Hiểu và áp dụng ESG trong doanh nghiệp một cách hiệu quả

09/07/2024 23:43 | 2 tháng trước

(LSVN) - “ESG” là một khái niệm chỉ mới ra đời cách đây 20 năm, vào năm 2004 được Liên Hợp Quốc đưa vào báo cáo nghiên cứu và được công bố trên toàn thế giới “Who cares win” (tạm dịch Ai quan tâm, người đó thắng), nhưng nguyên tắc, tinh thần của ESG đã tồn tại ở cả thế kỷ trước đó. ESG thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững là điều mà không ai có thể phủ nhận nhưng không đồng nghĩa với việc áp dụng ESG lúc nào cũng mang lại thành công cho doanh nghiệp. Do đó, trong vấn đề áp dụng ESG, doanh nghiệp cần phải có sự nghiên cứu, đánh giá và tham vấn chuyên gia để việc áp dụng phù hợp và đạt kết quả tốt. Bài viết mang đến một góc nhìn mang tính chia sẽ của tác giả đến các doanh nghiệp đang có kế hoạch dự kiến áp dụng ESG trong thời gian sắp tới.

Ảnh minh họa.

1. “ESG” và lược sử hình thành

Trước tiên, “ESG” là một khái niệm chỉ mới ra đời cách đây 20 năm, vào năm 2004 được Liên Hợp Quốc đưa vào báo cáo nghiên cứu và được công bố trên toàn thế giới “Who cares win” (tạm dịch Ai quan tâm, người đó thắng), nhưng nguyên tắc, tinh thần của ESG đã tồn tại ở cả thế kỷ trước đó. Dù lâu đời là vậy, nhưng ESG chỉ mới được phổ biến rộng rãi trong nền kinh tế quốc tế trong vòng 05 năm trở lại đây. Từ khởi xướng và phát động, tuyên truyền của Liên Hợp Quốc cũng như nhận thấy được tầm quan trọng của ESG, các quốc gia, các tổ chức tài chính đã tích cực hưởng ứng nhằm đưa ESG vào áp dụng trong hoạt động kinh tế, vận hành tại tổ chức, doanh nghiệp.

ESG là từ viết tắt của “Environment” – Môi trường, “Social” – Xã hội và “Governance” – Quản trị. Đây là một hệ thống các tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và quản trị mà khi được đưa vào áp dụng sẽ đưa doanh nghiêp vào khuôn khổ an toàn, hoạt động hiệu quả, hạn chế rủi ro, là thước đo để cổ đông, nhà đầu tư, khách hàng và bên liên quan khác của tổ chức, doanh nghiệp đánh giá tính bền vững, ổn định trong vận hành, hoạt động của chính tổ chức, doanh nghiệp. Kể từ khi hiện diện trên thị trường cho đến giai đoạn năm 2019, khái niệm ESG chưa thật sự phát triển và được quan tâm toàn diện ở tất cả các khía cạnh mà chỉ xuất hiện ở một trong các khía cạnh “E” hoặc “S” hoặc “G”, len lỏi trong các cuộc họp giữa các tổ chức quốc tế, tọa đàm, trao đổi song phương hoặc đa phương và được một số tổ chức, doanh nghiệp lớn trên thế giới đưa vào áp dụng. 

Ví dụ, ở khía cạnh “G” – Quản trị, năm 2006, Chính phủ Anh đã ban hành Đạo luật Công ty (Company Act) để luật hóa các tiêu chuẩn cơ bản cho việc điều hành, quản trị doanh nghiệp, tạo ra nền móng cơ bản cho việc quản trị doanh nghiệp đúng mực, minh bạch, bảo vệ lợi ích của các bên liên quan.

Song song đó, ở khía cạnh “E” – Môi trường thực tế đã được quan tâm từ sớm, các hội nghị, diễn đàn trên thế giới do các tổ chức đa quốc gia (như Liên Hợp Quốc, Tổ chức kinh tế thế giới WHO,…) được tổ chức nhằm lấy ý kiến của các quốc gia là thành viên, thống nhất đường lối, phương pháp, kế hoạch thực hiện và những nội dung được thống nhất đã được ghi nhận tại các văn kiện tài liệu quốc tế như Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu 1992, Nghị định thư Kyoto 1997 và Thỏa thuận Paris 2015.

Ở khía cạnh “S” – Xã hội, các yếu tố của nội dung này đã được xuất hiện từ rất lâu vào khoảng thế kỷ 19, cùng lúc với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai là các cuộc cải cách tiền lương, giảm giờ làm, an toàn vệ sinh lao động, … hoặc thực hiện chống phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính,…  

Hiện nay, ESG đã được chuẩn hóa và hệ thống thành bộ tiêu chuẩn chi tiết tương ứng, gồm 3 nhóm tiêu chuẩn tương ứng lần lượt với “môi trường”, “xã hội”, “quản trị”, cụ thể :

E - Evironmental: Nhóm tiêu chuẩn liên quan đến các vấn đề về bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên, chủ yếu gồm: Tác động từ biến đổi khí hậu và phát thải carbon; Quản lý nước và chất thải gây ô nhiễm, suy giảm đa dạng sinh học; Khai thác nguyên liệu thô, khí thải độc hại và ô nhiễm và bao bì lãng phí…

S - Social: Nhóm tiêu chuẩn liên quan đến các vấn đề xã hội, chủ yếu như sự hài lòng của khách hàng, những vấn đề chung liên quan đến người lao động như tính đa dạng, công bằng và hòa nhập của người lao động, quyền riêng tư của người lao động, quan hệ cộng đồng, cải thiện bình đẳng về chủng tộc và giới tính, khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe, cung cấp giáo dục và nâng cao kỹ năng cho người lao động, cung cấp bảo mật và quyền riêng tư dữ liệu cũng như khả năng tiếp cận nghề nghiệp/việc làm…

G - Governance: Nhóm tiêu chuẩn liên quan đến các hoạt động quản trị công ty, chủ yếu gồm: Đảm bảo tính phù hợp giữa khoảng cách lương giữa lãnh đạo cấp cao của doanh nghiệp và người lao động cấp dưới khác, đảm bảo tính phù hợp, tuân thủ trong việc quản trị, điều hành, các giao dịch phát sinh trong chính danh nghiệp, tuân thủ các thông lệ kinh doanh có đạo đức, tuân thủ pháp luật và quy định, minh bạch về thông lệ và kết quả kinh doanh, và có lập trường công khai về các vấn đề, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ…

Thực tế, hệ thống tiêu chuẩn này chưa được luật hóa tại bất kỳ một văn bản quy phạm pháp luật tại bất kỳ một quốc gia nào thể hiện yêu cầu bắt buộc áp dụng, mà mang yếu tố lựa chọn áp dụng. Hệ thống tiêu chuẩn này được xây dựng không dựa trên quy định pháp luật của một quốc gia cụ thể mà là sự tổng hợp, đúc kết dựa trên các quy định chung và khung trên thế giới, các thông lệ thị trường quốc tế tốt liên quan và các nghiên cứu thực tiễn có sự xem xét, đánh giá tỷ lệ, tỷ trọng, hiệu suất, chỉ số phù hợp chung. Nhìn chung, tác giả nhận thấy rằng mặc dù bộ tiêu chuẩn ESG được xây dựng với tiền đề là các quy định pháp luật cơ bản và các điều ước quốc tế, quy định khung của thế giới, nhưng lại chặt chẽ và chi tiết hơn rất nhiều đối với môi trường, xã hội (an sinh xã hội, lao động, cộng đồng,…) và quản trị (tiêu chí minh bạch trong quản trị doanh nghiệp, giao dịch với người có liên quan).

Đến năm 2019 – 2020, sự kiện dịch bệnh COVID-19 hoành hành và đã để lại hậu quả khôn lường cho các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp, dẫn đến việc đình trệ, tạm dừng hoạt động, nguy cơ phá sản, hoặc hiệu suất kinh doanh thấp, gây thua lỗ của số lượng lớn các công ty, doanh nghiệp, tạo hiệu ứng dây chuyền gây ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế toàn cầu. Từ đó, các tổ chức kinh tế, công ty, doanh nghiệp (sau đây gọi chung là “doanh nghiệp”) đã tập trung hơn trong việc tìm kiếm các phương án để giữ tính ổn định, bền vững cho hoạt động kinh doanh của mình hoặc của các doanh nghiệp được góp vốn đầu tư, bên cạnh việc tìm hiểu, xây dựng các phương án về rủi ro hoạt động và đảm bảo kinh doanh, hoạt động liên tục, ESG lại được chú trọng và có sự bùng nổ về tính phổ biến được nhắc đến với tần suất cao. Tại Việt Nam, ESG đã được một số doanh nghiệp lớn đưa vào triển khai, có thể kể đến như Tập đoàn Masan, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Công ty Cổ phần sữa Việt Nam, Công ty Cổ phần hàng không Vietjet Air, … là những doanh nghiệp tiên phong đưa ESG vào vận hành và kinh doanh.

2. Áp dụng ESG trong hoạt động của doanh nghiệp như thế nào?

ESG là một hệ thống các tiêu chuẩn, là cơ sở để doanh nghiệp đánh giá, xem xét và điều chỉnh hoạt động vận hành, kinh doanh của mình theo hướng phù hợp với quy định pháp luật, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế và phù hợp với tình trạng kinh tế, tài chính, lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp, đảm bảo hạn chế xuống mức thấp nhất các rủi ro có thể phát sinh gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến giá trị doanh nghiệp, đến hoạt động doanh nghiệp. Vì vậy, có thể nói ESG không chỉ được xem là một phương tiện để đánh giá và theo dõi hiệu suất của một tổ chức về các vấn đề bền vững và xã hội, mà còn là một cách để xây dựng niềm tin từ cổ đông, nhà đầu tư, và khách hàng.

Theo quan sát của tác giả, có 02 nguyên nhân chính dẫn đến việc một doanh nghiệp chấp nhận đưa ESG vào hệ thống hoạt động, kinh doanh của mình. Thứ nhất, doanh nghiệp nhận thấy rằng cần áp dụng hệ thống tiêu chuẩn ESG để giữ tính bền vững, ổn định của doanh nghiệp, là nguyên nhân để dẫn đến niềm tin của khách hàng, đối tác, các cổ đông, nghĩa là các doanh nghiệp này chủ động thực hiện. Thứ hai, doanh nghiệp được các cổ đông hoặc nhà đầu tư hoặc bên cho vay/cấp tín dụng yêu cầu áp dụng ESG trong hoạt động của doanh nghiệp. Trường hợp này, doanh nghiệp không là bên chủ động thực hiện mà được đặt vào tình huống phải thực hiện để đạt được mục đích về vốn, về chỉ số tin tưởng của các nhà đầu tư, bên cho vay với doanh nghiệp…

Ví dụ, khi nhà đầu tư yêu cầu một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng để được góp vốn đầu tư phải thực hiện và báo cáo ESG theo bộ hướng dẫn tiêu chuẩn (guidelines) do Công ty Tài chính Quốc tế IFC ban hành. Cụ thể, nếu doanh nghiệp thực hiện một dự án bất động sản xây dựng nhà ở có thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất thì doanh nghiệp sẽ phải thực hiện các kế hoạch đánh giá môi trường và xã hội theo hướng dẫn của IFC, đánh giá khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn hoạt động tiêu biểu của IFC (IFC Performance Stanndard Applicability - IFCPS ) trên tất cả các khía cạnh về môi trường (mức độ ảnh hưởng đến môi trường), xã hội (mối quan hệ lao động giữa doanh nghiệp với người lao động, giữa nhà thầu của doanh nghiệp với người lao động của họ có thực hiện/liên quan đến dự án, lao động trẻ em, phụ nữ, …), quản lý nguồn nguyên liệu, tiêu thụ năng lượng, tiêu thụ nước, tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường, các chính sách liên quan đến người lao động, trách nhiệm đối với cộng đồng địa phương và về quản trị doanh nghiệp (các cấp lãnh đạo, quản trị doanh nghiệp tham gia/thông qua dự án, ...). Từ việc áp dụng ESG, nhà đầu tư nhận thấy rằng các rủi ro có thể xảy ra gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động dự án sẽ được giảm thiểu đến mức thấp nhất và doanh nghiệp sẽ đạt được sự ổn định trong hoạt động kinh doanh của mình, là cơ sở để nhà đầu tư cân nhắc việc thực hiện đầu tư.

Hoặc một trường hợp khác, khi đầu tư vào một ngân hàng thương mại cổ phần lớn thuộc của Việt Nam có một vị lãnh đạo nữ nổi tiếng, nhà đầu tư nước ngoài đã yêu cầu một trong các tiêu chuẩn thuộc về “S” và “G” đó là phải đạt được tỷ lệ 30% Ban Điều hành, Ban lãnh đạo của ngân hàng là nữ giới, để chứng minh rằng ngân hàng này không phân biệt giới tính và đảm bảo tỷ lệ công bằng trong việc ứng cử vào vị trí lãnh đạo giữa các giới tính. 

Mặc dù vậy, việc áp dụng ESG vẫn còn khá nhiều hạn chế trong việc tiếp cận đến các doanh nghiệp – chủ thể chính đóng vai trò quan trọng để đạt được mục đích cho sự xuất hiện của ESG, vì chi phí quá tốn kém ở bước đầu và thời gian để đạt kết quả khá dài, dẫn đến các doanh nghiệp có nguồn vốn hạn chế sẽ không thể thực hiện ESG trong hoạt động kinh doanh.

Vậy trước khi áp dụng ESG, doanh nghiệp sẽ tìm hiểu, tham vấn ý kiến của các chuyên gia, tổ chức tư vấn về ESG để lựa chọn bộ tiêu chuẩn phù hợp để áp dụng cho hoạt động kinh doanh, vận hành của doanh nghiệp, đồng thời chuẩn bị một nguồn lực để có thể đưa ESG tích hợp vào việc vận hành, kinh doanh. Ngoài bộ tiêu chuẩn ESG của IFC, hiện trên thế giới cũng tồn tại khá nhiều hướng dẫn thực hành và báo cáo ESG như AA1000 AS (AA1000 Assurance Standard) - Tiêu chuẩn đảm bảo AA1000,  GRI (Global Reporting Initiative) - Sáng kiến báo cáo toàn cầu, SASB (SASB Standards) - Hội đồng chuẩn mực kế toán bền vững … là các bộ tiêu chuẩn tiêu biểu được thực hiện theo bởi nhiều doanh nghiệp lớn .

3. Kết luận

ESG thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững là điều mà không ai có thể phủ nhận nhưng không đồng nghĩa với việc áp dụng ESG lúc nào cũng mang lại thành công cho doanh nghiệp. Do đó, trong vấn đề áp dụng ESG, doanh nghiệp cần phải có sự nghiên cứu, đánh giá và tham vấn chuyên gia để việc áp dụng phù hợp và đạt kết quả tốt. Bài viết mang đến một góc nhìn mang tính chia sẽ của tác giả đến các doanh nghiệp đang có kế hoạch dự kiến áp dụng ESG trong thời gian sắp tới.

(1) https://www.thecorporategovernanceinstitute.com/insights/lexicon/what-is-the-history-of-esg/

(2) Tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị: Nội hàm và các hướng dẫn thực hiện. TS. Nguyễn Thị Phương Dung, Phan Huy Toàn, Nguyễn Thị Linh, Hoàng Thị Hằng, Lê Trung Hiếu,  2023. Tạp chí Tài chính. Nguồn: https://tapchitaichinh.vn/tieu-chuan-moi-truong-xa-hoi-va-quan-tri-noi-ham-va-cac-huong-dan-thuc-hien.html

(3) https://www.ifc.org/content/dam/ifc/photos/2023/ifc-performance-standards-cg-methodology-sdg-mapping.jpg

(4) https://tapchitaichinh.vn/tieu-chuan-moi-truong-xa-hoi-va-quan-tri-noi-ham-va-cac-huong-dan-thuc-hien.html

Luật sư QUÁCH MINH TRÍ

Công ty Luật TNHH Passio Lawyers

HỒ THỊ CẨM NHUNG

Trưởng Hợp đồng ngoại Ngân hàng TMCP Phát triển TP. Hồ Chí Minh

Hoàn thiện quy định về yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập trong tố tụng dân sự