/ Kinh nghiệm - Thực tiễn
/ Mô hình tổ chức Tòa án ở Nhật Bản: Khuyến nghị cho Việt Nam

Mô hình tổ chức Tòa án ở Nhật Bản: Khuyến nghị cho Việt Nam

12/03/2025 18:41 |1 tháng trước

(LSVN) - Kết luận số 126-KL/TW ngày 14/02/2025 của Bộ chính trị, Ban Bí thư giao các cơ quan Đảng Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo Đảng ủy Tòa án nhân dân Tối cao, Đảng ủy Viện kiểm sát nhân dân Tối cao nghiên cứu, tham mưu về mô hình cơ quan (Tòa án, Viện Kiểm sát ) theo hướng bỏ cấp trung gian (cấp huyện ). Để thực hiện nhiệm vụ này, một trong những công việc cần làm là tham khảo mô hình hình tổ chức tòa án của một số nước trên thế giới. Dưới đây xin giới thiệu khái quát về mô hình tổ chức Tòa án ở Nhật Bản .

Hệ thống Tòa án ở Nhật Bản bao gồm: Tòa án Tối cao, các Tòa án Thượng thẩm, các Tòa án địa phương cấp tỉnh, các Tòa án gia đình và các Tòa án đơn giản.

Tòa án Tối cao: Điều 81 Hiến pháp Nhật Bản quy định: "Tòa án Tối cao là cấp xét xử cao nhất với thẩm quyền xác định tính hợp hiến của các đạo luật, sắc lệnh, quy tắc hoặc các hành vi công khác".

Tòa án Tối cao gồm: Chánh án và 14 Thẩm phán, thực hiện vệc xét xử thông qua Hội đồng xét xử lớn (bao gồm 15 Thẩm phán) và 03 Hội đồng xét xử nhỏ (mỗi Hội đồng gồm 05 Thẩm phán). Thông thường các vụ việc được xét xử ở Hội đồng xét xử nhỏ, chỉ trong trường hợp vụ việc liên quan đến giải thích Hiến pháp hoặc sửa đổi án lệ của Tòa án Tối cao thì mới xét xử ở Hội đồng xét xử lớn. 

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Trung bình hàng năm Tòa án Tối cao thụ lý khoảng trên 7.000 vụ việc. Tuy nhiên, phần lớn các vụ việc được giải quyết bằng "lệnh", chỉ có khoảng trên 100 vụ việc được đưa ra xét xử ở các Hội đồng xét xử - tức là chỉ có ngần ấy bản án được ban hành.

Tòa án Thượng thẩm: có 08 Tòa án Thượng thẩm đặt tại các thành phố lớn và 06 phân tòa của các tòa này ở các nơi khác, tháng 04/2005 Tòa án Thượng thẩm sở hữu trí truệ được thành lập như là một phân tòa của Tòa án Thượng thẩm Tokyo. Tòa án Thượng thẩm có thẩm quyền xét xử: (i) Phúc thẩm các bản án sơ thẩm của Tòa án địa phương cấp tỉnh, của Tòa án gia đình và bản án sơ thẩm về hình sự của Tòa án đơn giản; (ii) kháng cáo thượng thẩm đối với bản án phúc thẩm của Tòa án địa phương cấp tỉnh và bản án của Tòa án đơn giản; (iii) sơ thẩm các vụ án tội về bạo loạn hoặc hỗ trợ bạo loạn quy định tại Điều 77, 79 Bộ luật Hình sự. Riêng, Tòa án Thượng thẩm Tokyo có thêm thẩm quyền xét xử các vụ việc yêu cầu hủy bỏ quyết định của các cơ quan tài phán hành chính, chẳng hạn của Ủy ban Thương mại công bằng, Cơ quan thông tin tai nạn hàng hải, Cơ quan tài phán thuế quốc gia, Văn phòng bằng sáng chế. Tòa án Thượng thẩm xét xử bằng Hội đồng 03 Thẩm phán,trừ trường hợp xét xử các tội bạo loạn nêu ở điểm (iii) trên sẽ do Hội đồng 05 Thẩm phán xét xử.

Về nguyên tắc, Tòa án Thượng thẩm được đặt tại các thành phố lớn, nhưng cũng tính đến sự thuận lợi về mặt địa lý, chẳng hạn có một Tòa án đặt ở Sapporo (nơi có dân số 1.959.750 người) và một Tòa đặt ở Takamatsu (nơi có dân số 417.496 người), nhưng lại không có Tòa nào tại Yokohama (nơi có dân số 3.770.172 người, cao hơn dân số của cả hai thành phố kia cộng lại) là vì thành phố này ở gần Tokyo mà ở Tokyo thì đã có một Tòa án Thượng thẩm.

Tòa án địa phương cấp tỉnh: Nhật Bản có 47 tỉnh, nói chung ở mỗi tỉnh có một Tòa án địa phương cấp tỉnh, trừ tỉnh “đảo” Hokkaido do đặc điểm địa lý nên có 04 Tòa. Do đó, toàn quốc có 50 Tòa án địa phương cấp tỉnh và 203 chi nhánh của các Tòa án này. Tòa án địa phương cấp tỉnh là Tòa án thẩm quyền chung, xét xử sơ thẩm hầu hết các vụ án hình sự, dân sự, hành chính và phúc thẩm các bản án của Tòa án đơn giản. Phần lớn các vụ án đều do một Thẩm phán xét xử, trừ một số vụ án hình sự và phúc thẩm các bản án của Tòa án giản lược phải xét xử bằng Hội đồng 03 Thẩm phán.

Việc đặt chi nhánh của Tòa án địa phương cấp tỉnh ở các thành phố, thị trấn nhỏ căn cứ vào số lượng vụ việc xét xử ở những nơi đó. Do đó, thành phố lớn đông dân cư sẽ có nhiều chi nhánh  tòa hơn những nơi khác.

Tòa án gia đình: Là Tòa án chuyên trách, cùng cấp với Tòa án địa phương cấp tỉnh. Có 50 Tòa án gia đình và 203 chi nhánh được đặt tại cùng địa điểm với Tòa án địa phương cấp tỉnh,ngoài ra còn có 77 phòng giao dịch ở những nơi xa chi nhánh của Tòa án có điều kiện giao thông không thuận lợi. Tòa án gia đình có thẩm quyền:

Đối với các vụ việc về gia đình, được quy định trong Luật về các thủ tục liên quan đến vụ việc gia đình: (i) Những vụ việc không có tranh chấp như: Việc giám hộ người thành niên lú lẫn, thay đổi họ, tên, cho phép nhận con nuôi, từ bỏ thừa kế…; (ii) Những vụ việc có tranh chấp như: Phân chia chi phí hôn nhân, phân xử việc giám hộ con cái, chỉ định hoặc thay đổi người có quyền làm cha mẹ, phân chia tài sản thừa kế (chỉ giải quyết về cách thức phân chia tài sản thừa kế, nếu tranh chấp về tài sản thừa kế thì do Tòa án địa phương cấp tỉnh giải quyết), ly hôn, từ bỏ con nuôi…

Đối với những vụ việc về người chưa thành niên, được quy định trong Luật Thiếu niên: Giải quyết vụ việc người chưa thành niên (dưới 20 tuổi) vi phạm pháp luật nhưng chưa tới mức xử lý về hình sự (nếu đến mức xử lý về hình sự sẽ do Tòa án đơn giản hoặc Tòa án địa phương cấp tỉnh giải quyết) và những vụ việc người chưa thành niên thường bỏ nhà đi giao du với bạn bè xấu, có nguy cơ phạm tội. Khi giải quyết những vụ việc này, Tòa ra một trong những quyết định: Cử cán bộ giám sát; hướng dẫn việc giám hộ người chưa thành niên; chuyển tới trại giáo dưỡng người chưa thành niên; giáo dục; nhắc nhở người chưa thành niên nhận ra lỗi lầm; nhắc nhở người giám hộ hiểu rõ trách nhiệm của mình.

Thông thường, Tòa án gia đình xử lý vụ việc với một Thẩm phán, trừ những trường hợp được luật quy định phải giải quyết với Hội đồng 03 Thẩm phán.

Tòa án đơn giản: Có 438 Tòa án đơn giản (253 Tòa đó đặt cùng trụ sở với các Tòa án địa phương cấp tỉnh hoặc chi nhánh của các Tòa án này, 185 Tòa án đặt tại trụ sở của cơ quan chính quyền địa phương). Tổng số Thẩm phán của các Tòa án này là khoảng 800 người. Tòa án đơn giản ở những thành phố lớn có tới vài chục Thẩm phán, những nơi khác có 01 Thẩm phán, một số nơi thì 02 đến 03 Tòa mới có 01 Thẩm phán; tuy nhiên, mỗi Tòa án đơn giản phải có ít nhất 01 thư ký Tòa án và 01 nhân viên làm công tác văn phòng. Tòa án đơn giản có thẩm quyền :

Về dân sự: (i) Giải quyết theo thủ tục rút gọn những vụ kiện có giá trị tranh chấp không vượt quá 1.400.000 yên (tương đương 06 tháng lương của cán bộ mới đi làm), bản án chỉ bị kháng cáo thượng thẩm; (ii) giải quyết theo thủ tục về vụ kiện nhỏ những tranh chấp có giá trị không quá 600.000 yên, nếu có khiếu nại về bản án sẽ do chính tòa này giải quyết lại; (iii) nhắc nhở thanh toán do Thư ký Tòa án đơn giản thực hiện đối với những việc đòi nợ có chứng cứ rõ ràng (thí dụ như hóa đơn ); (iv) giải quyết yêu cầu thanh toán séc,hối phiếu (bao gồm cả tiền lãi); (v) chứng nhận hòa giải giữa hai đương sự khi họ không khởi kiện mà chỉ yêu cầu tòa chứng nhận về sự hòa giải của họ.

Về hình sự: Xét xử nhũng vụ án mà hình phạt tiền dưới 1.000.000 yên và một số tội phạm có mức: Phạt tù giam có lao động dưới 03 năm.

Thẩm quyền đặc biệt về hành chính: Xử phạt hành chính đối với công dân thay đổi địa chỉ cư trú mà không thông báo và với doanh nghiệp không thông báo về thay đổi nhân sự lãnh đạo.

Việc xét xử ở Tòa án đơn giản đều được thực hiện với một Thẩm phán.  

Kết luận và khuyến nghị

- Với việc đặt chi nhánh của các Tòa án địa phương cấp tỉnh, Tòa án gia đình và thành lập các Tòa án đơn giản với thủ tục tố tụng đơn giản, mô hình tổ chức Tòa án của Nhật Bản đã thể hiện nguyên tắc tư pháp gần dân, một nguyên tắc mà nói chung hệ thống Tòa án của các nước trên thế giới đều thực hiện.

- Với chủ trương sáp nhập một số tỉnh và bỏ cấp huyện ở nước ta hiện nay, nếu chúng ta sáp nhập các Tòa án ở các tỉnh đó và sáp nhập Tòa án cấp huyện thành Tòa án khu vực thì vô hình trung đã làm tư pháp xa dân. Thay vì làm như vậy, nên chăng là chuyển phần lớn thẩm quyền của Tòa án cấp huyện lên Tòa án cấp tỉnh. Hiện nay, các Tòa án cấp huyện có thẩm quyền giải quyết phần lớn các vụ án hình sự, dân sự… nên năng lực của đội ngũ Thẩm phán cấp huyện hoàn toàn có khả năng hoàn thành nhiệm vụ như Thẩm phán cấp tỉnh. Như vậy, cần đặt chi nhánh của các Tòa án cấp tỉnh ở các thành phố, thị xã nơi trước đó đặt Tòa án quận, huyện. Đồng thời, thành lập các Tòa án đơn giản với thủ tục đơn giản có thẩm quyền xét xử các vụ án hình sự về tội ít nghiêm trọng và những vụ án dân sự đơn giản.

Để đổi mới mô hình Tòa án như vậy, cần sửa đổi Hiến pháp, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân và nhất là sửa đổi các Bộ luật Tố tụng nhằm rút ngắn thời gian giải quyết các vụ án và giảm bớt nhân lưc. Nhật Bản là nước có diện tích và dân số lớn hơn nước ta một chút: 380.000km2 / 331.212km2, dân số 123.320.426 / 101.385.270, tổng số Thẩm phán tính đến 2014 là 3.750 người (giải quyết 1.484.000 vụ việc các loại), còn ở Việt Nam, theo Nghị quyết số 67/2025/UBTVQH15 thì tổng số Thẩm phán là 7.004 người (theo số liệu năm 2022 thì thụ lý 567.521 vụ việc, giải quyết được 504.681 vụ việc). Điều này cho thấy cần đổi mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động của Tòa án ở nước ta, đáp ứng yêu cầu tinh gọn bộ máy mà Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã đề ra.

Tài liệu tham khảo:

(1) Báo cáo về Nhật Bản (nghiên cứu tổ chức và hoạt động của hệ thống tư pháp ở 05 nước chọn lọc: Trung Quốc, Indonesia,Nhật Bản,Cộng hòa Hàn Quốc và Liên bang Nga) do Đại học Sydney thực hiện cho Chương trình phát triển của Liên hợp quốc ,ngày 04/6/2010.

(2) Hiến pháp Nhật Bản.

(3) Luật Tòa án Nhật Bản (sửa đổi năm 2008).

(4) Ngô Cường–Mô hình Tòa án đơn giản của Nhật Bản, Tạp chí TAND số 16-2014.

(5) Ngô Cường-Mô hình tòa án gia đình của Nhật bản,Tạp chí TAND số 13-2015.

(6) https://tapchitoaan.vn ngày 22/12/2022.

 

NGÔ CƯỜNG

Các tin khác