Ảnh minh họa.
Quy định pháp luật
Xét xử phúc thẩm là việc mà Tòa án có thẩm quyền xét xử phúc thẩm thực hiện xét xử lại bản án, quyết định của Tòa án sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật bị các đương sự kháng cáo hoặc bị các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng kháng nghị. Trong quá trình xét xử phúc thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm tiến hành kiểm tra lại tất cả hoặc một phần tính hợp pháp, những căn cứ đưa ra trong Tòa án sơ thẩm theo yêu cầu kháng cáo, kháng nghị. Cụ thể, tại Điều 355 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định thẩm quyền của HĐXX phúc thẩm đối với bản án sơ thẩm, theo đó:
1. HĐXX phúc thẩm có quyền: a) Không chấp nhận kháng cáo, kháng nghị và giữ nguyên bản án sơ thẩm; b) Sửa bản án sơ thẩm; c) Hủy bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án để điều tra lại hoặc xét xử lại; d) Hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án; đ) Đình chỉ việc xét xử phúc thẩm. |
Việc quy định xét xử phúc thẩm lại vụ án, bản án, quyết định của Tòa án cấp dưới nhằm đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự, tránh được sai sót, khắc phục được những sai sót xảy ra trong quá trình tố tụng; HĐXX phúc thẩm có thẩm quyền kiểm tra tính hợp pháp bao gồm cả pháp luật nội dung và pháp luật tố tụng; kiểm tra tính có căn cứ của bản án, quyết định là kiểm tra những chứng cứ đã thu thập được có phù hợp với thực tế không, kết luận của bản án, quyết định có phù hợp với hồ sơ vụ án hay không.
Trong các vụ án khi khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu bị hại trong một số trường hợp nhất định, xuất phát từ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, pháp luật quy định cho phép người bị hại lựa chọn quyền yêu cầu khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự, bởi lẽ trong một số trường hợp nếu khởi tố vụ án, lợi ích về mặt xã hội có thể không lớn mà còn có khả năng làm tổn thương thêm về mặt tinh thần cho người bị hại. Khi bị hại có đơn yêu cầu khởi tố vụ án thì cơ quan tiến hành tố tụng tiến hành khởi tố vụ án và khởi tố bị can theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, khi bị hại đã có yêu cầu khởi tố vụ án thì pháp luật cũng cho phép bị hại có quyền rút yêu cầu khởi tố vụ án. Cụ thể, tại Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định:
1. Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật Hình sự (Bộ luật Hình sự) khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết. 2. Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ, trừ trường hợp có căn cứ xác định người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án. 3. Bị hại hoặc người đại diện của bị hại đã rút yêu cầu khởi tố thì không có quyền yêu cầu lại, trừ trường hợp rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức |
Chế định bị hại rút yêu cầu khởi tố vụ án được quy định tại Điều 88 Bộ luật tố tụng hình sự (Bộ luật Tố tụng hình sự) năm 1988; Điều 105 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 và Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định tại Điều 155. Có thể thấy rằng so với quy định tại Điều 105 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 về khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của người bị hại, quy định Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định tại Điều 155 có điểm mới là bổ sung, sửa đổi phạm vi về quyền rút yêu cầu khởi tố của bị hại, theo đó tại khoản 2 Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, bị hại được quyền rút yêu cầu khởi tố bất cứ giai đoạn tố tụng nào, có thể là ở giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử (sơ thẩm, phúc thẩm). Việc quy định trên đã khắc phục những vướng mắc trong thực tiễn xét xử của Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 về bị hại rút yêu cầu khởi tố vụ án.
Khó khăn, vướng mắc
Mặc dù đã được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, tuy nhiên trong thực tiễn xét xử việc áp dụng khoản 2 Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 các cơ quan tiến hành tố tụng còn nhiều cách hiểu khác nhau. Vì vậy, TAND Tối cao đã ban hành Công văn số 254/TANDTC-PC ngày 26/11/2018 để hướng dẫn áp dụng về việc người đã yêu cầu khởi tố vụ án hình sự rút yêu cầu theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Theo đó, tại giai đoạn xét xử sơ thẩm: “Người đã yêu cầu khởi tố vụ án hình sự rút yêu cầu trước ngày mở phiên tòa sơ thẩm thì Thẩm phán chủ tọa phiên tòa căn cứ vào Điều 45, điểm a khoản 1 Điều 282 của Bộ luật Tố tụng hình sự ra quyết định đình chỉ vụ án; Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố vụ án hình sự rút yêu cầu tại phiên tòa thì HĐXX hoặc Thẩm phán chủ tọa phiên tòa xét xử theo thủ tục rút gọn căn cứ vào khoản 2 Điều 155, Điều 299 của Bộ luật Tố tụng hình sự ra quyết định đình chỉ vụ án…”.
Đối với giai đoạn xét xử phúc thẩm thì: “Trường hợp có kháng cáo, kháng nghị mà tại giai đoạn xét xử phúc thẩm người đã yêu cầu khởi tố vụ án hình sự rút yêu cầu thì HĐXX hoặc Thẩm phán chủ tọa phiên tòa xét xử theo thủ tục rút gọn căn cứ vào khoản 2 Điều 155 và Điều 359 của Bộ luật Tố tụng hình sự hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án”.
Hướng dẫn của Công văn 254 là cần thiết, phù hợp tại giai đoạn xét xử sơ thẩm, phúc thẩm trong một số trường hợp vụ án có một bị cáo hoặc trường hợp vụ án có nhiều đồng phạm mà các bị hại rút đơn yêu cầu khởi tố vụ án với tất cả các đồng phạm. Còn trong trường hợp vụ án có nhiều đồng phạm, sau khi xét xử sơ thẩm, tại phiên tòa bị hại chỉ rút đơn yêu cầu khởi tố vụ án cho một bị cáo, thì các đồng phạm khác xử lý như thế nào? Hướng dẫn Công văn 254 trong trường hợp này vẫn còn một số bất cập, nên còn có nhiều cách hiểu và áp dụng chưa thống nhất. Ví dụ tình huống vụ án sau:
Tóm tắt nội dung vụ án: Mặc dù không có mâu thuẫn gì lớn với gia đình chị N.T.H. nhưng N.V.B. (em chồng chị H.) vẫn muốn đánh chị H. cùng gia đình chị cho bỏ tức vì liên quan đến chị H. có nhiều ý kiến về chia tài sản đất đai của gia đình. Vào khoảng 15 giờ ngày 30/7/2020 N.V.B. thuê P.V.N., N.T.Q., N.T.T. đánh chị H. thì cả nhóm nhận lời. N. nói sẽ ném bom xăng vào nhà chị H. gây thương tích để dằn mặt thì B., Q. và T. đồng ý rồi thỏa thuận với giá tiền 10.000.000 đồng, B. sẽ đưa trước cho nhóm 3.000.000 đồng xong việc sẽ đưa số tiền còn lại. Sau khi thỏa thuận và nhận tiền thì Q. và T., N. điều khiển xe mô tô đi về.
Đến khoảng 21 giờ cùng ngày, sau khi chuẩn bị một chai thủy tinh chứa xăng bên trong xong thì N., Q. và T. đến trước nhà chị H., thấy chị H. cùng chồng là anh N.V.T. và con trai N.V.H. (đã trên 18 tuổi) đang ngồi trên ghế salon phòng khách xem ti vi thì Q. châm lửa và ném chai bom xăng vào trong nhà, làm cháy xém ghế salon và một số tài sản trong nhà, chị H., anh T. và cháu H. bị thương tích. Sau khi thực hiện xong, Q. liên lạc với B. để thông báo đã thực hiện xong như thỏa thuận và hẹn gặp để nhận số tiền còn lại, B. đến và đưa 6.000.000 đồng.
Sau khi sự việc xảy ra vợ chồng chị N.T.H. và anh N.V.T. trình báo sự việc đến cơ quan Công an. Ngày 20/8/2020 anh N.V.B., chị N.T.H. và N.V.H. đều có đơn yêu cầu khởi tố vụ án hình sự. Tại Bản kết luận giám định pháp y về thương tích kết luận thương tích của anh T. tỉ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên là 5%; chị H. tỉ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên là 3%; cháu N.V.H. tỉ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên là 2%; tổng giá trị tài sản bị thiệt hại là 8.000.000 đồng.
Ngày 02/11/2020 TAND huyện H. xét xử và đã quyết định: Căn cứ: điểm a, h, i khoản 1 Điều 134; điểm i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51, Điều 58 Bộ luật Hình sự, xử phạt bị cáo N.V.B. 20 tháng tù; P.V.N. 16 tháng tù; N.T.Q. 15 tháng tù; N.T.T. 14 tháng tù về tội “Cố ý gây thương tích”.
Ngày 17/11/2020, người bị hại N.V.T., N.T.H. và N.V.H. có đơn kháng cáo với nội dung: xin rút yêu cầu khởi tố đối với bị cáo N.V.B.; ngày 18/11/2020, bị cáo N.V.B. có đơn kháng cáo với nội dung: xin Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận kháng cáo đề nghị rút yêu cầu khởi tố của người bị hại N.V.T., N.T.H. và N.V.H..
Quá trình giải quyết vụ án có quan điểm khác nhau sau:
Quan điểm thứ nhất: cho rằng các bị hại rút yêu cầu khởi tố sau phiên tòa xét xử sơ thẩm, theo quy định pháp luật Tòa án vẫn phải mở phiên tòa xét xử vụ án vì Tòa án không thể đình chỉ vụ án theo quy định tại khoản 1 Điều 282 Bộ luật Tố tụng hình sự như đối với thủ tục xét xử sơ thẩm, bởi lẽ, thủ tục xét xử phúc thẩm không quy định đình chỉ vụ án mà chỉ có đình chỉ xét xử phúc thẩm. Nếu Tòa án căn cứ vào việc rút yêu cầu của bị hại để đình chỉ xét xử phúc thẩm thì bản án sơ thẩm sẽ có hiệu lực pháp luật, khi đó việc rút yêu cầu khởi tố của bị hại sẽ không có ý nghĩa, bị cáo vẫn phải chấp hành hình phạt theo quyết định của bản án sơ thẩm. Vì vậy, trong trường hợp này Tòa án tiến sẽ tiếp tục giải quyết như trường hợp bị hại rút yêu cầu khởi tố tại phiên tòa và xem xét đây là tình tiết mới. Cụ thể, theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 357 về sửa bản án sơ thẩm:
1. Khi có căn cứ xác định bản án sơ thẩm đã tuyên không đúng với tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi phạm tội, nhân thân bị cáo hoặc có tình tiết mới thì HĐXX phúc thẩm có quyền sửa bản án sơ thẩm như sau: a) Miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt cho bị cáo; không áp dụng hình phạt bổ sung; không áp dụng biện pháp tư pháp; |
Và theo quy định khoản 3 Điều 29 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: “Người thực hiện tội phạm nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác, đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả và được người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự”. Do đó, căn cứ các quy định trên HĐXX phúc thẩm căn cứ các quy định tại khoản 3 Điều 29 Bộ luật Hình sự năm 2015, điểm a khoản 1 Điều 357 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 để sửa bản án sơ thẩm và quyết định miễn TNHS cho bị cáo.
Quan điểm thứ hai: trong trường hợp này HĐXX phúc thẩm căn cứ quy định khoản 2 Điều 155, Điều 359 của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 và Công văn số 254/TANDTC-PC ngày 26/11/2018 thì trong trường hợp này hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án. Với lý do sau:
Quy định người bị hại rút yêu cầu khởi tố vụ án hình sự không giới hạn ở bất kỳ giai đoạn nào, nên các bị hại sau khi xét xử sơ thẩm có đơn rút yêu cầu khởi tố thì vụ án được đình chỉ theo quy định tại khoản 2 Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015. Mặc dù, quy định về hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án theo Điều 359 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 không quy định về trường hợp này. Tuy nhiên, hiện nay chưa có văn bản khác hướng dẫn nội dung này nên theo hướng Công văn số 254/TANDTC-PC ngày 26/11/2018 nếu bị hại rút yêu cầu khởi tố vụ án tại giai đoạn phúc thẩm thì: “Trường hợp có kháng cáo, kháng nghị mà tại giai đoạn xét xử phúc thẩm người đã yêu cầu khởi tố vụ án hình sự rút yêu cầu thì HĐXX hoặc Thẩm phán chủ tọa phiên tòa xét xử theo thủ tục rút gọn căn cứ vào khoản 2 Điều 155 và Điều 359 của Bộ luật Tố tụng hình sự hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án”.
Quay trở lại với tình huống vụ án trên căn cứ các quy định pháp luật và Công văn 254/TANDTC-PC thì HĐXX căn cứ quy định khoản 2 Điều 155, Điều 359 của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 hủy một phần bản án sơ thẩm về phần các quyết định liên quan và đình chỉ một phần vụ án hình sự về tội danh “Cố ý gây thương tích” đối với bị cáo B..
Tuy nhiên, tác giả thấy rằng đối với vụ án có nhiều đồng phạm, như tình huống nêu trên rõ ràng có sự bất cập và không công bằng đối với các đồng phạm khác. Bởi lẽ, trong vụ án N.V.B. là chủ mưu thuê người gây thương tích cho gia đình chị H.; bị cáo có đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự và đủ nhận thức để biết việc thuê người “dùng bom xăng” gây thương tích cho gia đình chị H. là hành vi rất nguy hiểm cho xã hội; việc sử dụng bom xăng có khả năng gây tổn hại sức khỏe, tính mạng cho nhiều người đình chị H.; nhưng theo quan điểm thứ hai căn cứ các quy định pháp luật và hướng dẫn Công văn 254/TANDTC-PC thì bị cáo N.V.B. mặc dù là chủ mưu, có vị trí vai trò cao nhất nhưng không phải chấp hành hình phạt tù theo quyết định của bản án sơ thẩm đã tuyên còn các bị cáo khác vị trí, vai trò trong vụ án thấp hơn nhưng phải chấp hành hình phạt tù rõ ràng không công bằng và hợp lý.
Vì vậy, theo tác giả trong trường hợp này nếu áp dụng quan điểm thứ nhất HĐXX phúc thẩm căn cứ các quy định tại khoản 3 Điều 29 Bộ luật Hình sự năm 2015, điểm a khoản 1 Điều 357 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 để sửa bản án sơ thẩm và quyết định miễn TNHS cho bị cáo là phù hợp. Bởi lẽ, bị cáo N.V.B. thực hiện hành vi phạm tội thuộc tội phạm ít nghiêm trọng xâm phạm đến sức khỏe, tài sản của người khác; sau khi xét xử sơ thẩm bị cáo B. đã bồi thường hết số tiền theo bản án sơ thẩm đã tuyên, đảm bảo điều kiện người phạm tội đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả cho phía bị hại và những người bị hại N.V.T., N.T.H. và N.V.H. có đơn kháng cáo rút yêu cầu khởi tố vụ án đối với bị cáo N.V.B.. Như vậy, việc những bị hại rút yêu cầu khởi tố vụ án hình sự sau phiên tòa sơ thẩm được xem xét, đánh giá là tình tiết mới phát sinh. Do đó, HĐXX phúc thẩm căn cứ các quy định tại khoản 3 Điều 29 Bộ luật Hình sự năm 2015, điểm a khoản 1 Điều 357 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 để sửa bản án sơ thẩm và quyết định miễn TNHS cho bị cáo đảm bảo được quyền rút yêu cầu của bị hại được thực thi trên thực tế; cơ quan tiến hành tố tụng có đủ cơ sở pháp lý để giải quyết yêu cầu của bị hại mà không trái với nguyên tắc, quy định về thủ tục xét xử phúc thẩm. Ngoài ra, thẩm quyền HĐXX phúc thẩm trong trường hợp các bị cáo không kháng cáo, được quy định cụ thể tại khoản 3 Điều 357 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, theo đó: “Trường hợp có căn cứ, HĐXX phúc thẩm có thể sửa bản án sơ thẩm theo quy định tại khoản 1 Điều này cho những bị cáo không kháng cáo hoặc không bị kháng cáo, kháng nghị.” Quy định trên, có thể thấy rằng trường hợp có căn cứ thì HĐXX phúc thẩm có thể sửa bản án sơ thẩm cho những bị cáo không kháng cáo hoặc không bị kháng cáo, kháng nghị. Mặc dù trong vụ án này, bị hại không rút đơn yêu cầu khởi tố đối với các đồng phạm khác; các đồng phạm khác không có kháng cáo thì HĐXX phúc thẩm căn cứ thẩm quyền của mình có thể miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo N.V.B. thì cũng áp dụng quy định tại khoản 3 Điều 357 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 miễn TNHS cho các đồng phạm khác không có kháng cáo có như vậy mới đảm bảo công bằng, hợp lý khi quyết định hình phạt.
Kiến nghị
Việc rút yêu cầu khởi tố của bị hại tại phiên tòa phúc thẩm đã được pháp luật quy định và TAND Tối cao đã ban hành Công văn số 254/TANDTC-PC ngày 26/11/2018 để hướng dẫn, tuy nhiên thực tiễn áp dụng vẫn còn những khó khăn, vướng mắc. Do đó, để đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao cần sớm ban hành Nghị quyết để hướng dẫn việc áp dụng thống nhất pháp luật những vấn đề còn vướng mắc đã phân tích trên.
Thạc sĩ NGUYỄN VĂN HUY
Tòa án Quân sự khu vực 1 Quân khu 5