/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Khó khăn, vướng mắc khi xác định số lượng con dấu, tài liệu làm giả theo Điều 341, Bộ luật Hình sự

Khó khăn, vướng mắc khi xác định số lượng con dấu, tài liệu làm giả theo Điều 341, Bộ luật Hình sự

11/05/2024 06:54 |

(LSVN) - Xác định số lượng con dấu, tài liệu làm giả đối với hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 có ý nghĩa quan trọng trong việc định tội danh, định khung hình phạt. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng pháp luật vẫn còn có những khó khăn, vướng mắc nhất định; có trường hợp chưa thống nhất trong nhận thức áp dụng pháp luật giữa các cơ quan tiến hành tố tụng cũng như những người tham gia tiến hành tố tụng.

Ảnh minh họa.

1. Quy định của luật

So với Điều 267 BLHS năm 1999 thì Điều 341 BLHS năm 2015 có nhiều sửa đổi, bổ sung tiến bộ hơn; theo đó Điều luật này đã có quy định cụ thể về số lượng con dấu, tài liệu làm giả để làm căn cứ để định khung hình phạt, cụ thể:

Điều 341. Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.

1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Làm từ 02 đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác;

d) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm;

đ) Thu lợi bất chính 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;

e) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Làm 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên;

b) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng;

c) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Điều luật được ghép bởi hai tội danh gồm: Tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức" và tội "Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức", khi áp dụng pháp luật cần chú ý:

- Về khách thể: Tội phạm tác động đến hoạt động đúng đắn, bình thường của cơ quan, tổ chức trong lĩnh vực quản lý hành chính cơ quan Nhà nước về con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác. Đối tương tác động của tội phạm này là con dấu giả, tài liệu giả, giấy tờ giả.

- Về mặt khách quan: Hai tội danh được thực hiện bởi hai hành vi khác nhau: hành vi làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ của cơ quan, tổ chức và hành vi sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ giả để thực hiện hành vi trái pháp luật.

Đối với hành vi làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ của cơ quan, tổ chức cũng tương tự như đối với tội "Sản xuất hàng giả" quy định tại Điều 192 BLHS năm 2015 chỉ khác nhau ở chỗ "hàng" được làm ra không phải là "hàng hoá" mà là con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ. Vì vậy, khi xác định con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ của cơ quan, tổ chức có bị làm giả hay không phải căn cứ vào con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ của cơ quan, tổ chức là con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ có thật, nếu cơ quan tổ chức không có con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ đó thì cũng không thể coi hành vi làm con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ là hành vi làm giả được, vì không có thật thì cũng không có giả. Khi xác định hành vi làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ của cơ quan, tổ chức cũng cần chú ý: Nếu người phạm tội chỉ làm giả con dấu thì chỉ định tội là "Làm giả con dấu của cơ quan, tổ chức", nếu người phạm tội chỉ làm giả tài liệu hoặc giấy tờ của cơ quan, tổ chức thì chỉ định tội là "Làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức" mà không định tội danh đầy đủ như điều luật quy định.

Đối với hành vi sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm thực hiện hành vi trái pháp luật cũng tương tự như đối với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 BLHS năm 2015 chỉ khác ở chỗ người có hành vi sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân… không nhằm chiếm đoạt tài sản mà nhằm mục đích khác như: dùng bằng tốt nghiệp giả để xin việc, để được bổ nhiệm, để tăng lương, để được đi lao động ở nước ngoài; làm giả sổ hộ khẩu để được mua nhà ở thành phố, để được giao đất trồng trồng rừng…

Hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành cơ bản của phạm tội này, tức là người phạm tội chỉ cần thực hiện hành vi làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ giả đó nhằm thực hiện hành vi trái pháp luật là tội phạm đã hoàn thành.

Để xác định hành vi phạm tội cần dựa trên các quy định của Nhà nước về con dấu, tài liệu hoặc các giấy tờ của cơ quan, tổ chức. Trong trường hợp việc xác định gặp khó khăn cần trưng cầu giám định tư pháp, để xác định con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ có phải là giả hay không.

- Về mặt chủ quan: Hành vi phạm tội được thực hiện với lỗi cố ý, người phạm tội biết hành vi làm con dấu, tài liệu hoặc các giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức là hành vi làm giả và sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ giả đó để thực hiện hành vi trái pháp luật nhưng vẫn thực hiện, mong muốn hoặc để mặc cho hậu quả xảy ra hoặc không cần biết hậu quả của hành vi đó như thế nào.

- Về chủ thể: Người có năng lực trách nhiệm hình sự. Ngoài ra, những người phạm tội này cũng có thể là người có chức vụ, quyền hạn có trách nhiệm trong việc khắc con dấu, trong việc quản lý con dấu, tài liệu, giấy tờ của cơ quan tiến hành tố tụng, tổ chức.

2. Thực tiễn xét xử

Về mặt lý luận khoa học luật hình sự như đã phân tích ở trên, tuy nhiên thực tiễn áp dụng pháp luật vẫn còn tồn tại những khó khăn, vướng mắc nhất định trong việc xác định số lượng con dấu, tài liệu làm giả để định tội danh, định khung hình phạt.

Tình huống cụ thể:

Nguyễn Duy K. và Dương Văn Đ. có mối quan hệ bạn bè từ trước. Khi biết K có nhu cầu làm giấy phép lái xe hạng C mà không phải học và thi sát hạch, Đ. lên mạng xã hội Facebook kết nối với đối tượng sử dụng tài khoản Facebook có tên "Trung Tâm Đào Tạo TP" để đặt làm giấy phép lái xe giả. Sau khi trao đổi tin nhắn với đối tượng sử dụng tài khoản trên, Đ. liên hệ với K. và đưa ra thông tin là làm được giấy phép lái xe và hồ sơ lái xe hạng C mà không cần phải học và thi sát hạch với giá 5.000.000 đồng. K. đồng ý và đưa trước cho Đ. 3.000.000 đồng, nợ lại 2.000.000 đồng. Đ. yêu cầu K. chụp hình ảnh chân dung và căn cước công dân gửi qua tin nhắn Messenger cho Đ. Sau đó, Đ. gửi hình ảnh chân dung và hình ảnh căn cước công dân của K. và cả của Đ. cho đối tượng có tài khoản Facebook tên “Trung Tâm Đào Tạo TP” qua ứng dụng Messenger để làm giấy phép lái xe giả cho K. và Đ. với giá thỏa thuận tổng cộng là 6.000.000 đồng. Ngày 28/02/2022, Đ. nhận được 02 giấy phép lái xe mang tên Dương Văn Đ., Nguyễn Duy K. và 02 bộ hồ sơ lái xe. Đ. nhận các tài liệu trên qua bưu tá của Bưu điện và thanh toán tiền theo hình thức COD với tổng số tiền là 6.000.000 đồng, sau đó Đ. giao giấy phép lái xe và 01 hồ sơ lái xe cho K. để sử dụng.

Hồ sơ lái xe Đ. đưa cho K. gồm: Chứng chỉ sơ cấp mang tên Nguyễn Duy K., có hình con dấu "Bộ Công an * Trường Cao đẳng Phòng cháy chữa cháy * Trung tâm dạy nghề đào tạo và sát hạch lái xe" và chữ ký phó hiệu trưởng (ký hiệu A1); Giấy khám sức khỏe của người lái xe chưa điền thông tin họ và tên người khám, có hình con dấu "Bộ Y tế * Bệnh viện GTVT TW * Giám định y khoa" và chữ ký người kết luận (ký hiệu A2); Biên bản tổng họp kết quả sát hạch lái xe ô tô chưa điền thông tin họ và tên thí sinh, có hình con dấu "Bộ Công an * Trường Cao đẳng Phòng cháy chữa cháy * Trung tâm dạy nghề đào tạo và sát hạch lái xe" và có chữ ký Chủ tịch Hội đồng kỳ sát hạch (ký hiệu A3); Bản sát hạch lý thuyết chưa điền thông tin và có chữ ký giám khảo coi thi (ký hiệu A4); Bản sát hạch thực hành lái xe đường trường chưa điền thông tin người sát hạch và có chữ ký sát hạch viên (ký hiệu A5); Đơn đề nghị học, sát hạch để cấp giấy phép lái xe chưa điền thông tin (ký hiệu A6). 

Khoảng tháng 12/2022, K. sử dụng giấy phép lái xe để xin vào làm việc tại Công ty cổ phần xây dựng A. đang thi công trình trên tuyến Quốc lộ 19. Ngày 14/3/2023, K. điều khiển xe ô tô tải của Công ty cổ phần xây dựng A., lưu thông trên đoạn đường tránh thuộc Tổ dân phố 7, thị trấn C., huyện Đ., tỉnh Gia Lai thì bị Đội CSGT - Trật tự, Công an huyện Đ., tỉnh Gia Lai kiểm tra giấy tờ. Dù biết Giấy phép lái xe trên là giả không được phép sử dụng nhưng K. vẫn lấy ra và xuất trình cho lực lượng CSGT kiểm tra nhằm mục đích đối phó với lực lượng CSGT để tránh bị xử phạt về hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà không có giấy phép lái xe. Khi kiểm tra, nghi ngờ giấy phép lái xe trên là giả nên lực lượng chức năng tạm giữ để phục vụ điều tra, còn K. bị lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi chở vật liệu xây dựng dễ rơi vãi mà không có bạt che đậy. 

Qua lời khai của Dương Văn Đ. và một số tài liệu có trong hồ sơ vụ án thể hiện: đối với giấy phép lái xe và 01 bộ hồ sơ lái xe mang tên Dương Văn Đ. mà Đ. đặt làm cùng với giấy phép lái xe của Nguyễn Duy K., quá trình điều tra không thu hồi được nên không có cơ sở xử lý.

Tại Kết luận giám định số 299/KL-KTHS ngày 29/3/2023 của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Gia Lai kết luận: "Giấy phép lái xe/ Driver's License" mẫu cần giám định (ký hiệu A) là giả.

Tại Kết luận giám định số 907/KL-KTHS ngày 18/10/2023 của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Gia Lai kết luận:

 Chữ ký trên các mẫu cần giám định (ký hiệu từ A1 đến A5) không phải được ký trực tiếp ra. Các chữ ký trên các mẫu cần giám định (ký hiệu A1 đến A5) được hình thành bằng phương pháp in màu.

Hình dấu trên các mẫu cần giám định (ký hiệu từ A1 đến A6) không phải được đóng trực tiếp ra. Các hình dấu được hình thành bằng phương pháp in màu.

Hình dấu tròn nội dung "*Bộ Y tế*Bệnh viện GTVT TW giám định y khoa" trên mẫu cần giám định (ký hiệu A2) không phải do con dấu có hình dấu tròn nội dung "M.S.D.N: 0107276138 - C.T.C.P * Quận Đống Đa - TP. Hà Nội Công ty cổ phần bệnh viện GTVT" trên mẫu so sánh (ký hiệu M) đóng ra.

Viện Kiểm sát truy tố bị can Dương Văn Đ. về tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức" theo điểm c khoản 2 Điều 341 BLHS. Xác định bị can Dương Văn Đ. đã làm giả 04 con dấu, tài liệu, bao gồm: 01 giấy phép lái xe mang tên Nguyễn Duy K.; 01 chứng chỉ sơ cấp mang tên Nguyễn Duy K.; 01 giấy khám sức khỏe của người lái xe; 01 Biên bản tổng hợp kết quả sát hạch lái xe ô tô.

Đối với tình huống trên, có nhiều quan điểm khác nhau về việc xác định số lượng tài liệu giả làm căn cứ định tội, định khung đối với bị can Dương Văn Đ.:

Quan điểm thứ nhất đồng tình với quan điểm truy tố của Viện Kiểm sát (04 tài liệu) vì: Giấy phép lái xe mang tên Nguyễn Duy K. có kết luận giám định là giả; giấy khám sức khỏe của người lái xe có con dấu không phải là con dấu của Bệnh viện GTVT đóng ra (có mẫu so sánh để cơ quan giám định kết luận); đối với 01 chứng chỉ sơ cấp và 01 biên bản tổng hợp kết quả sát hạch lái xe ô tô do Trung tâm dạy nghề đào tạo và sát hạch lái xe – Trường Cao đẳng phòng cháy, chữa cháy – Bộ Công an cấp thì quá trình điều tra xác minh không có Trường Cao đẳng phòng cháy, chữa cháy trên thực tế nên trong Kết luận giám định chỉ thể hiện hai tài liệu trên là con dấu và chữ ký được hình thành bằng phương pháp phun màu. Quan điểm này cho rằng, mặc dù 02 tài liệu này là giả và cơ quan, tổ chức thể hiện trên tài liệu là không tồn tại, không có thật, nhưng đã làm ảnh hưởng đến hoạt động đúng đắn, bình thường của cơ quan, tổ chức trong hoạt động quản lý hành chính về con dấu, tài liệu và các giấy tờ khác, nên có đủ căn cứ xác định là những tài liệu giả.

Quan điểm thứ hai cho rằng: xác định 01 giấy phép lái xe mang tên Nguyễn Duy K. và 01 giấy khám sức khỏe của người lái xe là giả, căn cứ xác định giống như quan điểm của Viện Kiểm sát. Tuy nhiên, không đồng ý với 02 tài liệu còn lại là: 01 Chứng chỉ sơ cấp và 01 Biên bản tổng hợp kết quả sát hạch do Trung tâm đào tạo sát hạch lái xe – Trường Cao đẳng phòng cháy, chữa cháy – Bộ Công an cấp là giả. Bởi, qua biên bản xác minh hệ thống các trường của Bộ Công an thì không có Trường Cao đẳng phòng cháy, chữa cháy. Xác định con dấu, tài liệu, giấy tờ có phải là giả hay không, cần phải có "mẫu" thật để so sánh; trên cơ sở đó cơ quan giám định mới kết luận được là thật hay giả. Hai tài liệu này không thể hiện cơ quan, tổ chức nào có thật trên thực tế nên không đủ căn cứ xác định là tài liệu giả. Do đó, chỉ truy tố bị can Dương Văn Đ làm giả 02 tài liệu là giấy phép lái xe và giấy khám sức khỏe.

Quan điểm thứ ba cũng là quan điểm của tác giả: xác định số tài liệu giả làm căn cứ truy tố là 01 giấy phép lái xe mang tên Nguyễn Duy K. và bị can Dương Văn Đ. chỉ phạm tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức" quy định tại khoản 1 Điều 341 BLHS. Bởi vì, trong vụ án này bị can Đ. là người đặt vấn đề, cung cấp thông tin của bị can K. cho "Trung Tâm Đào Tạo TP" qua tài khoản Facebook trên mạng xã hội để làm giả giấy phép lái xe nên hành vi của Đ. là đồng phạm với "Trung Tâm Đào Tạo TP" về tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức". Qua các tài liệu thu thập trong hồ sơ thể hiện không xác định được "Trung Tâm Đào Tạo TP" ở đâu, đã thực hiện hành vi làm giả vào thời gian, địa điểm nào, công cụ gì nên bị can Đ. được xác định là người phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi làm giả con dấu, tài liệu theo nghĩa là người thực hiện một cách gián tiếp. Lời khai của bị can Đ. và K. trong hồ sơ đều xác định việc đặt làm giấy phép lái xe giả nhằm mục đích xin vào các công trình để lái xe và đối phó với lực lượng CSGT khi bị kiểm tra. Đối với những giấy tờ có trong hồ sơ lái xe mà Đ. đưa cho K., vì để tạo niềm tin cho bị can Đ. khi đặt làm giấy phép lái xe nên "Trung tâm đào tạo TP" đã kèm theo bộ hồ sơ lái xe; những tài liệu này có chữ ký và đóng dấu của các cơ quan chức năng bằng phương pháp phun màu (giả), đây là các điều kiện để có kết quả cuối cùng là giấy phép lái xe. Đồng thời, việc làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức phải được sử dụng vào hành vi trái pháp luật; tuy nhiên, những tài liệu này thực tế không có giá trị khi sử dụng, không thể đổi được giấy phép lái xe (nếu giấy phép lái xe bị mất, hư hỏng hoặc hết hạn sử dụng), không thể qua mặt các cơ quan chức năng được và thực tế K. chưa sử dụng các giấy tờ, tài liệu này vào việc làm trái pháp luật, nên bị can Đ chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi làm giả 01 tài liệu là giấy phép lái xe mang tên Nguyễn Duy K.

3. Đề xuất, kiến nghị

Đối với những vụ án tương tự như trên xảy ra rất nhiều. Tuy nhiên, có nhiều quan điểm trái chiều, gây khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc định tội danh, định khung hình phạt, bởi quy định của BLHS chưa thể bao quát hết các vấn đề trong thực tiễn; tác giả kiến nghị thời gian tới, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao cần có hướng dẫn cụ thể để thống nhất nhận thức và áp dụng pháp luật trên thực tiễn trong các trường hợp cụ thể như:

Một là, có hành vi làm giả nhiều con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức nhưng những con dấu, tài liệu giả trước đó là điều kiện để có con dấu, tài liệu giả cuối cùng mà người phạm tội mong muốn đạt được (người phạm tội không dùng các con dấu và tài liệu giả trước đó để phạm tội), có được tính là con dấu, tài liệu giả hay không?

Hai là, đối với trường hợp làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức không tồn tại trên thực tế (không có mẫu con dấu, tài liệu thật để so sánh) có được tính là con dấu, tài liệu giả hay không?

Trên đây là quan điểm của tác giả đối với tình huống thực tiễn đã xảy ra, rất mong sự góp ý, trao đổi của quý độc giả.

VÕ MINH TUẤN - VÕ HỒNG ÁNH VÂN

Tòa án Quân sự Khu vực 1 Quân khu 5

Một số ý kiến tham gia góp ý đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản

Nguyễn Hoàng Lâm