Hình thức tổ chức và trách nhiệm tài sản của Văn phòng Công chứng

14/06/2020 00:33 | 3 năm trước

(LSO) - Từ việc nghiên cứu Luật Công chứng 2014, có thể khẳng định bên cạnh những tích cực mà đạo luật này mang lại thì vấn đề hết sức quan trọng liên quan đến hình thức tổ chức và cơ chế chịu trách nhiệm tài sản của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công chứng còn tồn tại những vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu để đưa ra sự điều chỉnh phù hợp và cần thiết, không ngừng hoàn thiện pháp luật về công chứng ở nước ta hiện nay.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Về mô hình tổ chức Văn phòng Công chứng (công ty hợp danh)

Cùng với việc duy trì sự tồn tại của Phòng Công chứng với tư cách là đơn vị sự nghiệp công lập, Luật Công chứng 2014 tiếp tục ghi nhận hoạt động của “văn phòng công chứng” do các chủ thể là công chứng viên thuộc khu vực tư thành lập, tồn tại và hoạt động song song với phòng công chứng nhà nước. Sự ghi nhận này đã thể hiện việc tiếp tục thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động này phát triển, giải quyết công việc của nhân dân một cách tốt nhất.

Luật Công chứng 2014 quy định về mô hình tổ chức của tổ chức hành nghề công chứng thuộc khu vực tư là “công ty hợp danh”; theo đó, văn phòng công chứng phải có từ hai công chứng viên hợp danh trở lên. Văn phòng công chứng không có thành viên góp vốn. Văn phòng công chứng có con dấu và tài khoản riêng, hoạt động theo nguyên tắc tự chủ về tài chính bằng nguồn thu từ phí công chứng, thù lao công chứng và các nguồn thu hợp pháp khác.

Từ quy định nói trên, ta có thể đưa ra một số nhận xét như sau:

Việc tiếp tục thừa nhận doanh nghiệp thuộc khu vực tư tham gia vào hoạt động công chứng cùng với đơn vị sự nghiệp công (phòng công chứng nhà nước) đã và đang là một bước tiến quan trọng. Tuy nhiên, nếu so sánh với sự thừa nhận trong Luật Công chứng 2006, thì Luật Công chứng 2014 đang đánh dấu một bước “lùi” căn bản của chính sách về xã hội hóa hoạt động công chứng. Nếu Luật Công chứng 2006 đã ghi nhận: Tổ chức mà các chủ thể, nhà đầu tư có thể lựa chọn thành lập doanh nghiệp tiến hành hoạt động công chứng là “công ty hợp danh”, mà cụ thể hơn thì công ty hợp danh nói chung có thể phân tách thành hai loại: loại thứ nhất có thể tạm gọi là công ty hợp danh “thuần túy” (chỉ có 2 thành viên hợp danh trở lên chịu trách nhiệm vô hạn - trên thế giới, người ta thường gọi là công ty hợp doanh); loại thứ hai là công ty hợp danh “hữu hạn” (ngoài 2 thành viên hợp danh trở lên chịu trách nhiệm vô hạn, công ty còn có thêm thành viên góp vốn chịu trách nhiệm hữu hạn - theo cách gọi trên thế giới, đây là loại công ty hợp vốn đơn giản (riêng thành viên chịu trách nhiệm vô hạn chỉ cần tối thiểu là 1) và doanh nghiệp tư nhân.

Hiện nay, theo Luật Công chứng 2014, cá nhân công chứng viên tham gia hoạt động hành nghề công chứng chỉ được lựa chọn một hình thức tổ chức duy nhất là công ty hợp danh “thuần túy” (chỉ có 2 thành viên hợp danh trở lên mà thôi, không có loại công ty hợp danh “hữu hạn” có thêm thành viên góp vốn và doanh nghiệp tư nhân). Điều này khiến ta liên tưởng đến hình ảnh “không quản lý được thì cấm”, thể hiện tính bất lực, cực đoan trong quản lý nhà nước. Xã hội đang đồng tình và ủng hộ chủ trương xã hội hóa bằng việc ghi nhận các loại hình doanh nghiệp mà các ứng viên thuộc khu vực tư có thể lựa chọn để thành lập và hoạt động trong lĩnh vực công chứng, trong đó có cả doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh nói chung.

Với việc ghi nhận các loại hình doanh nghiệp như Luật Công chứng 2006, mặc dù chưa tận dụng và phát huy hết ý nghĩa, ưu điểm của mỗi loại hình doanh nghiệp nhưng chúng tôi cho rằng, đó là một ghi nhận tích cực, tạo bước đột phá về hình thức tổ chức cho hoạt động công chứng phát triển.

Sự thu hẹp hay loại bỏ hai hình thức tổ chức hoạt động công chứng thuộc khu vực tư (loại bỏ doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh “hữu hạn”) trong Luật Công chứng 2014 đã làm xáo trộn trong hoạt động của tổ chức công chứng, gây khó khăn, phiền hà, vướng mắc cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư khi tham gia vào hoạt động trong lĩnh vực công chứng. Với thực trạng này, nguyên tắc “cởi trói” cho nền kinh tế đã bị hạn chế; buộc các doanh nghiệp, nhà đầu tư phải mất nhiều thời gian, công việc cho việc sắp xếp lại, như: chuyển đổi, sáp nhập, thành lập mới...; khiến các nhà đầu tư gặp khó khăn, phải xoay sở trong việc tìm kiếm đối tác hợp nhất, thành lập..., không có nhiều cơ hội để lựa chọn hình thức tổ chức hoạt động trong lĩnh vực công chứng theo ý chí, sở trường của mình.

Quyền tự do kinh doanh bị hạn chế (nếu không muốn nói là bị xâm phạm), vì chẳng có lý do gì để thuyết phục hay lý giải cho những quy định hạn chế này của pháp luật; và đã đến lúc phải nhắc lại quan điểm cho rằng: “Nhà nước sinh ra là để quản lý và tạo điều kiện (cơ hội) thuận lợi thúc đẩy xã hội phát triển chứ không phải là kìm hãm sự phát triển xã hội”.

Thiết nghĩ, thời gian tới, nhà làm luật cần có sự nhìn nhận khoa học, đúng đắn hơn, bỏ sung vào Luật các hình thức tổ chức hoạt động công chứng theo hướng mở rộng và ghi nhận các loại hình doanh nghiệp phù hợp với quy luật phát triển của kinh tế - xã hội, đặc biệt với điều kiện phát triển ở Việt Nam hiện nay mà tối thiểu là bổ sung thêm hai hình thức tổ chức doanh nghiệp như trước (theo Luật Công chứng 2006) nhằm phát huy tối đa ưu điểm, lợi thế của từng mô hình, loại doanh nghiệp, qua đó tạo cơ hội thuận lợi cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực hoạt động công chứng.

Về trách nhiệm tài sản của Văn phòng Công chứng

Luật Công chứng 2014 quy định: Văn phòng Công chứng được tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đối với loại hình công ty hợp danh. Văn phòng công chứng phải có từ hai công chứng viên hợp danh trở lên. Văn phòng công chứng không có thành viên góp vốn. Văn phòng công chứng có con dấu và tài khoản riêng, hoạt động theo nguyên tắc tự chủ về tài chính bằng nguồn thu từ phí công chứng, thù lao công chứng và các nguồn thu hợp pháp khác.

Trong khi đó, Luật Doanh nghiệp 2014 quy định: Công ty hợp danh có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Có thể thấy rằng, quy định trên đây đang thể hiện một thực tế luẩn quẩn, không rõ ràng và đang mâu thuẫn về trách nhiệm tài sản của doanh nghiệp “văn phòng công chứng”. Sự không rõ ràng, mâu thuẫn này thể hiện ở chỗ: theo lý thuyết và pháp luật về pháp nhân, một chủ thể là pháp nhân thì luôn “có tài sản riêng” độc lập với tài sản của tất cả các chủ thể khác, kể cả tài sản riêng của người sở hữu pháp nhân, doanh nghiệp đó. Trong khi ở công ty hợp danh (đặc biệt là hợp danh “thuần túy” theo Luật Công chứng hiện hành), sự tách bạch tài sản đó là không thể vì đã là thành viên hợp danh trong công ty hợp danh họ luôn “phải là cá nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty”[1].

Và như vậy, ở đây không thể có “tài khoản riêng” cho công ty mà nó chính là tài khoản “chung” với thành viên hợp danh của công ty. Tài sản của công ty cũng chính là tài sản của thành viên công ty bởi tính chịu trách nhiệm vô hạn “bằng toàn bộ tài sản của mình (thành viên hợp danh) về các nghĩa vụ của công ty”. Và như vậy, Luật Công chứng quy định về tài khoản riêng của văn phòng công chứng là không cần thiết nếu như không muốn nói là vô nghĩa bởi mọi nghĩa vụ của công ty đều do cá nhân thành viên công ty chịu trách nhiệm tới cùng (vô hạn). Chữ “tài khoản riêng” ở đây chỉ là hình thức; Luật không quy định cũng không ảnh hưởng gì mà chỉ giúp câu, từ gọn, xúc tích, dễ hiểu hơn, mang tính pháp điển hóa cao hơn mà thôi.

Về tư cách pháp nhân của văn phòng công chứng

Từ phân tích ở trên, không thể cho rằng công ty hợp danh hay văn phòng công chứng có tư cách pháp nhân, bởi vì lý thuyết về pháp nhân, đặc biệt là pháp nhân trong hoạt động kinh doanh đã khẳng định rất rõ rằng, để công ty có tư cách pháp nhân, khi thành lập công ty đối vốn (lưu ý là chỉ công ty đối vốn mà thôi), các thành viên góp đủ vốn đăng ký vào công ty thì phần này thuộc công ty và tồn tại tách bạch với toàn bộ phần tài sản còn lại thuộc sở hữu của thành viên công ty mà không đưa vào vốn của công ty.

Cách thiết kế về mặt pháp lý như vậy, suy cho cùng chỉ nhằm mục đích là để các tổ chức kinh tế có tư cách pháp nhân hưởng quy chế trách nhiệm hữu hạn mà thôi. Nói khác đi, pháp nhân không phải là khái niệm khẳng định tính độc lập về pháp lý của mọi loại chủ thể kinh doanh hay thương gia. Theo lẽ đó, pháp luật nước ta (mà trước hết là pháp luật kinh tế - dân sự) cũng như pháp luật của mọi quốc gia trên thế giới đều coi pháp nhân là một thực thể pháp lý:

- Được thành lập hay thừa nhận một các hợp pháp;

- Có tài sản riêng;

- Tự chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của mình bằng số tài sản riêng đó;

- Là nguyên đơn hay bị đơn trước cơ quan tài phán.

Trong đó dấu hiệu thứ 2 và 3 là thuộc tính riêng của pháp nhân”[2].

Bên cạnh đó, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: Một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau:

a) Được thành lập theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan;

b) Có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 83 của Bộ luật này;

c) Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình;

d) Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.

Luật Doanh nghiệp năm 2014 cũng đã thể chế hóa khái niệm pháp nhân vào một số quy định; điều đặc biệt là khi quy định về các yếu tố, điều kiện nội hàm của công ty hợp danh với tư cách là một doanh nghiệp thuộc nhóm công ty đối nhân, Điều 172 Luật Doanh nghiệp 2014 đã quy định tư cách pháp nhân cho loại công ty này, theo đó, công ty hợp danh là doanh nghiệp phải có ít nhất hai thành viên là chủ sở hữu chung của công ty, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung (sau đây gọi là thành viên hợp danh).

Ngoài các thành viên hợp danh, công ty có thể có thêm thành viên góp vốn. Thành viên hợp danh phải là cá nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty. Thành viên góp vốn chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty. Công ty hợp danh có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Như vậy, cùng với các loại hình công ty đối vốn (công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần), công ty hợp danh cũng được Luật Doanh nghiệp 2014 quy định (ấn định) cho tư cách là pháp nhân.

Dưới giác độ khoa học, một chủ thể để được xác định là một pháp nhân không phải dễ dàng mà nó có sự khắt khe, chặt chẽ về điều kiện của nó. Nếu căn cứ vào điều kiện đủ, phổ biến thì có thể thấy công ty hợp danh (ở đây là văn phòng công chứng) không khác một chủ thể là pháp nhân vì nó cũng được thành lập hợp pháp và cũng có thể có cơ cấu tổ chức “chặt chẽ”…

Tuy nhiên, khi căn cứ vào điều kiện cần, đặc thù của một pháp nhân thì công ty hợp danh trong Luật Doanh nghiệp 2014 chưa (không) đủ điều kiện là pháp nhân. Điều này thể hiện rất rõ ở yếu tố điều kiện nội hàm là công ty phải “có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình” như Bộ luật Dân sự 2015 đã quy định.

Trong khoa học pháp lý, việc “có tài sản độc lập” ở đây chỉ xuất hiện trong các công ty đối vốn (xin giới hạn các chủ thể là công ty) khi mà thành viên công ty ngay sau khi góp vốn vào công ty, công ty chính thức được thành lập thì ngay lập tức phần vốn họ đã góp đó trở thành vốn (tài sản) của công ty chứ không còn là tài sản đơn thuần của thành viên đó nữa. Số vốn đó phải được quản lý, sử dụng theo một quy chế riêng biệt của công ty.

Quyền quyết định không phải là của cá nhân, tổ chức chủ sở hữu phần vốn góp trước đó nữa mà nó đã được chuyển giao cho một cơ quan hay một chủ thể khác (có thể là hội đồng thành viên, chủ tịch công ty trong công ty trách nhiệm hữu hạn; đại hội đồng cổ đông, hội đồng quản trị trong công ty cổ phần… do pháp luật, điều lệ công ty quy định) cùng quản lý, thực hiện. Điều khác biệt ở đây là: Quyền quyết định đối với khối tài sản, phần vốn góp ở công ty hợp danh của thành viên hợp danh sau khi góp vào công ty thì họ vẫn có toàn quyền, liên đới chịu trách nhiệm về mọi nghĩa vụ của công ty. Điều đó cũng có nghĩa, ở đây không có sự tách bạch về tài sản của công ty với tài sản riêng của thành viên hợp danh trong công ty. Mọi nghĩa vụ của công ty hợp danh suy cho cùng và cuối cùng vẫn do thành viên hợp danh liên đới chịu trách nhiệm một cách vô hạn, tức là họ vẫn phải huy động tới đồng bạc cuối cùng trong khối tài sản riêng của họ (bao gồm cả tài sản không và chưa từng đưa vào làm vốn kinh doanh tại công ty) để thực hiện nghĩa vụ của công ty nếu số nợ công ty phải trả vẫn còn.

Như vậy, ở đây có điều chưa rõ, có sự đánh đồng giữa doanh nghiệp chịu trách nhiệm hữu hạn với doanh nghiệp chịu trách nhiệm vô hạn; theo đó, mặc dù được gọi là pháp nhân nhưng bản thân các thành viên của pháp nhân đó (thành viên hợp danh của công ty hợp danh hay của công chứng viên văn phòng công chứng) vẫn có thể và có nguy cơ bị khánh kiệt tài sản khi công ty bị phá sản, phần tài sản còn lại của công ty không đủ trang trải cho các khoản nợ của công ty và thành viên hợp danh của công ty vẫn phải có nghĩa vụ trả nợ cho chủ nợ tới đồng bạc cuối cùng.

Cùng với tiến trình hoàn thiện pháp luật về kinh doanh, thương mại nói chung, thời gian sắp tới, các nhà làm luật cũng cần nghiên cứu kỹ càng hơn với tính chất đặc thù của lĩnh vực hoạt động công chứng, điều chỉnh, bổ sung kịp thời những đòi hỏi khách quan của thực tiễn nhằm xây dựng hệ thống pháp luật, bảo đảm tính khoa học, khách quan, đầy đủ, giữ vai trò là công cụ hữu hiệu trong điều chỉnh hành vi của các cá nhân, tổ chức khi tham gia vào hoạt động công chứng; giúp hoạt động này được thực hiện một cách khoa học, tiến bộ, đáp ứng nhu cầu, đòi hỏi chính đáng của đời sống thực tiễn.

TS. NGUYỄN QUANG VỸ

___________________
[1]: Điểm b khoản 1 Điều 172 Luật Doanh nghiệp 2014.
[2]: Giáo trình Luật kinh tế Việt Nam, Đại học quốc gia Hà Nội, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Khoa Luật, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội 1998, tr 45-46.
/luat-su-tham-gia-giai-doan-giam-doc-tham-tai-tham-tu-khi-nao-2.html