/ Trao đổi - Ý kiến
/ Phân biệt tội ‘Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức"; tội "Sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức’ với một số tội phạm khác

Phân biệt tội ‘Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức"; tội "Sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức’ với một số tội phạm khác

24/06/2025 07:14 |10 ngày trước

(LSVN) - Trong thực tiễn, quá trình điều tra, truy tố, xét xử việc định tội danh giữa tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức"; tội "Sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” với một số tội phạm khác còn có sự nhầm lẫn vì các tội phạm này có các đặc điểm, cấu thành tương tự dẫn đến việc định tội danh sai. Sau đây là một số vấn đề pháp lý để phân biệt tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức"; tội "Sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” với một số tội phạm khác.

"Phân biệt với tội "Sửa chữa, sử dụng giấy chứng nhận và tài liệu của cơ quan, tổ chức" (Điều 340 Bộ luật Hình sự)

Tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức"; tội "Sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức" và tội "Sửa chữa, sử dụng giấy chứng nhận và tài liệu của cơ quan, tổ chức" đều nằm trong nhóm tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính thuộc chương XII Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015.

Để phân biệt hai tội phạm này, cần căn cứ vào các yếu tố sau:

Về mặt khách quan: Tội "Sửa chữa và sử dụng giấy chứng nhận, các tài liệu của cơ quan, tổ chức" là hành vi sửa chữa, làm sai lệch hộ chiếu, thị thực, hộ khẩu, hộ tịch hoặc các giấy chứng nhận và tài liệu khác của cơ quan, tổ chức được hiểu là hành vi thay thế hoặc sửa đổi ảnh chụp, thêm, bớt, tẩy, xóa chữ, hình con dấu, biểu tượng hoặc các dấu hiệu khác của các giấy tờ này bằng các thủ đoạn như dùng phương tiện kỹ thuật, dùng hóa chất,… nhằm làm cho cơ quan, tổ chức, người có liên quan hiểu sai nội dung các giấy tờ. Sửa chữa là tiền đề của hành vi sai lệch, nếu sửa chữa mà không làm sai lệch nội dung thì không cấu thành tội phạm.

Sau khi sửa chữa, làm sai lệch nội dung của các loại giấy tờ trên, người phạm tội có hành vi sử dụng các giấy tờ này để thực hiện hành vi trái pháp luật. Đây cũng là dấu hiệu để phân biệt tội này với tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức" quy định tại Điều 341 BLHS.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Về hậu quả: Đối với tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức"; tội "Sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức" người phạm tội chỉ cần thực hiện hành vi làm giả hoặc sử dụng con dấu, tài liệu giả để thực hiện hành vi trái pháp luật thì được coi là tội phạm hoàn thành. Đối với tội "Sửa chữa, sử dụng giấy chứng nhận và các tài liệu của cơ quan, tổ chức" thì hậu quả là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm. Hành vi sửa chữa, làm sai lệch hộ chiếu, thị thực, hộ khẩu, hộ tịch hoặc các loại giấy chứng nhận hoặc tài liệu khác của cơ quan, tổ chức gây hậu quả nghiêm trọng thì mới cấu thành tội phạm.

Về chủ thể:Chủ thể của tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức"; tội "Sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức" có phạm vi rộng hơn đối với tội sửa chữa, sử dụng giấy chứng nhận và các tài liệu của cơ quan, tổ chức, đó là bất kỳ ai có đủ năng lực trách nhiệm hình sự (TNHS) vì chủ thể của tội "Sửa chữa, sử dụng giấy chứng nhận và các tài liệu của cơ quan, tổ chức" thì không bao gồm những người có thẩm quyền quản lý và cấp các loại giấy tờ đó.

Về đối tượng phạm tội:Đối tượng phạm tội của tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức"; tội
"Sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức" là con dấu, tài liệu giả. Còn đối với tội "Sửa chữa, sử dụng giấy chứng nhận và các tài liệu của cơ quan, tổ chức" là hộ chiếu, thị thực, hộ khẩu, hộ tịch, giấy chứng nhận hoặc tài liệu của cơ quan, tổ chức là thật nhưng bị sửa chữa thay đổi về mặt nội dung.

Phân biệt với tội "Giả mạo trong công tác" (Điều 359 BLHS)

Giả mạo trong công tác là hành vi vì vụ lợi hoặc vì động cơ cá nhân lợi dụng chức vụ, quyền hạn sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu; làm, cấp giấy tờ giả; giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn. Để phân biệt tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức"; tội "sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức" với tội "Giả mạo trong công tác" cần làm rõ các vấn đề sau:

Về chủ thể:

Đối với tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức"; tội "Sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức" thì chủ thể tội phạm là bất kỳ ai đạt độ tuổi theo luật định và có năng lực TNHS theo quy định của BLHS. Tuy nhiên, đối với tội "Giả mạo trong công tác", chủ thể của tội phạm này phải là người có chức vụ, quyền hạn nhất định. Phạm vi chức vụ, quyền hạn của người phạm tội giả mạo trong công tác cũng tương đối rộng. Tuy nhiên, người phạm tội "Giả mạo trong công tác" là người đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu; để làm hoặc cấp giấy tờ giả; để giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn khác. Nếu người có chức vụ, quyền hạn lại lợi dụng chức vụ, quyền hạn tiếp tay cho người khác để sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu; để làm hoặc cấp giấy tờ giả; để giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản, thì tuỳ trường hợp cụ thể mà người lợi dụng chức vụ, quyền hạn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" hoặc tội "Tham ô".

Về khách thể:Đối tượng tác động của tội "Giả mạo trong công tác" là giấy tờ, tài liệu, chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn. Người phạm tội đã tác động vào làm cho các tài liệu, giấy tờ, chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn bị sai lệch, không đúng với thực tế. Đối tượng tác động của tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức"; tội "sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức" là con dấu, tài liệu giả.

Về mặt khách quan:

Để phân biệt tội "Giả mạo trong công tác" với tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức"; tội "Sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức" thì dấu hiệu về mặt khách quan là một trong những căn cứ quan trọng.

Tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức"; tội "Sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức" là hành vi tạo ra các con dấu, giấy tờ giả giống như thật bằng những nhiều phương pháp của người không có chức vụ quyền hạn cấp con dấu, tài liệu đó. Còn tội "Giả mạo trong công tác" là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu; làm, cấp giấy tờ giả, giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn. Số lượng giấy tờ giả cũng được BLHS năm 2015 bổ sung ở các khung tăng nặng.

Về mặt chủ quan: Cả hai tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức"; tội "Sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức" và tội "Giả mạo trong công tác" đều là lỗi cố ý. Tuy nhiên, động cơ phạm tội vì mục đích vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác là yếu tố bắt buộc của cấu thành tội phạm tội "Giả mạo trong công tác", còn đối với tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức" thì mục đích phạm tội không phải là dấu hiệu bắt buộc để định tội, chỉ có tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức mới đòi hỏi phải có mục đích phạm tội là để thực hiện hành vi trái pháp luật thì mới cấu thành tội phạm.

Phân biệt với tội "Giả mạo chức vụ, cấp bậc" (Điều 339 BLHS)

Giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác là hành vi của một người không có chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác nhưng đã mạo danh là mình có chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác đó để thể hiện hành vi trái pháp luật. Tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức"; tội "Sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức" và tội "Giả mạo chức vụ, cấp bậc" có sự khác nhau như sau:

Về mặt khách quan:Đối với tội "Giả mạo chức vụ, cấp bậc, người phạm tội" chỉ cần có một trong các hành vi như: giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác, được thực hiện bằng mọi hình thức (nói, viết, mặc trang phục, phù hiệu…) nhằm thực hiện hành vi trái pháp luật là đã cấu thành tội phạm. Tuy nhiên, nếu hành vi giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác để thực hiện hành vi phạm tội thì sẽ cấu thành thêm các tội phạm tương ứng đó. Còn nếu thực hiện hành vi giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác chỉ để khoe khoang bắt tội phạm hay mục đích nào khác nhưng không phải để thực hiện hành vi trái pháp luật thì không cấu thành tội phạm.

Đối với tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức"; tội "Sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức" được thể hiện ở hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức để thực hiện hành vi trái pháp luật.

Về động cơ và mục đích:Đối với tội "Giả mạo chức vụ, cấp bậc", động cơ và mục đích không là dấu hiệu bắt buộc để định tội. Còn đối với tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức"; tội "Sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức", chỉ có hành vi sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức mới đòi hỏi phải có mục đích phạm tội để cấu thành tội phạm, còn hành vi làm giả con dấu, tài liệu thì không cần.

Phân biệt với tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" (Điều 174 BLHS)

Tội "Làm giả con dấu tài liệu của cơ quan, tổ chức"; tội "Sử dụng con dấu tài liệu giả của cơ quan, tổ chức" và tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" đều được thể hiện ở hành vi trái pháp luật và dùng thủ đoạn gian dối, song giữa hai tội phạm này có sự khác biệt thể hiện trên các yếu tố sau:

Về khách thể:

Tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản được pháp luật hình sự bảo vệ. Còn tội "Làm giả con dấu tài liệu của cơ quan, tổ chức"; tội "sử dụng con dấu tài liệu giả của cơ quan, tổ chức" xâm phạm đến sự hoạt động bình thường, uy tín của cơ quan tổ chức trong lĩnh vực quản lý hành chính Nhà nước.

Về động cơ phạm tội: Tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" sử dụng thủ đoạn gian dối, đưa ra thông tin giả, tài liệu giả không chính xác tạo lòng tin đối với chủ tài sản, làm chủ tài sản tin tưởng người phạm tội mà trao tài sản cho họ.

Còn đối với tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức" không cần phải có động cơ, chỉ cần có hành vi làm giả con dấu, tài liệu cơ quan tổ chức là phạm tội; tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức phải có động cơ là thực hiện hành vi trái pháp luật thì mới cấu thành tội phạm.

Như vậy, trong các chuỗi hành vi nhằm đạt được mục đích của mình, có thể sử dụng các loại giấy tờ, tài liệu giả để làm phương thức chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, cần tách bạch trong chuỗi các hành vi đó, hành vi nào đã có tính chất nguy hiểm đáng kể phải bị xử lý hình sự, bằng cách định danh pháp lý chính xác từng hành vi đó là tội phạm cụ thể nào hoặc là hành vi nào trong hành vi khách quan tổng thể của tội phạm cụ thể.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Trường Đại học Luật Hà Nội (2015), Giáo trình Luật hình sự Việt Nam,tập 1, NXB Công an nhân dân, Hà Nội.

2.Trần Văn Biên và Đinh Thế Hưng (2017), Bình luận khoa học Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017, NXB Thế giới, Hà Nội.

3. Đinh Văn Quế (2018), Bình luận khoa học Bộ luật Hình sự năm2015, phần thứ nhất những quy định chung, NXB Thông tin và truyền thông, Hà Nội.

ANH DŨNG

Tòa án Quân sự Khu vực Thủ đô Hà Nội

Các tin khác