Ký ức trên “Mường trời”

07/05/2018 05:27 | 6 năm trước

LSVNO - Bên trận địa pháo Pha Sung năm xưa, ký ức 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” lại theo tâm trí của các cụ cán bộ lão thành cách mạng thuộc Tiểu đoàn Pháo cao xạ 394 hiện về....

LSVNO - Bên trận địa pháo Pha Sung năm xưa, ký ức 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” lại theo tâm trí của các cụ cán bộ lão thành cách mạng thuộc Tiểu đoàn Pháo cao xạ 394 hiện về. Ở đó, các cụ còn đồng tâm hát vang mãi điệp khúc: Hò dô ta nào, kéo pháo ta vượt qua đèo...

Mường Thanh là tên gọi xưa nhất và phổ biến nhất của huyện Điện Biên, thuộc tỉnh Điện Biên bây giờ. Mường Thanh theo tiếng Thái có nghĩa là “Mường Trời”.

10 cụ lão thành cách mạng thuộc Tiểu đoàn pháo cao xạ 394 thăm lại chiến trường xưa.

“Mường Trời” đang vào hạ. Cái nắng cao nguyên hầm hập vãi sự oi nồng xuống hầm Đờ-Cát-Tơ-ri (De Castries), khiến những tấm tôn uốn cong đang hoen gỉ trên nóc hầm bong ra những vết bụi thời gian. Ông Lò Ngọc Duyên - nguyên Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Điện Biên, cùng tôi hôm đó nhập vào đoàn du khách với hơn 20 người mang quốc tịch Pháp đến tham quan Sở chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của quân đội Viễn chinh Pháp (PC Gono).

Trước khi xuống hầm, cô hướng dẫn viên người dân tộc Thái của khu di tích lịch sử này giới thiệu: Lúc 17 giờ 30 phút ngày 07/5/1954, Tổ xung kích do đồng chí Tạ Quốc Luật - Đại đội trưởng Đại đội 360, Trung Đoàn 312 tiến vào hầm bắt sống Tướng Đờ-cát-Tơ-ri cùng toàn thể Bộ tham mưu Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ... Kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ, quân và dân Việt Nam đã tiêu diệt và bắt sống 16.200 binh lính Pháp, trong đó có 1 thiếu tướng, 16 đại tá, 353 sỹ quan, 1.396 hạ sỹ quan; bắn rơi và phá huỷ 62 máy bay..., thu toàn bộ vũ khí, đạn dược và phương tiện chiến tranh của thực dân Pháp. Sự kiện lịch sử này mở đầu cho sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ, đánh dấu thời kỳ mới, cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của các nước thuộc địa...

Cô hướng dẫn viên vừa dẫn đoàn khách du lịch thăm từng căn phòng của hầm Tướng Đờ-Cát vừa giới thiệu, gợi lại các sự kiện lịch sử Điện Biên Phủ. Lúc đó, một cụ ông người Pháp cứ ngẩn ngơ dùng máy ảnh ghi lại các hiện vật còn lưu giữ trong căn hầm của Đờ-Cát. Có lẽ, thời trai trẻ của mình, cụ ông này cũng đã từng tham gia quân đội viễn chinh Pháp? Nếu quả thật như vậy liệu cụ cựu chiến binh này có hiểu rằng, năm 1954, dân tộc Việt Nam - một dân tộc đất không rộng, người chưa đông, kinh tế chậm phát triển, quân đội còn non trẻ, vũ khí được trang bị ít - thậm chí còn thô sơ mà lại đập tan quân đội viễn chinh hùng mạnh của một cường quốc xâm lược?

Ông Duyên là người dân tộc Thái sinh ra ở đất “Mường Trời” - Điện Biên Phủ năm nay cũng đã là người xưa nay hiếm, nên rất mẫn cảm. Ông Duyên nhờ tôi tặng tập ảnh gồm 10 tấm chụp về các sự kiện chiến thắng Điện Biên, trong đó có tấm ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang chỉ đạo chiến dịch, mà ông vừa mua ở quầy lưu niệm bên hầm Đờ-Cát cho cụ ông người Pháp đang tần ngần ngắm từng tấm tôn, từng bao tải cát đang có dấu hiệu rêu phong trên hầm Đờ-Cát. Tôi nhờ cô phiên dịch đưa cho cụ và nói rằng: “Đây là quà tặng của một cán bộ lão thành cách mạng Việt Nam...”. Xong việc, ông Duyên gọi tôi và bảo: “Anh Tô Hợp - Phóng viên của Báo Điện Biên Phủ cũng là thành viên của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Điện Biên - vừa gọi điện báo tin có đoàn cán bộ lão thành cách mạng ở Hà Nội, xưa kia thuộc Tiểu đoàn pháo cao xạ cùng đơn vị với Anh hùng liệt sĩ Tô Vĩnh Diện lên Mường Trời thăm lại trận địa pháo cao xạ năm xưa. Cậu xong việc ở đây chưa, ta về Toà soạn Báo Điện Biên Phủ đi cùng, kẻo họ chờ...”.

Mặt trời lên cao vọi. Nắng xuống. Bước chân của 10 cụ cán bộ lão thành cách mạng chậm rãi dẫm lên bóng mình, bước từng bậc thang đá để lên tham quan Cụm tượng đài bộ đội kéo pháo bằng tay đặt rất hoành tráng trên sườn núi Pha Sung (tiếng Thái gọi là Tường Cao) của bản Nà Nhạn, xã Nà Nhạn, huyện Điện Biên. Anh Tô Hợp thạo tin, bảo: Cụm tượng đài này dài 24 mét, rộng 8 mét, cao 12,5 mét, mô phỏng lại cảnh Trung đội pháo binh của Anh hùng liệt sỹ Tô Vĩnh Diện đang kéo pháo bằng tay vào trận địa pháo phía Bắc của chiến trường Điện Biên Phủ năm 1954 trên triền đồi Bó Hôm, xã Nà Nhạn. Cụm tượng đài được làm hoàn toàn bằng chất liệu đá xanh của xứ Thanh, quê hương của Anh hùng Liệt sỹ Tô Vĩnh Diện. Tác giả của cụm tượng do nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo sáng tạo và được Doanh nghiệp tư nhân đá mỹ thuật Hoàn Hảo (huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) thi công và khánh thành trước ngày 07/5/2009, kịp đưa vào sử dụng phục vụ du khách nhân Kỷ niệm 55 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.

Cụ Phạm Ngọc Yên.

Bên Cụm tượng đài Tô Vĩnh Diện, cụ Phạm Ngọc Yên (sinh năm 1931, đang sinh sống ở phường Cự Khối, quận Long Biên, TP. Hà Nội) cùng gia đình và các cụ Cao Văn Danh, cụ Trịnh Thế Hào và bảy cụ nữa trong Tiểu đoàn pháo cao xạ 394 năm xưa cứ rưng rưng bước những bước thầm lặng xung quanh cụm tượng đài. Rồi bỗng dưng, các cụ đứng tựa lưng vào tượng đài hát vang bài “Hò kéo pháo” của Nhạc sỹ Hoàng Vân. Tiếng đồng ca “Hò dô ta nào, kéo pháo ta vượt qua núi...” cứ vang mãi, ngân xa vào núi rừng “Mường Trời”.

Ngớt tiếng hát, cụ Yên kể: “Sau khi Trung đội phó Trung đội 2 kiêm Khẩu đội trưởng pháo cao xạ Tô Vĩnh Diện hy sinh (ngày 01/02/1954), thì Đại đội 827, Tiểu đoàn 394, Trung đoàn 367 điều động tôi lên thay vị trí Khẩu đội trưởng”. Thế là, cụ Phạm Ngọc Yên chỉ huy khẩu đội pháo cao xạ thay Anh hùng liệt sỹ Tô Vĩnh Diện cho đến kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ...

Anh Tô Hợp cứ loay hoay nhờ cụ Yên, cụ Danh và cụ Hào đứng vào vị trí bên Cụm tượng đài bộ đội kéo pháo để chụp ảnh lưu niệm cho các cụ. Đồng thời, anh Hợp cũng mong muốn tìm kiếm khoảnh khắc có mối liên hệ  ấn tượng nhất về tượng đài để tìm kiếm tấm ảnh thật ấn tượng dành cho trang bìa số Chuyên đề Kỷ niệm chiến thắng Điện Biên của Báo Điện Biên Phủ. Vì vậy, câu chuyện giữa tôi và cụ Phạm Ngọc Yên hôm đó đành bị ngắt quãng...

Chiều xuống. Nắng nghiêng bóng bên Cụm tượng đài bộ đội kéo pháo trên núi Pha Sung. Lúc đó, chúng tôi tình cờ gặp lại đoàn khách du lịch người Pháp theo tour của họ đến thăm Cụm tượng đài bộ đội kéo pháo. Cụ cựu chiến binh người Pháp được ông Duyên tặng tập ảnh đang lật tấm ảnh Bộ đội kéo pháo ra so sánh với Cụm tượng đài đang thi công mới thấy sự sao chép giống nhau, sự tài hoa của các bàn tay nghệ nhân khéo léo đến lạ thường. Bên cạnh tấm ảnh kéo pháo (trong tập ảnh) là bức ảnh chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang chỉ huy chiến dịch Điện Biên phủ. Phía dưới tấm ảnh, có in đậm những dòng hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “... Địch dựa vào vũ khí hiện đại, chúng luôn luôn chủ quan dẫn đến sai lầm, chúng không thể nào hiểu được quy luật của chiến tranh nhân dân, do đó không thể đánh giá đúng ngay bản thân lực lượng của chúng, càng không thể lường được sức mạnh to lớn của một dân tộc đang đứng lên đấu tranh vì độc lập tự do. Thất bại của chúng là tất yếu”.

 

 Trọng Hùng