Không thể đòi nợ, thu hồi tài sản như một băng nhóm côn đồ

20/05/2020 23:36 | 3 năm trước

(LSO) - Áp lực đòi nợ và sự liều lĩnh của một số người khiến việc đòi nợ trở thành mối đe dọa cho xã hội, gây mất ổn định xã hội. Việc dùng vũ lực, đe dọa, uy hiếp con nợ để đòi nợ diễn ra nhiều trong đời sống xã hội hiện nay.

Vi phạm pháp luật khi đòi nợ kiểu “xã hội đen”

Trong các quan hệ dân sự, kinh tế thì các giao dịch vay tài sản là tương đối phổ biến. Quan hệ vay tài sản có thể giữa các cá nhân, tổ chức với nhau hoặc là quan hệ tín dụng giữa tổ chức tín dụng với tổ chức, cá nhân khác. Việc vay nợ có thể bằng tài sản thế chấp hoặc không thế chấp (tín chấp).

Theo đó, không phải khi nào mối quan hệ giữa bên cho vay và bên vay cũng êm đềm, tốt đẹp. Nếu việc sử dụng tiền vay đúng mục đích, có hiệu quả, việc trả nợ gốc lãi đầy đủ theo thỏa thuận của các bên thì quan hệ giữa hai bên gắn bó, trở thành đối tác tin cậy, gắn bó với nhau để cùng phát triển.

Nếu như bên đi vay gặp khó khăn, thua lỗ thì mối quan hệ hai bên sẽ vào tư thế đối đầu, chuyển tranh chấp, cãi vã, xung đột, thậm chí dùng vũ lực với nhau có thể xảy ra... Nếu những tranh chấp dân sự, kinh tế hai bên không giải quyết được thì có thể chuyển vụ việc đến tòa án để được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. 

Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, áp lực đòi nợ và sự liều lĩnh của một số người khiến việc đòi nợ trở thành mối đe dọa cho xã hội, gây mất ổn định xã hội. Việc dùng vũ lực, đe dọa, uy hiếp con nợ để đòi nợ diễn ra nhiều trong đời sống xã hội hiện nay. Dưới góc độ pháp lý, đây là hành vi trái pháp luật, đe dọa đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác. Hành vi đòi nợ trái pháp luật này không chỉ do các nhóm côn đồ, đòi nợ theo kiểu “xã hội đen” mà còn lan sang cả một số công ty, các tổ chức thu hồi nợ, các khoản nợ của ngân hàng khiến nhiều người dân bức xúc. Đã đến lúc chính quyền các địa phương không chỉ dẹp loạn tín dụng đen, dẹp loạn đòi nợ thuê mà con phải dẹp loạn đòi nợ tín dụng ngân hàng bằng những tổ chức có vũ trang, trái pháp luật.

Theo quy định của pháp luật thì quan hệ tín dụng là quan hệ dân sự, kinh tế. Theo đó, khi giao dịch đã được xác lập thì các bên phải thực hiện đúng và đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của mình trong các hợp đồng đã ký kết (ở đây là hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp). Khi đến hạn trả nợ mà bên vay tiền không thực hiện nghĩa vụ trả nợ, thực hiện nghĩa vụ trả nợ nhưng không đúng, không đầy đủ thì bên ngân hàng có thể yêu cầu xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ. Hai bên có thể thỏa thuận việc bàn giao tài sản để tổ chức bán đấu giá, lấy tiền trả nợ. Tuy nhiên, thỏa thuận này chỉ có thể được thực hiện khi hai bên đồng thuận và không có tranh chấp.

Căn cứ xử lý

Thời gian gần đây, việc cho vay tín dụng có nhiều thiếu sót, thẩm tra xác minh điều kiện vay không chính xác. Thêm vào đó, là khó khăn chung của doanh nghiệp nên tình trạng nợ xấu gia tăng đột biến. Trước tình hình đó, ngân hàng nhà nước và các tổ chức tín dụng đã “kêu cứu” đến Phính phủ và Quốc hội để có các giải pháp giải quyết vấn đề nợ xấu cho các tổ chức tín dụng.

Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm thu hồi nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Theo đó, Nghị quyết này cũng quy định nguyên tắc xử lý nợ xấu phải:

- Bảo đảm công khai, minh bạch; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan;

- Phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống;

- Không sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu;

- Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật để xảy ra nợ xấu và trong quá trình xử lý nợ xấu phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật;

- Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu, bán nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu công khai, minh bạch, theo quy định của pháp luật; giá bán phù hợp với giá thị trường, có thể cao hơn hoặc thấp hơn dư nợ gốc của khoản nợ.

Đặc biệt, Điều 7 của Nghị quyết này quy định về việc tổ chức tín dụng hoặc các tổ chức thu hồi nợ tín dụng có thể thực hiện biện pháp thu hồi tài sản đảm bảo. Theo đó, bên bảo đảm, bên giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu có nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm kèm theo đầy đủ giấy tờ, hồ sơ pháp lý của tài sản bảo đảm cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu để xử lý theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm hoặc trong văn bản khác (sau đây gọi là hợp đồng bảo đảm) và quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm.

Trường hợp bên bảo đảm, bên giữ tài sản không giao tài sản bảo đảm cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu để xử lý thì tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được thu giữ tài sản bảo đảm theo quy định tại Điều này.

Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu có quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của bên bảo đảm, bên giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:

- Khi xảy ra trường hợp xử lý tài sản bảo đảm theo quy định tại Điều 299 của Bộ luật Dân sự; 

- Tại hợp đồng bảo đảm có thỏa thuận về việc bên bảo đảm đồng ý cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu khi xảy ra trường hợp xử lý tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật;

- Giao dịch bảo đảm hoặc biện pháp bảo đảm đã được đăng ký theo quy định của pháp luật;

- Tài sản bảo đảm không phải là tài sản tranh chấp trong vụ án đã được thụ lý nhưng chưa được giải quyết hoặc đang được giải quyết tại tòa án có thẩm quyền; không đang bị tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; không đang bị kê biên hoặc áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án theo quy định của pháp luật; 

- Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu đã hoàn thành nghĩa vụ công khai thông tin theo quy định tại khoản 3 hoặc khoản 4 Điều này.

Chậm nhất là 15 ngày trước ngày tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm là bất động sản, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu thực hiện công khai thông tin về thời gian, địa điểm thu giữ tài sản bảo đảm, tài sản bảo đảm được thu giữ, lý do thu giữ theo quy định sau đây:

- Đăng tải thông tin trên trang thông tin điện tử của mình;

- Gửi văn bản thông báo cho UBND cấp xã và cơ quan Công an nơi có tài sản bảo đảm;

- Niêm yết văn bản thông báo tại trụ sở UBND cấp xã nơi bên bảo đảm đăng ký địa chỉ theo hợp đồng bảo đảm và trụ sở UBND cấp xã nơi có tài sản bảo đảm;

- Thông báo cho bên bảo đảm bằng văn bản theo đường bưu điện có bảo đảm đến địa chỉ của bên bảo đảm theo hợp đồng bảo đảm hoặc gửi trực tiếp cho bên bảo đảm.

Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu thực hiện công khai thông tin về việc tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm là động sản theo quy định sau đây:

- Đăng tải thông tin trên trang thông tin điện tử của mình và thông báo về việc thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm cho UBND cấp xã nơi bên bảo đảm đăng ký địa chỉ theo hợp đồng bảo đảm trước khi tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm;

-  Thông báo cho bên bảo đảm bằng văn bản trước thời điểm thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm bằng cách gửi theo đường bưu điện có bảo đảm đến địa chỉ của bên bảo đảm theo hợp đồng bảo đảm hoặc gửi trực tiếp cho bên bảo đảm.

Chính quyền địa phương các cấp và cơ quan Công an nơi tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện việc bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong quá trình thu giữ tài sản bảo đảm theo đề nghị của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu. Trường hợp bên bảo đảm không hợp tác hoặc không có mặt theo thông báo của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu, đại diện UBND cấp xã nơi tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm tham gia chứng kiến và ký biên bản thu giữ tài sản bảo đảm.

Tổ chức tín dụng chỉ được ủy quyền thu giữ tài sản bảo đảm cho công ty quản lý nợ và khai thác tài sản thuộc tổ chức tín dụng đó; tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu chỉ được ủy quyền thu giữ tài sản bảo đảm cho tổ chức tín dụng bán nợ, công ty quản lý nợ và khai thác tài sản thuộc tổ chức tín dụng bán nợ.

Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu, tổ chức được ủy quyền thu giữ tài sản bảo đảm không được áp dụng các biện pháp vi phạm điều cấm của pháp luật trong quá trình thu giữ tài sản bảo đảm.

Bộ Công an có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan Công an các cấp thực hiện nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự khi tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu theo quy định tại Nghị quyết này.

Như vậy, có thể thấy rằng Nghị quyết này là một cơ sở pháp lý để tháo gỡ khó khăn cho các tổ chức tín dụng trong việc thu hồi nợ. Tuy nhiên, việc thu giữ tài sản phải tuân thủ các quy định của Nghị quyết này và các quy định khác của pháp luật. Thu giữ tài sản chỉ được thực hiện khi hai bên có thỏa thuận trước đó, đủ điều kiện để thu giữ theo quy định của pháp luật và việc thu giữ tài sản phải có sự tham gia, giám sát của chính quyền địa phương và cơ quan Công an. Trong trường hợp các công ty quản lý nợ của ngân hàng tự ý sử dụng vũ lực đe dọa dùng vũ lực hoặc có các hành vi vi phạm pháp luật khác để buộc tổ chức, cá nhân phải bàn giao tài sản thế chấp trái quy định của pháp luật thì đây là hành vi vi phạm pháp luật có dấu hiệu của các tội danh như tội “Cưỡng đoạt tài sản”, “Cướp tài sản”, “Xâm phạm chỗ ở của công dân”... 

Bởi vậy, tùy từng vụ việc cụ thể mà người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Chính quyền địa phương và cơ quan Công an phải giám sát chặt chẽ việc thu giữ tài sản theo Nghị quyết này để tránh trường hợp một số tổ chức, cá nhân lợi dụng, lạm dụng việc thu giữ tài sản để xâm phạm trái phép đến chỗ ở của công dân, xâm hại đến tài sản, sức khỏe của công dân. Trong trường hợp hợp đồng tín dụng, thế chấp không đủ điều kiện để áp dụng việc thu giữ tài sản hoặc có tranh chấp xảy ra thì các bên phải chờ phán quyết của tòa án theo quy định của pháp luật.

Việc những nhóm người có vũ trang nhân danh các công ty quản lý nợ của ngân hàng đến đánh đuổi người dân ra khỏi nhà để lấy nhà gây mất an ninh trật tự, bức xúc trong dư luận thì phải xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Những hành vi như vậy có dấu hiệu tội phạm và gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội, không đúng với tinh thần Nghị quyết của Quốc hội cũng như các văn bản quy phạm pháp luật.

Luật sư ĐẶNG VĂN CƯỜNG

/kinh-doanh-doi-no-thue.html