/ Trao đổi - Ý kiến
/ ‘Mời Luật sư’ đến vùng dịch Covid-19 để tham dự buổi hỏi cung bị can: Quy định còn nhiều vướng mắc, bất cập

‘Mời Luật sư’ đến vùng dịch Covid-19 để tham dự buổi hỏi cung bị can: Quy định còn nhiều vướng mắc, bất cập

01/01/0001 00:00 |

(LSO) - Hiện nay, pháp luật chưa có quy định về việc tạm ngừng việc điều tra do các nguyên nhân khách quan như bệnh dịch, thiên tai, lũ lụt,… mà chỉ có thủ tục tạm đình chỉ điều tra trong một số trường hợp theo quy định pháp luật. Vì vậy, đây có thể coi là vướng mắc, khó khăn cho người bào chữa khi thực hiện quyền bào chữa của mình theo quy định pháp luật để nhằm đảo bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho bị can, bị cáo mà mình tham gia bào chữa.

Ảnh minh họa.

Liên quan đến việc Luật sư được Cơ quan điều tra mời đến vùng dịch Quảng Nam dự cung trong thời điểm dịch bệnh phức tạp như hiện nay. Cụ thể, theo phản ánh, Luật sư TBH thuộc Đoàn Luật sư TP. HCM cho biết ông là Luật sư bào chữa cho bị can NVT, người bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Nam khởi tố về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Việc CQĐT thông báo cho người bào chữa về việc tiến hành hoạt động điều tra trong lúc tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại vùng dịch Quảng Nam sẽ gây khó khăn đối với Luật sư. Việc Luật sư di chuyển đến vùng dịch dự cung và sau đó quay trở lại TP. HCM có thể sẽ bị cách ly tập trung hoặc phải tự cách ly tại nhà. Nếu việc này xảy ra, Luật sư sẽ phải tạm dừng các công việc để đảm bảo các yêu cầu phòng, chống dịch.

Đánh giá về vấn đề này, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp cho rằng dưới góc độ pháp lý, theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự thì trong giai đoạn điều tra, Cơ quan điều tra được quyền thực hiện các hoạt động điều tra như hỏi cung, lấy lời khai của bị can, bị cáo… để phục vụ quá trình điều tra theo quy định. Đồng thời, người bào chữa cho bị can, bị cáo có quyền có mặt tại các buổi hỏi cung theo quy định tại Điều 73 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.

Tuy nhiên, hiện nay khi tình hình dịch bệnh tại một số địa phương đang có diễn biến phức tạp thì việc hỏi cung trong giai đoạn này sẽ khiến cho người bào chữa gặp nhiều khó khăn khi phải di chuyển vào vùng có dịch và thậm chí có thể phải cách ly. Cụ thể, trước khi đi, Luật sư có thể phải báo cáo và xin phép chính quyền địa phương nơi Luật sư đang sinh sống theo quy định của tỉnh, thành phố đó vì di chuyển đến vùng có dịch. Khi đến địa phương đang có dịch, Luật sư phải khai báo và tuân thủ các quy định nghiêm ngặt mà chưa chắc đã được phép vào vùng dịch. Sau khi kết thúc việc hỏi cung Luật sư có thể mắc kẹt tại chính địa phương đang có dịch vì lệnh phong tỏa không cho người đi ra khỏi vùng dịch. Sau đó, Luật sư thậm chí thực hiện việc cách ly tập trung hoặc cách ly tại nhà gây rất nhiều khó khăn và tốn kém chi phí.

Mặt khác, theo Luật sư Cường, hiện nay, pháp luật cũng chưa có quy định về việc tạm ngừng việc điều tra do các nguyên nhân khách quan như bệnh dịch, thiên tai, lũ lụt,… mà chỉ có thủ tục tạm đình chỉ điều tra trong một số trường hợp theo quy định pháp luật.

Vì vậy, đây có thể coi là vướng mắc, khó khăn cho người bào chữa khi thực hiện quyền bào chữa của mình theo quy định pháp luật để nhằm đảo bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho bị can, bị cáo mà mình tham gia bào chữa. Do đó, trong trường hợp này thì người bào chữa có thể kiến nghị với cơ quan điều tra về việc dời lịch buổi hỏi cung để có thể tham gia theo đúng quy định pháp luật. Đồng thời, phía cơ quan điều tra cũng nên tạo điều kiện để người bào chữa có thể thực hiện quyền của mình theo quy định, Luật sư Cường kiến nghị.

Đồng quan điểm với Luật sư Cường, Luật sư Trần Văn An - Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Giang cũng cho rằng dưới góc độ pháp luật, luật chưa dự liệu và chưa có quy định cụ thể về trường hợp này. Điểm c, khoản 2 Điều 73, BLTTHS quy định về nghĩa vụ của người bào chữa: Không được từ chối bào chữa cho người bị buộc tội mà mình đã đảm nhận bào chữa nếu không vì lý do bất khả kháng hoặc không phải do trở ngại khách quan.

Theo điều luật, có thể hiểu Luật sư có quyền từ chối bào chữa vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan. Từ chối bào chữa được hiểu là chấm dứt bào chữa và cũng có thể hiểu là từ chối tham gia một hoạt động tố tụng cụ thể mà trong trường hợp này là từ chối tham dự buổi hỏi cung. Nhưng điều luật không quy định trường hợp từ chối bào chữa vì dịch bệnh gây khó khăn cho hoạt động Luật sư.

Theo Luật sư An, về phía Luật sư, trong bối cảnh cách xa về địa lý, quy định về phòng chống dịch, các phương tiện giao thông đường hàng không, đường bộ, đường thủy.. . bị hạn chế. Luật sư dù có muốn cũng không thể có mặt sau khi nhận thông báo một vài ngày thậm chí là hàng chục ngày. Điều 73, BLTTHS quy định về quyền của Luật sư là có mặt khi hỏi cung bị can. Do đó, trường hợp này Luật sư không đủ điều kiện để có thể thực hiện quyền của mình.

Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, toàn dân, toàn quân đã và đang tích cực dồn nguồn lực để ngăn chặn, phòng chống dịch Covid-19. Trong bối cảnh đó, thiết nghĩ việc vận dụng, áp dụng linh hoạt quy định của BLTTHS, vừa đảm bảo tiến độ điều tra, phòng chống tội phạm, vừa đảm bảo quyền lợi của bị can, quyền hành nghề của Luật sư và trên hết thể hiện tính nhân văn của pháp luật xã hội chủ nghĩa là hết sức cần thiết, Luật sư An chia sẻ.

THANH THANH

/moi-luat-su-den-vung-dich-covid-19-de-tham-du-buoi-hoi-cung-bi-can-nen-hay-khong-nen.html