Kỳ 6: Vì mối cừu thù chân không chạm đất

01/02/2018 18:38 | 6 năm trước

LSVNO - Năm Ất Tỵ (1305) thời vua Anh Tông trị vì. Mùa xuân, tháng Giêng, vua sách phong Hoàng tử Mạnh làm Đông cung Thái tử và làm bài Dược thanh châm (nghĩa là bài châm khuyên răn, có tác dụng nh...

LSVNO - Năm Ất Tỵ (1305) thời vua Anh Tông trị vì. Mùa xuân, tháng Giêng, vua sách phong Hoàng tử Mạnh làm Đông cung Thái tử và làm bài Dược thanh châm (nghĩa là bài châm khuyên răn, có tác dụng như thuốc thang) ban cho. Trần Mạnh là người con thứ tư của vua Trần Anh Tông và Chiêu Hiến hoàng thái hậu Trần thị (con gái Bảo Nghĩa vương Trần Bình Trọng). Lúc ấy được 5 tuổi.

>>>Kỳ 5: Trao chức cho người bói giỏi

Để chuẩn bị cho việc nối ngôi của Đông cung Thái tử trong tương lai, vua Anh Tông tìm thầy dạy cho Thái tử và Trần Cụ đã lọt vào mắt xanh của nhà vua. Vì sao vậy?

Bấy giờ ,Trần Cụ là một viên độc bạ, tính tình khoan hậu, cẩn thận, thật thà. Dù làm quan viên nhưng lại giỏi nghề đánh cá, bắn nỏ và chơi cầu. Nhà Cụ ở và thuyền ông ta đi, đều có hai cửa đối nhau, xếp đặt, bày biện các thứ cũng cân đối và phải ngay ngắn, vì là bản tâm cẩn thận như vậy, cho nên biểu hiện ở mọi việc làm cũng như vậy.

Trần Cụ mỗi khi sắp đánh đàn, thì trước hết cắt đầu dây, buộc lại cho chặt dây rồi sau mới gảy. Có người hỏi cớ làm sao, Cụ trả lời: “Nếu khúc đàn chưa hết mà dây đứt thì làm thế nào?”. Tiếng đàn của ông nghe rìu rặt đến mê lòng người, chẳng khác gì Khổng Minh Gia Cát ngày xưa đánh đàn mà làm cho Tư Mã Ý phải rầu lòng mà rút quân vậy.

Còn về khoản đá cầu cũng là một trò phổ biến thời Trần. Cầu thời Trần được làm từ bong bóng lợn bơm hơi, bao quanh bằng các múi da. Cụ làm cầu thì cân nhắc các múi da, cho mười hai múi cân nhau, duy ba múi ở miệng cầu lỗ là chỗ bỏ cái bóng lợn vào thì hơi mỏng và nhẹ, để cân với sức nặng ở đầu bong bóng, cho nên khi đá cầu, múi nào ở trên đến lúc rơi xuống đất lại nguyên như cũ, không bao giờ chuyển khác.

Với khoản bắn nỏ, người đời bắn nỏ, chân đứng cũng như bắn cung, kiểu chữ “đinh” thì không thành, mà chữ “bát” cũng không ngay, nhưng Trần Cụ khi giương cung thì đứng ngay ngắn mà bắn và bảo mọi người: “Phàm bắn nỏ thì tay trái giơ ra phía trước nắm lấy thân cung, tay phải kéo dây cung về phía sau, mình đã nghiêng thì chân cũng phải lệch, còn bắn nỏ thì đưa cân bằng ra phía trước, cho nên khi cầm nỏ mà bắn, thân mình ngay ngắn, thì cớ gì chân lại phải đứng lệch?”. Tài bắn nỏ bách phát bách trúng của Trần Cụ có thể ví với Hậu Nghệ tái thế.

Sự bách nghệ đó được vua Trần Anh Tông để ý nên ngay sau khi lập Mạnh làm Thái tử, vua chỉ định Trần Cụ làm thầy, dạy Thái tử Mạnh các nghề ấy. Nhờ có sự dạy dỗ của Trần Cụ, mà sau này khi Thái tử Mạnh lên làm Hoàng đế (tức vua Minh Tông (1314 - 1329 ), rồi làm Thái Thượng hoàng (1329 - 1357) thì rất xứng ngôi thiên tử khi được Đại Việt sử ký toàn thư ngợi ca là “đem văn minh sửa sang trị đạo, làm rạng rỡ công nghiệp người trước, giữ lòng trung hậu, lo xa cho con cháu, trong nước được yên, bên ngoài theo phục, kỷ cương đủ bày”. Không chỉ lo việc nước nơi cung vàng, điện ngọc, vua cũng dấn thân mình xông pha trận mạc, nhiều lần Nam tiến dẹp loạn Chiêm Thành, Ai Lao. Điều đó, một phần nhờ vào công dạy dỗ của vị thầy thuở nhỏ: Trần Cố. 

 

Vua Trần Minh Tông cai trị sáng suốt một phần nhờ vào sự dạy dỗ sáng suốt của Trần Cụ

Lại nói về vị thầy dạy đặc biệt của Thái tử Mạnh. Trần Cụ vốn người Cứu Liên thuộc đất Cửu Cao (nay là xã Cửu Cao, huyện Văn Giang, Hưng Yên), vốn có mối hận thâm sâu gì đó với người Cứu Liên, nên thề với lòng rằng chân sẽ không bao giờ giẫm lên đất ấy nữa. Sau này khi Trần Cụ trở về Cứu Liên thì đi thuyền, đến khi lên bộ thì đi kiệu vào cửa, tới giường mới xuống kiệu, thức ngủ, ăn uống đều ở trên giường. Khi nào chơi xem vườn ao thì sai khiêng giường đến chỗ đó, hết hứng thì trở về, lại ngồi kiệu, lên thuyền... Cứ như thế cho đến hết đời, chưa hề giẫm một bước xuống đất Cứu Liên. Ông ta giữ lòng bền rắn một mực “trước sau như một” như vậy nên đời xưa gọi ông là người gàn, vì dù sao đó cũng là sự  bảo thủ. Tuy gàn là vậy, nhưng vị thầy gàn Trần Cố cũng đã góp phần định hình phẩm cách cho vị vua tương lai thứ năm của nhà Trần: Trần Minh Tông.

Trần Đình Ba