Ảnh minh họa.
Do có sự giao tiếp mật thiết, thường xuyên với khách hàng, được sự tin cậy, trong một số trường hợp, khách hàng có nhờ Luật sư giữ hộ tiền, tài sản, chứng từ có giá khác để phòng ngừa bị mất hoặc nhằm xử lý một giao dịch dân sự khác của khách hàng ngoài quan hệ với Luật sư hoặc các giấy tờ tài sản liên quan đến vụ việc.
Việc giải quyết vụ việc cho khách hàng đôi khi kéo dài, phát sinh nhiều chi phí và nhiều trường hợp khách hàng ủy quyền cho Luật sư thực hiện các công việc này. Do đó, khách hàng có thể sẽ giao cho Luật sư một khoản tiền để Luật sư chủ động thanh toán như tiền chi phí thẩm định, định giá hoặc tiền để Luật sư chủ động mua vé máy bay, công tác phí,…
Cũng có nhiều trường hợp khách hàng ủy quyền cho Luật sư thay mình tiếp nhận tiền, tài sản cho khách hàng. Ví dụ như khách hàng ủy quyền cho Luật sư tiếp nhận tiền tài sản trong giai đoạn thi hành án hoặc tiền tài sản đối tác thanh toán cho khách hàng,…
Về nguyên tắc, Luật sư nên từ chối hoặc hạn chế việc nhận tiền, tài sản của khách hàng giao ngoài thù lao Luật sư. Khi không thể từ chối được hoặc nhằm thuận tiện trong việc giao dịch khi xử lý công việc, Luật sư có thể nhận tiền, tài sản của khách hàng gửi nhờ giữ hộ hoặc đứng tên khi nhận được tiền, tài sản theo quyết định thi hành án,… thì thỏa thuận này cần rất rõ ràng, chi tiết trong hợp đồng dịch vụ pháp lý.
Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư không cho phép người Luật sư được lợi dụng lòng tin cậy của khách hàng để nhận, chiếm giữ, sử dụng tiền, tài sản của khách hàng và càng không cho phép Luật sư sử dụng tiền, tài sản của khách hàng trái pháp luật, trái thỏa thuận giữa Luật sư và khách hàng.
Ví dụ, Luật sư giữ bản chính Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của khách hàng trong vụ án tranh chấp đất đai để dự định sẽ giao nộp cho Tòa án, nhưng sau đó không giao nộp thì phải trả cho khách hàng không được phép giữ lại không trả hoặc cố tình giữ lại để đòi thù lao khách hàng chưa thanh toán.
Trường hợp Luật sư nhận được tiền của người vay nợ thanh toán trả một phần công nợ cho khách hàng theo hợp đồng ủy quyền thu hồi công nợ giữa Luật sư và khách hàng nhưng sau khi nhận được tiền Luật sư không chuyển giao cho khách hàng mà giữ lại với lý do chờ đòi hết toàn bộ tiền mới trả cho khách hàng là không phù hợp.
Hoặc trường hợp khách hàng để Luật sư chủ động thanh toán chi phí đi lại, chi phí phát sinh giải quyết vụ việc. Luật sư đã cố tình sử dụng tiền này để chi tiêu cho Luật sư và người thân đi du lịch. Tuy nhiên, Luật sư lại thông báo và quyết toán với khách hàng đó là Luật sư đồng nghiệp và chi phí phục vụ công việc của khách hàng là không phù hợp.
Thực tế, việc Luật sư giữ và sử dụng tiền của khách hàng là hoạt động bình thường và hay diễn ra trong quá trình hành nghề. Nhưng vấn đề là việc giữ, sử dụng tiền này phải công khai, minh bạch, phù hợp yêu cầu công việc và đúng pháp luật. Đặc biệt, các thỏa thuận này cần phải được lập thành văn bản, với nội dung rõ ràng, chi tiết để tránh rắc rối cho chính Luật sư cũng như ngăn các bên có thể sử dụng nguồn tiền, tài sản này vào công việc không phù hợp, thậm chí để hợp thức hóa cho nguồn tiền có thể được sử dụng vào các công việc bất minh, pháp luật ngăn cấm.
Luật sư TRẦN THỊ TUYẾT
Ủy viên Ban Đạo đức nghề nghiệp Luật sư Việt Nam
Cung cấp dịch vụ pháp lý cần sự quang minh và tinh thần nghĩa hiệp