Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội ở một số khu vực

11/08/2020 02:06 | 3 năm trước

(LSO) - Ngày 07/8/2020, tại Phiên họp số 49, Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội đã ban hành Thông báo số 07/TB-BCĐ nêu kết luận của Chủ tịch Hà Nội về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Một trong 8 giải pháp, 5 nhiệm vụ cấp bách mà Thường trực Thành uỷ yêu cầu là nghiên cứu nâng mức cảnh báo và áp dụng “lệnh” giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ tại một số khu vực có ổ dịch.

Ảnh minh họa.

Thông báo nêu rõ: "Về khoanh vùng cách ly và thực hiện giãn cách xã hội, tùy theo quy mô (toàn Thành phố, từng quận, huyện, xã, từng thôn, tổ dân phố…), tùy theo mức độ nguy cơ của dịch bệnh, căn cứ tình hình thực tế, Ban Chỉ đạo Thành phố có chỉ đạo phù hợp và những quy định cụ thể".

8 giải pháp, 5 nhiệm vụ cấp bách đối với TP Hà Nội.

Đầu tiên là kích hoạt toàn bộ hệ thống phòng chống dịch từ trước đến nay cả về con người, cơ chế, phương thức phối hợp giữa các lực lượng theo mức độ diễn biến dịch bệnh xẩy ra nhưng cao hơn 1 mức so với kịch bản phê duyệt từ đầu.

Nghiên cứu để nâng mức cao hơn nữa cho một số khu vực có ổ dịch có rủi ro cao hơn mức chung của toàn Thành phố; một số hoạt động phải thực hiện như quy định của Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Từ Thành phố đến cơ sở rà soát các điều kiện để bảo đảm yêu cầu 4 tại chỗ, rà soát lại để xem khả năng đáp ứng yêu cầu, khả năng cung ứng cho dịch bệnh, mua sắm công khai minh bạch theo hướng dẫn của Bộ Tài chính và Bộ Y tế.

Đặc biệt, trong giai đoạn này, Thành phố tập trung ưu tiên tăng cường xét nghiệm PCR trên diện rộng. Ngoài các bệnh viện, cơ sở y tế của Thành phố còn phải huy động cả các bệnh viện tư nhân.

Trước hết là xét nghiệm ngay những trường hợp F1, người đi từ vùng dịch về Hà Nội từ 01/7/2020, người đang có triệu chứng, đảm bảo rằng, trong thời gian ngắn nhất có thể xét nghiệm được hơn 96.000 người đi từ vùng dịch về, có thể không chỉ xét nghiệm 01 lần.

Song song với đó, phải tiếp tục duy trì các hoạt động sản xuất, kinh doanh, lưu thông sản phẩm, hàng hóa thiết yếu, nhằm đáp ứng đầy đủ yêu cầu của người dân trong mọi tình huống; phòng chống hàng giả, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn phòng chống dịch…

Yêu cầu tất cả mọi người dân nên đeo khẩu trang nơi công cộng và khi tham gia giao thông. UBND TP. Hà Nội cũng nên xem xét đưa việc này thành quy tắc chung, kể cả khi hết dịch. Bởi đây là vấn đề bảo vệ sức khỏe nhân dân lâu dài.

5 việc cần lưu ý, coi là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách trong thời gian tới:

- Tổ chức tốt và tuyệt đối an toàn kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, theo dõi sát sao các diễn biến phức tạp có thể xảy ra, tuân thủ theo đúng hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

- Tiếp tục tổ chức tốt đại hội đảng bộ cấp quận, huyện và các đơn vị còn lại theo hướng thiết thực không phô trương, hình thức; cắt biểu diễn văn nghệ, không tổ chức đưa đón đại biểu, tập trung cho vấn đề nội dung.

- Chuẩn bị tốt vật tư y tế để đáp ứng nhu cầu của Thành phố và sẵn sàng đáp ứng nhân lực cho Đà Nẵng khi cần thiết.

- Tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, lưu thông sản phẩm hàng hóa, thiết yếu, đáp ứng đầy đủ yêu cầu của người dân trong mọi tình huống, bảo đảm an toàn vệ sinh, thực phẩm, bảo đảm tuyệt đối an toàn trong phòng, chống dịch.

- Chuẩn bị các nội dung cho các hoạt động bình thường của hệ thống chính trị trong tình hình mới: Kỷ niệm 1010 năm Thăng Long, Đại hội Đảng bộ TP cùng các hoạt động của Trung ương trên địa bàn tùy theo tình hình dịch bệnh.

THANH THANH

/mot-so-bat-cap-cua-dieu-260-blhs-nam-2015-ve-toi-vi-pham-quy-dinh-ve-tham-gia-giao-thong-duong-bo.html