Làm báo chớ làm tiền

28/07/2020 21:01 | 3 năm trước

(LSO) - Thời gian gần đây, liên tiếp các vụ phóng viên cưỡng đoạt tài sản của doanh nghiệp, cá nhân bị phát hiện, bắt quả tang hoặc bị khởi tố. Vụ nhỏ là vài chục triệu đồng, vụ lớn đến vài tỷ. Đình đám nhất là vụ cưỡng đoạt có tổ chức, bài bản của các phóng viên đối với một Phó Chủ tịch thị xã ở Thanh Hóa, số tiền lên tới 5 tỉ đồng.

Ảnh minh họa.

Không phải bây giờ mới có những chuyện như thế này mà đã từ lâu, thỉnh thoảng lại rộ lên vụ việc "nhà báo tống tiền" và đã không ít nhà báo trở thành bị can, bị cáo và phạm nhân trong các vụ việc đó. Tuy nhiên, hiện tượng không dừng lại mà ngày càng có nguy cơ "phát tán" ra nhiều hơn, ở nhiều địa phương trong cả nước.

Thực ra, bản chất của vấn đề nằm ở chỗ có không ít những cá nhân có chức vụ, doanh nghiệp hoặc tổ chức mắc sai phạm, vi phạm pháp luật và có hành vi tham nhũng. Đây là "địa hạt" béo bở để các nhà báo, phóng viên "khai thác", khi "nắm thóp" được các sai phạm đó thì lấy đó làm căn cứ để mặc cả, vòi tiền. Rất nhiều người ngậm đắng, nuốt cay bỏ tiền ra để mua sự im lặng. Những vụ bị phát hiện chỉ là phần nổi của tảng băng chìm mà thôi!

Hiện tượng "phóng viên cưỡng đoạt, nhà báo tống tiền" là một biểu hiện rất rõ của tình trạng "sống chung với tham nhũng" mà những người trong cuộc cho rằng đó là một sự "phân phối lại" chính đáng. Hệ lụy của nó là rất lớn là suy yếu sức mạnh công luận của báo chí, giảm thiểu lòng tin của nhân dân vào "quyền lực thứ tư" trong cuộc chiến chống tham nhũng và đặc biệt, trực tiếp làm xấu đi hình ảnh của đội quân cầm bút chống lại cái xấu, cái ác của xã hội. Và, tất nhiên, nhận tiền là sự thỏa hiệp, dung túng, làm ngơ, thậm chí tạo sự yên tâm cho cái xấu, cái ác, cái vi phạm pháp luật tiếp tục tồn tại.

Nhà báo có sứ mệnh cao cả là bảo vệ lẽ phải không thể a dua với cái xấu, đặc biệt là cái giả dối và khi thực hiện hành vi cưỡng đoạt tiền, anh ta trở thành người giả dối hơn gấp nhiều lần bởi những cái anh ta viết ra, đăng lên báo, mọi người đọc là một sự giả dối và thực chất, anh ta là một người đạo đức giả.

Vấn đề là ở chỗ, các tòa soạn đã tạo điều kiện cho các nhà báo, phóng viên của mình có cơ hội cưỡng đoạt tiền nong, tài sản của người khác. Các trường hợp cưỡng đoạt nhân danh nhà báo đều được cơ quan "cử đi công tác", "liên hệ để lấy các thông tin",... khi có sự phản ảnh thì làm ngơ, thậm chí có những động thái bao che hoặc chối phắt, cho là đó chỉ là các "cộng tác viên". Xin khẳng định, không có phóng viên nào thực hiện hành vi tống tiền mà không có người "chống lưng" cho họ. Dư luận hiểu rất rõ điều này.

Một tờ báo đúng nghĩa, chân chính và đàng hoàng, dứt khoát không có phóng viên của mình thực hiện hành vi tống tiền!  

NHỊ NGỌC

/chuyen-vu-an-hinh-su-trong-giai-doan-chuan-bi-xet-xu.html