iên đoàn Luật sư Việt Nam đóng góp ý kiến về việc hoàn thiện pháp luật: Góp ý các quy định pháp luật về phê duyệt, triển khai, tổ chức thực hiện, chấm dứt dự án thầu

12/06/2020 16:00 | 3 năm trước

(LSO) – Ngày 06/4/2020 Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhận được Công văn số 1202/TCT ngày 01/4/2020 của Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật đề nghị thông tin, phản ánh những vướng mắc, hạn chế, của quy định pháp luật trong một số lĩnh vực gây khó khăn, kìm hãm phát triển sản xuất, kinh doanh, kinh tế – xã hội và đề xuất hướng hoàn thiện.

Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã tổng hợp thông tin, phản ánh của các luật sư, các Đoàn Luật sư về những vướng mắc, hạn chế, mâu thuẫn, chồng chéo, không phù hợp với thực tiễn của các quy định pháp luật trong một số lĩnh vực được yêu cầu.

Ngày 28/4/2020, Liên đoàn Luật sư Việt Nam có văn bản số 108/LĐLSVN, về việc thông tin, phản ánh những vướng mắc, hạn chế, của quy định pháp luật trong một số lĩnh vực gây khó khăn, kìm hãm phát triển sản xuất, kinh doanh, kinh tế – xã hội. Văn bản gửi Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật.

Luật sư Việt Nam Online xin giới thiệu đến bạn đọc loạt bài tổng hợp thông tin, phản ánh của các luật sư, các Đoàn Luật sư về các vấn đề trên.

Sau đây là góp ý các quy định pháp luật về phê duyệt, triển khai, tổ chức thực hiện, chấm dứt dự án thầu.

Ảnh minh họa.

1. Vướng mắc số 01: Thủ tục đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế theo quy định của Luật Đầu tư năm 2014.

Quy định pháp luật hiện hành: Khoản 1 Điều 26 Luật Đầu tư năm 2014 quy định:

“1. Nhà đầu tư thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế trong các trường hợp sau đây:

a) Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài;

b) Việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp dẫn đến nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế quy định tại khoản 1 Điều 23 của Luật này nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên của tổ chức kinh tế”.

Tình huống thực tế: Công ty TNHH hai thành viên ABC, D và E là thành viên góp vốn nắm giữ tỷ lệ phần vốn góp tương ứng là 70%, 30%. Công Ty TNHH ABC có các ngành nghề kinh doanh theo hệ thống ngành nghề kinh tế Việt Nam gồm: 

(i) Sản xuất bột giấy, giấy và bìa (Chi tiết: Sản xuất thùng bìa carton);

(ii) Hoạt động tư vấn quản lý (Chi tiết: Tư vấn quản lý);

(iii) Bán buôn thực phẩm.

Nay E có nhu cầu chuyển nhượng 15% vốn góp của mình cho nhà đầu tư nước ngoài X. Như vậy, tỷ lệ vốn góp sau khi thay đổi sẽ là D (70%), E (15%) và X (15%). 

Khi Công ty ABC nộp hồ sơ thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp tại Phòng đăng ký kinh doanh thì nhận được thông báo yêu cầu sửa đổi, hồ sơ với lý do: Yêu cầu Nhà đầu tư liên hệ cơ quan đăng ký đầu tư để thực hiện thủ tục theo quy định của pháp luật. 

Theo ý kiến của chúng tôi, trong trường hợp này (i) doanh nghiệp không kinh doanh các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và (ii) tỉ lệ nắm giữ phần vốn góp dưới 51%, do đó Nhà đầu tư X không thuộc trường hợp phải thực hiện thủ tục đăng ký mua phần vốn góp quy định tại Điều 26 của Luật Đầu tư năm 2014. 

Tuy nhiên, một tình huống tương tự khi chúng tôi thực hiện thủ tục cho khách hàng tại địa phương khác thì Phòng Đăng ký kinh doanh không yêu cầu Nhà đầu tư phải thực hiện thủ tục đăng ký mua phần vốn góp. Điều này cho thấy sự không thống nhất trong cách hiểu và áp dụng pháp luật. 

Đề xuất: Chúng tôi cho rằng, cần sớm có văn bản hướng dẫn về vấn đề này để đảm bảo thống nhất cách áp dụng pháp luật trên phạm vi cả nước và bảo đảm quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm và tinh thần mở cửa thị trường thu hút đầu tư nước ngoài.

2. Vướng mắc số 02: Việc bổ sung ngành nghề kinh doanh có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.

Tình huống thực tế: Công ty TNHH hai thành viên trở lên A (“Công ty A”) có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ 30% vốn điều lệ không hoạt động theo Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (do Nhà đầu tư thực hiện theo thủ tục đăng ký mua phần vốn góp vào tổ chức kinh tế). Hiện nay Công ty A có nhu cầu bổ sung ngành nghề Hoạt động dịch vụ chăn nuôi (Mã ngành 0162 theo Quyết định số 27/QĐ- TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 06 tháng 7 năm 2018 về Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam). Theo quy định tại Biểu cam kết cụ thể về thương mại dịch vụ của Việt Nam khi gia nhập WTO (sau đây gọi là “Biểu cam kết WTO”) thì ngành nghề hoạt động dịch vụ chăn nuôi là ngành nghề kinh doanh có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài, cụ thể là nhà đầu tư nước ngoài chỉ được sở hữu không quá 51% vốn pháp định của liên doanh. 

Khi Công ty A nộp Hồ sơ bổ sung ngành nghề kinh doanh tại Phòng đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và Đầu tư thì nhận được thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ với lý do: “Ngành nghề kinh doanh bổ sung của doanh nghiệp mã 0162 theo quy định tại Khoản 6 Điều 2 Nghị định 118/2015/NĐ-CP thì Điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài là điều kiện nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng khi thực hiện hoạt động đầu tư trong những ngành, nghề đầu tư có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định tại các luật, pháp lệnh, nghị định, điều ước quốc tế về đầu tư. Điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài được áp dụng đối với hoạt động đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài trong trường hợp sửa đổi, bổ sung ngành nghề kinh doanh. Đề nghị doanh nghiệp liên hệ với cơ quan đăng ký đầu tư để được xem xét về việc đáp ứng điều kiện theo quy định".

Tuy nhiên, Công ty A là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhưngkhông hoạt động theo Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; Luật Đầu tư hiện hành và các văn bản hướng dẫn thi hành không có quy định về trình tự, thủ tục trong trường hợp này. Vậy, việc sửa đổi, bổ sung ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thực hiện theo trình tự, thủ tục nào? 

Đề xuất: Cần sớm có văn bản hướng dẫn về vấn đề này để đảm bảo thống nhất cách áp dụng pháp luật trên phạm vi cả nước và bảo đảm quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm và tinh thần mở cửa thị trường thu hút đầu tư nước ngoài.

3. Vướng mắc số 03: Điều kiện đối với Nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài trong kinh doanh hoạt động thể thao.

Tình huống thực tế: Công ty TNHH một thành viên A là tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (100% vốn góp từ nhà đầu tư Mỹ). Nay, công ty A và cá nhân B (quốc tịch Việt Nam) dự định góp vốn thành lập Công Ty X thực hiện hoạt động của các cơ sở thể thao (hoạt động của bể bơi) tại Hà Nội. Tỷ lệ góp vốn của A và B lần lượt là 60% và 40%. Theo quy định tại Điều 23 Luật Đầu tư 2014 thì trường hợp này phải xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư do Nhà đầu tư nước ngoài A nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên trong Công ty X. 

Đối chiếu quy định của pháp luật Việt Nam, cụ thể tại Nghị định số 36/2019/NĐ-CP, quy định chi tiết một số điều của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao thì hoạt động kinh doanh bể bơi nêu trên là ngành nghề kinh doanh có điều kiện do Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch quản lý. Tuy nhiên, khi các Nhà đầu tư nêu trên nộp hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án thì Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội trả lời bằng văn bản rằng: “Dự án của các Nhà đầu tư phải xin ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ quản lý ngành để xem xét, quyết định căn cứ điểm đ khoản 2 Điều 10 Nghị định 118/2015/NĐ-CP, hướng dẫn Luật Đầu tư”

Điều 2 của Nghị định 36/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao quy định: 

“Điều 2. Đối tượng áp dụng 1. Tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động thể dục, thể thao trên lãnh thổ Việt Nam. 

2. Cơ quan quản lý nhà nước về thể dục, thể thao, tổ chức, cá nhân khác có hoạt động liên quan đến thể dục, thể thao.” 

Đối tượng điều chỉnh của Nghị định 36/2019/NĐ-CP có đề cập đến các chủ thể “tổ chức, cá nhân nước ngoài” hoạt động thể dục, thể thao trên lãnh thổ Việt Nam nhưng lại không quy định rõ điều kiện đối với các chủ thể này nên đã dẫn đến tình trạng có những cách hiểu khác nhau. 

Đề xuất: Đề nghị làm rõ Nghị định 36/2019/NĐ-CP có quy định điều kiện đầu tư đối với các đối tượng “tổ chức, cá nhân nước ngoài” hoạt động thể dục, thể thao trên lãnh thổ Việt Nam hay không?

4. Vướng mắc số 04: Cơ quan đăng ký đầu tư ở các địa phương không có sự thống nhất về cách ghi mã số HS trên Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Trước đây, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thành lập trước thời điểm Luật Đầu tư năm 2014 có hiệu lực và thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa thì Giấy chứng nhận đầu tư của doanh nghiệp đó sẽ ghi nhận tất cả những mã HS của các mặt hàng mà doanh nghiệp kinh doanh. Khi phát sinh bổ sung hay loại bỏ bất kỳ mã HS nào thì phải thực hiện thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư.

Khi Luật Đầu tư 2014 và đặc biệt là Nghị định số 09/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Thương mại và Luật Quản lý ngoại thương về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được ban hành và có hiệu lực, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động theo Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã thực hiện thủ tục điều chỉnh mục tiêu dự án trên Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và được cơ quan đăng ký đầu tư ghi nhận: "Thực hiện quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu, quyền phân phối bán buôn (không thành lập cơ sở bán buôn), quyền phân phối bán lẻ (không thành lập cơ sở bán lẻ các hàng hóa theo quy định của pháp luật” nhằm hạn chế phải thực hiện thủ tục nhiều lần mỗi khi phát sinh bổ sung, sửa đổi mã HS.

Tuy nhiên, chỉ có một số cơ quan đăng ký đầu tư chấp thuận cho doanh nghiệp điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo nội dung nêu trên, đơn cử như Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội, Ban quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội. Chúng tôi cho rằng các cơ quan đăng ký đầu tư này đã hiểu đúng tinh thần của Luật Đầu tư năm 2014, Nghị định số 09/2018/NĐ-CP, tôn trọng nguyên tắc nhà đầu tư/doanh nghiệp được quyền thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong các ngành, nghề mà pháp luật không cấm. 

Tuy nhiên, bên cạnh đó, có một số cơ quan đăng ký đầu tư của các tỉnh/thành phố còn có những cách hiểu khác nhau và cách làm không thống nhất như: Hưng Yên, Hải Phòng,... Các cơ quan này vẫn yêu cầu ghi nhận các mã HS của hàng hóa trên Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Điều này dẫn đến tình trạng doanh nghiệp khi có nhu cầu kinh doanh các mặt hàng có mã HS ngoài các mã HS đã được quy định trên Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thì phải thực hiện thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. 

Đề xuất: Chúng tôi đề nghị các cơ quan chuyên môn, các Bộ quản lý chuyên ngành cần có những chỉ đạo và hướng dẫn kịp thời để thống nhất cách hiểu, cách làm của các cơ quan đăng ký đầu tư ở các địa phương nhằm giản tiện thủ tục hành chính cũng như đảm bảo quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp theo đúng tinh thần Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư.

5. Vướng mắc số 05: Việc sáp nhập giữa tổ chức kinh tế 100% vốn Việt Nam và tổ chức kinh tế 100% vốn nước ngoài hoạt động theo Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư có sự chồng chéo về thủ tục hành chính.

Tình huống thực tế: Công ty TNHH hai thành viên A là doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam, có hai thành viên B nắm 50% vốn điều lệ và C nắm 50% vốn điều lệ. Nay, A tiến hành sáp nhập vào Công ty TNHH một thành viên F (do nhà đầu tư nước ngoài là Chủ sở hữu). Theo nguyện vọng của B và C, sau khi A sáp nhập vào F thì B và C không muốn trở thành thành viên góp vốn của F. Đồng thời, F mong muốn tiếp tục duy trì mô hình Công ty hiện nay là TNHH một thành viên do tổ chức làm chủ sở hữu và B,C sẽ chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của mình cho Chủ sở hữu của F. 

Theo quy định của pháp luật đầu tư hiện nay thì quy trình các bước sẽ được thực hiện sẽ lần lượt như sau: 

● Bước 1: F thực hiện thủ tục sáp nhập tại Phòng đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi A đặt trụ sở chính Lúc này F kết hợp cả việc sáp nhập và chuyển đổi loại hình doanh nghiệp. Kết quả là F trở thành Công ty TNHH hai thành viên trở lên (thành viên gồm: Tổ chức kinh tế nước ngoài, B và C);

● Bước 2: F tiến hành thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư để ghi nhận B và C là các Nhà đầu tư của dự án.

Tuy nhiên, để đạt được mục đích nêu trên của B và C là không muốn trở thành thành viên tham gia góp vốn của F và F mong muốn duy trì mô hình Công ty TNHH một thành viên thì F sẽ phải thực hiện các bước như sau: 

● Bước 1: F thực hiện thủ tục sáp nhập tại Phòng đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi A đặt trụ sở chính; 

● Bước 2: F thực hiện thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của dự án ghi nhận B và C tham gia góp vốn dự án đầu tư;

● Bước 3: F tiến hành thủ tục thay đổi thành viên Công ty. Theo đó, B và C sẽ chuyển nhượng toàn bộ vốn góp của mình cho thành viên còn lại (tổ chức kinh tế nước ngoài) và F sẽ chuyển đổi thành mô hình Công ty TNHH một thành viên;

● Bước 4: Sau đó F thực hiện thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư để nhận lại vốn đầu tư từ B và B.

Như vậy, để F đạt được mục đích duy trì loại hình Công ty TNHH một thành viên thì F sẽ phải thực hiện đến 02 lần chuyển đổi loại hình doanh nghiệp từ 1 thành viên lên hai thành viên và sau đó từ 2 thành viên về một thành viên. Về Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cũng phát sinh đến hai lần điều chỉnh. 

Đề xuất: Chúng tôi cho rằng, trường hợp các thành viên có nhu cầu chuyển nhượng vốn góp của mình cho thành viên còn lại thì chỉ cần thực hiện thủ tục tại Phòng đăng ký kinh doanh mà không cần thiết phải thực hiện thủ tục Điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Sau khi thực hiện xong thủ tục thay đổi thành viên thì Nhà đầu tư tiến hành cập nhật lại phần góp thực hiện dự án đầu tư trên Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư do việc sáp nhập doanh nghiệp. Vì vậy, chúng tôi đề nghị các cơ quan soạn thảo luật và các cơ quan có liên quan nghiên cứu và có những chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể về vướng mắc này.

6. Vướng mắc số 06: Một số văn bản pháp luật hiện hành sử dụng không thống nhất khái niệm “doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài” “tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài”.

Quy định của pháp luật hiện hành: Khoản 17 Điều 3 Luật Đầu tư năm 2014 định nghĩa “tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài” như sau: “Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông”. Theo quy định tại Khoản 14 Điều 3 Luật Đầu tư năm 2014: “Nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam”. Tuy nhiên, Luật Đầu tư năm 2014 không có quy định về khái niệm “doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài”. 

Mặt khác, một số văn bản quy phạm pháp luật như Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014, Luật Du lịch năm 2017 không sử dụng khái niệm “tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài” mà sử dụng khái niệm “doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài” nhưng không có định nghĩa cụ thể và cũng không dẫn chiếu theo quy định của Luật Đầu tư. Điều này dẫn đến vướng mắc trong tình huống thực tế dưới đây. 

Tình huống thực tế: Công ty TNHH A là công ty 100% vốn nước ngoài. Công ty cổ phần B là công ty 100% vốn Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế phục vụ khách du lịch quốc tế đến Việt Nam (inbound) và khách du lịch ra nước ngoài (outbound).

Công ty TNHH A mong muốn mua 100% cổ phần của Công ty cổ phần B và đã thực hiện thủ tục đăng ký mua cổ phần vào tổ chức kinh tế theo quy định của Luật Đầu tư. Sau khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký mua cổ phần vào tổ chức kinh tế, cơ quan đăng ký đầu tư đã từ chối với lý do: “Sau khi Công ty cổ phần A sở hữu 100% cổ phần của Công ty cổ phần B thì Công ty cổ phần B trở thành doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Căn cứ quy định tại Khoản 4 Điều 30 Luật Du lịch năm 2017: “Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ được kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế phục vụ khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác”. Do đó, Công ty TNHH A không đáp ứng điều kiện đối với ngành nghề kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế phục vụ khách du lịch ra nước ngoài”

Trong tình huống này, do Luật Du lịch không có định nghĩa cụ thể về “doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài” nên cơ quan đăng ký đầu tư cho rằng Công ty B sau khi được sở hữu bởi Công ty TNHH A (công ty 100% vốn nước ngoài) sẽ trở thành doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và phải chịu sự hạn chế tại Khoản 4 Điều 30 Luật Du lịch năm 2017. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, căn cứ quy định tại Khoản 17 Điều 4 Luật Đầu tư năm 2014 (như đã dẫn chiếu ở trên) thì Công ty B sau khi được sở hữu bởi Công ty TNHH A không phải là “doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài”, do đó, không chịu sự điều chỉnh bởi quy định tại Khoản 4 Điều 30 Luật Du lịch năm 2017

Một số đề xuất

Thứ nhất, đề xuất sử dụng thống nhất khái niệm “tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài” hoặc “doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài” để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật do khái niệm “tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài” “doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài” thường được hiểu là hai khái niệm đồng nhất với nhau; việc sử dụng hai thuật ngữ này trong các văn bản quy phạm pháp luật khác nhau không mâu thuẫn với nhau. 

Thứ hai, đề xuất bổ sung quy định hướng dẫn/ định nghĩa về “doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài” trong Luật Du lịch năm 2017, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 theo hướng: “Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật về đầu tư”. Vì như đã đề cập tại tình huống thực tế nêu trên, việc không có quy định rõ ràng về định nghĩa “doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài” trong Luật Du lịch năm 2017, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 đã dẫn đến những cách hiểu sai hoặc không thống nhất, gây khó khăn cho doanh nghiệp và nhà đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

7. Vướng mắc số 07: Nhà đầu tư nước ngoài có phải thực hiện thủ tục tăng vốn đầu tư khi thực hiện mở rộng quy mô, mục tiêu dự án đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hay không? 

Tình huống thực tế: Công ty TNHH A là công ty 100% vốn Nhật Bản hoạt động theo Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (cấp lần đầu năm 2010), vốn góp thực hiện dự án là 10 tỷ đồng. Mục tiêu và quy mô hoạt động của dự án là sản xuất các loại ống nối mềm và gia công đột, dập kim loại; công suất thiết kế là 3 triệu sản phẩm/năm sản xuất ổn định. Đến tháng 12/2019, dự án có nhu cầu điều chỉnh mục tiêu dự án đầu tư, theo đó dự án sẽ bổ sung thêm hoạt động sản xuất một số sản phẩm như giấy, bìa carton. Sau khi nộp Hồ sơ đăng ký điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Công ty A nhận được văn bản yêu cầu giải trình hồ sơ từ cơ quan đăng ký đầu tư với nội dung: “Việc điều chỉnh mục tiêu dự án phải thực hiện cả việc tăng vốn góp thực hiện của dự án đầu tư, đề nghị Nhà đầu tư giải trình, thực hiện theo quy định” 

Đề xuất: Việc cơ quan đăng ký đầu tư yêu cầu Nhà đầu tư phải tăng thêm vốn đầu tư để thực hiện mục tiêu dự án cho phần điều chỉnh căn cứ vào quy định pháp luật nào? Hiện nay, Luật Đầu tư và các nghị định hướng dẫn thi hành không có quy định về trình tự, thủ tục nào đối với vấn đề này. Chúng tôi cho rằng đây là một vấn đề bất cập và xảy ra phổ biến ở các cơ quan đăng ký đầu tư. Chúng tôi đề xuất Tổ công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật và các cơ quan có liên quan có nghiên cứu, soạn thảo quy định hướng dẫn về vấn đề này để giải quyết bất cập và giải đáp thắc mắc của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hiện nay. 

8. Về quy định chế độ sử dụng đất trong khu công nghiệp giữa Luật Đất đai và Luật Đầu tư 

Điều 21 khoản 2 Luật Đầu tư quy định: “Đối với các địa phương gặp khó khăn trong bố trí quỹ đất phát triển nhà ở, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động trong KCN, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định việc điều chỉnh quy hoạch khu CN để dành 01 phần diện tích đất phát triển nhà ở, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng... Tuy nhiên, Điều 149 khoản 1 Luật Đất đai 2013 quy định: “... khi quy hoạch thành lập khu công nghiệp, khu chế xuất phải đồng thời lập quy hoạch, xây dựng khu nhà ở, công trình công cộng nằm ngoài KCN, KCX phục vụ đời sống người lao động làm việc trong KCN, KCX

Như vậy, Luật Đầu tư đã không xác định rõ phần diện tích để phát triển nhà ở, tiện ích công cộng sẽ nằm ở trong hay ngoài KCN, KCX. 

Đề nghị: Rà soát để quy định thống nhất. 

9. Về quy định vốn tối thiểu của chủ đầu tư trong đấu giá quyền sử dụng đất không tương thích giữa Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Đất đai 

Theo Điều 10 khoản 1 Luật Kinh doanh bất động sản thì: “Tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản phải thành lập doanh nghiệp/Hợp tác xã và có vốn pháp định không được thấp hơn 20 tỷ đồng...”; tuy nhiên, Điều 14 khoản 2 điểm a Nghị định 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Đất đai quy định về điều kiện năng lực tài chính lại yêu cầu chủ đầu tư phải có vốn thuộc sở hữu của mình không thấp hơn 20% tổng mức đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất dưới 20 ha; Không thấp hơn 15% tổng mức đầu tư dự án quy mô sử dụng đất 20 ha trở lên. 

Đề nghị: Rà soát để quy định thống nhất, phù hợp giữa các văn bản. 

10. Vướng mắc về điều kiện chuyển nhượng dự án có chuyển nhượng quyền sử dụng dất 

Theo quy định tại khoản 1 Điều 45 Luật Đầu tư năm 2014 thì một trong các điều kiện để nhà đầu tư được quyền chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án đàu tư cho nhà đầu tư khác là “c. Tuân thủ các điều kiện theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về kinh doanh bất động sản trong trường hợp chuyển nhượng dự án gắn với chuyển nhượng quyền sử dụng đất;”. Vấn đề vướng mắc là trường hợp dự án chuyển nhượng không phải là dự án bất động sản, dự án xây dựng kinh doanh nhà ở, dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng để chuyển nhượng hoặc cho thuê thì có cần phải đáp ứng điều kiện quy định trong pháp luật kinh doanh bất động sản mới được chuyển nhượng hay không? Thực tế hiện nay có nhiều trường hợp nhà đầu tư khi nộp hồ sơ chuyển nhượng dự án gắn với chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì bị từ chối với lý do: dự án chưa xây dựng xong các công trình hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo tiến độ ghi trong dự án theo điểm b khoản 1 Điều 49 Luật Kinh doanh bất động sản. Yêu cầu này đặt ra đối với tất cả các dự án có xây dựng các công trình hạ tầng, gây khó khăn cho chủ đầu tư khi muốn chuyển nhượng dự án. 

Đề xuất: Xem xét quy định cụ thể hơn về điều kiện chuyển nhượng dự án, trong đó có điều kiện phải xây dựng xong các công trình hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo tiến độ. 

11. Quy định về Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên 

Theo quy định tại khoản 2 Điều 50 Luật Doanh nghiệp, thành viên Hội đồng thành viên “có số phiếu biểu quyết tương ứng với phần vốn góp”. Quy định như vậy chưa rõ ràng dẫn đến nhiều doanh nghiệp và đơn vị tư vấn hiểu và áp dụng khác nhau. 

Cụ thể, có doanh nghiệp có rằng tổng số phiếu bầu bắt buộc phải bằng số vốn điều lệ và số phiếu của mỗi thành viên bằng số vốn góp của thành viên đó. Ví dụ Công ty TNHH 2 thành viên có vốn điều lệ là 1.000.000.000 đồng, gồm 2 thành viên góp vốn, mỗi thành viên góp 50% vốn điều lệ. Như vậy, số phiếu biểu quyết phải là 1.000.000.000 phiếu (tương đương 1.000.000.000 đồng) và mỗi thành viên sở hữu 500.000.000 phiếu biểu quyết. Việc quy định số phiếu bầu lớn như vậy không thuận tiện, dễ gây ra sai sót trong ghi chép, tính toán số phiếu. 

Trong khi đó, cùng với thông tin giả sử nêu trên, nhiều doanh nghiệp lại khẳng định có thể quy định tổng số phiếu là 2 phiếu, mỗi thành viên sở hữu 1 phiếu, đảm bảo tỷ lệ phiếu biểu quyết của mỗi thành viên là 50%, bằng tỷ lệ vốn góp. 

Đề xuất: Bỏ quy định về số phiếu biểu quyết đối với Công ty TNHH hai thành viên trở lên, sử dụng bằng cụm từ “có tỉ lệ biểu quyết tương ứng với phần vốn góp”. 

LSO
(Nguồn: Văn bản góp ý về rà soát văn bản quy phạm pháp luật, Liên đoàn Luật sư Việt Nam)
/mot-so-bat-cap-ve-quy-dinh-gioi-han-xet-xu-so-tham-vu-an-hinh-su.html