"Lạm quyền" thu phí cách ly: Cơ sở pháp lý nào để địa phương đưa ra các loại phí và lệ phí?

13/04/2020 17:30 | 4 năm trước

(LSO) - Đối với việc thu phí, lệ phí của các địa phương, pháp luật quy định rõ chức năng nhiệm vụ của từng ban ngành. Đáng chú ý, việc đưa ra quy định thu phí cách ly y tế không thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh mà thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính.

Trách nhiệm của HĐND

​Theo Luật Phí, lệ phí năm 2015 thì phí được quy định là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả nhằm cơ bản bù đắp chi phí và mang tính phục vụ khi được cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao cung cấp dịch vụ công được quy định trong danh mục phí ban hành kèm theo Luật này.

Lệ phí là khoản tiền được ấn định mà tổ chức, cá nhân phải nộp khi được cơ quan nhà nước cung cấp dịch vụ công, phục vụ công việc quản lý nhà nước được quy định trong danh mục lệ phí ban hành kèm theo Luật này.

​Về thẩm quyền quyết định mức thu phí, lệ phí thì theo Điều 4 Luật này, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính, HĐND cấp tỉnh có thẩm quyền quy định các khoản phí, lệ phí trong danh mục phí, lệ phí, được quy định mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng các khoản phí, lệ phí.

​Như vậy, đối với các loại phí, lệ phí thuộc thẩm quyền của địa phương thì do HĐND cấp tỉnh phê duyệt. 

Theo Điều 2, Điều 3 Thông tư số 85/2019/TT-BTC ngày 29/11/2019 của Bộ Tài chính hướng dẫn về phí, lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì HĐND cấp tỉnh được quyết định 21 loại phí và 7 loại lệ phí.

​Trong đó, về cơ sở xây dựng mức thu khoản phí, lệ phí phải đảm bảo nguyên tắc theo quy định tại Điều 4 Thông tư này và đảm bảo các yếu tố: căn cứ mức thu phí, lệ phí hiện hành (nếu có) để làm cơ sở đề xuất mức thu; phù hợp với điều kiện, tình hình cụ thể của địa phương nơi phát sinh hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí, lệ phí; đối với các khoản phí, lệ phí vừa thuộc thẩm quyền quyết định của Bộ Tài chính, vừa thuộc thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh cần quy định mức thu phí, lệ phí cần đảm bảo tương quan với mức thu phí, lệ phí do Bộ Tài chính quy định; tham khảo mức thu phí, lệ phí của các địa phương liền kề hoặc địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội tương đồng để bảo đảm sự hài hòa giữa các địa phương.

Căn cứ Điều 21 Luật phí và lệ phí thì HĐND cấp tỉnh có thẩm quyền quyết định mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng các khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền.

Xem xét, cho ý kiến để UBND cấp tỉnh đề xuất với Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ các khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền.

​Do đó, việc quyết định mức thu phí, lệ phí phải được sự thông qua của HĐND cấp tỉnh.

Trách nhiệm của UBND

Căn cứ Điều 22 Luật phí và lệ phí thì thẩm quyền và trách nhiệm của UBND cấp tỉnh như sau:

​- Trình HĐND cấp tỉnh quyết định mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng các khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền;

​- Tổ chức thực hiện và báo cáo tình hình thực hiện thu phí, lệ phí ở địa phương với cơ quan nhà nước cấp trên có thẩm quyền và HĐND cấp tỉnh;

​- Thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong thu, nộp, quản lý, sử dụng phí, lệ phí theo quy định của pháp luật;

​- Giải quyết khiếu nại, tố cáo về phí và lệ phí theo quy định của pháp luật;

​- Báo cáo HĐND cấp tỉnh xem xét, cho ý kiến về sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ các khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền HĐND cấp tỉnh trước khi đề xuất với Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Các địa phương tự thu phí cách ly dịch bệnh Covid-19 có đúng thẩm quyền?

Theo đó, các địa phương thời gian qua tiến hành thu phí đối với người cách ly y tế đã đúng với quy định của pháp luật hay chưa? ThS. Luật sư Đặng Văn Cường cho biết, hiện nay theo quy định của Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm thì việc cách ly tại một số địa phương được hiểu là biện pháp cách ly y tế, tức là việc tách riêng người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, người mang mầm bệnh truyền nhiễm hoặc vật có khả năng mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm nhằm hạn chế sự lây truyền bệnh.

​Theo quy định pháp luật thì việc quy định về mức phí cách ly y tế không phải thuộc thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh quy định mà thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính. 

Cụ thể Thông tư 32/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định về chế độ quản lý và sử dụng kinh phí đối với người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế y tế. Tại Điều 2 Thông tư này quy định chế độ đối với người cách ly y tế trong đó được miễn phí chi phí khám chữa bệnh; được cung cấp miễn phí đồ dùng cá nhân phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong những ngày cách ly y tế.

Được miễn chi phí phương tiện phục vụ di chuyển quy định tại khoản 1, Điều 2 Nghị định số 101/2010/NĐ-CP...

​Người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế được cơ sở thực hiện cách ly y tế cung cấp bữa ăn theo yêu cầu, phù hợp với khả năng của cơ sở thực hiện cách ly y tế. Chi phí tiền ăn do người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế tự chi trả. Trường hợp người bị cách ly y tế là người thuộc hộ nghèo theo quy định thì được hỗ trợ tiền ăn theo mức 40.000 đồng/ngày trong thời gian cách ly y tế.

Ngày 29/3/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 37/NQ-CP về môt số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19, trong đó có nội dung: Mức hỗ trợ tiền ăn  là 80.000 đồng/ ngày trong thời gian các ly y tế; được cấp không thu tiền nước uống, khăn mặt, khẩu trang, nước dung dịch rửa tay, dung dịch sát khuẩn miệng, bàn chải đánh răng, xà phòng tắm gội và các vật dụng thiết yếu, các chi phí khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong những ngày cách ly y tế với tổng chi phí là 40.000 đồng/ngày. Đối với địa phương đang hỗ trợ tiền ăn cho người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế khác mức 80.000 đồng/ngày trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành thì thanh quyết toán theo số đã chi. Căn cứ khả năng ngân sách của địa phương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được phép quyết định mức hỗ trợ cao hơn.

​Như vậy, căn cứ vào quy định trên thì cần khẳng định việc quy định về mức phí cách ly y tế không phải thuộc thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh quy định mà thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính.

LÊ HOÀNG

Luật sư Việt Nam Online trân trọng kính mời các chuyên gia pháp lý, luật sư và độc giả bày tỏ ý kiến, quan điểm của mình về việc này để việc áp dụng chính sách pháp luật đúng quy định. Mọi ý kiến xin gửi về email tòa soạn: banbientaplsvno@gmail.com.

/dau-hieu-lam-quyen-thu-phi-cach-ly-se-gay-ra-he-luy-kha-lon.html
/dau-hieu-lam-quyen-thu-phi-cach-ly-khong-phu-hop-voi-quy-dinh-phap-luat.html