Theo đó, Điều 5 Thông tư liên tịch 01/2025/TTLT-VKSNDTC-BCA-TANDTC-BQP hướng dẫn biện pháp thí điểm gửi tiền vào ngân hàng để chờ xử lý nêu rõ, trường hợp vật chứng, tài sản là tiền đã thu giữ, tạm giữ, phong tỏa mà không có đủ căn cứ, điều kiện để trả lại cho bị hại theo quy định tại Điều 4 Thông tư liên tịch này thì cơ quan tiến hành tố tụng xem xét quyết định áp dụng biện pháp gửi tiền vào ngân hàng để chờ xử lý theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 164/2024/QH15 khi đã xác định rõ chủ sở hữu số tiền đó và chủ sở hữu có văn bản đề nghị gửi tiền vào ngân hàng.

Ảnh minh họa.
Về thời hạn gửi tiền vào ngân hàng để chờ xử lý được xác định như sau:
- Trên cơ sở văn bản đề nghị của chủ sở hữu, cơ quan tiến hành tố tụng quyết định lựa chọn ngân hàng gửi tiền và xác định thời hạn gửi tiền phù hợp với thời hạn giải quyết vụ án, bảo đảm lãi suất tiền gửi tối đa tại thời điểm gửi tiền và không cản trở việc áp dụng biện pháp trả lại tiền cho bị hại khi có đủ căn cứ, điều kiện quy định về trả lại tiền cho bị hại theo Điều 4 Thông tư liên tịch này;
- Trường hợp vụ án được chuyển cho cơ quan tiến hành tố tụng khác thụ lý, giải quyết, nếu thời hạn gửi tiền vẫn còn thì cơ quan mới thụ lý, giải quyết vụ án tiếp tục áp dụng thời hạn đó; nếu thời hạn gửi tiền đã hết thì cơ quan mới thụ lý, giải quyết vụ án thông báo cho chủ sở hữu để có văn bản đề nghị mới; trên cơ sở văn bản đề nghị mới của chủ sở hữu, cơ quan mới thụ lý, giải quyết vụ án đề nghị cơ quan đã ra quyết định gửi tiền gia hạn thời hạn gửi tiền.
Về trình tự, thủ tục gửi tiền vào ngân hàng để chờ xử lý được thực hiện như quy định tại khoản 3 Điều 4 Thông tư liên tịch này.
3. Trình tự, thủ tục trả lại tiền cho bị hại được thực hiện như sau:
a) Cơ quan tiến hành tố tụng thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ, tài liệu để xác định căn cứ, điều kiện trả lại tiền cho bị hại và thông báo cho bị hại, bị can, bị cáo, người khác là chủ sở hữu số tiền để họ có văn bản đề nghị. Trường hợp vụ án có nhiều bị hại mà không thể thực hiện việc thông báo trực tiếp cho bị hại thì cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện việc thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng theo quy định tại Điều 141 Bộ luật Tố tụng hình sự nêu rõ thời hạn gửi văn bản đề nghị trả tiền;
b) Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn theo thông báo, nếu có văn bản đề nghị, cơ quan tiến hành tố tụng tổ chức họp để thống nhất việc quyết định trả lại tiền cho bị hại. Cuộc họp phải được lập biên bản có chữ ký của đại diện các cơ quan tham gia;
c) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc cuộc họp theo quy định tại điểm b khoản này, nếu thống nhất được thì người có thẩm quyền quy định tại điểm a khoản 7 Điều 3 Nghị quyết số 164/2024/QH15 ra quyết định trả lại tiền cho bị hại; trường hợp không thống nhất thì thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do cho người có văn bản đề nghị biết;
d) Quyết định trả lại tiền cho bị hại phải được ghi rõ trong kết luận điều tra, cáo trạng, bản án, quyết định của Tòa án. Quyết định trả lại tiền cho bị hại, văn bản thông báo không áp dụng biện pháp được đưa vào hồ sơ vụ án.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định áp dụng hoặc văn bản thông báo không áp dụng biện pháp gửi tiền vào ngân hàng để xử lý thì quyết định hoặc văn bản thông báo đó phải được gửi cho Viện kiểm sát, các cơ quan đã tham gia cuộc họp; ngân hàng có liên quan trong trường hợp ra quyết định áp dụng. Đồng thời, giao cho chủ sở hữu hợp pháp đối với số tiền.
Đối với số tiền mà cơ quan tiến hành tố tụng thu giữ, tạm giữ trực tiếp và đưa vào tài khoản gửi tiết kiệm thì ngân hàng nơi cơ quan tiến hành tố tụng mở tài khoản tiền gửi tiết kiệm có trách nhiệm quản lý số tiền gửi và trả lãi theo thời hạn quy định nêu trên.
Đối với số tiền mà cơ quan tiến hành tố tụng đang phong tỏa tại ngân hàng thì khi nhận được quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng, ngân hàng thực hiện ngay việc chuyển đổi thành tài khoản tiền gửi có kỳ hạn và phong tỏa tài khoản đó.