(LSVN) - Nhóm Luật sư biện hộ cho ông Trump sẽ tập trung vào 2 điểm mấu chốt: các phát biểu kích động của ông Trump trước cuộc tấn công bạo loạn ở Điện Capitol có được bảo vệ theo Tu chính án thứ nhất hay không và phiên xét xử một cựu tổng thống có hợp hiến hay không.
Tính hợp hiến của phiên xét xử luận tội một cựu Tổng thống
Ông Trump là Tổng thống đầu tiên trong lịch sử Mỹ bị luận tội 2 lần và là người duy nhất được đưa ra xét xử lại Thượng viện sau khi đã rời nhiệm sở. Dù quá trình luận tội khác biệt với một phiên xét xử tội phạm hình sự điển hình và các quy tắc cũng rất khác biệt, trường hợp của ông Trump vẫn gây tranh cãi với câu hỏi pháp lý: liệu việc xét xử luận tội ông có Vi hiến hay không.
Ông Trump là Tổng thống đầu tiên trong lịch sử Mỹ bị luận tội 02 lần và là người duy nhất được đưa ra xét xử lại Thượng viện sau khi đã rời nhiệm sở. Ảnh: Reuters.
Hầu hết các học giả về pháp lý từng nghiên cứu vấn đề này cho rằng, dựa trên lịch sử và các thực tế trước đây tại Quốc hội, việc luận tội và kết tội một Tổng thống đã rời nhiệm sở là được phép.
“Đông đảo các học giả đều đồng tình ủng hộ lập luận này”, Steve Vladeck, một giáo sư Luật và Hiến pháp tại Trường luật Đại học Texas cho biết.
Vị Luật sư bảo thủ có tiếng này đã nói thêm rằng lập luận của đảng Dân chủ về việc ông Trump có thể bị xét xử ở Thượng viện cho dù ông đã rời nhiệm sở là hoàn toàn có trọng lượng cả về pháp lý và chính trị.
Ngay cả Luật sư đảng Cộng hòa Charles J. Cooper trong một bài viết đăng tải trên Street Journal ngày 7/2 cũng hạ thấp lập luận của hầu hết các Nghị sỹ đảng Cộng hòa cho rằng việc xét xử một cựu tổng thống là vi hiến.
Ông Cooper cho rằng, do quyền lực luận tội bao gồm cả thẩm quyền ngăn quan chức bị luận tội nắm giữ chức vụ tương tự trong tương lai, nên sẽ là bất hợp lý khi cho rằng Thượng viện không thể kết tội một cựu quan chức.
Trong một cuộc bỏ phiếu hồi tháng 1/2021, có 45 Thượng Nghị sỹ đảng Cộng hòa cho rằng phiên xét xử ông Trump là vi hiến, và có 5 Thượng Nghị sỹ của đảng này bất đồng quan điểm với những người còn lại.
Hiện vẫn chưa rõ quan điểm của luật sư Cooper có tác động thế nào tới các Nghị sỹ đảng Cộng hòa.
“Các Thượng Nghị sỹ cần phải xem xét lại quan điểm của mình và đánh giá hành động sai trái của Tổng thống dựa trên thực tế”, ông Cooper cho biết. Ông Cooperr từng là luật sư đại diện cho cựu Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, Hiệp hội súng đạn quốc gia và cựu Bộ trưởng tư pháp Jeff Sessions.
Luật sư Vladeck cho rằng quan điểm của ông Cooper chưa chắc có thể làm thay đổi kết quả phiên xét xử luận tội ông Trump. Để kết tội ông Trump, cần có 67 trong số 100 Thượng Nghị sỹ bỏ phiếu ủng hộ, tức là cần toàn bộ 50 Thượng Nghị sỹ Dân chủ và 17 Thượng Nghị sỹ Cộng hòa.
Ông Vladeck cũng nói tới các tiền lệ trong lịch sử, trong đó có phiên xét xử luận tội cựu Bộ trưởng chiến tranh William Belknap năm 1876. Belknap đã từ chức trước khi Hạ viện bỏ phiếu luận tội ông, nhưng Thượng viện khẳng định họ có quyền tổ chức phiên xét xử đối với một cựu quan chức, cho dù cuối cùng không có đủ 2/3 số phiếu để kết tội ông.
Nhiều Thượng Nghị sỹ đảng Cộng hòa đã viện dẫn quan điểm của cựu Thẩm phán liên bang J. Michael Luttig. Ông Luttig cho rằng chỉ có tổng thống đương nhiệm mới bị luận tội và xét xử.
Tuy nhiên, chính ông Luttig hôm 8/2 đã chỉ ra thiếu sót của nhóm pháp lý biện hộ cho ông Trump. Theo đó, nhóm này đã không giải quyết được câu hỏi đặc biệt trong trường hợp này: Ông Trumpo bị luận tội trước khi rời nhiệm sở nhưng bị xét xử sau khi đã rời nhiệm sở. Do đó, họ không đưa ra được những biện hộ đủ mạnh mẽ để cho rằng việc xét xử tại Thượng viện đối với cựu Tổng thống Trump là Vi hiến.
Cũng trong bài viết đăng tải ngày 7/2, ông Cooper cho rằng một quan chức đương nhiệm bị kết tội nếu 2/3 Thượng viện bỏ phiếu tán thành, thì ông sẽ bị bãi nhiệm trong một cuộc bỏ phiếu chỉ cần đa số quá bán sau đó. Nhưng do Hiến Pháp cho phép Thượng viện áp đặt “hình phạt bổ sung” là hủy tư cách giữ chức vụ đó trong tương lai, nên theo ông Cooper, hình phạt này chỉ có thể áp đặt đối với các cựu quan chức.
Quyền tự do ngôn luận theo Tu chính án thứ nhất
Ngoài tính hợp hiến của phiên xét xử một cựu Tổng thống, các luật sư của ông Trump sẽ viện dẫn Tu chính án thứ nhất để biện hộ cho những tuyên bố về gian lận bầu cử cũng như những phát biểu trong một cuộc tuần hành trước cuộc bạo động tại Điện Capitol ngày 6/1.
Ngay trước cuộc tấn công ngày 6/1 khiến 5 người thiệt mạng, ông Trump, trong một cuộc tuần hành ở công viên Ellipse gần Nhà Trắng, đã kêu gọi những người ủng hộ mình “chiến đấu đến cùng” và tuần hành xuống đại lộ Pennsylvania để ngăn các Nghị sỹ xác nhận chiến thắng của ông Joe Biden.
Các học giả về Hiến pháp nói rằng những lời lẽ của ông Trump đối với đám đông có thể không đến mức được cho là kích động nếu trường hợp này được xét xử ở một tòa án truyền thống theo Tu chính án thứ nhất. Nhưng những biện hộ pháp lý tương tự lại không thể áp dụng tại một phiên tòa luận tội, nơi ông Trump bị cáo buộc vi phạm lời tuyên thệ với tư cách một Tổng thống.
Có sự khác biệt giữa những điều có thể bị luận tội và những điều phi pháp. Các chuyên gia về Tu chính án thứ nhất nêu lên sự khác nhau giữa quy trình luận tội chính trị và thủ tục pháp lý hình sự trong phòng xử án, nơi họ nói rằng có thể khó truy tố thành công Tổng thống vì đã gây náo loạn đám đông trước bạo loạn.
Suzanne Nossel, Giám đốc điều hành của tổ chức phi lợi nhuận PEN America, người nghiên cứu về quyền tự do ngôn luận, cho rằng, trường hợp ông Trump tìm cách lật kèo bầu cử và khuyến khích nổi loạn “đã góp phần vào cuộc tấn công chưa từng có nhằm vào một nhánh của chính phủ”.
Các Luật sư Bruce Castor và Schoen nói rằng ông Trump chỉ thực hiện quyền tự do ngôn luận khi đặt câu hỏi đối với các kết quả bầu cử.
“Những nỗ lực của Hạ viện nhằm biến bài phát biểu của ông Trump – quyền tự do ngôn luận cốt lõi theo Tu chính án thứ nhất – thành hành động đáng bị luận tội là không thể được ủng hộ, và việc kết tội ông sẽ vi phạm Hiến pháp và những lời tuyên thệ của Thượng viện”, nhóm Luật sư của ông Trump viết trong hồ sơ hôm 8/2.
Trong quá trình luận tội ông Trump trước khi rời nhiệm sở hồi tháng trước, Hạ viện cáo buộc ông chỉ 1 điều khoản duy nhất là “kích động bạo loạn nhằm vào chính phủ Mỹ”.
Hiến pháp cũng nói rằng, Tổng thống có thể bị luận tội ở Hạ viện và kết tội ở Thượng viện vì các tội nặng hay tội nhẹ. Do đó, theo liên minh hơn 100 học giả về hiến pháp Mỹ, quyền lực của quốc hội trong việc luận tội không bị hạn chế chỉ với các hành động trái pháp luật và Tu chính án thứ nhất cũng thể không ngăn cản Thượng viện kết tội ông Trump.
“Tu chính án thứ nhất không phải là lời biện hộ cho điều khoản luận tội đối với một cựu tổng thống. Tổng thống không có quyền theo Tu chính án thứ nhất kích động bạo loạn rồi sau đó ngồi 1 chỗ, không làm gì khi đám động bạo loạn xông vào điện Capitol khi Quốc hội đang họp”, theo lá thư của các học giả đăng tải trên New York Times.
Cũng có những quan điểm khác biệt về việc bài phát biểu của ông Trump ngày 6/1 có đủ điều kiện để xem là “kích động bạo loạn sắp xảy ra” hay không.
Bạo lực nổ ra sau bài phát biểu của ông Trump là điều rõ ràng, nhưng lời lẽ của ông ngày hôm đó có thể được xem là mơ hồ.
“Chúng ta chiến đấu đến cùng. Nếu không làm điều đó, các bạn sẽ không còn đất nước nữa”, ông Trump nói với những người ủng hộ. Tuy nhiên trước đó ông cũng kêu gọi họ hãy “làm cho tiếng nói của các bạn được lắng nghe một cách hòa bình và yêu nước”.
Clay Calvert, một giáo sư luật tại Đại học Florida nói rằng: “Ông ấy đã sử dụng từ “chiến đấu”, nhưng ông ấy nói là không dùng nó theo nghĩa vật lý mà mang tính ngụ ý hơn và theo nghĩa đấu tranh vì quyền lợi của bạn”.
Calvert cho rằng phía ông Trump đã có chiến lược khôn ngoan khi viện dẫn Tu chính án thứ nhất, một phần vì nhiều người bảo thủ tin rằng tự do ngôn luận đang bị các nền tảng truyền thông xã hội tấn công. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận rằng, biện hộ theo cách này sẽ có rất ít ảnh hưởng, thậm chí không ảnh hưởng đến kết quả của phiên tòa luận tội.
HOÀNG PHẠM/VOV
Singapore thắt chặt quy định với người nhập cảnh từ Việt Nam từ 11 giờ 59 phút ngày 10/02