Ảnh minh họa.
Bất cập, hạn chế
Thứ nhất, theo quy định tại khoản 4 Điều 153 BLTTHS về thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự: “Hội đồng xét xử ra quyết định khởi tố hoặc yêu cầu Viện Kiểm sát khởi tố vụ án hình sự nếu qua việc xét xử tại phiên tòa mà phát hiện có việc bỏ lọt tội phạm”.
Quy định tại khoản 4 Điều 153 BLTTHS về thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự tại phiên tòa của Hội đồng xét xử theo tác giả là không phù hợp vì theo quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân thì Tòa án là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp, tức là quyền phán quyết đối với hành vi có tội hay không có tội, hình phạt áp dụng và các vấn đề khác trên cơ sở các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án và kết quả thẩm tra tại phiên tòa.
Như vậy, đối với quy định khởi tố vụ án hình sự của Tòa án quy định trong BLTTHS không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Tòa án. Trong trường hợp phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì Tòa án kiến nghị khởi tố.
Thứ hai, theo quy định tại khoản 2 Điều 277 của BLTTHS về thời hạn chuẩn bị xét xử tại Tòa án trong trường hợp trả hồ sơ để điều tra bổ sung là 15 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ vụ án. Tuy nhiên, đối với trường hợp sau khi Tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung và Viện Kiểm sát ban hành cáo trạng mới trong đó có bị cáo bị khởi tố mới, có bị cáo thay đổi khung khoản có thể từ khung 1 lên khung 2 nên dẫn đến tính chất vụ án thay đổi từ ít nghiêm trọng thành nghiêm trọng, rất nghiêm trọng thì thời hạn xét xử trong trường hợp này là 15 ngày như trong quy định tại khoản 2 Điều 277 BLTTHS năm 2015 là không phù hợp.
Thứ ba, về vấn đề triệu tập, Điều tra viên và Kiểm sát viên tại phiên tòa được quy định tại Điều 296 BLTTHS năm 2015. Tuy nhiên, trong quy định này BLTTHS không quy định địa vị pháp lý, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các chủ thể này khi tham gia tố tụng ảnh hưởng đến quá trình giải quyết vụ án tại phiên tòa.
Vì vậy, cần bổ sung quy định về quyền, nghĩa vụ của Điều tra viên và Kiểm sát viên trong BLTTHS là rất cần thiết. Đồng thời, việc vắng mặt Điều tra viên và Kiểm sát viên trong một số trường hợp ảnh hưởng đến quá trình giải quyết vụ án.
Thứ tư, theo quy định tại Điều 297 BLTTHS về hoàn phiên tòa thì việc hoãn phiên tòa thực hiện tại phiên tòa do HĐXX quyết định. Tuy nhiên, thực tiễn có những vụ án quá trình nghiên cứu có những điều kiện để hoãn phiên tòa theo quy định như bị cáo, bị hại viết đơn xin hoãn phiên tòa thì đây là những trường hợp hoãn phiên tòa theo Điều 297 BLTTHS nhưng vẫn phải mở phiên tòa vì BLTTHS quy định về việc hoãn phiên tòa phải thực hiện tại phiên tòa và do Hội đồng xét xử quyết định. Việc mở phiên tòa trong các trường hợp này là không phù hợp và gây lãng phí. Vì vậy, cần bổ sung quy định hoãn phiên tòa trong giai đoạn chuẩn bị xét xử.
Thứ năm, BLTTHS năm 2015 quy định thời hạn bị cáo nhận cáo trạng, quyết định đưa vụ án ra xét xử là: Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày ra cáo trạng, Viện Kiểm sát phải giao cho bị can hoặc người đại diện của bị can (Điều 240); quyết định đưa vụ án ra xét xử được giao cho bị cáo hoặc người đại diện của họ; gửi cho người bào chữa, bị hại, đương sự chậm nhất là 10 ngày trước khi mở phiên tòa... (Điều 286). Trong thực tế, nhiều trường hợp bị cáo không nhận được cáo trạng, quyết định đưa vụ án ra xét xử hoặc nhận được nhưng không đảm bảo thời hạn luật định và khi bị cáo yêu cầu hoãn phiên tòa để đảm bảo quyền của mình thì BLTTHS năm 2015 chưa quy định cụ thể. Trong khi đó, Điều 201 BLTTHS năm 2003 quy định: “...Trong trường hợp bị cáo chưa được giao nhận bản cáo trạng theo quy định tại khoản 2 Điều 49 và quyết định đưa vụ án ra xét xử trong thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 182 của Bộ luật này và nếu bị cáo yêu cầu thì Hội đồng xét xử phải hoãn phiên tòa”.
Vì vậy, cần bổ sung quy định hoãn phiên tòa trong trường hợp bị cáo chưa được giao nhận bản cáo và quyết định đưa vụ án ra xét xử trong thời hạn quy định vào trong quy định của BLTTHS.
Thứ sáu, quy định về cam đoan của người làm chứng tại Điều 304 BLTTHS. Theo đó sau khi giải thích quyền và nghĩa vụ thì chủ tọa phiên tòa yêu cầu người làm chứng cam đoan khai báo trung thực, tuy nhiên đối với người làm chứng là người dưới 16 tuổi thì trình độ nhận thức vẫn còn hạn chế. Do đó, tác giả cho rằng, với người dưới 16 tuổi không cần cam đoan khai báo trung thực là phù hợp với đặc điểm nhân thân, trình độ nhận thức của chủ thể này và cần cụ thể hóa trong quy định của BLTTHS.
Kiến nghị hoàn thiện
Từ những sự phân tích về các hạn chế, bất cập trong quy định của BLTTHS nêu trên chúng tôi kiến nghị hoàn thiện một số quy định như sau:
Thứ nhất, bỏ quy định thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự của Hội đồng xét xử, theo tác giả quy định tại khoản 4 Điều 153 BLTTHS về thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự, sửa đổi, bổ sung như sau: “Hội đồng xét xử kiến nghị Viện Kiểm sát khởi tố vụ án hình sự nếu qua việc xét xử tại phiên tòa mà phát hiện có việc bỏ lọt tội phạm”.
Thứ hai, sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 2 Điều 277 BLTTHS như sau: “Đối với vụ án được trả lại để yêu cầu điều tra bổ sung trường hợp Viện Kiểm sát ban hành Cáo trạng mới thì thời hạn xét xử thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều này”.
Thứ ba, cần bổ sung quy định về quyền và nghĩa vụ của Điều tra viên và Kiểm sát viên tại phiên tòa như sau: “Điều tra viện, Kiểm sát viên khi tham gia phiên tòa có các quyền và nghĩa vụ sau đây:
1. Về quyền.
a. Được thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ quy định;
b. Trình bày về những vấn đề liên quan đến vụ án; trình bày ý kiến để làm rõ những quyết định, hành vi tố tụng trong giai đoạn điều tra, truy tố;
c. Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
2. Về nghĩa vụ.
a. Có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án trường hợp vắng mặt vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì báo ngay cho Tòa án biết;
b. Chấp hành quyết định, yêu cầu của Tòa án”.
Đồng thời cần quy định trường hợp vắng mặt Điều tra viên và Kiểm sát viên tại phiên tòa thuộc trường hợp hoãn phiên tòa theo quy định Điều 297 BLTTHS.
Thứ tư, cần bổ sung quy định tại khoản 4 Điều 297 BLTTHS về hoãn phiên toà: “Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử xét thấy có căn cứ hoãn phiên tòa thì Chánh án Tòa án ra quyết định hoãn phiên tòa theo đề nghị của Thẩm phán”.
Thứ năm, kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 1 Điều 297 BLTTHS: “...Trong trường hợp bị cáo chưa được giao nhận bản cáo trạng theo quy định tại khoản 2 Điều 240 và quyết định đưa vụ án ra xét xử quy định tại khoản 1 Điều 286 theo thời hạn trong quy định của Bộ luật này và nếu bị cáo yêu cầu thì Hội đồng xét xử phải hoãn phiên tòa”.
Thứ sáu, cần sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 1 Điều 304 BLTTHS về cam đoan của người làm chứng, cách ly người làm chứng như sau: “Sau khi giải thích quyền và nghĩa vụ cho người làm chứng, chủ tọa phiên tòa yêu cầu người làm chứng phải cam đoan khai báo trung thực, trừ trường hợp người làm chứng là người dưới 16 tuổi”.
TRẦN VĂN HÙNG
Tòa án Quân sự Khu vực quân khu 4