Luật sư - Luật sư: Đối thủ cạnh tranh hay hợp tác cùng thắng?

21/05/2023 06:00 | 11 tháng trước

(LSVN) - “Luật sư với Luật sư: Đối thủ cạnh tranh hay hợp tác cùng thắng?” là câu hỏi không dễ trả lời nhất là khi tranh tụng, bảo vệ cho khách hàng có lợi ích đối lập nhau. Bài viết nhằm nghiên cứu, tìm hiểu và luận giải nội dung này qua quy định của Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam.

Quan hệ giữa Luật sư với đồng nghiệp là mối quan hệ độc lập nhưng có sự hợp tác, giúp đỡ và cả cạnh tranh nghề nghiệp lẫn nhau giữa các Luật sư nhằm nâng cao các hoạt động nghiệp vụ và phục vụ khách hàng được tốt hơn. Sự đoàn kết giữa các Luật sư, bảo vệ uy tín của nhau, người Luật sư phải thận trọng trong việc phê phán hoặc chỉ trích Luật sư khác. Việc góp ý cho đồng nghiệp hoàn thiện bản thân là rất cần thiết nhưng phải trên tinh thần xây dựng, hợp tác vì sự phát triển của đồng nghiệp và sự phát triển của nghề Luật sư.

Quan hệ giữa Luật sư với đồng nghiệp là một mối quan hệ đặc thù, khăng khít và tương hỗ lẫn nhau. Bởi nó không chỉ là sự tương tác, chân thành, thấu hiểu giữa những người cùng làm nghề Luật sư mà còn là khởi nguồn để Luật sư có thể tiếp xúc, chia sẻ và học hỏi từ đối phương. Có tình đồng nghiệp, các Luật sư luôn có sự tôn trọng, hợp tác, giúp đỡ, bảo vệ. Khi đó, tình trạng kỳ thị, chèn ép, phân biệt đối xử giữa Luật sư với đồng nghiệp sẽ không xảy ra, từ đó uy tín, vị thế nghề Luật sư được xã hội ghi nhận và tôn vinh.

Đạo đức và ứng xử của Luật sư trong quan hệ với đồng nghiệp được hướng dẫn và quy định cụ thể, chi tiết tại Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam (ban hành kèm theo Quyết định số 201/QĐ-HĐLSTQ ngày 13/12/2019 của Hội đồng Luật sư toàn quốc).

Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề Luật sư hiện nay dành 09 trên 32 Quy tắc để trực tiếp quy định về quan hệ giữa Luật sư và đồng nghiệp. Ngay từ Quy tắc 03, phần Quy tắc chung của Bộ Quy tắc đã nêu rõ Luật sư cần “coi trọng, bảo vệ danh dự, uy tín của đội ngũ Luật sư như bảo vệ danh dự, uy tín của chính mình; có thái độ ứng xử đúng mực, có văn hóa trong hành nghề và lối sống; xứng đáng với sự tin cậy, tôn trọng của xã hội đối với Luật sư và nghề Luật sư”[1]

Hình ảnh các nữ Luật sư đồng hành cùng cười nói vui vẻ (Ảnh minh họa)[2].

Trong hoạt động hành nghề, không thể tránh khỏi việc các Luật sư có sự cạnh tranh trong công việc. Quy tắc 19, Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam khẳng định Luật sư có quyền được cạnh tranh khi hành nghề. Tuy nhiên, sự cạnh tranh cần đảm bảo phải lành mạnh. Điều này có nghĩa là Luật sư không được thực hiện những hành vi, thủ đoạn vi phạm các điều cấm của pháp luật cũng như của Bộ Quy tắc để loại trừ lẫn nhau. Việc cạnh tranh cũng không được ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng cũng như Luật sư đồng nghiệp. 

Khi sự cạnh tranh dẫn đến những tranh chấp giữa Luật sư và đồng nghiệp, để tránh làm trầm trọng mối quan hệ giữa những người làm nghề, giữ gìn hình ảnh của nghề luật và người hành nghề, Quy tắc 20 của Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam quy định việc khiếu nại, khởi kiện đồng nghiệp phải được coi là biện pháp cuối cùng, khi việc thương lượng, hòa giải không có kết quả. Trước khi khiếu nại, khởi kiện Luật sư đồng nghiệp, Luật sư dự định khiếu nại, khởi kiện Luật sư đồng nghiệp cần thông báo cho Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư của các bên để hòa giải. Với kinh nghiệm của mình, cùng với việc hiểu rõ về Luật sư, sự tham gia của Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư sẽ giúp việc hòa giải cũng như quản lý hoạt động Luật sư được đưa vào quỹ đạo. Thực tế, phần lớn các tranh chấp của Luật sư với đồng nghiệp đã được Đoàn Luật sư các tỉnh, thành phố hòa giải thành công.

Hình ảnh các luật sư đối tụng trong một phiên tòa (Ảnh minh họa)[3].

Luật sư là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng, vì vậy, trong quá trình hành nghề, nhiều Luật sư sẽ đứng ở những vị trí đối lập để đấu tranh cho những quyền và lợi ích khác nhau và thậm chí là đối lập nhau của khách hàng. Điều đó dẫn tới việc nhiều người nhầm tưởng cái đích của nghề Luật sư là phải luôn chiến thắng, phải tránh cái thua – chiến thắng giữa Luật sư với Luật sư. Tuy nhiên, trong thực tế hành nghề, dù các Luật sư đôi khi phải đứng ở vị trí đối lập về lợi ích, nhưng không tồn tại chuyện thắng - thua trong nghề luật. Bởi lẽ, dù đại diện cho những khách hàng với những mục đích khác nhau, người Luật sư cũng chỉ thay mặt khách hàng để nói lên những điều đúng đắn và phù hợp với quy định của pháp luật. Người Luật sư sẽ dùng kiến thức, kinh nghiệm và hiểu biết về khoa học pháp lý, để giải thích, bảo vệ và chứng minh những hành vi, mục đích, lợi ích mà khách hàng đã thực hiện hoặc hướng tới. 

Theo đó, mục tiêu của những người hành nghề Luật sư là làm sáng tỏ sự việc, đưa ra những lý lẽ bảo vệ công lý, thực thi pháp luật trên thực tế, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng của mình. Người Luật sư chân chính không hướng đến và không sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để giúp khách hàng đạt được các lợi ích không chính đáng, điều này thể hiện bản chất, trách nhiệm xã hội, trách nhiệm chính trị của người Luật sư; không bảo vệ khách hàng bằng mọi giá.

Chính vì lẽ đó, đối với Luật sư, không có chuyện thắng - thua với đồng nghiệp, mà chỉ có chuyện Luật sư đó đã làm hết nghĩa vụ và trách nhiệm của mình với khách hàng, đã bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng hay chưa.

Tuy nhiên, có đôi khi Luật sư vì những cảm xúc cá nhân mà quên đi hoặc lảng tránh nhiệm vụ của chính mình, chỉ tập trung vào việc phân tranh thắng thua cá nhân. Quy tắc 21, Bộ quy tắc quy định những việc Luật sư không được làm trong quan hệ với đồng nghiệp như một sự nhắc nhở và cảnh cáo người Luật sư phải luôn nhớ tới trọng trách của mình.

Luật sư không thực hiện các hành vi cạnh tranh không lành mạnh ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đồng nghiệp. Quy tắc 21, Bộ Quy tắc quy định 08 nhóm những việc Luật sư không được làm trong quan hệ với đồng nghiệp. Bộ Quy tắc quy định rõ giới hạn của sự cạnh tranh nghề nghiệp giữa các Luật sư, nghiêm cấm Luật sư “Có lời nói, hành vi vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của đồng nghiệp hoặc gây áp lực, đe dọa đồng nghiệp”, Quy tắc 21.1 [4].

Quy tắc 21.2 ghi rõ Luật sư không được “thông đồng, đưa ra đề nghị với luật sư của khách hàng có quyền lợi đối lập với khách hàng của mình để cùng mưu cầu lợi ích cá nhân”[5]. Nếu như việc đồng loã này được thực hiện, vô hình chung Luật sư đã xâm hại đến quyền lợi của khách hàng, đánh mất đi niềm tin, sự tôn trọng của khách hàng, làm xấu đi hình ảnh của người Luật sư bởi vi phạm pháp luật do lừa dối khách hàng. Thậm chí, nhìn nhận từ góc độ cạnh tranh không lành mạnh, đây có thể là nguyên nhân trực tiếp để khách hàng tiềm năng của một Luật sư khác từ bỏ ý định thuê Luật sư vì khách hàng đó không có niềm tin đối với Luật sư.

Hay như Quy tắc 21.5 cấm Luật sư không được: “Thực hiện các hành vi nhằm mục đích giành giật khách hàng”[6]. Nội dung của quy tắc này không cho phép Luật sư thông qua các mánh khóe, thủ đoạn để nhằm mục đích gây ảnh hưởng xấu cho đồng nghiệp cũng như để đạt được mưu cầu tư lợi của chính mình. Bởi lẽ, khi luật sư xâm hại đến quy tắc này đồng nghĩa sẽ gây ra ảnh hưởng rất tiêu cực đến uy tín, vị trí, vai trò của nghề Luật sư. Nhưng sâu xa hơn, vì sự cạnh tranh mà không từ thủ đoạn để giành giật khách hàng với chính đồng nghiệp của mình, đây là một sự tha hóa đáng buồn biết bao.

Quan hệ giữa Luật sư với đồng nghiệp không chỉ là sự tương tác giữa người cùng làm một nghề mà còn có sự chân thành, thấu hiểu, sẻ chia của tình đồng nghiệp. Và ở đó, trước hết đòi hỏi Luật sư không được thực hiện một số hành vi nhất định, cụ thể là xâm phạm đến đồng nghiệp. Đối với đồng nghiệp có lời nói, hành vi vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín hoặc gây áp lực, đe dọa đồng nghiệp là hành vi trái pháp luật và trái với Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam. Một số nguyên nhân dẫn đến việc này là do nhận thức chưa đúng đắn, đầy đủ về bản chất nghề nghiệp, Luật sư để cái tôi và lợi ích cá nhân lên trên lợi ích tập thể. Độc lập, tự chủ, bình đẳng, tự chịu trách nhiệm cá nhân là đặc trưng của nghề Luật sư, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc vô tổ chức, cạnh tranh không lành mạnh, chà đạp lên đồng nghiệp, chà đạp lên danh dự, uy tín nghề nghiệp của đồng nghiệp.

Là một Luật sư chân chính, hơn ai hết phải hiểu rõ được bản chất ta là ai và ta đã, đang và sẽ làm những gì cho khách hàng, cho xã hội, cho đất nước, cho dân tộc. Vì lẽ đặc thù đó, mà Luật sư phải tự ý thức luôn không ngừng trau dồi rèn luyện đạo đức, cách ứng xử mọi lúc, mọi nơi. Bởi chỉ có như vậy, ta mới có thể chống chọi với mọi cám dỗ luôn rình rập ở khắp mọi nơi, giữ gìn phẩm cách của một Luật sư chân chính cũng như vững vàng với lý tưởng của đoàn đội Luật sư Việt Nam. 

Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam trong quan hệ với đồng nghiệp đặt ra và giúp Luật sư nhận thức, tạo lập, củng cố tình đồng nghiệp của Luật sư Việt Nam; giúp Luật sư nhận thức truyền thống, đạo nghĩa cao quý của nghề Luật sư được tạo lập, quyết định dựa trên tình đồng nghiệp của Luật sư; Đạo đức, Ứng xử nghề nghiệp Luật sư trong quan hệ đồng nghiệp trực tiếp tạo lập, quyết định vị trí, uy tín của nghề Luật sư trong xã hội.

Học tập, thực hiện nghiêm túc nội dung Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam sẽ làm kim chỉ nam cho mỗi hoạt động của Luật sư, hỗ trợ, hướng tới và giúp Luật sư thành công trong sự nghiệp, qua đó góp phần nâng cao vị thế Nghề Luật sư trong xã hội.

Tài liệu tham khảo:

[1] Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam (ban hành kèm theo Quyết định số 201/QĐ-HĐLSTQ ngày 13/12/2019 của Hội đồng Luật sư Toàn quốc), Chương I. Quy tắc chung, Quy tắc 3.

[2] Trích dẫn nguồn ảnh tham khảo: Tổng quan về đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư trong quan hệ với đồng nghiệp – Văn Phòng Luật Sư Dân An (luatsudanan.com.vn).

[3] Trích dẫn nguồn ảnh tham khảo: Luật sư Bùi Ứng cùng đoàn Luật sư tham gia vụ "Thao túng thị trường chứng khoán" xảy ra tại Công ty Louis Holdings và Công ty Chứng khoán Trí Việt. Link: Ưng Bui - Kết thúc vụ" Thao túng thị trường chứng khoán" xảy ra... | Facebook.

[4] Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam (ban hành kèm theo Quyết định số 201/QĐ-HĐLSTQ ngày 13/12/2019 của Hội đồng Luật sư Toàn quốc), Chương III. Quan hệ với đồng nghiệp, Quy tắc 21, 21.1.

[5] Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam (ban hành kèm theo Quyết định số 201/QĐ-HĐLSTQ ngày 13/12/2019 của Hội đồng Luật sư Toàn quốc), Chương III. Quan hệ với đồng nghiệp, Quy tắc 21, 21.2.

[6] Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam (ban hành kèm theo Quyết định số 201/QĐ-HĐLSTQ ngày 13/12/2019 của Hội đồng Luật sư Toàn quốc), Chương III. Quan hệ với đồng nghiệp, Quy tắc 21, 21.5.

NHÓM 1 LỚP C3

Khóa Đào tạo nghề Luật sư K25.1, Học viện Tư pháp