Luật sư trong cùng Văn phòng không tham gia bào chữa cho các bị can có quyền lợi đối lập nhau tại cùng vụ án

30/10/2022 23:00 | 1 năm trước

(LSVN) - Tôi vừa mới dự khán phiên tòa hình sự xét xử các bị cáo trong vụ án “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”. Tôi thấy có 3 Luật sư trong cùng một Văn phòng Luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo tại cùng vụ án. Trong đó Luật sư Trưởng Văn phòng bào chữa cho bị cáo nhận hối lộ, 2 Luật sư còn lại bào chữa cho 2 bị cáo bị truy tố về tội “Đưa hối lộ”. Tất cả 3 Luật sư đều được Tòa án cấp đăng ký bào chữa cho các bị cáo. Đáng chú ý, trong vụ án này, bị cáo bị truy tố về tội “Nhận hối lộ” đang không nhận tội. Vậy, trong trường hợp trên, các Luật sư tham gia bào chữa cho 3 bị cáo trong vụ án này có vi phạm quy tắc đạo đức nghề nghiệp không?

Ảnh minh họa.

Quy tắc 15 Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam quy định: “Luật sư không được nhận hoặc thực hiện vụ việc trong trường hợp có xung đột về lợi ích”. Vì vậy trong quá trình thực hiện vụ việc Luật sư cần chủ động tránh để xảy ra xung đột về lợi ích. Quá trình thực hiện vụ việc nếu phát hiện có xung đột lợi ích ngoài ý muốn của Luật sư, Luật sư cần chủ động thông báo cho khách hàng để giải quyết.

Quy tắc 15 cũng quy định “Luật sư phải từ chối tiếp nhận vụ việc hoặc từ chối tiếp tục thực hiện vụ việc” trong trường hợp “vụ việc trong đó các khách hàng có quyền lợi đối lập nhau”, hoặc “khách hàng đối lập với khách hàng hiện tại trong cùng một vụ việc”.

Quy tắc 15.3.7 quy định trường hợp Luật sư không được nhận hoặc thực hiện vụ việc cho khách hàng thì Luật sư đồng nghiệp đang làm việc trong cùng một tổ chức hành nghề Luật sư tức các Luật sư trong cùng một Văn Phòng Luật, Công ty Luật cũng không được nhận hoặc thực hiện vụ việc đó một số trường hợp nhất định. Đối với các vụ việc tranh tụng kể cả trong trường hợp khách hàng đồng ý, nếu có xung đột lợi ích các Luật sư trong cùng một tổ chức cũng không được nhận cung cấp dịch vụ pháp lý cho các đương sự có quyền lợi đối lập nhau.

Đối với trường hợp cụ thể bạn nêu trên, tôi thấy trong vụ án này có 3 bị cáo, trong đó bị cáo bị truy tố về tội “Nhận hối lộ” đang không nhận tội. Cơ quan tiến hành tố tụng truy tố bị cáo có thể căn cứ vào nguồn chứng cứ khác, trong đó có lời khai của chính bị cáo đưa hối lộ. Tức lời khai của bị cáo này là căn cứ để buộc tội với bị cáo khác và từ đó các bị cáo có xung đột về lợi ích. Bị cáo nào khai đúng sẽ được hưởng tình tiết giảm nhẹ, bị cáo nào cố tình không nhận tội sẽ không được được áp tình tiết giảm nhẹ thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải.

Trường hợp này, các Luật sư có bắt buộc phải từ chối bào chữa và bị thu hồi Thông báo Đăng ký bào chữa hay không tức việc xác định các bị can có quyền lợi đối lập nhau hay không sẽ do Tòa án quyết định căn cứ nội dung hồ sơ vụ việc. Nhưng dưới góc độ đạo đức nghề nghiệp các vị Luật sư trong cùng một tổ chức hành nghề không nên cùng tham gia  cùng tham gia bào chữa cho các bị cáo. 

Luật sư TẠ NGỌC TOÀN

Phó Trưởng Ban Đạo đức nghề nghiệp Luật sư Việt Nam

Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Vĩnh Phúc

Luật sư với công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật