Hành vi gom bao cao su đã qua sử dụng để tái chế có thể bị xử lý hình sự

27/09/2020 16:28 | 3 năm trước

(LSO) - Việc tái chế bao cao su không đúng quy cách, không tuân theo tiêu chuẩn y tế về sự an toàn dẫn đến làm mất đi công dụng của nó, dán nhãn mác, bao bì giả thì đây được coi là hàng giả theo quy định của pháp luật. Với số lượng bao cao su lớn bị tái chế thì hành vi này rất có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả" theo quy định tại Điều 192 Bộ luật Hình sự 2015.

Hành vi gom bao cao su đã qua sử dụng để tái chế có thể bị xử lý hình sự.

Vừa qua, Tổng cục Quản lý thị trường - Bộ Công thương cho biết, Đội Quản lý thị trường số 4 thuộc Cục Quản lý thị trường Bình Dương vừa phát hiện một cơ sở gia công tái chế bao cao su đã qua sử dụng, thu giữ tại chỗ 324.000 đơn vị sản phẩm (tương đương với 360kg).

Cụ thể, ngày 19/9/2020, Đội Quản lý thị trường số 4 bất ngờ ập đến kiểm tra khu nhà trọ ở địa chỉ tổ 4, Đường DX12, khu phố Hóa Nhựt, phường Tân Vĩnh Hiệp, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, đã phát hiện bà Phạm Thị Thanh Ngọc (SN 1987, tại Nghệ An) đang gia công tái chế bao cao su đã qua sử dụng, không bao bì, không ghi nhãn.

Qua làm việc ban đầu, bà Ngọc không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của lô hàng và khai nhận, cứ khoảng 30 ngày/1 lần, Ngọc nhận bao cao su đã qua sử dụng từ 1 người không rõ địa chỉ để súc rửa, phơi khô, phân loại và dùng dương vật giả để vuốt lại, tạo hình như mới và giao hàng đã gia công cùng ngày với nhận hàng gia công.

Đoàn kiểm tra đã tạm giữ khoảng 324.000 đơn vị sản phẩm này và chuyển về Đội Quản lý thị trường số 4 để xác minh làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Liên quan đến vụ việc trên, Thạc sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp) cho rằng, có thể thấy việc phát hiện hàng trăm nghìn bao cao su đang được tái chế để sử dụng là vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, gây hoang mang, bức xúc trong dư luận, là hành vi đáng lên án bởi việc cung cấp ra thị trường sản phẩm không đảm bảo chất lượng như vậy có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người tiêu dùng, làm nguy cơ mắc các bệnh lây qua đường tình dục.

Bao cao su là sản phẩm tác dụng để bảo vệ sức khỏe, là một biện pháp tránh thai an toàn và ngăn ngừa các bệnh lây lan qua đường tình dục, được khuyến cáo là sử dụng một lần và không nên tái sử dụng. Trong khi đó, đơn vị gia công này lại tái chế sử dụng các bao cao su bằng cách rửa sạch, phơi khô và đóng gói là vi phạm các tiêu chuẩn về sử dụng, lưu hành bao cao su, làm mất đi công dụng của sản phẩm trên dẫn đến tình trạng người sử dụng cũng thể gặp phải rủi do không mong muốn như mang thai hoặc một số bệnh lây truyền qua đường tình dục như: HIV, giang mai, bệnh lậu hoặc một số bệnh lý nhiễm trùng khác gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng. Đây là hành vi vi phạm đạo đức, lối sống, đồng thời cũng là hành vi vi phạm pháp luật. Cần phải có biện pháp xử lý nghiêm đối với trường hợp vì lợi ích của bản thân mà bất chấp đạo đức, bất chấp pháp luật.

Dưới góc độ pháp lý, những sản phẩm được tái chế sơ sài, không đảm bảo chất lượng, không đúng công dụng, bản chất của sản phẩm, dán nhãn mác, tem giả,… được coi là hàng giả. Cụ thể theo quy định tại điểm khoản 3 Điều 8 Nghị định 185/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có định nghĩa cụ thể về hàng giả bao gồm: hàng hóa có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa; hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng hoặc có giá trị sử dụng, công dụng không đúng so với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký; hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa giả mạo tên thương nhân, địa chỉ của thương nhân khác; giả mạo tên thương mại hoặc tên thương phẩm hàng hóa; giả mạo mã số đăng ký lưu hành, mã vạch hoặc giả mạo bao bì hàng hóa của thương nhân khác; Hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa; tem, nhãn, bao bì giả;…

Thạc sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường,
Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp.

Do đó, việc tái chế bao cao su không đúng quy cách, không tuân theo tiêu chuẩn y tế về sự an toàn dẫn đến làm mất đi công dụng của nó, dán nhãn mác, bao bì giả thì đây được coi là hàng giả theo quy định của pháp luật. Với số lượng bao cao su lớn như vậy thì hành vi này rất có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả" theo quy định tại Điều 192 Bộ luật Hình sự, Luật sư Cường đánh giá.

Cụ thể, người nào sản xuất, buôn bán hàng giả thuộc một trong các trường hợp: Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng hoặc dưới 30.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính, chưa được xóa án tích mà con vi phạm; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng; Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Trong trường hợp tính chất, mức độ hành vi nghiêm trọng, thu tiền thu lợi bất chính lớn,…. thì mức hình phạt cao nhất có thể từ 7 năm đến 15 năm tù theo quy định tại khoản 3 điều 192 BLHS.

Ngoài ra, đối với cá nhân có hành vi sản xuất và buôn bán hàng giả thì còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản theo quy định tại khoản 4 Điều 192 BLHS.

Đối với pháp nhân thương mại phạm tội thì bị phạt tiền ở mức thấp nhất từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng; mức cao nhất từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm. Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật Hình sự, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

Ngoài ra pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm theo quy định tại khoản 5 Điều 192 BLHS năm 2015.

Còn trong trường hợp chưa đủ mức truy cứu hình sự thì với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng thì bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 11 Nghị định 185/2013/NĐ-CP ngày 11/15/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Điều 11. Hành vi buôn bán hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng
1. Đối với hành vi buôn bán hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng quy định tại điểm a, b, c và d khoản 8 Điều 3 Nghị định này, mức phạt tiền như sau:
a) Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị dưới 1.000.000 đồng;
b) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 1.000.000 đồng đến dưới 3.000.000 đồng;
c) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 3.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng;
d) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng;
đ) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng;
e) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng;
g) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 30.000.000 đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
2. Phạt tiền gấp hai lần các mức tiền phạt quy định tại khoản 1 Điều này đối với hành vi nhập khẩu hàng giả hoặc hàng giả thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh cho người mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
b) Là thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
c) Là phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, chất tẩy rửa, diệt côn trùng, trang thiết bị y tế, xi măng, sắt thép xây dựng, mũ bảo hiểm.
3. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này;
b) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc tiêu hủy tang vật đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này;
b) Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc tái xuất hàng giả đối với hành vi nhập khẩu hàng giả quy định tại Điều này;
c) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Điều này;
d) Buộc thu hồi tiêu hủy hàng giả đang lưu thông trên thị trường đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này.

THANH THANH

/nhung-vuong-mac-thuong-gap-trong-thuc-tien-hanh-nghe-luat-su.html