Ảnh minh họa.
1. Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015
“Tranh tụng trong xét xử được đảm bảo” là nguyên tắc mới, lần đầu được quy định với vị trí một nguyên tắc riêng biệt trong BLTTHS năm 2015. Nguyên tắc này thay thế cho nguyên tắc bảo đảm quyền bình đẳng trước Tòa án quy định tại Điều 19 BLTTHS năm 2003 với những nội dung mới bảo đảm tranh tụng trong xét xử, thực hiện yêu cầu của cải cách tư pháp.
Nguyên tắc quy định, trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, điều tra viên, Kiểm sát viên (KSV), người khác có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người bị buộc tội, người bào chữa và người tham gia tố tụng khác đều có quyền bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, đánh giá chứng cứ, đưa ra yêu cầu để làm rõ sự thật khách quan của vụ án.
Để giải quyết vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ thì bên buộc tội, bên gỡ tội và những người khác có quyền và lợi ích hợp pháp cần được giải quyết trong vụ án đều phải được bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ và đưa ra những yêu cầu. Trước đây, quyền bình đẳng trong việc đưa chứng cứ, đưa yêu cầu của các bên liên quan trong vụ án chỉ được thực hiện vào thời điểm tại phiên tòa. Quy định mới đã mở rộng cả về phạm vi quyền, thời gian cũng như về chủ thể được hưởng quyền. Không chỉ là quyền đưa chứng cứ, yêu cầu mà pháp luật còn quy định các chủ thể được bình đẳng trong việc đánh giá chứng cứ; không chỉ giới hạn thời điểm thực hiện quyền chỉ tại phiên tòa mà quyền bình đẳng trong việc đưa chứng cứ, yêu cầu, đánh giá chứng cứ được thực hiện trong suốt quá trình giải quyết vụ án; các chủ thể tranh tụng bao gồm điều tra viên, KSV, người khác có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người bị buộc tội, người bào chữa và người tham gia tố tụng khác.
Nguyên tắc này là cụ thể hoá nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật trong tố tụng hình sự. Nội dung cơ bản của nguyên tắc này là bình đẳng giữa bên buộc tội và bên gỡ tội. Các bên phải được bình đẳng với nhau trong việc đưa ra chứng cứ và đánh giá chứng cứ để chứng minh sự thật khách quan của vụ án. Dựa vào chứng cứ của các bên đưa ra, Tòa án mới có thể giải quyết vụ án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để lọt tội phạm, không xử oan người không có tội. Ngoài việc bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ và đánh giá chứng cứ, các bên buộc tội và gỡ tội mà còn bình đẳng trong việc đưa ra yêu cầu (như yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch), bình đẳng trong việc tranh luận trước Hội đồng xét xử. Nguyên tắc này đã xác định vị trí của Tòa án là trọng tài công minh cho các bên buộc tội và gỡ tội, tạo điều kiện cho Tòa án xử lý vụ án đúng pháp luật.
Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được đảm bảo, quy định tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án do Viện Kiểm sát (VKS) chuyển đến Tòa án để xét xử phải đầy đủ và hợp pháp. Phiên tòa xét xử vụ án hình sự phải có mặt đầy đủ những người theo quy định của Bộ luật này, trường hợp vắng mặt phải vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan hoặc trường hợp khác do Bộ luật này quy định. Tòa án có trách nhiệm tạo điều kiện cho KSV, bị cáo, người bào chữa, những người tham gia tố tụng khác thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ của mình và tranh tụng dân chủ, bình đẳng trước tòa án.
Nguyên tắc này xác định rõ trách nhiệm của Tòa án trong việc bảo đảm tranh tụng trong xét xử. Các chủ thể có quyền tranh tụng phải được Tòa án triệu tập đầy đủ để tham gia phiên tòa xét xử; Tòa án chỉ xét xử vắng mặt họ trong trường hợp vắng mặt phải vì lí do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan hoặc trường hợp khác do Bộ luật này quy định; Tòa án có trách nhiệm tạo điều kiện cho họ thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ của mình và tranh tụng dân chủ, bình đẳng trước Tòa án; Tòa án phải nghiên cứu hồ sơ vụ án, bảo đảm những tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án do viện Kiểm sát chuyển đến Tòa án để xét xử phải đầy đủ và hợp pháp, làm phương tiện để chứng minh và tranh tụng tại phiên tòa. Những hoạt động đó của Tòa án là những đòi hỏi cần thiết để có thể bảo đảm tranh tụng trong xét xử nhằm tìm ra sự thật khách quan của vụ án.
Ngoài ra, mọi chứng cứ xác định có tội, chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, áp dụng điểm, khoản, điều của Bộ luật Hình sự (BLHS) để xác định tội danh, quyết định hình phạt, mức bồi thường thiệt hại đối với bị cáo, xử lý vật chứng và những tình tiết khác có ý nghĩa giải quyết vụ án đều phải được trình bày, tranh luận, làm rõ tại phiên tòa.
Toà án thực hiện xét xử trực tiếp nên tất cả các chứng cứ của vụ án phải được xem xét, đánh giá, làm rõ tại phiên toà. Việc thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ của toà án phải bảo đảm khách quan, toàn diện và đầy đủ, mọi chứng cứ xác định có tội, chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, áp dụng điểm, khoản, điều của BLHS để xác định tội danh, quyết định hình phạt, mức bồi thường thiệt hại đối với bị cáo, xử lí vật chứng và những tình tiết khác có ý nghĩa giải quyết vụ án đều phải được trình bày, tranh luận, làm rõ tại phiên toà.
Bản án và quyết định của toà án là kết quả của hoạt động xét xử của toà án và phản ánh thực tế tranh tụng tại phiên toà. Vì vậy bản án, quyết định của tòa án phải căn cứ vào kết quả kiểm tra, đánh giá chứng cứ và kết quả tranh tụng tại phiên toà.
2. Quy định về thủ tục tranh tụng tại phiên tòa sơ thẩm vụ án hình sự
Trước khi có BLTTHS năm 2015, các BLTTHS trước đó đều quy định trình tự phiên tòa sơ thẩm gồm bốn bước: Thủ tục bắt đầu phiên tòa, thủ tục xét hỏi, thủ tục tranh luận, nghị án và tuyên án. Tuy nhiên, Nghị quyết của Bộ Chính trị khóa IV đã nhấn mạnh: “Khi xét xử, các Tòa án phải bảo đảm cho mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, thực sự dân chủ, khách quan; Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; việc phán quyết của Tòa án phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiêntòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ, ý kiến của KSV, của người bào chữa, bị cáo, nhân chứng, nguyên đơn, bị đơn và những người có quyền, lợi ích hợp pháp để ra những bản án, quyết định đúng pháp luật, có sức thuyết phục và trong thời hạn pháp luật quy định”, đồng thời “bảo đảm chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa xét xử, lấy kết quả tranh tụng tại phiên tòa làm căn cứ quan trọng để phán quyết bản án, coi đây là khâu đột phá để nâng cao chất lượng hoạt động tư pháp”[1].
BLTTHS năm 2015 đã thể chế hóa tư tưởng này, bổ sung nguyên tắc tranh tụng trong xét xử và quy định thủ tục tranh tụng tại phiên tòa xét xử. Thủ tục tranh tụng chính là sự kết hợp của thủ tục xét hỏi, tranh luận trước đây và bổ sung thêm một số nội dung nhằm thể hiện tư tưởng tranh tụng trong tố tụng hình sự cụ thể như sau:
2.1. Thủ tục xét hỏi tại phiên tòa sơ thẩm vụ án hình sự
Theo quy định tại Điều 306 BLTTHS năm 2015 quy định “Trước khi tiến hành xét hỏi, KSV công bố bản cáo trạng và trình bày ý kiến bổ sung (nếu có). Ý kiến bổ sung không được làm xấu đi tình trạng của bị cáo”. BLTTHS năm 2015 có bổ sung một nội dung mới, đó là ý kiến bổ sung khi công bố cáo trạng của VKS không được làm xấu đi tình trạng của bị cáo. Ngay từ giai đoạn truy tố, khi VKS quyết định truy tố bị can bằng bản cáo trạng thì trong thời hạn 03 ngày (hoặc chậm nhất là 10 ngày) kể từ ngày ra bản cáo trạng, VKS phải giao cho bị can hoặc người đại diện của bị can và gửi cho người bào chữa bản cáo trạng, quy định này đồng nghĩa với việc bị cáo (mà trước đó là bị can) đã có một khoảng thời gian nhất định để nghiên cứu cáo trạng, chuẩn bị các quan điểm bào chữa, do đó nếu tại phiên tòa VKS bổ sung nội dung làm xấu đi tình trạng của bị cáo thì sẽ gây bất lợi cho bị cáo. Bị cáo cũng như người đại diện, người bào chữa chưa biết đến những nội dung bổ sung này trước đó, làm thiếu tính công bằng trong tranh tụng. Trong toàn bộ quá trình giải quyết vụ án, nhìn chung những nội dung theo hướng có lợi cho bị can, bị cáo sẽ được áp dụng cho nên việc bổ sung quy định này tại Điều 306 BLTTHS năm 2015 là hết sức cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi cho bên gỡ tội có thể tiến hành tranh tụng tại phiên tòa.
Sau khi KSV công bố cáo trạng sẽ chuyển sang thủ tục xét hỏi. Tại Điều 307 BLTTHS năm 2015 quy định, Hội đồng xét xử phải xác định đầy đủ những tình tiết về từng sự việc, từng tội trong vụ án và từng người. Chủ tọa phiên tòa điều hành việc hỏi, quyết định người hỏi trước, hỏi sau theo thứ tự hợp lý. Điều 307 BLTTHS năm 2015 đã bổ sung trách nhiệm của chủ tọa phiên tòa về điều hành xét hỏi, quyết định người hỏi trước, hỏi sau theo thứ tự hợp lý cho thấy sự linh hoạt khi điều khiển phiên xét hỏi tại phiên tòa. Đây là điểm mới của BLTTHS năm 2015 so với BLTTHS năm 2003, quy định mới nhằm đảm bảo cho phiên tòa xét xử được linh hoạt, phù hợp với từng vụ án và diễn biến cụ thể tại các phiên tòa.
Điều 307 BLTTHS năm 2015 cũng xác định rõ “chủ tọa phiên tòa điều hành việc hỏi” vẫn tiếp tục xác định chủ tọa phiên tòa là người đảm trách chính trong xét hỏi và là người hỏi trước mà không phải là KSV hay người bào chữa, cụ thể “khi xét hỏi từng người, chủ tọa phiên tòa hỏi trước sau đó quyết định để Thẩm phán, Hội thẩm, KSV, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thực hiện việc hỏi”. Quy định trình tự xét hỏi như vậy là vẫn chưa phù hợp với các chức năng trong tố tụng hình sự, bởi lẽ chức năng buộc tội thuộc về VKS, chức năng gỡ tội thuộc về người bào chữa, Tòa án đóng vai trò trọng tài và không có nghĩa vụ phải chứng minh hành vi phạm tội của bị cáo. Do đó, nếu quy định trách nhiệm xét hỏi chính thuộc về các bên buộc tội và gỡ tội theo thứ tự KSV hỏi trước rồi đến người bào chữa thì sẽ phù hợp hơn.
Ngoài ra, người tham gia tố tụng tại phiên tòa có quyền đề nghị chủ tọa phiên tòa hỏi thêm về những tình tiết cần làm sáng tỏ của vụ án. Khi có người đề nghị thì chủ tọa phiên tòa xem xét yêu cầu đó. Quy định mới này đã tạo ra sự dân chủ, bình đẳng tại phiên tòa, giúp bị cáo có điều kiện thuận lợi thực hiện hoạt động tranh tụng tại phiên tòa.
- Thủ tục công bố lời khai trong giai đoạn điều tra, truy tố
Nếu người được xét hỏi có mặt tại phiên tòa thì Hội đồng xét xử, KSV không được công bố lời khai của họ trong giai đoạn điều tra, truy tố. Chỉ được công bố những lời khai trong giai đoạn điều tra, truy tố khi thuộc một trong các trường hợp: Lời khai của người được xét hỏi tại phiên tòa mâu thuẫn với lời khai của họ trong giai đoạn điều tra, truy tố; Người được xét hỏi không khai tại phiên tòa hoặc không nhớ những lời khai của mình trong giai đoạn điều tra, truy tố; Người được xét hỏi đề nghị công bố lời khai của họ trong giai đoạn điều tra, truy tố; Người được xét hỏi vắng mặt hoặc đã chết.
Tuy nhiên, điều luật vẫn chưa điều chỉnh trường hợp phải công bố lời khai đó là khi bị cáo chối tội, không thừa nhận hành vi nào đó xuyên suốt quá trình điều tra cho đến tại phiên tòa và khi cần phải đối chất chứ không chỉ đơn thuần là có lời khai mâu thuẫn. Mặt khác, về quyền yêu cầu HĐXX công bố lời khai trong giai đoạn điều tra, truy tố đặt ra đối với KSV và người được xét hỏi mà chưa bao gồm người bào chữa. Những hạn chế đo cần phải được khắc phục cho phù hợp với thực tiễn. Bên cạnh đó, Điều 308 BLTTHS năm 2015 đã xác lập mới các trường hợp HĐXX không công bố các tài liệu trong hồ sơ vụ án có liên quan đến bí mật nhà nước, giữ gìn thuần phong mỹ tục, bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh bí mật đời tư ... Đây là nội dung mới có giá trị tích cực [2].
Điều 309, Điều 310 và Điều 311 BLTTHS năm 2015 quy định thủ tục xét hỏi đối với bị cáo, bị hại, đương sự hoặc người đại diện của họ, người làm chứng, những quy định này đã mở rộng phạm vi xét hỏi của KSV và người bào chữa. Theo đó, KSV hỏi bị cáo về “những chứng cứ, tài liệu, đồ vật” (quy định cũ chỉ hỏi về những tình tiết của vụ án liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội, nay mở rộng được hỏi các tình tiết khác của vụ án). Khi xét hỏi, KSV phải đặt câu hỏi khách quan, rõ ràng, dễ hiểu, tránh giải thích, kết luận ngay. Người bào chữa không những được hỏi các tình tiết liên quan đến việc bào chữa như trước đây, mà còn được hỏi các tình tiết khác của vụ án.
Vật chứng, ảnh hoặc biên bản xác nhận vật chứng được đưa ra để xem xét tại phiên tòa. Khi cần thiết, Hội đồng xét xử có thể cùng với KSV, người bào chữa, người khác tham gia phiên tòa đến xem xét tại chỗ những vật chứng không thể đưa đến phiên tòa được. Việc xem xét vật chứng tại chỗ được lập biên bản theo quy định tại Điều 133 của Bộ luật này. BLTTHS năm 2015 đã có sự bổ sung so với BLTTHS năm 2003 khi quy định, Hội đồng xét xử, KSV, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự có thể hỏi thêm người tham gia phiên tòa về những vấn đề có liên quan đến vật chứng. Quy định mới mở rộng quyền cho bên buộc tội, bên gỡ tội thực hiện việc chứng minh nhằm làm rõ sự thật khách quan của vụ án khi xét hỏi tại tòa.
Theo quy định tại Điều 313 BLTTHS năm 2015 thì trường hợp cần kiểm tra chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án hoặc khi bị cáo tố cáo bị bức cung, dùng nhục hình, Hội đồng xét xử quyết định việc cho nghe, xem nội dung được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh liên quan tại phiên tòa. Quy định này tạo điều kiện tốt hơn cho việc làm sáng tỏ các tình tiết của vụ án tại phiên tòa, đây là những điểm mới cần thiết để bảo đảm tranh tụng được đầy đủ và toàn diện hơn, góp phần làm rõ sự thật khách quan của vụ án
Đối với lời trình bày ý kiến của điều tra viên, KSV và người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng khác, đây là một điểm mới rất tiến bộ, biểu hiện tính tranh tụng cao. Lời trình bày của họ sẽ giải thích những quyết định, hành vi tố tụng của họ trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử, đặc biệt là những trường hợp bị cáo không nhận tội, không thừa nhận hành vi phạm tội, thay đổi lời khai vi cho rằng trong quá trình điều tra bị ép cung, bức cung...
2.2. Thủ tục tranh luận tại phiên tòa sơ thẩm vụ án hình sự
Sau khi kết thúc việc xét hỏi, KSV trình bày luận tội, thể hiện quan điểm buộc tội của VKS đối với hành vi phạm tội của bị cáo. Những nội dung bên gỡ tội tranh tụng tại phiên tòa sơ thẩm sẽ xoay quanh nội dung buộc tội của KSV bởi các quan điểm buộc tội - gỡ tội mang tính đối lập nhau, trong một số trường hợp nhất định có thể phủ định nhau hoàn toàn. Điều 321 BLTTHS năm 2015 quy định: “Luận tội của KSV phải căn cứ vào những chứng cứ, tài liệu, đồ vật đã được kiểm tra tại phiên tòa và ý kiến của bị cáo, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa”.
Do đó, để việc luận tội được chính xác, đúng đắn, có chất lượng và có tính thuyết phục, KSV phải căn cứ vào tất cả các chứng cứ, tài liệu trước đó và những vấn đề đã được kiểm chứng tại tòa, tránh tình trạng buộc tội trên cơ sở hồ sơ vụ án đã nghiên cứu mà xa rời thực tế tại phiên tòa xét xử. Đồng thời, nội dung luận tội phải phân tích, đánh giá khách quan, toàn diện, đầy đủ những chứng cứ xác định có tội, chứng cứ xác định vô tội; tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội; hậu quả do hành vi phạm tội gây ra; nhân thân và vai trò của bị cáo trong vụ án; tội danh, hình phạt, áp dụng điểm, khoản, điều của BLHS, những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự; mức bồi thường thiệt hại, xử lý vật chứng, biện pháp tư pháp; nguyên nhân, điều kiện phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa đối với vụ án.
Bị cáo, người bào chữa, người tham gia tố tụng khác có quyền trình bày ý kiến, đưa ra chứng cứ, tài liệu và lập luận của mình để đối đáp với KSV về tất cả vấn đề KSV đã trình bày. Trên cơ sở đưa ra quan điểm, lập luận, bị cáo và người bào chữa trình bày các tình tiết nhằm gỡ tội, giảm nhẹ TNHS cho bị cáo. Khi tất cả các tình tiết về vụ án đều được bên buộc tội và gỡ tội tranh luận, đối đáp sẽ đảm bảo thông tin cung cấp mang tính hai chiều, không phiến diện, đảm bảo sự dân chủ, bình đẳng trong quá trình xét xử vụ án. Đây cũng chính là mục đích mà hoạt động tranh tụng hướng tới, tránh tình trạng KSV chỉ tranh tụng qua loa, bỏ qua các tình tiết có lợi cho bị cáo mà chỉ nhằm hướng tới các tình tiết buộc tội.
Trong quá trình tranh luận, bị cáo, người bào chữa, người tham gia tố tụng khác có quyền đưa ra đề nghị của mình. KSV phải đưa ra chứng cứ, tài liệu và lập luận để đối đáp đến cùng từng ý kiến của bị cáo, người bào chữa, người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa. Người tham gia tranh luận có quyền đáp lại ý kiến của người khác. Chủ toạ phiên tòa không được hạn chế thời gian tranh luận, phải tạo điều kiện cho KSV, bị cáo, người bào chữa, bị hại, người tham gia tố tụng khác tranh luận, trình bày hết ý kiến nhưng có quyền cắt những ý kiến không liên quan đến vụ án và ý kiến lặp lại. Quy định này hết sức rõ ràng và cần thiết cho hoạt động tranh tụng, chỉ thông qua tranh tụng bình đẳng trước tòa, mọi nội dung của vụ án mới được làm sáng tỏ. Vì vậy, chủ tọa phiên tòa không được hạn chế thời gian tranh luận giữa các bên, khi các bên đang đưa ra các lập luận để bảo vệ quan điểm của mình thì chủ tọa phiên tòa phải để cho họ được trình bày, không hạn chế thời gian trình bày của bên nào.
Chủ tọa phiên tòa với vai trò là người điều khiển phiên tòa, chủ tọa phiên tòa yêu cầu KSV phải đáp lại những ý kiến của người bào chữa, người tham gia tố tụng khác khi mà những ý kiến đó chưa được KSV tranh luận. HĐXX phải lắng nghe, ghi nhận đầy đủ ý kiến của KSV, bị cáo, người bào chữa, người tham gia tranh luận tại phiên tòa để đánh giá khách quan, toàn diện sự thật của vụ án. Trường hợp không chấp nhận ý kiến của những người tham gia phiên tòa thì HĐXX phải nêu rõ lý do và được ghi trong bản án.
Ngoài ra, nếu qua tranh luận tại phiên tòa mà thấy còn có tình tiết vụ án chưa được hỏi, chưa được làm sáng tỏ thì HĐXX phải quyết định trở lại việc xét hỏi. Xét hỏi xong phải tiếp tục tranh luận. Theo Điều 219 BLTTHS năm 2003 thì HĐXX “có thể” quyết định trở lại việc xét hỏi nếu thấy cần “xem xét thêm chứng cứ”, nhưng BLTTHS năm 2015 đã sửa đổi thay “có thể” bằng việc HĐXX “phải” quyết định trở lại việc xét hỏi nếu có tình tiết chưa được hỏi, chưa được làm sáng tỏ. Việc sửa đổi về mặt thuật ngữ như vậy bảo đảm tính chặt chẽ, trên cơ sở xét hỏi cụ thể, kĩ lưỡng cả bên buộc tội và gỡ tội đều có thêm những căn cứ để bảo vệ cho quan điểm của mình, Tòa án cũng có thêm căn cứ để giải quyết vụ án một cách khách quan, toàn diện nhất.
Quyền của bị cáo là được nói lời sau cùng sau khi kết thúc phần tranh luận, trước khi Hội đồng xét xử vào nghị án. Sau khi những người tham gia tranh luận không trình bày gì thêm, chủ toạ phiên tòa tuyên bố kết thúc tranh luận. Bị cáo được nói lời sau cùng. Nếu trong lời nói sau cùng, bị cáo trình bày thêm tình tiết mới có ý nghĩa quan trọng đối với vụ án thì hội đồng xét xử phải quyết định trở lại việc hỏi. Hội đồng xét xử có quyền yêu cầu bị cáo không được trình bày những điểm không liên quan đến vụ án nhưng không được hạn chế thời gian đối với bị cáo.
Khi KSV rút một phần quyết định truy tố luận về tội nhẹ hơn thì hội đồng xét xử vẫn tiếp tục xét xử vụ án. Trường hợp KSV rút toàn bộ quyết định truy tố thì trước khi nghị án, hội đồng xét xử yêu cầu những người tham gia phiên tòa trình bày ý kiến về việc rút quyết định truy tố đó. Việc rút quyết định truy tố được giải quyết cụ thể như sau:
Nếu KSV rút toàn bộ quyết định truy tố không có căn cứ nhưng hội đồng xét xử vẫn chấp nhận và tuyên bị cáo không phạm tội thì viện Kiểm sát cùng cấp hoặc viện Kiểm sát cấp trên trực tiếp phải kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.
Trường hợp Tòa án có kiến nghị với viện trưởng viện Kiểm sát cùng cấp hoặc viện trưởng viện Kiểm sát cấp trên trực tiếp về việc KSV rút toàn bộ quyết định truy tố tại phiên Tòa không có căn cứ, thì viện trưởng viện Kiểm sát nhận được kiến nghị nghiên cứu, quyết định hủy việc rút quyết định truy tố và thông báo bằng văn bản cho Tòa án đã kiến nghị biết.
Nếu việc rút quyết định truy tố của KSV có căn cứ thì viện trưởng viện Kiểm sát nhận được kiến nghị thông báo bằng văn bản cho Tòa án để chuyển hồ sơ cho viện Kiểm sát xem xét, xử lý theo quy định [3].
3. Kiến nghị hoàn thiện quy định về thủ tục tranh tụng tại phiên tòa sơ thẩm vụ án hình sự
Thứ nhất, quy định về trình tự xét hỏi khi thực hiện thủ tục tranh tụng tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự.
Theo quy định tại Điều 307 BLTTHS năm 2015, khi xét hỏi từng người, chủ tọa phiên tòa hỏi trước, sau đó quyết định để Thẩm phán, Hội thẩm, KSV, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thực hiện việc hỏi. Với quy định như trên, có thể thấy rằng để thực hiện đúng nguyên tắc tranh tụng trong xét xử thì việc BLTTHS quy định khi xét hỏi, chủ tọa phiên tòa hỏi trước là chưa phù hợp, mà nên quy định KSV hỏi trước. Điều này để bảo đảm hoạt động tranh tụng, VKS phải thực hiện đúng chức năng buộc tội còn Tòa án thực hiện chức năng điều khiển phiên tòa, tiến hành xét xử.
Để hoạt động tranh tụng trong xét xử được thực hiện dân chủ, bình đẳng, thể hiện đúng vai trò của các chủ thể buộc tội, chủ thể gỡ tội, chủ thể xét xử và vai trò điều hành của chủ tọa phiên tòa, Điều 307 BLTTHS năm 2015 về trình tự xét hỏi cần được sửa đổi theo hướng: Xác định rõ chủ tọa phiên tòa hỏi trước về ý kiến của bị cáo đối với bản cáo trạng (hoặc quyết định truy tố theo thủ tục rút gọn) và yêu cầu bị cáo trình bày về những tình tiết của vụ án, trừ trường hợp phiên tòa xét xử vắng mặt bị cáo. Sau đó, chủ tọa phiên tòa sẽ điều hành việc hỏi của KSV, người bào chữa, người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự. Hội đồng xét xử chỉ nên hỏi thêm về những tình tiết mà người được hỏi trình bày chưa đầy đủ hoặc có mâu thuẫn hoặc xét thấy còn những tình tiết khác cần được làm sáng tỏ để kiểm tra tính hợp pháp của các chứng cứ, tài liệu liên quan đến vụ án và tính hợp pháp của hành vi, quyết định tố tụng của Điều tra viên, KSV, người bào chữa, người tham gia tố tụng khác trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án.
Cụ thể, sửa đổi, bổ sung Khoản 2 Điều 307 BLTTHS như sau:
“2. Khi xét hỏi từng người, KSV xét hỏi trước, rồi đến người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự. Đối với những vấn đề liên quan đến nội dung vụ án mà KSV và người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự khi xét hỏi chưa làm rõ hoặc xét hỏi chưa đầy đủ, Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa đề nghị những người này tiếp tục xét hỏi hoặc có thể cùng các thành viên khác của Hội đồng xét xử xét hỏi thêm. Bị cáo có quyền đề nghị Chủ tọa phiên tòa hỏi hoặc tự mình hỏi người tham gia phiên tòa nếu được chủ tọa đồng ý”.
Thứ hai, sửa đổi, bổ sung quy định về việc luận tội của KSV.
Theo quy định tại Điều 319 BLTTHS năm 2015, sau khi kết thúc việc xét hỏi, KSV có thể rút một phần hoặc toàn bộ quyết định truy tố hoặc kết luận về tội nhẹ hơn. Tuy nhiên việc KSV rút quyết định truy tố, kết luận về tội nhẹ hơn cũng chính là nội dung của phần luận tội, do đó quy định Điều 319 là không cần thiết vì nội dung luận tội đã được thể hiện tại khoản 3 của Điều 321. Do đó, đề xuất bỏ quy định tại Điều 319, đồng thời sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 321 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 theo hướng làm rõ hơn về nội dung luận tội.
Cụ thể, theo khoản 3 Điều 321, nội dung lời luận tội chỉ có đề nghị kết tội bị cáo theo toàn bộ hay một phần nội dung bản cáo trạng hoặc kết luận về tội nhẹ hơn, thiếu trường hợp KSV đề nghị kết luận về khoản khác với khoản đã truy tố trong cùng điều luật. Do đó, cần bổ sung vào quy định về luận tội của KSV nhằm làm rõ hơn nữa các trường hợp KSV có thể đề xuất. Cụ thể, sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 321 BLTTHS như sau:
“3. Đề nghị kết tội bị cáo theo toàn bộ hay một phần nội dung bản cáo trạng hoặc kết luận về khoản khác với khoản đã truy tố trong cùng điều luật, về tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội đã truy tố, đề nghị mức hình phạt chính, hình phạt bổ sung, biện pháp tư pháp, trách nhiệm bồi thường thiệt hại, xử lý vật chứng”.
Thứ ba, sửa đổi, bổ sung quy định về tranh luận tại phiên tòa.
Để đảm bảo quyền bình đẳng trước Tòa án, các bên tranh tụng được tạo điều kiện tốt nhất để trình bày quan điểm của mình, phát biểu ý kiến về đánh giá chứng cứ của vụ án, phản bác yêu cầu, đề nghị do các bên đối lập đưa ra tại phiên tòa. Qua đó, tại phiên tòa, các chủ thể tố tụng có cách nhìn nhận, đánh giá khác nhau về kết quả việc chứng minh các tình tiết của vụ án. Để thực hiện chức năng tố tụng của mình, các bên tham gia tranh tụng được (hoặc phải) công khai đưa ra ý kiến đánh giá của mình về sự thật khách quan của vụ án để giúp HĐXX cân nhắc khi ra phán quyết. Các ý kiến đánh giá khác nhau, sự phản biện lẫn nhau của các bên tranh tụng tại phiên tòa sẽ giúp cho Tòa án có cái nhìn đa chiều hơn về các tình tiết của vụ án và có thái độ thận trọng hơn khi đánh giá chứng cứ, kết luận các vấn đề thuộc nội dung vụ án để ra phán quyết khách quan, toàn diện và đầy đủ.
Tác giả, cho rằng cần tiếp tục hoàn thiện Điều 322 BLTTHS quy định về tranh luận tại phiên tòa nhằm tạo điều kiện tối đa cho bên buộc tội và gỡ tội đưa ra các lý lẽ, lập luận để bảo vệ quan điểm của mình và bác bỏ quan điểm của người khác về những vấn đề thuộc nội dung vụ án, hạn chế tình trạng tranh luận qua loa, nặng về hình thức.
Cụ thể, sửa đổi, bổ sung Điều 322 BLTTHS như sau:
“…
2. KSV phải đưa ra chứng cứ, tài liệu và lập luận để đối đáp đến cùng từng ý kiến và đề nghị của bị cáo, người bào chữa, người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa. Người tham gia tranh luận có quyền đáp lại ý kiến của người khác.
3. Chủ tọa phiên tòa không được hạn chế thời gian tranh luận và số lần được phát biểu ý kiến đối đáp giữa những người tham gia tranh luận, phải tạo điều kiện cho KSV, bị cáo, người bào chữa, bị hại, người tham gia tố tụng khác tranh luận, trình bày hết ý kiến nhưng có quyền cắt những ý kiến không liên quan đến vụ án và ý kiến lặp lại.
Chủ tọa phiên tòa có quyền tự mình hoặc theo đề nghị của người tham gia tranh luận,yêu cầu KSV phải đáp lại những ý kiến, đề nghị của người bào chữa, người tham gia tố tụng khác mà những ý kiến đó chưa được KSV tranh luận. Trong trường hợp này, KSV phải thực hiện yêu cầu của Chủ toạ phiên tòa”.
Thứ tư, sửa đổi, bổ sung quy định chủ tọa phiên tòa không giới hạn quyền đặt câu hỏi của bị cáo.
Theo quy định tại Điều 61 BLTTHS năm 2015 quy định bị cáo có quyền “đề nghị chủ tọa phiên tòa hỏi hoặc tự mình hỏi người tham gia phiên tòa nếu được chủ tọa đồng ý”. Do đó, tại phiên tòa bị cáo có quyền đặt câu hỏi đối với những người tham gia phiên tòa, thực hiện quyền hỏi bằng cách đề nghị chủ tọa hỏi và việc đặt câu hỏi trực tiếp của bị cáo thì phải được chủ tọa đồng ý.
Như vậy, việc thực hiện hoạt động hỏi của bị cáo đang bị giới hạn theo ý chí của chủ tọa phiên tòa, chủ tọa phiên tòa đồng ý thì bị cáo mới thực hiện được quyền này, trường hợp chủ tọa không đồng ý thì bị cáo không thực hiện được hoạt động đặt câu hỏi của mình. Đây được coi là một quy định hạn chế hoạt động bào chữa của bị cáo tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự. Việc thực hiện đặt câu hỏi của bị cáo không nên bị giới hạn bởi việc cho phép của chủ tọa phiên tòa mà cần phải được mở rộng theo hướng bị các có quyền đặt câu hỏi đối với những người tham gia tố tụng khác, chủ tọa phiên tòa có quyền cắt những câu hỏi trùng lặp, không liên quan đến vụ án mà bị cáo đưa ra. Điều này sẽ đảm bảo được quyền tự do trình bày của bị cáo, đảm bảo quyền công bằng, dân chủ đối với bị cáo.
Cụ thể, sửa đổi, bổ sung điểm i khoản 2 Điều 61 như sau:
“i, Quyền đặt câu hỏi đối với những người tham gia tố tụng khác, chủ tọa phiên tòa có quyền cắt những câu hỏi trùng lặp, không liên quan đến vụ án”.
Thứ năm, quy định về thủ tục trong trường hợp đang tranh tụng mà bị hại hoặc người đại diện của họ rút yêu cầu tại phiên tòa xét xử vụ án được khởi tố theo yêu cầu của bị hại.
Theo Điều 155 BLTTHS năm 2015, các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các Điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật hình sự (BLHS) khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.
Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ, trừ trường hợp có căn cứ xác định người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án vẫn tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án.
Theo quy định trên, trường hợp vụ án khởi tố theo yêu cầu của bị hại mà bị hại hoặc người đại diện của họ rút yêu cầu hoàn toàn theo ý muốn của họ thì vụ án phải được đình chỉ. Như vậy, trường hợp bị hại hoặc người đại diện của họ tự nguyện rút yêu cầu tại phiên tòa thì vụ án cũng phải được đình chỉ. Tuy nhiên, hiện nay trong các quy định về thủ tục xét xử vụ án hình sự lại không có quy định về việc Hội đồng xét xử quyết định đình chỉ vụ án khi bị hại hoặc người đại diện của họ rút yêu cầu tại phiên tòa xét xử vụ án được khởi tố theo yêu cầu của bị hại. Đây là một thiếu sót khi xây dựng luật.
Đề nghị sửa đổi, bổ sung Điều 325 BLTTHS năm 2015 hoặc bổ sung thêm một điều luật mới về việc xem xét việc rút yêu cầu khởi tố của bị hại hoặc đại diện của họ tại phiên tòa xét xử vụ án được khởi tố theo yêu cầu của bị hại với nội dung: “Khi bị hại hoặc đại diện của họ rút yêu cầu khởi tố tại phiên tòa xét xử vụ án được khởi tố theo yêu cầu của bị hại thì Hội đồng xét xử ra quyết định đình chỉ vụ án”.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020. 2. Nguyễn Ngọc Kiện (2017), “Đánh giá một số điểm mới về thủ tục tranh tụng tại phiên tòa hình sự sơ thẩm”, Nghiên cứu lập pháp số 14, tr.312. 3. Quy chế về công tác thực hành quyền công tố và Kiểm sát xét xử các vụ án hình sự (ban hành kèm theo Quyết định của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao số 960/QĐ-VKSNDTC ngày 17/9/2007). 4. Phan Văn Chánh, “Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015”, Tạp chí dân chủ và pháp luật, 2017. 5. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003. 6. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. |
NGUYỄN PHI HÙNG
Tòa án quân sự Quân khu 4