Ảnh minh họa.
Theo Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp, hành vi dùng axit tạt vào người khác để trả thù, gây thương tích là hành vi rất tàn nhẫn bởi hậu quả không chỉ để lại những tổn thương cơ thể cho nạn nhân mà còn ảnh hưởng đến thẩm mỹ, đến các chức năng vận động và đến các bộ phận, cơ quan khác trên cơ thể con người. Hậu quả thương tích do axit gây ra luôn nghiêm trọng hơn các hình thức gây thương tích khác. Vì vậy, khi xử lý hình sự đối với các đối tượng sử dụng axit gây thương tích cho người khác thì cơ quan tố tụng thường sẽ áp dụng chế tài rất nghiêm khắc để răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội.
Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 đã có nhiều quy định mới về hành vi cố ý gây thương tích khi sử dụng axit hoặc hóa chất nguy hiểm. Theo đó hành vi sử dụng axit nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm thì dù thương tích chưa tới 11% cũng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu sử dụng axit nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm mà chưa thực hiện hành vi phạm tội thì cũng sẽ bị xử lý hình sự theo khoản 6 Điều 134 về tội “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” với hành vi là chuẩn bị phạm tội.
Nếu tổng tỷ lệ thương tích của các nạn nhân từ 11% đến 30 % thì đối tượng sẽ bị xử lý theo khoản 2, Điều 134 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt là phạt tù từ 02 năm đến 06 năm.
Trường hợp tổng tỷ lệ thương tích của các nạn nhân từ 31 đến 60% thì hình phạt sẽ là phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
Trường hợp thương tích của các nạn nhân từ 61% trở lên thì hình phạt có thể tới 14 năm tù.
Tổng tỷ lệ thương tích của nạn nhân sẽ quyết định đến việc áp dụng khung khoản điều luật về tội “Cố ý gây thương tích”. Còn tỷ lệ thương tích của mỗi nạn nhân khác nhau cho thấy mức độ thiệt hại về sức khỏe của mỗi nạn nhân khác nhau, đây là căn cứ để tính thiệt hại, làm cơ sở để buộc đối tượng gây thương tích phải bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân.
Ngoài việc bị xử lý hình sự thì người thực hiện hành vi tạt axit vào người khác sẽ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại đối với nạn nhân. Thiệt hại bao gồm chi phí cứu chữa, tiền thu nhập bị mất, bị giảm sút trong và sau khi điều trị, tiền công người chăm sóc và một khoản tiền bồi thường tổn thất về tinh thần do sức khỏe bị xâm hại. Cụ thể Điều 590 Bộ luật Dân sự quy định thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:
- Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
- Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
- Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;
- Thiệt hại khác do luật quy định.
Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Chia sẻ thêm, Luật sư Cường cho biết, khi sửa đổi bổ sung Bộ luật Hình sự cũng có nhiều ý kiến cho rằng hành vi sử dụng axit để tạt vào người khác có thể xử lý về tội “Giết người”. Tuy nhiên cơ sở lý luận cũng như vậy thực tiễn để xử lý về tội “Giết người” trong tình huống này rất khó bởi tính chất nguy hiểm của axit cũng chỉ có thể gây ra thương tích cho nạn nhân. Trường hợp sử dụng bằng những cách thức nguy hiểm như dìm người trong axit hoặc có những phương thức thủ đoạn có thể dẫn đến chết người thì mới xử lý về tội “Giết người”. Còn đối với hành vi tạt, té axit vào người khác thì rất khó để chứng minh mục đích giết người hoặc hành vi có thể dẫn đến chết người. Trong trường hợp có căn cứ chứng minh hành vi có thể dẫn đến chết người thì mới có thể xử lý về tội “Giết người”.
Như vậy, ngoài trách nhiệm hình sự thì người có hành vi tạt axit vào người khác còn phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho các nạn nhân. Nếu hai bên không thỏa thuận được thì Tòa án sẽ giải quyết trên cơ sở pháp luật. Khi có bản án có hiệu lực pháp luật thì các nạn nhân có quyền yêu cầu cưỡng chế thi hành án nếu người này không chấp hành.
TIẾN HƯNG
Cần xử lý nghiêm hành vi ly hôn giả để tẩu tán tài sản, trốn tránh nghĩa vụ dân sự