/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Một số vướng mắc khi áp dụng Điều 146 Bộ luật Hình sự về tội “Dâm ô người dưới 16 tuổi”

Một số vướng mắc khi áp dụng Điều 146 Bộ luật Hình sự về tội “Dâm ô người dưới 16 tuổi”

01/07/2023 07:07 |

(LSVN) - Hành vi dâm ô trẻ em là hành vi xâm phạm đến quyền được bảo vệ thân thể, danh dự và nhân phẩm của người khác. Đồng thời, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển bình thường về tâm, sinh lý của trẻ em. Hành vi này rất nguy hiểm cho xã hội nên đã được Nhà nước quy định là tội phạm tại Điều 146 Bộ luật Hình sự 2015. Tuy nhiên trong thực tiễn việc xử lý loại tội phạm này vẫn còn một số vướng mắc nhất định trong trường hợp người phạm tội là người đồng tính, song tính, chuyển giới.

Ảnh minh họa.

Quy định của pháp luật 

Khách thể của tội "Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi"

Tội phạm dâm ô đối với người dưới 16 tuổi đã xâm phạm đến quyền được bảo vệ về thân thể, nhân phẩm, danh dự, quyền được giáo dục, vui chơi, phát triển lành mạnh của người bị hại dưới 16 tuổi.

Chủ thể của tội "Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi"

Chủ thể của dâm ô đối với người dưới 16 tuổi là chủ thể thường, có thể là nam hoặc nữ, nhưng chủ yếu là nam và là người từ đủ 18 tuổi trở lên, và có năng lực trách nhiệm hình sự.

Mặt khách quan của tội "Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi"

Đó là hành vi liên quan tới tình dục nhưng không phải là giao cấu. Những hành vi đó có đặc điểm thoả mãn hoặc khiêu gợi, khiêu dâm, kích thích nhu cầu tình dục, ham muốn tình dục; hành vi này được thể hiện cụ thể như: Có hành vi kích dục đối với trẻ em như sờ, nắn, bóp hay dùng các bộ phận nhạy cảm về tình dục cọ sát vào cơ thể hoặc bộ phận sinh dục của trẻ em; có hành vi bắt, ép trẻ em sờ, bóp, cọ sát,… vào những bộ phận kích thích tình dục hoặc bộ phận sinh dục của người phạm tội hoặc của người khác.

Các hành vi của người phạm tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi phải là chưa hoặc không có mục đích giao cấu. Nếu có ý định giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với nạn nhân nhưng không giao cấu hoặc không thực hiện hành vi đó được thì không phải là hành vi dâm ô mà tùy trường hợp cụ thể mà người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Hiếp dâm người dưới 16 tuổi", tội "Cưỡng dâm người từ 13 đến dưới 16 tuổi" hoặc tội "Giao cấu với người dưới 16 tuổi". Trẻ em bị dâm ô có thể đồng tình, tự nguyện hoặc bị cưỡng ép thực hiện hành vi dâm ô với người phạm tội.

Việc tự nguyện của nạn nhân không phải là căn cứ loại trừ trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội bởi vì độ tuổi và nhận thức của nạn nhân chưa đầy đủ, chưa được xem là vị thành niên để đủ lý trí xác định được việc bản thân đang bị xâm hại. Do đó, việc xử lý hành vi dâm ô không xem xét về yếu tố tự nguyện của nạn nhân mà chỉ xem xét độ tuổi của nạn nhân. Đối tượng của hành vi dâm ô ở tội này là người dưới 16 tuổi. Tội "Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi" là tội có cấu thành hình thức, tức là khi xử lý loại tội này chỉ không xem xét tới hậu quả hay nói cách khác là tổn hại do người phạm tội gây ra. Nếu một người chỉ có ý định thực hiện hành vi dâm ô nhưng chưa có một hành vi khách quan nào biểu hiện ra thực tiễn thì sẽ không cấu thành tội này.

Mặt chủ quan của tội "Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi"

Người phạm tội "Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi" thực hiện hành vi phạm tội với lỗi cố ý trực tiếp.

Tùy vào mức độ nguy hiểm và hậu quả của hành vi phạm tội gây ra mà người phạm tội "Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi" có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo 01 trong 04 khung hình phạt tương ứng với 01 trong 04 khoản của Điều 146 Bộ luật Hình sự.

Một số vướng mắc trong thực tiễn.

Một là, rất khó để xác định hành vi bị nghi là phạm tội của người thuộc cộng đồng đồng tính, song tính và chuyển giới có phải là hành vi dâm ô với trẻ em hay chỉ là hành vi thể hiện tình cảm đơn thuần, thông thường những tội danh liên quan tới vấn đề xâm hại tình dục thì các đối tượng trong xã hội sẽ là giữa hai đối tượng có giới tính được khoa học và pháp luật ấn định là nam và nữ (trong trường hợp này xác định rất dễ xu hướng tính dục).

Tuy nhiên chưa có một tài liệu về y khoa hoặc pháp luật nào hướng dẫn về việc xác định xu hướng tính dục của của người đồng tính, song tính, chuyển giới, thậm chí cả những người đồng tính, song tính, chuyển giới cũng không thể xác định được xu hướng tính dục của mình, khi có vụ việc xảy ra, trong quá trình tiến hành tố tụng, những người tiến hành tố tụng do ít nghiên cứu về vấn đề này kết hợp với thái độ cá nhân của họ (ủng hộ hoặc thù ghét, kì thị) đối với cộng đồng người này là khác nhau nên rất dễ dẫn tới tình trạng giải quyết vụ án theo lối chủ quan, cảm tính.

Hai là,việc người đồng tính, song tính, chuyển giới che giấu xu hướng tính dục thực sự của bản thân là một thách thức lớn trong việc phòng ngừa tội phạm. Trong thực tiễn, nếu người thực hiện hành vi dâm ô trẻ em mà cố ý che giấu xu hướng tính dục của bản thân thì khó có thể xác định được có hành vi phạm tội hay không, khi không chứng thể minh được mục đích của người phạm tội. Nếu họ đã công khai với một số người hoặc trên các phương tiện khác thì cơ quan tiến hành tố tụng sẽ có cơ sở để thu thập chứng cứ buộc tội. 

Ngoài ra khó khăn về tâm lý, rào cản, định kiến xã hội cũng khiến người đồng tính, song tính, chuyển giới lo ngại khi công khai xu hướng tính dục. Ở một góc độ nào đó, theo tác giả xã hội nên cảm thông cho những người thuộc cộng đồng người đồng tính, song tính, chuyển giới để họ có thể bớt mặc cảm, lo sợ từ đó sẵn sàng công khai xu hướng tình cảm, suy nghĩ của bản thân. Nếu nhìn từ góc độ pháp luật, chính rào cản của xã hội tạo ra nỗi lo sợ về tâm lý cho cộng đồng người này đã làm cho việc xác định tội phạm rất khó khăn có thể làm oan sai hoặc bỏ lọt tội phạm. Từ đó dễ dẫn đến những hậu quả lớn và dư luận xấu gây ảnh hưởng tới sự ổn định của xã hội.

Ba là, khi nghiên cứu các đạo luật nền tảng như Hiến pháp, Bộ luật Dân sự tác giả thấy rằng không có bất cứ một quy định nào hướng dẫn trong trường hợp này nên Bộ luật Hình sự cũng không quy định người đồng tính, song tính, chuyển giới là chủ thể đặc biệt của tội phạm hoặc tình tiết tăng nặng nên những người thuộc cộng đồng này có thể lợi dụng “kẽ hở” để thực hiện hành vi phạm tội trong khi ra sức che giấu xu hướng tính dục của mình.

Kiến nghị giải pháp

Một là, mặc dù Nghị quyết 06/2019 có quy định chủ thể phạm tội "Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi" có thể là “người cùng giới tính hoặc khác giới tính” với người bị hại, thực hiện các hành vi tiếp xúc “có tính chất tình dục” nhưng “không nhằm quan hệ tình dục”, điều đó đã gián tiếp thừa nhận chủ thể phạm tội "Dâm ô" có thể là người đồng tính, song tính, chuyển giới, tuy nhiên lại không có hướng dẫn cụ thể các dấu hiệu giúp xác định “có tính chất tình dục” ở nhóm người này được thực hiện như thế nào, vì thế gây khó khăn cho cơ quan tiến hành tố tụng khi xác định hành vi, động cơ, mục đích phạm tội. 

Đây là điểm mấu chốt hơn cả giúp cơ quan tiến hành tố tụng thuận lợi trong việc đánh giá chứng cứ để chứng minh có hay không nhu cầu tình dục, làm cơ sở định tội đúng đối với hành vi có dấu hiệu dâm ô đối với người dưới 16 tuổi, là công cụ quan trọng nhất để nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng chống tội phạm tình dục từ góc độ người đồng tính, song tính, chuyển giới.

Theo tác giả, trong thời gian tới, cấp có thẩm quyền cần xem xét quy định người đồng tính, song tính, chuyển giới thành một quy định riêng trong văn bản pháp luật, từ đó mới có cơ sở pháp lý vững chắc để giải quyết các vấn đề pháp lý khi có sự việc vi phạm pháp luật xảy ra.

Hai là, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữ các cơ quan tiến hành tố tụng với bị hại, gia đình bị hại để có thể thu thập chứng cứ nhằm xác định xu hướng tính dục của người phạm tội. Tức là phải xác định được hành vi khách quan của người phạm tội đối với nạn nhân là như thế nào từ đó mới có cơ sở kết luận về xu hướng tính dục của họ, nếu nạn nhân và gia đình nạn nhân lo sợ ảnh hưởng tới danh dự của gia đình và tâm lý của trẻ em mà không hợp tác thì đây thực sự là một thách thức lớn khi căn cứ buộc tội chỉ là lời khai của người phạm tội mà thiếu chứng cứ khách quan khác, từ đó sẽ làm bỏ lọt tội phạm. Để làm được điều này đòi hỏi các cơ quan và người tiến hành tố tụng cần có hiểu biết sâu rộng về khoa học giới tính, tâm lý học, xã hội học, tâm lý gia đình và trẻ em.

Ba là, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc giám định, xác định chứng cứ, dấu vết thân thể (khoa học hình sự) để xác định có hay không hành vi phạm tội xảy ra, hành vi đó của người bị nghi là phạm tội liệu có mang tính chất tình dục hay không (tránh được việc buộc tội hoặc gỡ tội chỉ căn cứ vào lời khai của bị hại, bị cáo và gia đình bị hại). Để làm được điều này thì cần phải tổ chức học tập, nâng cao kỹ năng của người tiến hành tố tụng, đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị trong việc giám định dấu vết phạm tội nói riêng và khoa học hình sự nói chung, có như vậy mới dần khắc phục được những thách thức đặt ra.

Bốn là, cần nâng cao hiệu quả hoạt động của mô hình Toà chuyên trách Gia đình và người chưa thành niên, nâng cao chất lượng tuyển chọn Thẩm phán chuyên trách là những người có hiểu biết sâu rộng về gia đình và trẻ em để có thể giải quyết triệt để, khai thác toàn diện được những dấu hiệu về vụ án và những vấn đề phát sinh trong quá trình tố tụng, tạo cơ hội để trẻ em sẵn sàng hợp tác, bộc lộ những vấn đề cần thiết cho quá trình xét xử để làm rõ sự thật của vụ án. Từ đó vừa giúp giải quyết triệt để vụ án vừa tránh được việc oan sai, bỏ lọt tội phạm.

VŨ VIỆT PHƯƠNG

Toà án Quân sự khu vực Quân khu 1

Tội ‘Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi’: Lý luận và thực tiễn

Bùi Thị Thanh Loan