có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam
Việc giải quyết các tranh chấp lao động cá nhân trong quan hệ lao động (QHLĐ) có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam được tiến hành bởi hòa giải viên lao động và Tòa án nhân dân.
a) Hòa giải viên lao động
Hòa giải viên lao động là chủ thể có thẩm quyền giải quyết tranh chấp do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm để hòa giải tranh chấp lao động, tranh chấp về hợp đồng đào tạo nghề; hỗ trợ phát triển quan hệ lao động (Điều 184 BLLĐ năm 2019). Đây là điểm mới của BLLĐ năm 2019 so với BLLĐ năm 2012 khi thẩm quyền bổ nhiệm hòa giải viên lao động thuộc về Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chứ không phải do “sự đề cử của cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện”[2]. Như vậy, hòa giải viên lao động Việt Nam chỉ có ở cấp tỉnh mà không có hòa giải viên lao động cấp quốc gia.
Để trở thành hòa giải viên lao động, cá nhân phải đáp ứng đầy đủ 04 điều kiện về kinh nghiệm, năng lực chuyên môn…theo quy định tại Nghị định số 145/2020/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều BLLĐ về điều kiện lao động và quan hệ lao động.
b) Tòa án nhân dân
Tranh chấp trong QHLĐ cá nhân có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam thuộc trường hợp tranh chấp lao động có yếu tố nước ngoài nên thẩm quyền của Tòa án được xác định theo 02 bước:
Bước 1: Xác định thẩm quyền chung của Tòa án Việt Nam đối với tranh chấp lao động đó theo quy định tại Chương XXXVIII Bộ luật Tố tụng dân sự.
Bước 2: Xác định thẩm quyền của Tòa án cụ thể theo quy định tại khoản 2 Điều 469 và Chương 3 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
Thứ nhất, thẩm quyền chung của Tòa án Việt Nam đối với các tranh chấp quan hệ lao động có yếu tố nước ngoài được xác định như sau:
- Bị đơn là cá nhân cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài tại Việt Nam. Bị đơn trong tranh chấp về QHLĐ có yếu tố nước ngoài là người nước ngoài hoặc NSDLĐ của họ. Trường hợp này chỉ áp dụng đối NSDLĐ là cá nhân cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài tại Việt Nam. Trường hợp NSDLĐ là pháp nhân Việt Nam hoặc pháp nhân nước ngoài có hiện diện thương mại tại Việt Nam được áp dụng theo trường hợp thứ hai.
- Bị đơn là cơ quan tổ chức có trụ sở tại Việt Nam hoặc bị đơn là cơ quan, tổ chức có chi nhánh văn phòng đại diện tại Việt Nam đối với các vụ việc liên quan đến hoạt động của văn phòng chi nhánh đó tại Việt Nam. Bị đơn trong trường hợp này chỉ có thể là NSDLĐ của NLĐNN.
- Vụ việc về quan hệ dân sự mà xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó xảy ra ở Việt Nam hoặc công việc được thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam. Tòa án Việt Nam sẽ có thẩm quyền giải quyết đối với các tranh chấp trong QHLĐ của NLĐNN mà quan hệ đó được thiết lập, thực hiện, thay đổi chấm dứt tại lãnh thổ Việt Nam.
- Vụ việc về quan hệ dân sự mà việc xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó xảy ra ở ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng có liên quan đến quyền, nghĩa vụ cơ quan tổ chức, các nhân Việt Nam hoặc có trụ sở, nơi cư trú tại Việt Nam. Đây là trường hợp Hợp đồng lao động (HĐLĐ) của NLĐNN được ký kết và sẽ được thanh lý ở nước ngoài nhưng NLĐNN được cử đến Việt Nam để làm việc trong diện di chuyển nội bộ trong doanh nghiệp.
Thứ hai, thẩm quyền cụ thể của Tòa án khi giải quyết tranh chấp quan hệ lao động có yếu tố nước ngoài sẽ áp dụng theo thủ tục thông thường.
- Thẩm quyền của Tòa án theo vụ việc: Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động đối với tranh chấp phát sinh giữa NLĐNN và NSDLĐ bao gồm các trường hợp sau:
Tranh chấp lao động cá nhân giữa NLĐ và NSDLĐ mà Hòa giải viên lao động hòa giải thành công nhưng các bên không thực hiện hoặc thực hiện không đúng hoặc hòa giải không thành, không tiến hành hòa giải trong thời hạn do pháp luật quy định, trừ các trường hợp tranh chấp không nhất thiết phải qua Hòa giải tại cơ sở như: Tranh chấp về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc về trường hợp bị đơn phương chấm dứt HĐLĐ, tranh chấp về bồi thường thiệt hại giữa NLĐ và NSDLĐ, về trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng là động, tranh chấp giữa NLĐ là người giúp việc gia đình với NSDLĐ.
- Thẩm quyền của Tòa án theo các cấp: Tòa án nhân dân tỉnh có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động giữa NLĐNN và NSDLĐ giải quyết (Điều 37 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015). Đối với tranh chấp lao động giữa NLĐNN và NSDLĐ Việt Nam có thể tiến hành các thủ tục như: Tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu liên quan, triệu tập người làm chứng, người giám định, thu thập, cung cấp chứng cứ hoặc yêu cầu khác (Luật Tương trợ tư pháp 2007). Hiện nay Việt Nam đã ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp với một số nước như An-giê-ri, Trung Quốc, Cuba, Bê-la-rút, Liên bang Nga,… nên vấn đề ủy thác tư pháp liên quan đến vụ án lao động sẽ áp dụng các hiệp định trên, trường hợp có yêu cầu ủy thác tư pháp giữa Việt Nam mà nước ngoài chưa có Hiệp định về tương trợ tư pháp thì hoạt động ủy thác tư pháp sẽ được thực hiện trên nguyên tắc có đi có lại nhưng không trái pháp luật Việt Nam, phù hợp với pháp luật và tập quán quốc tế (Khoản 2 điều 4 Luật Tương trợ tư pháp 2007).
- Thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ sẽ được xác định theo Điều 39 và Điều 40 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
2. Trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp lao động cá nhân trong quan hệ lao động có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam
Đối với tranh chấp lao động cá nhân thì trình tự giải quyết tranh chấp lao động của người lao động nước ngoài bao gồm các thủ tục sau:
a) Thương lượng
Quan hệ lao động là một phần của quan hệ dân sự, trong đó khi các bên xảy ra tranh chấp sẽ ưu tiên thương lượng để các bên có thể tự giải quyết với nhau, tuy nhiên thương lượng không phải là phương thức giải quyết tranh chấp lao động bắt buộc. Nếu thương lượng không thành, các bên có thể để đưa vụ việc đến chủ thể có thẩm quyền khác như hòa giải viên lao động (đối với trường hợp bắt buộc phải thông qua thủ tục hòa giải trước khi giải quyết tại Tòa án) hoặc Tòa án giải quyết (với những vụ việc không bắt buộc thông qua thủ tục hòa giải).
b) Hòa giải tranh chấp lao động cá nhân tại Hòa giải viên lao động
Trường hợp các bên từ chối thương lượng hoặc thương lượng không thành thì các bên có thể yêu cầu hòa giải do hòa giải viên lao động tiến hành. Thời hạn để yêu cầu hòa giải viên lao động giải quyết là 06 tháng kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm (Khoản 1 điều 190 BLLĐ năm 2019). Ngoài ra, quy định trong Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 sự về việc cho thi hành các văn bản hòa giải thành ngoài Tòa án là cơ sở pháp lý nhằm tạo thuận lợi cho phương thức hòa giải tranh chấp lao động trên thực tế.
Thủ tục giải quyết tranh chấp lao động tại hòa giải viên lao động gồm các bước như sau:
- Nộp đơn yêu cầu hòa giải và lựa chọn hòa giải viên.
- Chuẩn bị buổi hòa giải và tiến hành hòa giải. Vấn đề này pháp luật giao cho Hòa giải viên hoàn toàn chủ động nhưng có quy định một số yêu cầu khi tiến hành buổi hòa giải như đảm bảo sự có mặt của các bên tranh chấp, các bên tranh chấp tự thương lượng giải quyết tranh chấp của mình, Hòa giải viên phải đưa ra phương án hòa giải…
Trong trường hợp hòa giải không thành hoặc một trong hai bên không thực hiện các thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành hoặc hết thời hạn 05 ngày làm việc mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải thì mỗi bên tranh chấp có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.
c) Giải quyết tranh chấp lao động cá nhân tại Tòa án nhân dân
Giải quyết tranh chấp lao động cá nhân theo thủ tục sơ thẩm
Khởi kiện và thụ lý vụ án lao động: khi xảy ra tranh chấp, một bên có quyền nộp đơn khởi kiện và các tài liệu chứng cứ đến Tòa án thông qua hình thức trực tiếp hoặc đường bưu điện hoặc gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua cổng thông tin điện tử của Tòa án để yêu cầu Tòa án giải quyết (Điều 189, Điều 190 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015). Sau khi nhận được đơn khởi kiện, Tòa án sẽ thực hiện các công việc cụ thể như: Kiểm tra quyền khởi kiện, xem xét về thời hiệu, xem xét về thẩm quyền, xem xét vụ án có thuộc trường hợp phải trả lại đơn khởi kiện hay không, xem xét về án phí (nếu có), nếu thỏa mãn đầy đủ điều kiện thì Thì Tòa án ra quyết định thụ lý vụ án. Lúc này, Tòa án có thẩm quyền và trách nhiệm trong việc giải quyết vụ án tranh chấp lao động.
Chuẩn bị xét xử và hòa giải: Sau khi Tòa án thụ lý vụ án sẽ tiến hành chuẩn bị xét xử và hòa giải đối với các bên. Thời hạn chuẩn bị xét xử vụ án lao động là 02 tháng và được kéo dài thêm thời hạn là 01 tháng đối với vụ án lao động phức tạp hoặc do trở ngại khách quan. Trong giai đoạn này Tòa án tiến hành thực hiện các công việc cụ thể như: Lập hồ sơ vụ án, xác định tư cách đương sự, người tham gia tố tụng, xác minh, thu thập chứng cứ, áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, hòa giải. Nếu hòa giải thành thì Tòa án lập biên bản hòa giải thành và sau 7 ngày hai bên không thay đổi ý kiến thì Tòa án ra Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự (khoản 1 Điều 212 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015).
Phiên tòa lao động sơ thẩm: Trong quá trình chuẩn bị xét xử, nếu các bên không thỏa thuận được và vụ án không thuộc các trường hợp đình chỉ, tạm đình chỉ thì Tòa án sẽ mở phiên tòa sơ thẩm để xét xử giải quyết tranh chấp. Bản án sơ thẩm là kết quả của quá trình xét xử sơ thẩm vụ án lao động, Tuy nhiên nó chưa có hiệu lực ngay mà có thể bị kháng cao kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.
Giải quyết tranh chấp lao động cá nhân tại Tòa án phúc thẩm
Thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm vụ án lao động là 02 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án, Hòa giải không phải là thủ tục bắt buộc đối với giai đoạn phúc thẩm. Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đã quy định khá cụ thể về trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp lao động cá nhân ăn theo thủ tục phúc thẩm Tại chương XV đến chương XVII.
Thủ tục xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm
Để bảo đảm việc xét xử của Tòa án là đúng pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích của các bên thi những bản án quyết định của Tòa án dù đã có hiệu lực pháp luật vẫn có thể bị xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm và tái thẩm.
[1] Điều 179 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định về Tranh chấp hợp đồng. [2] Điều 198 Bộ luật Lao động năm 2012. |
HOÀNG THÙY LINH
Tòa án quân sự Quân khu 7
Đề xuất trình tự, thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước