Lãnh đạo EVN: Không thể tác động hệ thống đo đếm điện

05/05/2020 17:00 | 3 năm trước

(LSO) - Lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khẳng định không hề có chuyện ngành điện tự sửa hóa đơn hay điều chỉnh tăng giá điện khiến tiền điện sinh hoạt của người dân tăng cao bất thường. Hệ thống đo đếm điện hiện nay được quản lý rất chặt chẽ, không thể tác động can thiệp.

EVN khẳng định hệ thống đo đếm điện hiện nay được quản lý rất chặt chẽ.

Chưa có điều chỉnh giá điện

Ông Nguyễn Anh Tuấn – Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực Bộ Công thương cho biết, từ lần điều chỉnh giá điện gần đây nhất vào ngày 22/3/2019, đến nay chưa có sự điều chỉnh giá điện nữa. Vừa rồi, theo Nghị quyết 41 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương đã giảm giá điện khoảng trên 2.900 tỉ đồng cho các đối tượng khách hàng sản xuất kinh doanh, khách hàng sinh hoạt… Bên cạnh đó, chúng tôi cũng giảm giá cho các cơ sở du lịch khi điều chỉnh từ giá điện kinh doanh xuống bằng sản xuất, tổng số tiền hỗ trợ gần 8.900 tỉ đồng; hỗ trợ miễn, giảm các cơ sở tuyến đầu chữa bệnh Covid-19, cách ly… trên 100 tỉ đồng. Tổng tất cả các khoản miễn giảm tiền điện trong mùa dịch Covid-19 này là trên 11.000 tỉ đồng.

Tổng số thời gian khách hàng được hỗ trợ giảm giá điện và giảm tiền điện là ba (03) tháng. Trong đó, đối với khách hàng sử dụng điện sinh hoạt, sản lượng điện sử dụng của khách hàng có chu kỳ bắt đầu trong các tháng 4, tháng 5 và tháng 6 năm 2020 (xác định theo kỳ ghi chỉ số hàng tháng của đơn vị Điện lực) sẽ được thực hiện giảm giá tương ứng tại các kỳ hoá đơn tiền điện tháng 5, tháng 6 và tháng 7 năm 2020; đối với các khách hàng sử dụng điện ngoài sinh hoạt (sản xuất, kinh doanh, hành chính sự nghiệp...): thực hiện từ kỳ hoá đơn gần nhất kể từ ngày 16/4/2020.

Như vậy, nếu khách hàng sử dụng điện sinh hoạt, thì tiền điện sẽ được giảm từ kỳ hóa đơn tháng 5/2020.

Theo lãnh đạo EVN, mỗi công tơ điện trước khi được đưa vào thị trường để vận hành thương mại thì phải được Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng thông qua, phê duyệt mẫu và chất lượng. Hệ thống đo đếm hoàn toàn chuẩn mực. Bên cạnh đó, theo Thông tư 07 của Tổng cục tiêu chuẩn chất lượng, công tơ từ 5 – 6 năm sẽ phải đi kiểm định lại toàn bộ . Hàng năm, Sở Công thương các tỉnh đều tổ chức đoàn kiểm tra xác xuất , quản lý toàn bộ hệ thống, không có công tơ nào quá hạn.

Trong trường hợp công tơ nếu bị tác động thì cơ quan quản lý sẽ nắm được ngay vì thường xuyên kiểm tra, có niêm phong, có tem kiểm định. Trong quá trình thu thập chỉ số công tơ, nếu có bất kỳ thay đổi tăng giảm bất thường thì nhân viên sẽ kiểm tra lại tất cả chỉ số và sẽ phát hiện ra có bị can thiệp hay không.

Chi phí lỗ do đầu tư ngoài ngành không tính vào giá điện

Ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, từ năm 2015 EVN đã tiến hành các bước cổ phần hoá để cổ phần hoá Tổng công ty phát điện (Genco) 3. Đến tháng 12 này thì Genco 2, và tới tháng 9.2021 sẽ cổ phần hoá Genco 1. Như vậy từ nay đến hết 2021 sẽ cổ phần hoá 3 "ông lớn" phát điện.

Theo lãnh đạo EVN, song song với lộ trình triển khai thị trường điện cạnh tranh thì Chính phủ có lộ trình tái cơ cấu ngành điện. Cụ thể là từ khi triển khai thị trường phát điện cạnh tranh thì Thủ tướng cũng yêu cầu cổ phần hoá đơn vị phát điện. Hiện bên cạnh các Genco của EVN, rồi của PVN, TKV đều đã cổ phần hoá.

Cụ thể, EVN đã cổ phần hoá xong Genco 3. Genco 1 và Genco 2 thì Chính phủ đang rất sát sao. Dù quy mô vốn lớn, vai trò hết sức quan trọng trong cấp điện nên quá trình cổ phần hoá ngoài tiến độ còn đảm bảo an ninh cấp điện. Tôi tin chúng ta sẽ cổ phần hoá thành công. Khi đó hầu hết đơn vị phát điện đã cổ phần hoá.

Đối với câu hỏi về các chi phí giá điện thì theo quy định, hàng năm Bộ Công thương đều có tổ liên ngành gồm Bộ Tài chính, Công thương, Uỷ ban Kinh tế Quốc hội, Mặt trận tổ quốc…. kiểm tra tất cả các khâu phát điện, phân phối… tổng hợp báo cáo, họp báo và thông tin số liệu một cách rộng rãi, minh bạch. Khách hàng hoàn toàn dễ dàng tìm thông tin họp báo. Tất cả chi phí sản xuất thì được đưa vào. Còn chi phí lỗ do đầu tư ngoài ngành, phúc lợi thì bị loại trừ, không tính vào giá điện.

Hiện nay tốc độ tăng phụ tải của ta trên 10%, tức một năm cần xây mới 5.000MW mới. Nhưng thuỷ điện đã hết. Nguồn khí cũng đã phải nhập ngoại. Than cũng tỷ trọng nhập ngoại cao. Như vậy thì giá thành điện theo xu hướng tăng lên.

THANH HÀ

/ki-an-ho-duy-hai-cho-doi-cong-ly-sau-nhieu-nam-keu-oan.html