Kỹ năng của Luật sư khi tham gia giải quyết các tranh chấp thương mại

23/07/2022 16:31 | 1 năm trước

(LSVN) - Tranh chấp thương mại hiện nay là tranh chấp xảy ra cực kỳ phổ biến và phức tạp bởi vấn đề thường không chỉ nằm trong lĩnh vực thương mại mà còn liên quan tới nhiều lĩnh vực khác như đất đai, hành chính, thừa kế, hôn nhân gia đình... Điều đó đòi hỏi người Luật sư khi tham gia giải quyết các tranh chấp thương mại không chỉ cần có kiến thức sâu rộng ở nhiều lĩnh vực mà còn cần vận dụng rất nhiều kỹ năng như đối thoại, hòa giải, thương lượng… và kỹ năng tranh tụng. Tất cả những kỹ năng nêu trên thường được gọi chung là kỹ năng khi giải quyết tranh chấp thương mại của Luật sư.

Ảnh minh họa.

Một số vấn đề lý luận chung về tranh chấp thương mại

Tranh chấp thương mại là gì?

Điều 3, Luật Thương mại năm 2005 quy định: “Hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác”. Từ quy định trên, có thể hiểu tranh chấp thương mại là những tranh chấp xuất phát từ mâu thuẫn về quyền và nghĩa vụ giữa các bên trong quá trình hoạt động, kinh doanh. Tranh chấp thương mại chủ yếu là tranh chấp giữa các thương nhân, tuy nhiên cũng có trường hợp tranh chấp thương mại xảy ra giữa các cá nhân, tổ chức không phải là thương nhân khi tham gia giao dịch không có mục đích sinh lợi nhưng lựa chọn áp dụng Luật Thương mại.

Các hình thức giải quyết tranh chấp thương mại phổ biến

Hiện nay, các hình thức giải quyết tranh chấp thương mại được luật hóa thành quy định tại Điều 317, Luật Thương mại năm 2005. Theo đó có bốn hình thức giải quyết tranh chấp thương mại như sau: Thương lượng giữa các bên; Hòa giải tranh chấp; Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại; Giải quyết tranh chấp bằng Tòa án.

Việc giải quyết tranh chấp thương mại dưới hình thức nào cũng cần phải nhanh chóng, thuận lợi, không làm hạn chế hoặc cản trở đến quá trình kinh doanh của các chủ thể, không ảnh hưởng đến uy tín và năng lực cạnh tranh trên thị trường, mặt khác vẫn phải duy trì các mối quan hệ hợp tác, bí mật kinh doanh của các bên.

Kỹ năng giải quyết các tranh chấp thương mại của Luật sư

Kỹ năng thu thập và phân tích thông tin

Thu thập thông tin là một trong những kỹ năng quan trọng của Luật sư, không chỉ áp dụng trong việc giải quyết các tranh chấp thương mại mà cần thiết đối với bất cứ vụ việc nào. Ngay từ khi tiếp nhận hồ sơ, Luật sư phải chủ động khai thác thông tin từ khách hàng cũng như các bên liên quan để nắm được đầy đủ thông tin về tình trạng doanh nghiệp, nguyên nhân dẫn đến tranh chấp, mong muốn của các bên…

Ngoài các nguồn thông tin chính thức, những căn cứ pháp lý mang tính chuyên ngành mà Luật sư có thể tìm hiểu qua tài liệu hay sách, cần tận dụng các nguồn thông tin thứ ba uy tín như các cơ quan, tổ chức, cá nhân có chuyên môn (đã có chứng chỉ hợp pháp) để làm rõ các tình tiết, bản chất của sự việc. Việc tận dụng các nguồn thông tin thứ ba đóng một vai trò rất quan trọng trong việc giải quyết tranh chấp thương mại thành công.

Bên cạnh kỹ năng thu thập thông tin, Luật sư cần phải có kỹ năng phân tích những thông tin đã thu thập được. Luật sư cần đọc và hiểu tình trạng pháp lý của khách hàng, phân tích những ưu thế của khách hàng và của đối phương để đề xuất ra phương án giải quyết cũng như dự đoán phản ứng của đối phương. Ở giai đoạn này không chỉ cần dự phòng các phương án có lợi cho mình mà Luật sư còn phải lên các phương án nhượng bộ để đạt tới mục tiêu hay giảm thiểu thiệt hại một cách tối đa.

Kỹ năng lựa chọn hình thức giải quyết phù hợp

Mỗi một hình thức giải quyết tranh chấp thương mại có những lợi thế và đặc điểm riêng. Luật sư cần nắm rõ và phân tích áp dụng vào từng tình huống nhằm hướng tới lợi ích và hiệu quả tối đa cho khách hàng của mình.

Đối với hình thức giải quyết tranh chấp thương mại bằng thương lượng: Đây là hình thức giải quyết nhanh chóng, chi phí thấp, duy trì được mối quan hệ hợp tác giữa các bên, bảo đảm uy tín và giữ bí mật kinh doanh cho các bên có liên quan. Quá trình thương lượng sẽ giúp những tranh chấp có khả năng được giải quyết một cách triệt để và hiệu quả, đồng thời tái thiết các mối quan hệ tốt đẹp sau tranh chấp.

Tuy nhiên, hình thức này cũng tồn tại những hạn chế như: Phương án thỏa thuận mà các bên đạt được không mang tính cưỡng chế thi hành; một bên không thiện chí dễ lợi dụng thương lượng để trì hoãn hoặc trốn tránh thực hiện nghĩa vụ.

Đối với phương thức hòa giải tranh chấp: Các ưu điểm của phương thức này cũng tương tự phương thức thương lượng, tuy nhiên, phương thức này có sự hỗ trợ của bên thứ ba với vai trò trung gian nên các bên dễ đạt được phương án hòa giải hơn việc tự thương lượng. Ngoài ra, nhược điểm của hòa giải tranh chấp là phải mất chi phí cho người trung gian. Tuy quá trình hòa giải tiết kiệm thời gian và linh hoạt nhưng kết quả hòa giải có được thực thi hay không hoàn toàn phụ thuộc vào sự tự nguyện của các bên, không có cơ chế pháp lý bảo đảm việc thực thi cam kết đã được hòa giải thành.

Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại: Đây đang là một hình thức giải quyết tranh chấp được giới kinh doanh ưa chuộng. Ưu điểm của phương thức này là việc giải quyết tranh chấp tuân theo một quy trình chặt chẽ và là phương thức bảo đảm quyền tự định đoạt cao nhất khi các bên có thể thỏa thuận, thống nhất lựa chọn trung tâm trọng tài, trọng tài viên, địa điểm, thời gian giải quyết tranh chấp. Ngoài ra, hoạt động giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại bảo đảm tính bí mật, có giá trị pháp lý cao và có tính chất quốc tế nên đây là phương thức được các doanh nghiệp nước ngoài ưu tiên lựa chọn khi kinh doanh thương mại tại Việt Nam. Tuy nhiên, nhược điểm của phương thức này là phạm vi giải quyết tranh chấp của trọng tài thương mại bị giới hạn, việc lựa chọn giải quyết bằng trọng tài chỉ được áp dụng khi các bên chấp nhận hoặc thỏa thuận trước đó. Chưa kể, chi phí giải quyết bằng trọng tài thương mại cao hơn các hình thức khác và việc thi hành quyết định của trọng tài thương mại ở Việt Nam hiện nay còn gặp nhiều khó khăn.

Giải quyết tranh chấp bằng Tòa án: Đây được coi là hình thức giải quyết có tính cưỡng chế cao nhất trong các phương thức bởi việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án được bảo đảm bằng quyền lực Nhà nước. Ngoài ra, chi phí giải quyết tranh chấp bằng Tòa án chỉ ở mức trung bình nên tiết kiệm chi phí cho người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, khuyết điểm của phương thức này là Tòa án chỉ giải quyết tranh chấp khi có yêu cầu của các bên tranh chấp và tranh chấp đó phải thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa. Bên cạnh đó, thủ tục hành chính nhiều công đoạn, mất nhiều thời gian và việc công khai xét xử cũng sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến bí mật kinh doanh cũng như uy tín của các bên có tranh chấp.

Theo phân tích trên, mỗi một hình thức giải quyết tranh chấp đều có những ưu, nhược điểm, khi đó Luật sư cần trang bị cho mình kỹ năng phân tích và lựa chọn hình thức giải quyết phù hợp, hiệu quả. Một trong những phương pháp để lựa chọn hình thức giải quyết phù hợp được tác giả Michael L. Moffitt (1)và Robert C. Bordone(2) nêu ra trong cuốn sách “Handbook of Dispute Resolution” (tạm dịch “Sổ tay về giải quyết tranh chấp”) là trả lời 03 câu hỏi dựa trên tranh chấp đang đối mặt để chọn ra hình thức giải quyết phù hợp cho từng tình huống như sau:

Câu hỏi 01: “What are my goals?” (Những mục tiêu của mình là gì?). Ở câu hỏi này cần trả lời những điều bạn mong muốn đạt được khi giải quyết tranh chấp thương mại. Có thể sắp xếp theo thứ tự ưu tiên. Ví dụ: Công ty A. trong thời gian dịch bệnh đã làm ăn thua lỗ dẫn tới vi phạm nghĩa vụ trả tiền với Công ty B. Công ty B. muốn Công ty A. trả tiền mà vẫn giữ mối quan hệ đối tác, vậy lựa chọn hình thức thương lượng là thích hợp cho hai bên. Ngược lại, trong trường hợp hai bên đã không thể hàn gắn, cũng như không đi tới một thỏa thuận chung và các bên chỉ cần buộc đối tác thực hiện nghĩa vụ thì cần một quyết định mang tính cưỡng chế cao như của Tòa án. 

Câu hỏi 02: “Which process will capitalize on the best features of the dispute?” (Hình thức nào sẽ tận dụng tốt các lợi thế của bạn trong tranh chấp?). Trong các tranh chấp thương mại mà các thỏa thuận về quyền và nghĩa vụ hai bên rõ ràng thì việc giải quyết tranh chấp sẽ trở nên đơn giản. Tuy nhiên, những tranh chấp hiện nay đa số là những tranh chấp rất phức tạp như tranh chấp về sở hữu trí tuệ, tranh chấp có yếu tố nước ngoài... Vì vậy, Luật sư cần xác định trong vụ án tranh chấp đó đâu là những điểm có lợi cho mình và lựa chọn phương thức giải quyết để phát huy thế mạnh của mình. Ví dụ: Tranh chấp thương mại có yếu tố nước ngoài xảy ra ở Việt Nam thì việc lựa chọn trọng tài thương mại và áp dụng pháp luật Việt Nam là một hình thức tốt, thuận tiện cho các doanh nghiệp và cho chính Luật sư tham gia.

Câu hỏi 03: “Which process will best overcome barriers to resolution?” (Hình thức nào sẽ vượt qua những khó khăn để giải quyết tốt nhất?). Giải quyết tranh chấp thương mại có yếu tố nước ngoài thường gặp những rào cản có thể kể tới như rào cản về ngôn ngữ, văn hóa, pháp luật giữa các nước khác biệt. Trong trường hợp như vậy trọng tài thương mại là một lựa chọn tốt vì cần một bên trung gian am hiểu pháp luật, có khả năng phân định và phán quyết có giá trị pháp lý ràng buộc nghĩa vụ của các bên.

Kỹ năng của Luật sư trong thương lượng, hòa giải

Đối với phương thức thương lượng hoặc hòa giải để giải quyết tranh chấp thương mại, các kỹ năng cần thiết mà Luật sư áp dụng trong hai phương thức này có độ tương đồng rất cao.

Trước hết, Luật sư cần phải chuẩn bị tài liệu, hồ sơ, tâm lý cho khách hàng tham gia buổi thương lượng/hòa giải. Đây không chỉ được xem là khâu rà soát lại để chuẩn bị “vũ khí chiến đấu” tốt nhất cho Luật sư mà còn giúp khách hàng có tâm lý vững vàng và thái độ bình tĩnh, sáng suốt trước mọi tình huống có thể xảy ra trong phiên hòa giải/thương lượng. Để làm được điều đó, Luật sư không chỉ cần tỉ mỉ trong nghiên cứu hồ sơ mà còn phải có kỹ năng giải thích, chia sẻ, truyền đạt đến với khách hàng để thống nhất quan điểm khi tham gia hòa giải/thương lượng.

Trong quá trình tham gia hòa giải/thương lượng cùng khách hàng, Luật sư cần vận dụng linh hoạt các kỹ năng để phiên hòa giải/thương lượng diễn ra tốt đẹp và đạt kết quả tốt nhất. Trong đó, cần lưu ý những kỹ năng cơ bản như:

- Tạo không khí gần gũi, thể hiện quan điểm thiện chí trong việc giải quyết tranh chấp bằng phương án đàm phán, thỏa thuận trên cơ sở bảo đảm hài hòa quyền và lợi ích hợp pháp của các bên.

- Phân tích, giải thích những hành vi phù hợp hoặc chưa phù hợp quy định của pháp luật, chỉ ra hậu quả pháp lý và đề xuất phương án xử lý phù hợp với thỏa thuận mà Luật sư và khách hàng đã thống nhất trước đó.

- Thuyết phục đối tác tiếp thu quan điểm, chủ trương và hướng giải quyết của bên mình bằng lập luận logic, tuân thủ pháp luật và phù hợp với văn hóa kinh doanh, khi cần thiết phải nhượng bộ để hai bên đạt được kết quả hài hòa; hoặc đứng ra dàn xếp nếu các bên còn đang căng thẳng.

- Nắm bắt tâm lý của từng đối tượng (khách hàng và đối tác) để có những thay đổi phù hợp hoàn cảnh và mong muốn của tất cả các bên.

- Ghi chép đầy đủ và chi tiết các diễn biến trong phiên hòa giải/thương lượng để làm tiền đề chuẩn bị phương án bảo vệ tại Tòa án hoặc trọng tài thương mại nếu buổi hòa giải/thương lượng không thành công.

- Lập biên bản ghi nhận kết quả của buổi hòa giải/thương lượng có chữ ký của đầy đủ các bên liên quan ngay cả trong trường hợp hòa giải/thương lượng không thành.

Kết thúc phiên hòa giải/thương lượng, Luật sư cần giải thích và hướng dẫn các bên thực hiện những biện pháp pháp lý tiếp theo nếu việc hòa giải không đạt kết quả hoặc trong trường hợp một bên không thực hiện các công việc đã được thống nhất trước đó.

Kỹ năng của Luật sư trong giải quyết tranh chấp thương mại tại Tòa án

Đối với hình thức giải quyết tranh chấp thương mại tại Tòa án, Luật sư cần nắm được một số kỹ năng cơ bản sau đây:

Một là, kỹ năng chuẩn bị trước khi tham gia giải quyết tranh chấp bao gồm kỹ năng tư vấn cho khách hàng lựa chọn phương thức giải quyết tại Tòa án, xác định thẩm quyền của Tòa án và kỹ năng soạn thảo hồ sơ khởi kiện. Ví dụ: Trường hợp tranh chấp đã được đưa ra giải quyết tại trọng tài nhưng phán quyết của trọng tài đã bị Tòa án ra quyết định hủy bỏ, khi đó Luật sư cần tư vấn cho khách hàng lựa chọn giải quyết tranh chấp tại Tòa án.

Hai là, kỹ năng đại diện bảo vệ quyền lợi cho khách hàng trong tố tụng bao gồm những kỹ năng cơ bản như: thu thập chứng cứ; nghiên cứu hồ sơ; chuẩn bị luận cứ; hướng dẫn, đại diện khách hàng tham gia phiên hòa giải và kỹ năng tranh tụng trong phiên tòa.

Nghiên cứu hồ sơ là một trong những công việc quan trọng của Luật sư khi tham gia tố tụng bởi đây là bước khởi đầu giúp Luật sư xác định những nút thắt trong vụ việc. Trong quá trình nghiên cứu hồ sơ vụ việc, Luật sư phải lập được hệ thống chứng cứ để từ đó bổ sung và hoàn thiện đề cương bảo vệ quyền lợi cho khách hàng của mình.

Trong giai đoạn tham gia phiên hòa giải tại tòa, đây được coi là cơ hội để Luật sư giúp các bên có thêm một lần tìm kiếm được tiếng nói chung. Khi đó, Luật sư cần áp dụng các kỹ năng trong thương lượng, hòa giải nêu trên để giúp phiên hòa giải có được kết quả khả quan nhất.

Trường hợp buộc phải giải quyết tranh chấp tại phiên tòa, khi đó Luật sư cần áp dụng kỹ năng thuyết trình, tư duy phản biện, lập luận một cách có hệ thống để trình bày quan điểm rõ ràng, mạch lạc; đồng thời chủ động lắng nghe để tiếp thu thông tin của đối tác và khiến đối phương cảm thấy được tôn trọng. Khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, Luật sư có thể tìm ra rất nhiều căn cứ có lợi cho khách hàng của mình, tuy nhiên với thời hạn của phiên tòa có giới hạn, Luật sư cần trình bày quan điểm của mình ngắn gọn, xác định đúng trọng tâm của vấn đề.

Ba là, kỹ năng sau phiên tòa giải quyết tranh chấp. Sau phiên tòa, Luật sư luôn phải có phương án đánh giá hiệu lực và tính pháp lý của bản án mà Tòa án ban hành. Trong trường hợp kết quả không được như mong muốn, cần tư vấn cho khách hàng các phương án kháng cáo quyết định của Tòa án. Trong trường hợp việc giải quyết tranh chấp diễn ra thuận lợi, Luật sư cần tư vấn cho khách hàng về khả năng thi hành bản án và các thủ tục cần thực hiện để việc thi hành diễn ra hiệu quả.

Kỹ năng của Luật sư trong giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại

Mặc dù có nhiều điểm tương đồng, tuy nhiên đối với phương pháp giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, Luật sư không thể áp dụng toàn bộ tư duy tố tụng tại Tòa án. Tính linh hoạt trong thủ tục giải quyết tranh chấp bằng trọng tài đòi hỏi Luật sư phải có sự nhạy bén và sắc sảo để khai thác tối đa những ưu điểm và hạn chế được điểm yếu của phương thức này. Tác giả David JA Cairns(3)  (Giám đốc một hãng luật quốc tế và là trọng tài viên trong hàng chục vụ tranh chấp thương mại và đầu tư) cho rằng, Luật sư cần 06 kỹ năng chính trong giải quyết tranh chấp bằng trọng tài bao gồm: chuyên môn về pháp luật (legal expertise), suy luận logic (logical reasoning), kỹ năng hỏi và trả lời (question and answer technique), kỹ năng biểu đạt (expression), hành xử theo tiêu chuẩn (ethics), tư duy chiến thuật (tact). Tuy nhiên, đối với Luật sư Việt Nam, với đặc điểm thực tế xã hội Việt Nam thì những kỹ năng của Luật sư để áp dụng trong giải quyết tranh chấp bằng trọng tài được tóm gọn trong các kỹ năng sau đây:

Một là, kỹ năng chuẩn bị trước khi tham gia giải quyết tranh chấp bao gồm: kỹ năng tư vấn cho khách hàng lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài và kỹ năng soạn thảo thỏa thuận trọng tài. Đối với kỹ năng tư vấn, Luật sư cần giải đáp cho khách hàng hiểu rõ phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, những ưu - khuyết điểm của phương thức này và thuyết phục các bên lựa chọn. Khi khách hàng đã quyết định giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, Luật sư cần có kỹ năng soạn thảo thỏa thuận trọng tài, trong đó bao gồm việc lựa chọn tổ chức trọng tài, quy tắc tố tụng trọng tài, số lượng trọng tài viên, địa điểm và luật áp dụng.

Hai là, kỹ năng đại diện, bảo vệ khách hàng trong vụ kiện trọng tài bao gồm: kỹ năng thu thâp chứng cứ, kỹ năng soạn thảo luận cứ, kỹ năng tranh tụng tại phiên họp và kỹ năng xử lý sau phiên họp. Việc chuẩn bị chứng cứ và soạn thảo luận cứ đóng vai trò cực kỳ quan trọng để giải quyết tranh chấp hiệu quả bởi trong tố tụng trọng tài, các bên cần chuẩn bị căn cứ và cung cấp chứng cứ đầy đủ trước đó để giải quyết nhanh nhất tranh chấp trong phiên họp; việc tranh luận thường chỉ để trọng tài hiểu rõ hơn những vấn đề còn chưa rõ. Đối với tố tụng trọng tài, kéo dài phiên họp do thiếu chứng cứ sẽ khiến chi phí tăng cao, mất thời gian và ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng. Không giống như tố tụng tại Tòa án, các Luật sư thường đợi đến phiên xử mới cung cấp bằng chứng và đưa ra luận điểm của mình, thậm chí nhiều phiên tòa phải tạm hoãn nhiều lần.

Ba là, kỹ năng sau phiên họp giải quyết tranh chấp tại trọng tài. Sau phiên giải quyết tranh chấp, dù kết quả thành công hay thất bại, người Luật sư luôn phải có phương án đánh giá hiệu lực và tính pháp lý của phán quyết của trọng tài. Trong trường hợp kết quả không được như mong muốn, cần tư vấn cho khách hàng các phương án yêu cầu hủy phán quyết trọng tài, chú ý các sai sót về tố tụng trong phiên họp.

Kỹ năng về tin học và công nghệ thông tin

Đây là một trong những kỹ năng cần thiết đối với các Luật sư trong thời đại công nghệ thông tin đang phát triển vượt bậc như hiện nay. Đặc biệt, trong hai năm trở lại đây dịch bệnh Covid-19 đã mở ra những tiền lệ chưa từng có trong lịch sử tư pháp Việt Nam (ví dụ: việc mở ra những phiên tòa, phiên họp thông qua mạng internet). Ngày 12/11/2021, tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội Khóa XV đã ban hành Nghị quyết số 33/2021/QH15 về tổ chức phiên tòa trực tuyến có hiệu lực từ ngày 01/01/2022. Theo đó, phiên tòa trực tuyến được tổ chức tại phòng xử án, có sử dụng các thiết bị điện tử kết nối với nhau thông qua môi trường mạng, cho phép bị cáo, bị hại, đương sự, người tham gia tố tụng khác tham gia phiên tòa tại địa điểm ngoài phòng xử án do Tòa án quyết định nhưng vẫn bảo đảm trực tiếp theo dõi đầy đủ hình ảnh, âm thanh và tham gia các trình tự, thủ tục tố tụng của phiên tòa bằng lời nói, hành vi tố tụng liên tục, công khai, vào cùng một thời điểm.

Do đó, trong thời đại “5.0”, Luật sư bên cạnh việc học tập kiến thức thì cũng cần cập nhật, bổ sung những kỹ năng về công nghệ thông tin, sử dụng được các phần mềm video trực tuyến vì trong tương lai không xa việc xét xử thông qua video sẽ thay thế hình thức trực tiếp ở một số trường hợp nhất định. Mặt khác, sử dụng công nghệ thông tin cũng tiết kiệm rất nhiều chi phí, thời gian đi lại cho các Luật sư khi tham gia giải quyết các vụ việc tranh chấp thương mại, đặc biệt là những vụ việc tranh chấp có yếu tố nước ngoài.

Đối với một Luật sư giỏi, kiến thức và kỹ năng là hai khái niệm mang mối quan hệ gắn kết không thể tách rời. Trau dồi kiến thức giúp phát triển kỹ năng, thực hành kỹ năng giúp bổ sung kiến thức. Đây là kim chỉ nam dành cho các Luật sư không chỉ trong hoạt động giải quyết tranh chấp thương mại nói riêng mà còn trong tất cả các dịch vụ pháp lý nói chung.

Tài liệu tham khảo:

1. Herb Cohen (2019), Bạn có thể đàm phán bất cứ điều gì, NXB Lao động - Xã hội, Hà Nội.

2. Nhóm các tác giả - LS Trương Nhật Quang chủ biên (2017), Sổ tay Luật sư, Tập 3 - Kỹ năng hành nghề Luật sư tư vấn trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, thương mại, NXB Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội.

3. Michael L. Moffitt và Robert C. Bordone (2005), Handbook of Dispute Resolution, Xuất bản bởi Chương trình Đàm phán - Trường đại học Luật Harvard, Massachusetts - Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.

4. The Lawyer (2020), “What are the most important skills for lawyers of the future?”, The Lawyer, https://www.thelawyer.com/what-are-the-most-important-skills-for-lawyers-of-the-future/, ngày 27/6/2022.

5. Wynne Davis (2022), “What is StockX and why is Nike suing them?”, NPR, https://www.npr.org/2022/05/12/1098426367/stockx-nike-lawsuit-sneakers, ngày 28/6/2022.

6.Cổng thông tin điện tử Tòa án nhân dân tối cao (2022), Thông báo chỉ đạo điều hành, https://www.toaan.gov.vn/webcenter/portal/tatc/chi-tiet-chi-dao-dieu-hanh?dDocName=TAND199131.

Tiến sĩ, Luật sư NGUYỄN QUANG ANH

Công ty Luật TNHH Sao Việt, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội

Tội "Cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán"