Gian lận thi cử Hòa Bình: Cần nhìn nhận, xem xét lại tư cách giáo dục một cách đứng đắn

15/05/2020 16:10 | 3 năm trước

(LSO) - Vụ xét xử gian lận thi cử năm 2018 tại Hòa Bình vừa qua đã gây nên một làn sóng tranh cãi dữ dội trong dư luận, có nên hay không nên xử lý pháp luật với những người đã trực tiếp nâng điểm cho các em học sinh, cùng lời giải thích nâng điểm vì “tình thương” cho các em có thật sự hợp lý, đâu là quy chuẩn cho tư cách của một người làm giáo dục?!

Nể nang và ép buộc, chấm “nới tay” vì tình thương học trò.

Nể nang và ép buộc, chấm “nới tay” vì tình thương học trò

Tại phiên điều trần xét xử ngày 13/5, đứng trước HĐXX, bị cáo Bùi Thanh Trà cúi mặt, ăn năn về hành vi của mình. Được biết, bà Trà là giáo viên kiêm tổ trưởng chấm thi môn Ngữ văn, là người có 18 năm làm trong ngành giáo dục và đạt được nhiều thành tích như giáo viên giỏi cấp tỉnh, chiến sĩ thi đua cơ sở, cô giáo duyên dáng tài năng cấp tỉnh.

Khi được xét hỏi, bà Trà đã khai trong kỳ thi THPT 2018, đã nhận từ Diệp Thị Hồng Liên (cựu trưởng phòng khảo thí) tờ danh sách có mã phách, số túi, điểm cần nâng và chuyển lại cho các cán bộ chấm thi.

Bà Trà cho rằng bà không có chức vụ, quyền hạn trong phòng chấm thi mà chỉ làm theo sự chỉ đạo của bà Liên, người phụ trách chung chấm thi tự luận. Trong lời khai của bà Trà, bà nhận định học sinh trên địa bàn tỉnh Hòa Bình học lực rất yếu nên đã chấm 'nới tay', việc này không hề có động cơ vụ lợi mà chỉ xuất phát từ tình thương học trò.

Tuy nhiên, bị cáo Liên lại khai rằng đã đề nghị các giám khảo chấm "có lợi cho học sinh của tỉnh mình" chứ không hề ép buộc cấp dưới chấm theo yêu cầu.

"Về chuyên môn, chấm thế nào do các giáo viên. Tôi không có chỉ đạo với bất kỳ trường hợp nâng điểm nào cụ thể. Cáo trạng nêu tôi có động cơ vụ lợi cá nhân nhưng động cơ của tôi là do nể nang", Bà Liên nói

Cũng một phiên điều trần xét xử về gian lận thi cử tại Hòa Bình, ngày 15/5, bị cáo Nguyễn Thị Thu Loan (tổ trưởng tổ chấm thi tự luận số 1) đã bị VKS đề nghị tuyên phạt từ hai năm đến hai năm sáu tháng tù về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ.

Đứng trước HĐXX, bà Loan khóc nức nở và nói không hề có ý định đưa ra những lý lẽ sắc bén để tự bào chữa cho mình mà chỉ muốn nói lời chân thành, thật lòng để mong HĐXX có thể xem xét giảm nhẹ hình phạt.

Được biết, bà Loan là tổ trưởng chấm thi tự luận môn Ngữ văn. Nữ giáo viên nghĩ đã hoàn thành nhiệm vụ cho đến khi nhận được yêu cầu từ “chấm lệch điểm” cho một số thí sinh từ bị cáo Diệp Thị Hồng Liên.

Loan đã chấm điểm lệch lên so với thang đáp án của Bộ Giáo dục và đào tạo với suy nghĩ chỉ làm những việc “có lợi” cho học sinh, không gây hại cho học sinh thì làm.

Theo bị cáo Loan, nguyên nhân lớn nhất dẫn đến sai lầm này là do bi cáo “nể nang đồng nghiệp, để tình cảm lấn át lý trí”.

Cùng trong phiên điều trần, bị cáo Nguyễn Thị Hồng Chung (giáo viên trường THPT Ngô Quyền) cũng bật khóc nức nở khi trình bày bào chữa. Chung mong HĐXX xem xét vì “bị cáo phạm tội trong tình thế bị ép buộc. Bản thân cũng không được hưởng lợi ích gì về vật chất mà chỉ thực hiện trong tình huống khó có thể từ chối, bị cấp trên ép buộc”.

Tranh tụng với VKS, nữ giáo viên này nói lời cảm ơn vì được đề nghị mức phạt thấp hơn khung hình phạt truy tố.

Chung cho hay đã nhiều năm công tác trong ngành giáo dục, có nhiều thành tích xuất sắc nên rất mong tòa án xem xét giảm án để sớm trở về chăm hai con nhỏ đang gửi bà ngoại gần 70 tuổi.

Tư cách giáo dục của một người làm giáo dục ở đâu?

Xã hội lên tiếng, chỉ trích, bác bỏ, nói rằng việc chấm thi “nới tay” cho học sinh là một hành động đi ngược lại với tôn chỉ mục đích của ngành giáo dục.

Dù cho, trên thực tiễn, những người làm giáo dục này phải là những người có tư cách, trách nhiệm làm tròn nghĩa vụ giảng dạy, giáo dục một cách ngay thẳng, trong sạch và liêm chính.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nói “Nghề giáo là một nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”. Phải, nghề giáo là một nghề cao quý nhưng cũng là một nghề khó.

Khó ở chỗ nhà giáo phải chịu sức ép của truyền thống coi trọng giáo dục, coi trọng người làm giáo dục của dân tộc, khó ở chỗ nhà giáo phải là người mô phạm, chuẩn mực, phải giữ gìn đạo đức và phải làm gương cho học trò.

Kết quả của dạy học không phải chỉ ở bảng điểm đẹp mà phải được đánh giá từ mục đích của giáo dục. Đó là nhằm hình thành, phát triển ở người học kiến thức, kỹ năng và thái độ đáp ứng nhu cầu cuả cuộc sống và lao động.

Các kiến thức, kỹ năng, thái độ này được hình thành dần dần. Kể cả khi kết thúc việc học rồi thì việc “chuyển hoá” vào cuộc sống cũng có một độ “trễ” nhất định. Vì lợi ích trăm năm trồng người là như vậy.

Trong khuyến nghị của UNESCO về vị thế của nhà giáo có đoạn viết “Dạy học phải được tôn trọng như là một nghề nghiệp. Đây là một dạng dịch vụ công đòi hỏi người thầy phải chuyên về một kiến thức và kỹ năng chuyên môn, đạt được và tính luỹ qua nghiên cứu không ngừng và nghiêm túc; nó cũng đòi hỏi một năng khiếu cá nhân và trách nhiệm tập thể đối với giáo dục và bổn phận của học sinh”.

Nhà giáo là một nhóm xã hội đặc biệt bởi sự đông đảo và vai trò quan trọng đối với xã hội vì vậy pháp luật về nhà giáo phải thể hiện rõ trách nhiệm của nhà nước đối với việc xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu phát triển sự nghiệp giáo dục.

Tuy nhiên, sự việc tại Hòa Bình vừa qua, đã làm mất đi niềm tin của giáo dục, việc nâng điểm bởi “tình thương” hay vì nể nang và ép buộc có thật sự đó là lý do nâng điểm để đánh đổi cho cả một thế hệ học trò.

Sau khi xảy ra sự việc, ba trường khối công an cùng nhiều đại học đã xóa tên khoảng 60 sinh viên đến từ 2 tỉnh gian lận điểm là Hòa Bình và Sơn La với lý do là những em này có điểm chấm thẩm định (chấm lại khi có nghi vấn) thấp hơn điểm trúng tuyển vào trường và vi phạm cam kết của trường. Dù bị hạ điểm, 8 sinh viên khác được học tiếp do điểm chấm thẩm định đủ trúng tuyển.

Nâng điểm cho các em vì “tình thương” nhưng lại dẫn các em đến những con đường cụt, tư cách giáo dục ở một bộ phận giáo viên có cần nên được xem xét và khẳng định lại trong nền giáo dục vẫn còn non trẻ của Việt Nam?

LÂM HOÀNG

/vu-gian-lan-thi-cu-o-hoa-binh-bi-cao-cho-rang-minh-vi-pham-do-bi-cap-tren-ep-buoc.html