Luật sư lý giải vì sao khởi tố vụ án 'BN 1342' mà không khởi tố vụ án 'BN 17'?

04/12/2020 17:10 | 3 năm trước

(LSVN) - Có nhiều ý kiến xung quanh những thắc mắc pháp lý trong hai vụ việc nam tiếp viên hàng không Vietnam Airlines - Bệnh nhân 1342 (BN 1342) vi phạm cách ly làm lây lan Covid-19 bị khởi tố hình sự, còn Bệnh nhân 17 (BN 17) - Nguyễn Hồng N. khai báo không trung thực thì không bị khởi tố.

Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch Công ty Luật TAT Law firm.

Trao đổi với Tạp chí Luật sư Việt Nam về một số vấn đề pháp lý liên quan đến việc cùng là hành vi làm lây lan dịch bệnh nhưng cơ quan chức năng chỉ khởi tố vụ án liên quan đến BN 1342, còn BN 17 lại không bị khởi tố, Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch Công ty Luật TAT Law firm, cho biết ngày 30/03/2020, TAND tối cao ban hành Công văn 45 hướng dẫn về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19, trong đó, mục 1.1 nêu người được thông báo cách ly thực hiện hành vi “Không tuân thủ quy định về cách ly” gây lây truyền dịch bệnh Covid-19 cho người khác thì bị coi là trường hợp thực hiện “Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” quy định tại điểm c khoản 1 Điều 240 và bị xử lý về tội “Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người”.

“Công văn 45 ban hành sau khi bệnh nhân thứ 17 có hành vi khai báo không trung thực dẫn đến lây lan dịch bệnh. Về mặt học thuật thì công văn này vẫn còn những điều phải bàn thêm, nhưng Công văn 45 đã thể hiện sự quyết tâm và nhằm đáp ứng nhu cầu ngăn ngừa dịch bệnh, đấu tranh với những hành vi vi phạm trong công tác phòng ngừa bệnh Covid-19” - Luật sư Trương Anh Tú cho hay và lý giải thêm, vì Công văn 45 “sinh sau đẻ muộn” so với hành vi của của BN số 17 nên cơ quan chức năng không thể xử lý hành vi của BN 17.

Luật sư Đặng Xuân Cường - Trưởng ban Luật Hình sự Công ty Luật TAT Law firm.

Luật sư Đặng Xuân Cường - Trưởng ban Luật Hình sự Công ty Luật TAT Law firm cũng phân tích: "Đành rằng văn bản Công văn số 45 này cũng còn nhiều vấn đề về vấn đề lý luận mà chúng ta sẽ bàn về sau này nhưng mà sau thời điểm văn bản ra đời thì Cơ quan Cảnh sát điều tra, Viện kiểm sát cũng như Tòa án đã có cơ sở về lý luận cũng như là cơ sở mặt chỉ đạo nghiệp vụ để khởi tố điều tra truy tố và xét xử cái hành vi vi phạm này. Đối với tiếp viên hàng không vi phạm ở thời điểm này là 12/2020 tức là sau khi công văn ra đời và như vậy là có cơ sở đó để người ta khởi tố"

Dẫn chứng trong vụ án “Làm lây lam dịch bệnh truyền nhiễm cho người” xảy ra tại TP. HCM, liên quan đến BN 1342 – là nam tiếp viên hãng hàng không Quốc gia - Vietnam Airlines (VNA), theo Luật sư Trương Anh Tú, qua truy vết nguồn lây của BN 1342, ngành y tế TP. HCM xác định trong quá trình cách ly tập trung ở khu cách ly của VNA, vào ngày 17/11, BN 1342 có tiếp xúc với 1 tiếp viên của chuyến bay khách từ Rumani về, đây là chuyến bay có nhiều hành khách dương tính. Sau đó vào ngày 25/11, tiếp viên của chuyến bay Rumani này có xét nghiệm dương tính với Covid-19 (BN 1325) cùng với 8 tiếp viên khác đi cùng chuyến bay.

Như vậy, khả năng BN 1342 bị lây nhiễm khi tiếp xúc trong quá trình cách ly do không tuân thủ quy định cách ly tập trung của VNA tại 115 Hồng Hà. Hơn nữa, thời điểm cách ly tại nhà, BN 1342 cũng không tuân thủ việc cách ly tại nhà khi đang trong thời gian cách ly 14 ngày, vẫn để bạn vào sống chung (là BN 1347) và đi học, tiếp xúc bên ngoài…

“Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. HCM (HCDC) thông tin trên báo chí, khẳng định BN 1342 vi phạm quy định cách ly tập trung, vi phạm quy định cách ly tại nhà đã cam kết, dẫn đến hậu quả làm lây lan dịch bệnh. Vì vậy việc khởi tố vụ án để làm rõ trách nhiệm là phù hợp” - Luật sư Trương Anh Tú nhấn mạnh.

Còn việc cá thể hóa trách nhiệm từ cá nhân, bộ phận liên quan, để BN 1342 vi phạm quy định cách ly, theo Luật sư Tú, quá trình điều tra, nếu xác định cá nhân nào lơi lỏng trách nhiệm trong quản lý, giám sát việc cách ly, gây hậu quả nghiêm trọng làm lây lan dịch bệnh thì cơ quan tiến hành tố tụng có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”

Để góp phần ngăn chặn sự gia tăng phức tạp của dịch bệnh Covid-19, ngày 30/03/2020, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Công văn số 45 quy định về xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Theo đó, BN 1342 đã vi phạm nghiêm trọng mục 1.1 như sau:

1. Hướng dẫn xác định tội danh theo quy định của Bộ luật Hình sự
1.1. Người đã được thông báo mắc bệnh; người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh Covid-19 đã được thông báo cách ly thực hiện một trong các hành vi sau đây gây lây truyền dịch bệnh Covid-19 cho người khác thì bị coi là trường hợp thực hiện “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” quy định tại điểm c khoản 1 Điều 240 và bị xử lý về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người:
a) Trốn khỏi nơi cách ly;
b) Không tuân thủ quy định về cách ly;
c) Từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly;
d) Không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối.

Như đã đưa tin, trưa 03/12, Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Phó giám đốc Công an TP. HCM, chủ trì họp báo công bố khởi tố vụ án "Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người" theo Điều 240 Bộ luật Hình sự 2015.

Đây là lần đầu tiên các sai phạm trong phòng chống Covid-19, làm lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, bị xem xét xử lý hình sự.

Động thái tố tụng này được đưa ra sau khi nam tiếp viên hàng không Vietnam Airlines - "Bệnh nhân 1342", đã vi phạm nghiêm trọng quy định tại khu cách ly riêng của Vietnam Airlines, sau đó tiếp tục vi phạm quy định cách ly khi được cho về nhà.

Điều 240. Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
b) Đưa vào hoặc cho phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người;
c) Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế;
b) Làm chết người.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 12 năm:
a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ;
b) Làm chết 02 người trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

TRÀ MY

/khoi-to-vu-an-hinh-su-lam-lay-lan-dich-benh-covid-19-tai-tp-hcm.html