/ Kinh nghiệm - Thực tiễn
/ Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ: Hành vi đánh vợ hoặc chồng có thể bị xử lý hình sự

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ: Hành vi đánh vợ hoặc chồng có thể bị xử lý hình sự

01/01/0001 00:00 |

(LSO) - Theo Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ - Chi hội trưởng Chi hội Luật sư, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP. HCM, lâu nay nhiều người nghĩ "đánh vợ sẽ không vi phạm pháp luật", "vợ mình, mình có quyền dạy"… Vì vậy, nhiều người ngang nhiên bạo hành vợ trong thời gian dài. Xin cảnh báo rằng, hành vi đánh vợ (kể cả đánh chồng hay con ruột) đều có thể bị xử lý hình sự như đánh người khác.

Ảnh minh họa.

Liên quan đến vấn đề bạo lực gia đình, Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ chia sẻ: "Thực tế tư vấn tôi thấy nhiều trường hợp người vợ bị đánh thường xuyên, không chịu đựng được mới đi tố cáo hành vi của người chồng. Họ đến Hội Phụ nữ xin tư vấn, tôi hướng dẫn nên làm đơn tố cáo gửi các cơ quan chức năng. Họ đồng ý, về suy nghĩ rồi cuối cùng lại im lặng chịu đựng. Đến khi không chịu được nữa lại đi tư vấn, lại khóc lóc…".

Đó là vòng luẩn quẩn không lối thoát của nhiều phụ nữ hiện nay. Việc chịu đựng bạo hành gia đình không những là ích kỷ với bản thân mình mà còn ích kỷ với con cái. Đứa trẻ lớn lên phải chứng kiến cảnh cha mẹ đánh nhau sẽ bị ám ảnh thời gian dài, từ đó hình thành tính cách hung hăng, nóng giận…

Vì vậy, mỗi người nên nâng cao ý thức, trách nhiệm của mình trong gia đình cũng như tìm hiểu các kiến thức để tự bảo vệ mình trước vấn nạn bạo hành hiện nay, Luật sư Nữ chia sẻ.

TAND tỉnh Quảng Ngãi vừa đưa ra xét xử phúc thẩm một vụ kiện khá hi hữu, nguyên đơn là chị Phan Thị Thu V. (31 tuổi, ngụ tại huyện Đức Phổ), kiện chồng là anh Trần Văn T. (42 tuổi) ra tòa để yêu cầu bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm.
Chị V. và anh T. là vợ chồng hợp pháp. Trong thời gian chung sống, hai vợ chồng phát sinh mâu thuẫn nên chị V. dẫn con về nhà mẹ ruột ở. Ngày 07/5/2019, chị về nhà chồng lấy đồ cho con thì bị anh T. đánh gãy sống mũi, phải điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi. Kết quả giám định cho thấy chị V. bị tổn hại 9% sức khỏe.
Ngày 18/6/2019, chị V. khởi kiện ra tòa yêu cầu bồi thường tiền viện phí, thu nhập thực tế bị mất khi nằm viện, tổn thất tinh thần, tiền thẩm mỹ mũi… tổng cộng 54,8 triệu đồng. Quá trình giải quyết vụ án, chị V. tự nguyện rút yêu cầu bồi thường tiền thẩm mỹ mũi 20 triệu đồng. Do anh T. đã bồi thường trước đó 10 triệu đồng nên chị V. chỉ yêu cầu anh bồi thường thêm số tiền 19,8 triệu đồng.
Tháng 8/2019, TAND huyện Đức Phổ đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm, tuyên buộc anh T. phải bồi thường cho chị V. tổng cộng 29,8 triệu như yêu cầu của nguyên đơn. Cho rằng phán quyết này của tòa là bất hợp lý, anh T. kháng cáo không đồng ý bồi thường khoản tiền tổn thất tinh thần 20 triệu đồng vì cho rằng số tiền đó quá cao.
Nhận định hành vi dùng tay đánh gãy sống mũi gây tổn thất tinh thần cho chị V., ảnh hưởng đến thẩm mỹ gương mặt của người phụ nữ, tòa án cấp phúc thẩm đã bác kháng cáo của anh T., giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Ngoài mức bồi thường 29,8 triệu đồng cho vợ thì anh T. còn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm và án phí dân sự phúc thẩm hơn 1 triệu đồng.
Điều 5 Luật Phòng chống bạo lực gia đình 2007 quy định về quyền và nghĩa vụ của nạn nhân bạo lực gia đình như sau:
“1. Nạn nhân bạo lực gia đình có các quyền sau đây:
a) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền bảo vệ sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình;
b) Yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn, bảo vệ, cấm tiếp xúc theo quy định của Luật này;
c) Được cung cấp dịch vụ y tế, tư vấn tâm lý, pháp luật;
d) Được bố trí nơi tạm lánh, được giữ bí mật về nơi tạm lánh và thông tin khác theo quy định của Luật này;
đ) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
2. Nạn nhân bạo lực gia đình có nghĩa vụ cung cấp thông tin liên quan đến bạo lực gia đình cho cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền khi có yêu cầu".

Như vậy, trong trường hợp này nạn nhân có thể sử dụng các quyền để bảo vệ mình theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Luật Phòng chống bạo lực gia đình.

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ cảnh báo, lâu nay có nhiều người nghĩ "đánh vợ sẽ không vi phạm pháp luật", "vợ mình, mình có quyền dạy"… Vì vậy, nhiều người ngang nhiên bạo hành gia đình, đánh vợ trong thời gian dài. Xin cảnh báo rằng hành vi đánh vợ (kể cả đánh chồng hay con ruột) đều có thể bị xử lý hình sự như đánh người khác.

Cụ thể, nếu gây thương tích chưa tới 11% sẽ bị xử lý về tội "Hành hạ người khác", còn gây thương tích từ 11% trở lên sẽ bị xử lý về tội "Cố ý gây thương tích".

Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;
b) Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm;
c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình;
đ) Có tổ chức;
e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
g) Trong thời gian đang bị giữ, tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành án phạt tù, đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc đang chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;
h) Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do được thuê;
i) Có tính chất côn đồ;
k) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.

THANH THANH

/tao-dieu-kien-thuan-loi-cho-luat-su-thuc-hien-tro-giup-phap-ly.html