Làm giả phiếu kết quả xét nghiệm Covid-19: Xử lý thế nào?

03/12/2020 21:54 | 3 năm trước

(LSVN) - Luật sư nhận định, đối với hành vi làm giả phiếu kết quả xét nghiệm Covid-19, cơ quan chức năng sẽ xem xét hành vi "Làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức". Nếu tẩy, sửa trực tiếp vào phiếu xét nghiệm có đóng dấu của cơ sở y tế thì đây là hành vi "Làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức" và hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 341, Bộ Luật Hình sự năm 2015. Trường hợp chỉ cách ghép chỉnh sửa trên bản ảnh thì có thể xem xét xử phạt hành chính về hành vi này.

Phiếu xét nghiệm được chỉnh sửa từ “âm tính” sang “dương tính” đã gây hoang mang cho nhiều người. Ảnh: PLO

Vừa qua, trung tâm Y tế quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) đã tạm đình chỉ công tác hai nữ điều dưỡng liên quan chính trong vụ làm giả phiếu kết quả xét nghiệm Covid-19.

Trước đó, vào chiều ngày 02/12 trên mạng xã hội xuất hiện một phiếu sao kết quả xét nghiệm Covid-19 có nội dung kết quả “dương tính”. Mặc dù phiếu này có dấu hiệu chỉnh sửa nhưng vẫn khiến nhiều người dùng mạng xã hội hoang mang.

Sở Y tế Đà Nẵng đã xác minh thông tin trên văn bản và xác định không có trường hợp ca dương tính như văn bản phát tán.

Theo Trung tâm y tế quận Liên Chiểu, đơn vị này ban hành giấy xác nhận cho bà A. vì bà tham gia một lớp học điều dưỡng tại Bệnh viện Đà Nẵng nên phải thực hiện xét nghiệm trước khi vào bệnh viện này.

Ngày 02/12, bà A. để giấy xác nhận này tại nơi làm việc là khoa nhi của Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu thì điều dưỡng tên T.M. đã chụp lại. Sau đó nữ điều dưỡng này sửa kết quả từ âm tính sang dương tính để gửi vào một nhóm trò chuyện riêng của các điều dưỡng ở khoa nhi với mục đích trêu đùa chị bà A...

Tuy nhiên sau đó, giấy xác nhận kết quả bị sửa này được phát tán lên mạng xã hội và lan truyền trên nhiều nhóm khiến người dân hoang mang.

Đại diện Trung tâm y tế quận Liên Chiểu cho biết đã yêu cầu nữ điều dưỡng T.M. làm kiểm điểm và tường trình sự việc.

Thạc sỹ, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính pháp, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội.

Theo Thạc sỹ, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính pháp, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội việc Việt Nam vừa phát hiện thêm 4 ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng trong thời gian hai ngày đã khiến nhiều người dân hoang mang và lo lắng. Các cơ quan chức năng cũng đang rất tích cực khẩn trương khoanh vùng, truy vết để tránh một đợt bùng phát bệnh dịch có thể xảy ra.

Luật sư Cường nhận định, trong thời điểm nhạy cảm như hiện nay thì những thông tin về tình hình dịch bệnh đòi hỏi phải khẩn trương, chính xác để cơ quan chức năng cũng như người dân có những giải pháp đối phó với bệnh dịch nguy hiểm này.

“Trong thời điểm hiện tại, những thông tin giả mạo, xấu độc về tình hình dịch bệnh sẽ rất nguy hiểm, có thể gây hoang mang lo lắng cho cộng đồng, ảnh hưởng đến kế hoạch và phương pháp phòng bệnh, có thể phát sinh những chi phí không cần thiết, ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội. Bởi vậy, hành vi trên được xem là hết sức nguy hiểm”, Luật sư Cường cho hay.

Từ thời điểm bệnh dịch bùng phát đến nay có thể nói rằng có những lúc lượng người bị xử phạt hành chính về hành vi "Đưa tin sai sự thật" lớn hơn số lượng người mắc Covid-19 ở Việt Nam. Sau một thời gian tuyên truyền vận động và xử lý thì tình trạng này đã được kiểm soát ở một mức độ nhất định. Tuy nhiên, chuyện làm giả giấy xét nghiệm để trêu đùa gây hoang mang trong dư luận thì cũng cần phải xem xét xử lý.

Trước tiên, cơ quan chức năng sẽ xem xét hành vi "Làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức". Nếu tẩy, sửa trực tiếp vào phiếu xét nghiệm có đóng dấu của cơ sở y tế thì đây là hành vi "Làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức" và hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 341, Bộ Luật Hình sự năm 2015. Đối với trường hợp chỉ cách ghép chỉnh sửa trên bản ảnh thì có thể xem xét xử phạt hành chính về hành vi này.

Điều 341, Bộ Luật Hình sự 2015 quy định về tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức" như sau:
Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Làm từ 02 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác;
d) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng;
đ) Thu lợi bất chính từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;
e) Tái phạm nguy hiểm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Làm 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên;
b) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
c) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Còn đối với hành vi “Đưa tin sai sự thật trên mạng xã hội” thì có thể xem xét xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu hành vi chưa được xác định là nghiêm trọng, chưa gây ra hậu quả lớn thì sẽ bị xử phạt hành chính đến 10.000.000 đồng theo quy định tại Nghị định số 15/2020/NĐ-CP cụ thể như sau:

 Điểm a, Khoản 1, Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định:

"1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau:

a) Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;"

Theo Khoản 3 Điều 4 Nghị định 15/2020 thì: "3. Mức phạt tiền quy định từ Chương II đến Chương VII tại Nghị định này được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của tổ chức, trừ quy định tại Điều 106 Nghị định này. Trường hợp cá nhân có hành vi vi phạm như của tổ chức thì mức phạt tiền bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức".

Bởi vậy, trường hợp bị xử phạt hành chính thì người đưa tin sai sự thật trong trường hợp này có thể bị phạt đến 10.000.000 đồng.

Ngoài ra, tổ chức, cá nhân vi phạm còn buộc phải gỡ bỏ thông tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh Covid-19 mà mình đã đăng tải.

Trường hợp, người nào có hành vi "Đưa lên mạng xã hội thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh Covid-19, gây dư luận xấu" thì bị xử lý về tội “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông” theo quy định tại Điều 288, Bộ luật hình sự 2015, với khung hình phạt cao nhất là bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 1 tỉ đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

Công văn số 45/HĐTP -TANDTC ngày 30/3/2020 của Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số chế tài hình sự trong đấu tranh phòng chống tội phạm liên quan đến dịch bệnh Covid-19 có quy định như sau: “Người có hành vi đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh Covid-19, gây dư luận xấu thì bị xử lý về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo quy định tại Điều 288”.

Bởi vậy nếu hậu quả được xác định là “gây dư luận xấu” thì người đưa tin trong trường hợp này sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 288, Bộ Luật Hình sự năm 2015 nêu trên.

Luật sư Cường cũng cho hay, cùng với hành vi "Làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng" của bệnh nhân 1342 đang bị xem xét xử lý hình sự thì hành vi “Đưa thông tin sai sự thật” như trường hợp của nữ điều dưỡng trên cũng là rất nguy hiểm.

Hành vi không chấp hành quy định về cách ly y tế và đùa cợt về tình hình dịch bệnh đã thể hiện thái độ xem thường bệnh dịch, coi nhẹ vấn đề phòng chống bệnh dịch.

Bởi đây đang là thời điểm này rất nhạy cảm, liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống của nhân dân mới bình ổn trở lại, sắp tết nguyên đán và chuẩn bị Đại hội Đảng toàn quốc với nhiều sự kiện chính trị quan trọng cũng như đảm bảo điều kiện để phục hồi kinh tế xã hội.

“Bất cứ hành vi nào có thể làm bùng phát dịch bệnh, gây hoang mang trong dư luận trong thời điểm này thì cần phải xử lý nghiêm minh trước pháp luật”, Trưởng văn phòng Luật sư Chính pháp nhận định.

LÂM HOÀNG

/tam-dinh-chi-cong-tac-2-dieu-duong-sua-phieu-xet-nghiem-covid-19.html