Kỷ cương nghiêm minh, hành động quyết liệt

03/04/2020 19:39 | 4 năm trước

(LSO) - Thế giới tự nhiên hay xã hội cũng đều phải được tổ chức trong trật tự, kỷ cương. Nếu cá thể nào cũng nhoai lên làm theo ý muốn một cách vô tổ chức thì môi trường sống sẽ rối loạn, tan hoang, lụn bại.

Trong tự nhiên, đàn chim thiên di bao giờ cũng sắp xếp con khỏe mạnh nhất bay phía trước, để cản gió cho con phía sau, chúng dìu nhau cùng về đích. Đàn sói hoang có phép tắc của đàn sói. Bầy đàn tuyệt đối tuân lệnh con đầu đàn. Lúc di chuyển, những con yếu nhất hoặc bị bệnh tật bao giờ cũng được đun lên đi đầu. Tốc độ bầy đàn phụ thuộc vào những con này, chỉ như thế mới không lạc bầy và tồn tại. Tiếp theo là các con sói răng móng sắc, mạnh mẽ nhất sẵn sàng tác chiến. Tiếp theo nữa là những con cũng khỏe mạnh để bảo vệ phía sau. Khóa đuôi là một con sói đơn độc - con đầu đàn kiểm soát, quan sát toàn bộ đội hình và chỉ huy bầy đàn.

Trong xã hội loài người, từ thời tiền sử đã có tổ chức thị tộc, bộ lạc cũng có người đứng đầu điều hành. Khi Nhà nước Văn Lang được thành lập, đứng đầu nhà nước là Hùng Vương, có các Lạc Hầu giúp việc, có các Lạc Tướng cai quản các bộ địa phương. Đã có một nhóm, cộng đồng bao giờ cũng có tổ chức và quy tắc ứng xử. Đã có một nhà nước thì kỷ cương phép nước cũng được ban hành.

Lễ hội Đến Hùng.

Kỷ cương là những phép tắc nhà nước duy trì trật tự của một xã hội. Thực tế lịch sử nước ta, thời nào kỷ cương nghiêm minh thì xã hội thái bình thịnh trị, từ ngõ cùng xóm vắng cũng ấm no yên lành. Thời nào phép nước rối loạn, trên không minh dưới không nghiêm, mua quan bán tước, thưởng phạt không công bằng thì xã hội rối loạn, triều chính suy đồi, đất nước lụi tàn.

Vào đời vua Trần Dụ Tông kỷ cương phép nước không nghiêm, xây dựng nhiều cung điện đền đài, vua cũng đánh bạc và nuôi chim thú lạ. Vua quan sa đọa ăn chơi trác táng, quyền thần làm nhiều điều vô đạo, gian thần nhũng nhiễu hoành hành, đục khoét, dân nghèo điêu đứng. Chu Văn An phải dâng Thất trảm sớ, xin chém 7 tên gian nịnh. Rất tiếc, Thất trảm sớ không được thực hiện, đâu đâu cũng thấy dịch bệnh, người chết, sâu cắn lúa, hạn hán, lũ lụt, mùa màng thất bát,... và nhà Trần cũng suy vong từ đó.

Ông vua hay chữ Lê Thánh Tông ban hành Luật Hồng Đức làm nền tảng cho một Nhà nước pháp quyền sơ khởi vào loại sớm trên thế giới, với tư tưởng nhân nghĩa và lấy dân làm gốc. Trong những nội dung cơ bản thì “Giữ nghiêm kỷ cương, phép nước” và “Bảo vệ quyền sở hữu tài sản của muôn dân, chống tham nhũng triệt để, chống sự lạm quyền và ức hiếp dân chúng” đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Ban hành luật, và ông cũng tự nguyện chấp hành, chứ không đứng trên luật: “Pháp luật là phép tắc chung của Nhà nước, ta và các người phải cùng tuân theo”. Con trai Lê Thiệt phóng ngựa như bay trên đường giữa ban ngày và dung túng gia nô đánh người, ngài truất quyền chỉ huy của Tổng quân đô đốc Lê Thiệt vì tội là bố mà không dạy bảo được con. Thời Lê Thánh Tông bãi bỏ luật cha truyền con nối của các công thần. Vua trọng việc chọn người hiền tài ra làm quan. Ngài giữ kỷ cương phép nước rất nghiêm. Có lẽ vì thế mà kinh tế phát triển, 36 phố phường sầm uất nhộn nhịp, trong làng ngoài xã rộn rã lễ nhạc, thái bình thịnh trị đến mức thành đồng dao: “Đời vua Thái Tổ, Thái Tông. Thóc lúa đầy đồng, trâu chẳng buồn ăn”.

Thời hiện đại, con người cũng hiện đại. Tính chất thời đại, xã hội, con người... cũng phức tạp hơn. Kỷ cương phép nước càng phải khoa học, chặt chẽ, nghiêm minh. Chúng ta đang tiến tới một nhà nước dân chủ, pháp quyền biểu hiện bằng một hệ thống pháp luật nhân văn, lấy dân làm gốc và đã đạt nhiều thành tựu. Tuy nhiên, không phải ở đâu, chỗ nào cũng giữ được kỷ cương, phép nước. Đã có những ông thượng thư Vũ Huy Hoàng bị đưa ra phê phán ở Quốc hội, những Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy... cao chạy xa bay trước khi bị kỷ luật. Đây đó, vẫn có những chuyện “phép vua thua lệ làng”, trên bảo dưới không nghe, đường ta ta cứ đi, việc ta ta cứ làm, anh hùng nhất khoảnh, nghênh ngang một cõi, coi giời bằng vung. Vẫn còn những câu chuyện đàn dê của các hộ nghèo vô tư hồn nhiên đi “lạc đường” vào nhà lãnh đạo huyện. Vẫn còn những con gà cứu trợ bỗng dưng chạy vào nhà quan xã, hay những cân gạo cứu đói, và những bộ quần áo, đồng tiền từ thiện không cánh mà bay vào nhà quan chức địa phương. Kỷ cương, kỷ luật không nghiêm, quản lý yếu kém ở đấy chứ ở đâu nữa.

Trong lĩnh vực giao thông cũng... loạn kỷ cương. Do người dân thiếu hiểu biết luật, do biết nhưng hơn nhau nửa vành bánh xe cũng cố nhoai lên trước, xe chở cồng kềnh như con voi kéo gỗ vẫn nghênh ngang giữa đường phố bất chấp luật giao thông và văn minh đô thị, do cơ sở hạ tầng và quản lý kém. Quản lý đô thị cũng nhiều vấn đề nan giải, nói mãi, phạt mãi mà hè phố vẫn xập xệ, ngổn ngang, không còn chỗ cho người đi bộ. Có lẽ hình ảnh phản cảm nhất vẫn là nạn hành chính... hành là chính. Dân đến cửa công quyền làm thủ tục thì còn bận ngáp ngủ, bận tám chuyện, bắt người dân đi lại nhiều lần...vv.

Theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, những tồn tại, hạn chế trong kỷ luật, kỷ cương hành chính đã “ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân và doanh nghiệp, tác động xấu đến kỷ cương xã hội, cần được kiểm điểm nghiêm khắc, rút kinh nghiệm và khẩn trương khắc phục ở tất cả các cấp, các ngành, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu”. Nhà giáo dục người Mỹ William Ward nói rằng: “Người bi quan phàn nàn về cơn gió; người lạc quan chờ đợi nó đổi chiều; người thực tế điều chỉnh lại cánh buồm”. Nếu cứ nhìn thấy kỷ cương có chỗ chưa nghiêm rồi bi quan, rồi chờ đợi là đồng lõa với cái xấu và tự đặt mình vào thế bị động, dễ tha hóa. Con người phải hành động... và hành động. Trên thì kỷ cương phép nước, dưới thì có kỷ luật. Trên phải lập lại trật tự, uốn nắn, hướng dẫn các công dân thực thi pháp luật. Dưới phải chấp hành nghiêm minh và vận động người khác cùng chấp hành.

Giữ kỷ cương nghiêm khắc còn là lấy lại lòng tin của nhân dân. Năm 1950, giữa lúc kháng chiến trường kỳ chống Pháp còn đang ác liệt gian nan, Chánh án Tòa án binh tối cao đã tuyên: “Trần Dụ Châu can tội biển thủ công quỹ, nhận hối lộ, phá hoại công cuộc kháng chiến: tử hình; tịch thu ba phần tư tài sản”. Đại tá Trần Dụ Châu, nguyên Giám đốc Nha Quân Nhu tham ô tham nhũng, ăn chơi trác táng đã bị đền tội. Quân pháp vô thân, và tội đồ bị trừng trị còn có ý nghĩa giáo dục. Bác Hồ đau đớn bác đơn tha tội chết của Trần Dụ Châu với thái độ dứt khoát: “Một cái ung nhọt, dẫu có đau cũng phải cắt bỏ, không để nó lây lan, nguy hiểm”. Kỷ cương phép nước phải nghiêm minh như thế, phải hành động quyết liệt, dù đau đớn, mới lấy lại lòng tin của nhân dân và cán bộ chiến sĩ đang đánh giặc ngoài chiến trường.

Nhà sáng chế, doanh nhân Steven Jobs nói rằng: “Hệ thống là không có hệ thống nào. Điều đó không có nghĩa là chúng tôi không có quy trình. Apple là một công ty rất có tính kỷ luật, và chúng tôi có những quy trình tốt. Nhưng vấn đề không phải như vậy. Quy trình khiến bạn hoạt động hữu hiệu hơn”. Thực hiện đúng quy trình thì con người sẽ thấy thanh thản tự do. Hiện nay, chúng ta đang áp dụng 6 hình thức kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức: “Khiển trách; cảnh cáo; hạ bậc lương; giáng chức; cách chức; cho thôi việc”. Chúng ta không muốn mất cán bộ, cũng không muốn người lao động bị kỷ luật. Nhưng, phép nước phải nghiêm minh từ việc xem xét kỷ luật, không đánh bùn sang ao, hòa cả làng, vi phạm đến đâu kỷ luật đến đó.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có Chỉ thị về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp: “Chính phủ đã tập trung, thống nhất, quyết liệt trong hành động, kiên quyết đổi mới phương thức lãnh đạo, quản lý, điều hành, xây dựng Chính phủ trong sạch, liêm chính, kiến tạo phát triển, gắn bó với nhân dân, phục vụ nhân dân và doanh nghiệp; phát huy dân chủ, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân gắn liền với tăng cường kỷ luật, kỷ cương, chấp hành pháp luật”. Lực lượng Công an nhân dân đặt khẩu hiệu hành động trong năm 2016 là: “Chủ động, kỷ cương, trách nhiệm, hiệu quả”. Thường trực Thành ủy Hà Nội chọn chủ đề công tác năm 2017 là “Năm kỷ cương hành chính 2017”. Các tỉnh thành, các ban, ngành khác cũng đưa nội dung tăng cường và nâng cao kỷ cương, kỷ luật vào kế hoạch công tác.

Hy vọng một mùa xuân mới với một chương trình hành động mới sâu rộng trong phạm vi toàn quốc: Kỷ cương nghiêm minh, hành động quyết liệt!

/chon-go-tot-dung-loa-mat-boi-nuoc-son.html
/chon-go-tot-dung-loa-mat-boi-nuoc-son.html
Nhà văn Sương Nguyệt Minh
(Đại biểu nhân dân)