(LSO) - Dư luận chưa lắng xuống trong vụ bị cáo nhảy lầu tự tử sau phiên phúc thẩm vụ án tai nạn giao thông ở Bình Phước thì lại nóng lên sau phiên tòa ở Thái Nguyên xử phúc thẩm vụ xe Inova lùi trên cao tốc gây nên tai nạn thảm khốc.
Đã có rất nhiều ý kiến phân tích, lý giải, làm rõ nguyên nhân của vụ tai nạn giao thông tại Thái Nguyên của các chuyên gia ngành luật và cả những tài xế lái xe, so sánh với pháp luật nước ngoài, nếu như ở trường hợp tương tự, tòa án người ta sẽ phán quyết như thế nào. Vụ án tai nạn giao thông này không chỉ thu hút sự chú ý dư luận trong nước mà cả những công dân Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại nước ngoài, đặc biệt là những người hành nghề lái xe.
Phán quyết của tòa án Thái Nguyên giữ nguyên mức xử của phiên sơ thẩm trước đó đối với tài xế xe Container 4 năm tù giam làm không ít người bàng hoàng vì cho rằng tài xế này cũng chỉ là nạn nhân của một sự vi phạm luật giao thông nghiêm trọng của người khác gây ra mà thôi. Những tiểu tiết của phiên tòa này cũng bị đưa ra phê phán và biểu sự không đồng tình như bị cáo bị xích chân hoặc việc đối đáp giữa luật sư và những người tiến hành tố tụng, kiểu bất chấp các luận cứ thuyết phục để đưa ra các phán quyết thiếu thuyết phục.
Trường hợp bị cáo tìm đến cái chết để tiếp cận công lý ở Bình Phước tuy không phải là giải pháp tích cực nhưng đã có tác dụng khi mới đây vụ án này đã được tòa cấp cao tại TP. HCM kháng nghị hủy các bản án sơ thẩm và phúc thẩm để điều tra lại. Nhưng dù có thế thì người chết cũng không dễ được minh oan vì theo luật, sẽ đình chỉ đối với nghi phạm, bị can, bị cáo đã chết và cái án tù với sự khép tội của anh này vẫn còn nguyên đó. Tuy nhiên, dẫu sao cái chết của bị cáo này không vô ích khi sự công bằng được thiết lập.
Một hiện trạng rất đáng chú ý trong việc xử lý các vụ tai nạn giao thông ở nước ta là không nhất quán, nặng nhẹ khác nhau, thậm chí có vụ còn bị ỉm đi, không xử lý bằng pháp luật hình sự. Mới đây nhất, dư luận nhận thấy việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can diễn ra tuy chậm một chút đối với trường hợp Trưởng ban Nội chính tỉnh Thái Bình gây tai nạn nghiêm trọng rồi bỏ chạy khiến mọi người cũng bớt nghi ngại vụ án sẽ bị "chìm xuồng". Bởi vì khi vụ việc xảy ra người ta liên hệ ngay đến các vụ án tai nạn giao thông trước đây mà không bao giờ trở thành "vụ án" cả. Điển hình như vụ Bí thư huyện lái xe gây tai nạn làm chết 3 người hoặc một Phó Giám đốc sở say rượu lái xe gây tai nạn làm nhiều người thương vong đều không "dính" pháp luật hình sự. "Gỡ tội" cho họ là luận cứ rất thiếu thuyết phục "đã tự nguyện khắc phục hậu quả và gia đình nạn nhân đề nghị bãi nại". Những vụ việc tương tự như vậy còn khá nhiều nếu liệt kê ra.
Pháp luật là hiện thân của lẽ công bằng mà để làm được điều này phụ thuộc vào sự công minh của những người nắm giữ cán cân công lý. Thiếu sự công minh không bao giờ xác lập được sự công bằng!
NHỊ NGỌC