/ Trao đổi - Ý kiến
/ Hợp thức hóa loại hình condotel, officetel thành nhà ở: Vì sao vẫn còn nhiều ý kiến phản đối?

Hợp thức hóa loại hình condotel, officetel thành nhà ở: Vì sao vẫn còn nhiều ý kiến phản đối?

01/01/0001 00:00 |

(LSO) - Về tiềm ẩn phát sinh nguy cơ phát sinh tranh chấp, nếu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở cho các căn hộ condotel trong khi các căn hộ này lại sử dụng với mục đích để ở và có sự ràng buộc rất lớn với chủ đầu tư nên dễ nảy sinh tranh chấp. Tranh chấp giữa chủ đầu tư và người “mua” trong quá trình quản lý sử dụng về chi phí quản lý. Những rủi ro khi phân định sở hữu chung sở hữu riêng giữa chủ đầu tư và người mua condotel.

Ảnh minh họa.

Bộ Công an vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ để bày tỏ bất cập trong quy hoạch pháp luật liên quan đến căn hộ du lịch (condotel), biệt thự du lịch, văn phòng kết hợp lưu trú (officetel). Theo đó, Bộ Công an kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường không hợp thức hóa các loại hình này thành nhà ở.

Đồng thời, Bộ Công an cũng đề nghị Bộ Xây dựng sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh bất động sản; sửa đổi, bổ sung pháp luật về đất đai, việc chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu tài sản và hoàn thiện các quy định quản lý, vận hành các tòa nhà hỗn hợp. Ngoài ra, cơ quan này còn đề nghị thanh tra các địa phương phát triển nhiều loại hình bất động sản trên.

Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch Công ty TAT Law firm, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng, để điều chỉnh condotel như một sản phẩm bất động sản, thì trước tiên phải sửa ít nhất 4 luật là Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Quy hoạch đô thị… trước khi Bộ Xây dựng có thể tiến hành xây dựng quy chế quản lý vận hành các loại hình bất động sản mới trong đó có condotel.

Condotel mang bản chất của loại hình kinh doanh, dịch vụ, do đó, khi được xây dựng sẽ phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch xây dựng phát triển ngành du lịch ở mỗi địa phương và phù hợp với quỹ đất để phát triển ngành nghề này. Nếu thừa nhận condotel là một bất động sản, một sản phẩm trong hoạt động kinh doanh bất động sản thì mặc nhiên phải cấp “sổ hồng”, để xác nhận quyền sở hữu tài sản nhà ở lâu dài cho người sở hữu, phù hợp với quy hoạch về nhà ở, đất ở cũng như quản lý khu dân cư.

"Những vấn đề sẽ gặp phải nếu có sai lầm về chính sách: Trường hợp cấp “sổ hồng” cho các căn hộ condotel sẽ “phá hỏng” tổng thể quy hoạch của địa phương, ảnh hưởng rất lớn đến công tác quản lý, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, hạ tầng và dân cư sau này", Luật sư Tú nêu quan điểm.

Về tiềm ẩn phát sinh nguy cơ phát sinh tranh chấp, nếu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở cho các căn hộ condotel trong khi các căn hộ này lại sử dụng với mục đích để ở và có sự ràng buộc rất lớn với chủ đầu tư nên dễ nảy sinh tranh chấp. Tranh chấp giữa chủ đầu tư và người “mua” trong quá trình quản lý sử dụng về chi phí quản lý. Những rủi ro khi phân định sở hữu chung sở hữu riêng giữa chủ đầu tư và người mua condotel.

Ngoài ra, thực tế sẽ còn tiềm ẩn những rủi ro khi chủ đầu tư sử dụng căn hộ để thế chấp ngân hàng mà không có khả năng thanh toán nợ, những rủi ro phát sinh khi chủ đầu tư không thực hiện đúng cam kết về lợi nhuận…

"Về quản lý, sử dụng, ai sẽ có trách nhiệm sửa chữa, bảo dưỡng căn hộ khi xuống cấp. Ai sẽ có nghĩa vụ đóng phí quản lý, dịch vụ của căn hộ. Sẽ ra sao nếu chủ sở hữu mong muốn ở lâu dài tại căn hộ condotel và biến khách sạn thành khu dân cư… Hàng loạt các vấn đề đặt ra đối với loại hình hỗn hợp này rất khó để giải quyết, nếu sửa luật để xem việc thuê condotel là mua bán căn hộ khách sạn để cấp “sổ hồng” cho condotel", Luật sư Tú phân tích.

THANH THANH

/bo-cong-an-kien-nghi-khong-hop-thuc-hoa-loai-hinh-condotel-officetel-thanh-nha-o.html