/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Khái niệm cụ thể và các dấu hiệu pháp lý về tội 'Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức' và tội 'Sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức'

Khái niệm cụ thể và các dấu hiệu pháp lý về tội 'Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức' và tội 'Sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức'

07/04/2024 06:30 |

(LSVN) - Pháp luật hình sự hiện hành chưa đưa ra một khái niệm cụ thể và các dấu hiệu pháp lý về tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức"; tội "Sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức". Qua đó, tác giả có quan điểm về khái niệm và dấu hiệu pháp lý tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức"; tội "Sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức".

Ảnh minh họa.

Khái niệm

Khoản 1 Điều 8 Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015 quy định đã đưa ra khái niệm cụ thể về tội phạm. Theo đó, tội phạm được hiểu là hành vi nguy hiểm cho xã hội, có lỗi, trái pháp luật hình sự và phải chịu hình phạt

Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định số 99/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về quản lý và sử dụng con dấu thì: “Con dấu là phương tiện đặc biệt do cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký, quản lý, được sử dụng để đóng trên văn bản, giấy tờ của cơ quan, tổ chức, chức danh nhà nước”.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 2 của Luật Lưu trữ năm 2011 thì: “Tài liệu là vật mang tin được hình thành trong quá trình hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân bao gồm: Văn bản, dự án, bản vẽ thiết kế, bản đồ, công trình nghiên cứu, sổ sách, biểu thống kê; âm bản, dương bản phim, ảnh, vi phim; băng, đĩa ghi âm, ghi hình; tài liệu điện tử; bản thảo tác phẩm văn học, nghệ thuật; sổ công tác, nhật ký, hồi ký, bút tích, tài liệu viết tay; tranh vẽ hoặc in; ấn phẩm và vật mang tin khác”.

Theo từ điển Tiếng Việt, “giả” có nghĩa là “không phải là thật mà là được làm ra với vẻ bề ngoài giống như cái thật; làm như thật để người khác tưởng là thật”. Như vậy, có thể hiểu, con dấu, tài liệu giả không phải là con dấu, tài liệu thật mà là con dấu, tài liệu được làm ra với vẻ bề ngoài giống như con dấu, tài liệu thật. Vì vậy, hành vi làm giả con dấu, tài liệu được hiểu là hành vi dùng công sức để tạo ra con dấu, tài liệu giả; còn hành vi sử dụng con dấu, tài liệu giả được hiểu là hành vi lấy con dấu, tài liệu giả làm phương tiện để phục vụ nhu cầu, mục đích nhất định nào đó.

Trên phương diện pháp luật, hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức được hiểu là hành vi làm ra con dấu, tài liệu cơ quan, tổ chức một cách trái pháp luật. Theo đó, hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức bao gồm các hành vi như: Đúc, khắc... để tạo ra con dấu giả giống như con dấu thật của cơ quan, tổ chức; hoặc vẽ, in, photo, viết, các kỹ thuật khác... nhằm làm ra các loại tài liệu giả giống như các loại tài liệu thật của cơ quan, tổ chức. Các loại giấy tờ thường được làm giả là: Làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để thực hiện các giao dịch chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế giữa các bên; Làm giả các giấy tờ cá nhân, sổ hộ khẩu, giấy khai sinh, giấy đăng ký kết hôn, giấy tờ xe các loại; Làm giả các giấy tờ liên quan đến học tập bằng đại học, chứng chỉ tiếng anh, tin học, bảng điểm, hộ chiếu để được đi du học, đi nước ngoài...; Làm giả các hợp đồng khi thực hiện giao kết hợp đồng giữa các bên: hợp đồng vay vốn, hợp đồng thuê tài sản, hợp đồng mua bán hàng hóa, dịch vụ...

Đối với hành vi sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức là hành vi sử dụng con dấu giả, tài liệu giả giống với con dấu, tài liệu thật của cơ quan, tổ chức đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức, công dân. Việc sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức bao gồm các hành vi sử dụng con dấu, giấy tờ, tài liệu giả để nhằm mục đích thực hiện hành vi trái pháp luật như bán lại cho người khác, giao nộp tài liệu giả cho cơ quan chức năng…

Từ những phân tích trên, theo quan điểm của tác giả, có thể đưa ra khái niệm về tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức"; tội "Sử dụng tài liệu, con dấu giả của cơ quan, tổ chức" như sau: tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức"; tội "Sử dụng tài liệu, con dấu giả của cơ quan, tổ chức" là hành vi nguy hiểm cho xã hội, được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện việc làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu giả đó để thực hiện những hành vi trái pháp luật.

Các dấu hiệu pháp lý

Tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức"; tội "Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức" là quy định ghép của hai tội danh trong cùng một Điều luật. Do đó, các yếu tố cấu thành tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức"; tội "Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức" cơ bản cũng không có sự khác biệt lớn và được thể hiện như sau:

Về khách thể của tội phạm

Tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức"; tội "Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức" đã trực tiếp xâm phạm đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức trong lĩnh vực quản lý hành chính Nhà nước về con dấu, tài liệu. Bảo vệ sự an toàn của con dấu và các tài liệu trên cũng chính là bảo đảm sự hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức trong lĩnh vực quản lý hành chính của Nhà nước về con dấu và các loại tài liệu này.

Đối tượng tác động của tội phạm này là con dấu giả, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. Việc xác định con dấu giả, tài liệu giả có thể nhìn bằng mắt thường để phân biệt. Nhưng với sự tiến bộ không ngừng của khoa học và công nghệ, đôi khi để xác định con dấu giả, tài liệu giả cần phải giám định mới có thể biết được là thật hay giả, điều này cũng phải mất một khoảng thời gian nhất định.

Về mặt khách quan của tội phạm

Người phạm tội có thể thực hiện một trong hai hoặc cả hai hành vi khách quan, đó là hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức và hành vi sử dụng con dấu, tài liệu giả thực hiện hành vi trái pháp luật.

Các hành vi khách quan của tội làm giả con dấu tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội "Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức" bao gồm:

- Hành vi làm giả con dấu của cơ quan, tổ chức là hành vi đúc, khắc… để tạo ra con dấu giả giống như con dấu thật của cơ quan, tổ chức đang sử dụng vào những việc trái pháp luật (như sử dụng để làm các loại giấy tờ giả,...).

- Hành vi làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức là hành vi viết, vẽ, in, photo,... các loại giấy tờ, tài liệu giả giống như các loại tài liệu, giấy tờ thật của cơ quan, tổ chức đang sử dụng để sử dụng vào những việc trái pháp luật (ví dụ: Làm giả các tài liệu công nhận con liệt sĩ để hưởng các ưu đãi của Nhà nước…).

- Hành vi sửa các thông tin, giá trị trên các giấy tờ, tài liệu,... thật có chữ ký, con dấu, mẫu giấy thật để sử dụng vào những việc trái pháp luật (ví dụ: Sửa tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đai, bằng cấp, sửa số tiền trên sổ tiết kiệm,…).

- Hành vi sử dụng con dấu giả, tài liệu giả hoặc giấy tờ giả khác của cơ quan, tổ chức nhằm thực hiện hành vi vi phạm (để lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân).

Đối với hành vi làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức đó là hành vi này đã là tội phạm hoàn thành kể từ khi người đó tạo ra được con dấu, tài liệu, giấy tờ giả của cơ quan, tổ chức mà không cần biết việc “làm giả" này có nhằm hoặc sử dụng vào mục đích gì hay không của người không có thẩm quyền cấp con dấu, tài liệu, giấy tờ của cơ quan, tổ chức nhưng đã tạo ra con dấu, tài liệu, giấy tờ đó bằng những phương pháp nhất định giống như thật. Việc làm giả này có thể là giả toàn bộ hoặc từng phần (con dấu, tiêu đề, chữ ký, nội dung...) bằng những phương pháp nhất định nhằm tạo ra con dấu, tài liệu, giấy tờ giả giống với thật.

Khi xác định hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức cũng cần chú ý: Nếu người phạm tội chỉ làm giả con dấu thì chỉ định tội làm giả con dấu của cơ quan, tổ chức, nếu người phạm tội chỉ làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức thì chỉ định tội làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức mà không định tội danh đầy đủ như điều luật quy định.

Đối với hành vi sử dụng con dấu, tài liệu giả khác của cơ quan, tổ chức thì người phạm tội không có hành vi “làm” giả các đối tượng trên nhưng đã có hành vi “sử dụng” chúng để thực hiện việc làm trái pháp luật. Hành vi sử dụng con dấu, tài liệu nhằm thực hiện hành vi trái pháp luật cũng tương tự như đối với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 BLHS chỉ khác ở chỗ người có hành vi sử dụng con dấu, tài liệu đó nhằm thực hiện hành vi trái pháp luật, (ví dụ: Dùng bằng tốt nghiệp giả để xin việc, để được bổ nhiệm,...).

- Hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành cơ bản loại tội phạm này. Hậu quả của tội làm giả giấy tờ, tài liệu, con dấu của cơ quan tổ chức là làm ảnh hưởng về tài sản của công dân, của nhà nước; gây rối loạn việc quản lý hành chính Nhà nước về quản lý giấy tờ, tài liệu; gây hoang mang cho người dân khi tham gia vào các giao dịch của mình...

Về chủ thể của tội phạm

Tại Điều 341 BLHS năm 2015 cho thấy mức độ nghiêm trọng của tội phạm chỉ dừng lại ở tội phạm ít nghiêm trọng và nghiêm trọng. Chủ thể của tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức"; tội "Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức" là người từ đủ 16 tuổi trở lên, có đầy đủ năng lực TNHS theo quy định của BLHS. Chủ thể của tội phạm này không phải là chủ thể đặc biệt vì không có những dấu hiệu riêng. Tuy nhiên, nếu chủ thể tội phạm là người có chức vụ, quyền hạn, có trách nhiệm trong việc bảo quản, gìn giữ con dấu mà phạm tội thì thuộc trường hợp “lợi dụng chức vụ quyền hạn để phạm tội” theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 52 BLHS năm 2015 là một tình tiết tăng nặng TNHS.

Về mặt chủ quan của tội phạm

Chủ thể thực hiện hành vi phạm tội là lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội biết hành vi làm ra con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức là giả, không được pháp luật cho phép; hành vi sử dụng con dấu, tài liệu đó để thực hiện hành vi trái pháp luật là những hành vi gây nguy hiểm cho xã hội, nhận thức rõ điều đó nhưng vẫn mong muốn thực hiện hành vi đó hoặc để mặc cho hậu quả xảy ra, không cần biết hậu quả như thế nào.

Yếu tố lỗi trong nhận thức chủ quan của người phạm tội là rất quan trọng. Vì đối với tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức" thì mục đích phạm tội không phải là dấu hiệu bắt buộc để định tội, chỉ cần thực hiện xong hành vi làm giả con dấu, giấy tờ tài liệu giả là cấu thành tội phạm, không cần biết mục đích là gì. Riêng đối với tội "Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức" đòi hỏi phải có mục đích phạm tội là để thực hiện hành vi trái pháp luật thì mới cấu thành tội phạm. Nếu họ không dùng chúng để thực hiện hành vi trái pháp luật hoặc sử dụng chúng để thực hiện hành vi có lợi cho xã hội (bắt tội phạm, ngăn chặn tội phạm) thì hành vi không cấu thành tội phạm.

Ngoài ra việc xác định động cơ của người phạm tội cũng rất quan trọng, chẳng hạn như phạm tội vì nể nang, vì thành tích cục bộ thì tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội khác với trường hợp phạm tội vì trả thù cá nhân hay vì động cơ hèn hạ khác.

ANH DŨNG

Tòa án Quân sự Khu vực Thủ đô

Thẩm quyền của Hội đồng xét xử phúc thẩm khi bị hại rút yêu cầu khởi tố vụ án tại phiên tòa xét xử phúc thẩm

Nguyễn Hoàng Lâm