/ Kinh nghiệm - Thực tiễn
/ Khó khăn của Luật sư trong việc thu thập chứng cứ trong các vụ án dân sự giai đoạn khởi kiện

Khó khăn của Luật sư trong việc thu thập chứng cứ trong các vụ án dân sự giai đoạn khởi kiện

04/10/2021 16:24 |

(LSVN) - Đảng và Nhà nước ta trong các năm qua đã triển khai nhiều biện pháp nhằm cải cách tư pháp. Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị về “Một số nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp trong thời gian tới”, Nghị quyết số 49/NQ-TW của Bộ Chính trị ngày 02/6/2005 đã đặt chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 là nhiệm vụ cấp bách. Ngày 23/11/2012 Quốc hội có Nghị quyết 37/NQ-QH13 đặt ra yêu cầu: “Tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo các Tòa án tiếp tục đẩy mạnh việctranh tụng tại phiên tòa”. Lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến, Hiến pháp 2013 ghi nhận nguyên tắc tranh tụng tại Điều 103: “Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được đảm bảo”. Bộ luật Tố tụng hình sự và Bộ luật Tố tụng dân sự được Quốc hội thông qua 2015 đã có nhiều quy định cụ thể hoá nguyên tắc tranh tụng, một trong các nội dung quan trọng của cải cách tư pháp, theo đó bổ sung nhiều quy định đảm bảo nguyên tắc tố tụng tranh tụng trong hoạt động xét xử.

Luật sư Đào Thị Liên, Công ty Luật Tiền Phong.

Có thể hiểu một cách ngắn gọn, tranh tụng là tập hợp các nguyên tắc, các quy định về thể lệ tiến hành các hoạt chứng minh tìm ra sự thật khách quan của một vụ án. Tranh tụng là cơ chế tố tụng mà các bên (nhà nước và công dân) cùng được bình đẳng tham gia quá trình chứng minh trong các vụ án. Mục tiêu của tranh tụng là truy tìm và chứng minh sự thật, bảo vệ công lý, lẽ phải, bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự tham gia tố tụng. Điểm mấu chốt của tranh tụng là đảm bảo quyền bình đẳng trong hoạt động chứng minh sự thật khách quan của vụ án và cơ chế nhà nước đặt ra để đảm bảo cho sự bình đẳng này.

Hoạt động chứng minh chính là hoạt động thu thập chứng cứ. Đây là quyền, đồng thời là trách nhiệm vô cùng quan trọng của đương sự trong vụ án dân sự. Có vụ kiện hay không, thắng hay thua trong vụ kiện đó hoàn toàn phụ thuộc vào chứng cứ, vào hoạt động chứng minh. Vai trò của Luật sư trong xã hội hiện đại ngày càng trở nên quan trọng. Nếu đương sự không có khả năng tự mình bảo vệ mình trước toà thì phải cậy nhờ Luật sư của mình hoặc bất cứ ai có khả năng và hiểu biết đầy đủ về hệ thống pháp luật.

Khó khăn từ bước đầu tiên

Để bắt đầu một vụ kiện, người khởi kiện phải có đơn khởi kiện kèm theo hồ sơ, chứng cứ. Trong đó một trong các tài liệu quan trọng nhất là tài liệu về địa chỉ bị đơn, đây không phải là chứng cứ để giải quyết vụ án mà là để bắt đầu vụ án và xác định thẩm quyền toà án. Tuy nhiên, trên thực tế quyền thu thập chứng cứ cho giai đoạn tiền tố tụng này của Luật sư đã bị vô hiệu hoá bởi không có cơ chế để đảm bảo thực hiện.

Bộ luật Tố tụng dân sự quy định, người khởi kiện phải ghi rõ địa chỉ bị đơn trong đơn khởi kiện (ghi đầy đủ và đúng tại Điều 192). Căn cứ vào đâu để xác định địa chỉ bị đơn trong đơn khởi kiện là đầy đủ và đúng? Thực tế, toà án sẽ căn cứ vào giấy tờ, giao dịch giữa hai bên đã xác lập trước đó. Các trường hợp giao dịch bằng lời nói (vay nợ thoả thuận miệng) hoặc vụ án khởi kiện chia thừa kế mà người khởi kiện không có tài liệu về nơi cư trú của bị đơn thì sẽ bế tắc. Bị đơn không cung cấp giấy tờ tuỳ thân của bị đơn để nộp kèm. Nguyên đơn biết rõ địa chỉ bị đơn cư trú thời điểm khởi kiện nhưng không thể chuyển hoá thành chứng cứ để nộp cho toà án vì công an phường sở tại không xác nhận, giấy tờ làm chứng, ảnh chụp... sẽ không được thừa nhận, việc tự ghi vào đơn khởi kiện thì toà án không chấp nhận vì không rõ nguồn. Vậy là đơn khởi kiện bị trả lại.

Đây là một thực tế mà Luật sư đang gặp phải, Luật sư không thể tiếp cận, thu thập được chứng cứ để nộp cho toà án chứng minh nơi cư trú của bị đơn. Mặc dù tinh thần cải cách tư pháp được thể hiện trong Nghị quyết của Bộ Chính trị, của Quốc hội, trong Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự, tạo quyền bình đẳng cho các bên, trong đó có Luật sư được tham gia vào hoạt động chứng minh trên thực tế đã bị kẹt ngay từ khâu đầu tiên của quá trình tố tụng.

Có quy định “gỡ” nhưng là chưa đủ

Điểm c khoản 1 Điều 40 Bộ luật Tố tụng dân sư quy định, nếu bị đơn không có nơi cư trú, làm việc, trụ sở ở Việt Nam hoặc vụ án về tranh chấp việc cấp dưỡng thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi mình cư trú, làm việc, có trụ sở giải quyết. Còn Điều 192 quy định trường hợp người khởi kiện đã ghi địa chỉ bị đơn đầy đủ trong đơn khởi kiện mà hiện tại bị đơn không có nơi cư trú ổn định, thường xuyên thay đổi nơi cư trú không khai báo với cơ quan có thẩm quyền về cư trú (để che giấu địa chỉ, trốn tránh nghĩa vụ đối với người khởi kiện) thì thẩm phán không trả lại đơn khởi kiện mà sẽ thụ lý giải quyết theo thủ tục chung.

Chắc chắn sẽ có nhiều Luật sư đồng tình với ý kiến của người viết rằng, hiện nay khả năng đơn khởi kiện trong cả hai trường hợp nêu trên sẽ bị toà án từ chối thụ lý là rất cao. Đối với các giao dịch mà hai bên không có giấy tờ, hoặc có nhưng ghi không rõ, không đúng địa chỉ, hoặc địa chỉ hiện nay đã khác với giấy tờ giao dịch thì việc khởi kiện bị bế tắc ngay ở khâu này.

Như trên đã nói, vì nhiều lý do mà người khởi kiện không thể có tài liệu giao dịch hợp đồng mà trong đó ghi đúng, đủ, chính xác địa chỉ bị đơn. Khi hai bên có vướng mắc, người phải thực hiện nghĩa vụ dân sự không bao giờ chịu cung cấp giấy tờ tuỳ thân, nhiều người còn trốn tránh, thay đổi chỗ ở để né tránh nghĩa vụ. Có nhiều trường hợp đến nhà thường xuyên, gặp vợ con, cha mẹ, ông bà, người thân … dù được làm chứng, dù có ảnh chụp, thì những trình bày này vẫn bị coi là không có căn cứ, toà án vẫn yêu cầu phải có xác nhận của công an phường sở tại. Nhiều toà án coi giấy xác nhận nơi cư trú của bị đơn là tài liệu bắt buộc trong hồ sơ khởi kiện ban đầu nên dù có cung cấp được bản sao chứng minh nhân dân bị đơn và ghi đúng thông tin thì vẫn không được thụ lý hồ sơ. 

Theo Điều 68 Bộ luật Tố tụng dân sự, đương sự là nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ, việc dân sự. Như vậy thì được hiểu rằng, chỉ khi toà án thụ lý vụ án mới hình thành nên tư cách tố tụng của đương sự. Và chỉ khi xác định tư cách đương sự của vụ, việc dân sự thì đương sự mới được quyền yêu cầu toà án hỗ trợ thu thập chứng cứ, tài liệu giải quyết vụ án. Như vậy, khi bị từ chối đơn khởi kiện, người khởi kiện không có quyền yêu cầu toà án thu thập chứng cứ?

Luật sư có thể làm gì?

Thời gian qua, để giải quyết những khó khăn như trình bày ở trên, nhiều văn phòng Luật sư đã nghĩ ra cách giải quyết là phát hành công văn đề nghị Công an phường sở tại kiểm tra, xác minh và xác nhận nơi cư trú của đương sự. Việc này đôi khi không đạt kết quả vì không có quy định bắt buộc cơ quan Công an phải phối hợp, hỗ trợ Luật sư và bắt buộc xác nhận.

Chủ trương cải cách tư pháp của Đảng, Quốc hội và Nhà nước triển khai gần 20 năm và đã đạt được nhiều kết quả. Toà án nhân dân tối cao cùng nhiều cơ quan tư pháp đang nỗ lực để hoàn thiện bộ án lệ mở rộng nguồn pháp luật, phục vụ cho việc xét xử, nhằm hướng đến bản án của toà án giải quyết được mọi mặt vấn đề của xã hội không chỉ trong giới hạn các quy phạm pháp luật. Hai bộ luật tố tụng quan trọng là Bộ luật Tố tụng dân sự và Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 đã có nhiều điều luật quy định về nguyên tắc tranh tụng.

Song, còn rất nhiều hạn chế cho Luật sư, với các quy định hiện tại trong hai bộ luật tố tụng, Luật sư không có quyền, không có cơ chế được tiếp cận, thu thập chứng cứ và như thế hạn chế rất lớn đến quyền của Luật sư trên thực tế. Chế tài xử lý hành vi không cung cấp thông tin, chứng cứ của cơ quan, tổ chức, cá nhân cho Luật sư gần như là không có. Nhiều trường hợp toà án phải tạm đình chỉ giải quyết vụ án vì toà án không được các cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp chứng cứ, tài liệu.

Những khó khăn của Luật sư đã được đề cập trong bài viết này đang tồn tại và còn tạo ra sự thiếu cân bằng về quyền bình đẳng của Luật sư trong hoạt động tranh tụng, đặc biệt là trong vụ án hình sự. Trong thời gian tới, cần kiến nghị Quốc hội tiếp tục sửa đổi các điều luật trong nhiều luật như Luật Luật sư, Luật Dân sự, Luật Cư trú, Luật Tiếp cận thông tin… theo hướng xác định quyền cụ thể cho Luật sư được tiếp cận và thu thập chứng cứ. Bổ sung chế tài đủ mạnh với hành vi cản trở hoặc không hợp tác cung cấp chứng cứ cho cơ quan tiến hành tố tụng và cho Luật sư; bổ sung quyền của Luật sư được tiếp cận thông tin hộ tịch của các đương sự và Luật sư tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc sử dụng thông tin. Có như thế, hoạt động của Luật sư mới hiệu quả, và sự tham gia tranh tụng của Luật sư mới thực sự đạt chất lượng như tinh thần cải cách tư pháp đưa ra.

Luật sư ĐÀO THỊ LIÊN

Công ty Luật TNHH Tiền Phong

Bảo vệ quyền của cá nhân đối với hình ảnh theo quy định của pháp luật

Lê Minh Hoàng