Một số bất cập cần bổ sung sửa đổi Luật Phá sản 2014

10/04/2020 02:32 | 4 năm trước

(LSO) - Luật Phá sản số 51/2014/QH13 ngày 19/6/2014 là một định chế tư pháp trong nền kinh tế thị trường. Luật này quy định về trình tự, thủ tục nộp đơn, thụ lý và mở thủ tục phá sản; xác định nghĩa vụ về tài sản và biện pháp bảo toàn tài sản trong quá trình giải quyết phá sản; thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh; tuyên bố phá sản và thi hành quyết định tuyên bố phá sản áp dụng­ đối với phá sản doanh nghiệp và hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã... Tuy nhiên, qua thực tiễn thi hành áp dụng luật này có nhiều bất cập, hạn chế chưa được dự liệu giải quyết những tồn tại và phát sinh trong thực tế đối với vụ việc phá sản doanh nghiệp. Hoàn thiện pháp luật về phá sản và hoàn thiện thủ tục tư pháp về phá sản là yêu cầu bức thiết để xử lý các vấn đề cấp bách hiện nay khi giải quyết vụ việc phá sản.

Một số bất cập cần bổ sung sửa đổi Luật Phá sản 2014.

Qua thực tiễn thực hiện nhiệm vụ của Quản tài viên trong ba (03) vụ việc phá sản doanh nghiệp tại Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu theo các quyết định chỉ định Quản tài viên:  (1) Số 01/2018/QĐ-CĐ ngày 12/9/2018 trong vụ việc phá sản đối với Công ty TNHH JLG Việt Nam theo Quyết định mở thủ tục phá sản số 01/2018/QĐ-MTTPS ngày 12/9/2018, Quyết định tuyên bố phá sản số 01/2019/QĐ-TBPS ngày 02/8/2019; (2) Số 02/2018/QĐ-CĐ ngày 12/9/2018 trong vụ việc phá sản đối với Công ty TNHH Gốm sứ Mỹ Xuân theo Quyết định mở thủ tục phá sản số 02/2018/QĐ-MTTPS ngày 12/9/2018; (3) Số 03/2018/QĐ-CĐ ngày 12/9/2018 trong vụ việc phá sản đối với Công ty TNHH Đóng tàu và cơ khí hàng hải Sài Gòn (Sofel) theo Quyết định mở thủ tục phá sản số 03/2018/QĐ-MTTPS ngày 12/9/2018.

Chúng tôi nêu ra các vấn đề cấp bách, cần thiết được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung pháp luật phá sản sau đây:

1. Về chỉ định Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản

1.1. Trong chế định thủ tục phá sản, Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản  (sau đây gọi tắt chung là “Quản tài viên”) là người tiến hành thủ tục phá sản thực hiện quản lý, thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán trong quá trình giải quyết phá sản (Khoản 7, 8 ,9 Điều 4).  

Theo quy định Luật Phá sản số 51/2014/QH13, chỉ có người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá  sản mới có quyền đề xuất chỉ định Quản tài viên (khoản 2 Điều 19; khoản 3 Điều 26; khoản 3 Điều 27; khoản 4 Điều 28; khoản 2 Điều 29 Luật Phá sản). Một trong những căn cứ bắt buộc để Thẩm phán ra quyết định chỉ định Quản tài viên là phải căn cứ theo đề xuất chỉ định của người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản (điểm b khoản 2 Điều 45 Luật Phá sản).

Trong thực tế xảy ra các trường hợp Thẩm phán ra quyết định chỉ định Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản (gọi tắt là “Công ty”) như sau:

- Trường hợp thứ nhất: Người nộp đơn đề xuất chỉ định đích danh duy nhất một Quản tài viên thực hiện quản lý, thanh lý tài sản; Thẩm phán căn cứ vào đề xuất đó ban hành quyết định chỉ định đích danh Quản tài viên đó;

- Trường hợp thứ hai: Người nộp đơn chỉ định đích danh duy nhất một Công ty thực hiện quản lý, thanh lý tài sản; Thẩm phán căn cứ vào đề xuất đó ban hành quyết định chỉ định đích danh Công ty;

- Trường hợp thứ ba: Người nộp đơn chỉ định đích danh một Quản tài viên và một Công ty (các bên độc lập) thực hiện quản lý, thanh lý tài sản; Thẩm phán căn cứ vào đề xuất đó ban hành một quyết định chỉ định đích danh Quản tài viên đó và một quyết định chỉ định đích danh Công ty đó;

- Trường hợp thứ tư: Người nộp đơn đề xuất chỉ định đích danh duy nhất một Quản tài viên thực hiện quản lý, thanh lý tài sản; Thẩm tài phán căn cứ vào đề xuất đó ban hành quyết định chỉ định đích danh Quản viên đó; xong  Quản tài viên được chỉ định đó lại tiếp tục đề xuất Thẩm phán chỉ định thêm một Quản tài viên nữa và Thẩm phán ban hành thêm quyết định chỉ định thêm Quản tài viên;

Việc chỉ định Quản tài viên, Công ty thực hiện quản lý, thanh lý tài sản của doanh nghiệp như trường hợp 1 & 2 là đúng theo quy định, đơn giản, không vướng mắc.

Các vấn đề đặt ra

Việc chỉ định Quản tài viên, Công ty thực hiện quản lý, thanh lý tài sản của doanh nghiệp như trường hợp 3 và 4 có đúng quy định không? Trong vụ việc phá sản, người nộp đơn được quyền chỉ định bao nhiêu Quản tài viên, bao nhiêu Công ty thực hiện quản lý, thanh lý tài sản của doanh nghiệp? có được quyền chỉ định cả hai vừa Quản tài viên, vừa Công ty thực hiện quản lý, thanh lý tài sản của doanh nghiệp?

Luật Phá sản số 51/2014/QH13 không hạn chế, không cấm việc người nộp đơn chỉ định số lượng Quản tài viên, Công ty thực hiện quản lý, thanh lý tài sản của doanh nghiệp, cũng không quy định rõ số lượng Quản tài viên, Công ty thực hiện quản lý, thanh lý tài sản của doanh nghiệp trong quá trình giải quyết vụ việc phá sản, đã dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau, phát sinh rắc rối và phức tạp về trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ các bên thực hiện quản lý, thanh lý tài sản của doanh nghiệp.

Ngoài người nộp đơn ra thì không còn ai có quyền đề xuất chỉ định Quản tài viên. Trường hợp Quản tài viên bị thay đổi theo khoản 1 Điều 46 Luật phá sản, thì ai có quyền chỉ định Quản tài viên mới (nếu như người nộp đơn không đề xuất chỉ định)? 

2. Về thời hạn gửi giấy đòi nợ, mất quyền đòi nợ

Việc nộp giấy đòi nợ được quy định tại khoản 1 Điều 66 Luật Phá sản như sau: “1. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày TAND ra quyết định mở thủ tục phá sản, chủ nợ phải gửi giấy đòi nợ cho Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.

Thực tế, tại hầu hết các quyết định mở thủ tục phá sản của tòa án luôn quy định: chủ nợ phải gửi giấy đòi nợ cho tòa án trong thời hạn 30 ngày, khi hết thời hạn này mà không có lý do chính đáng thì chủ nợ bị mất quyền đòi nợ (từ bỏ quyền đòi nợ).

Trong vụ việc phá sản Công ty Sofel (điển hình), Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu yêu cầu chủ nợ phải nộp giấy đòi nợ  (hồ sơ về khoản nợ) trực tiếp tại tòa án, toàn bộ hồ sơ chủ nợ do tòa án quản lý lưu giữ, sau đó Quản tài viên phải đến tòa án xem hồ sơ để lập danh sách chủ nợ; sau khi hết thời hạn 30 ngày gửi giấy đòi nợ tòa án vẫn tiếp tục nhận giấy đòi nợ (không giới hạn) và yêu cầu Quản tài viên bổ sung vào danh sách chủ nợ khi phát sinh chủ nợ mới.

Vấn đề thực tiển đặt ra

- Giấy đòi nợ (hồ sơ về khoản nợ) chủ nợ phải nộp cho Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản hay là nộp cho Tòa án?;

- Chủ nợ có bị mất quyền đòi nợ khi hết thời hạn 30 ngày nộp giấy đòi nợ?

- Chủ nợ được quyền nộp giấy đòi nợ cho đến thời điểm nào?

- Đối với chủ nợ là người được thi hành án thì có phải nộp giấy đòi nợ?

- Chủ nợ có được quyền đọc, ghi chép, sao chụp đối với hồ sơ đòi nợ của chủ nợ khác?

Đối với việc nộp, nhận hồ sơ đòi nợ, trong quá trình giải quyết các vụ việc phá sản, Tòa án quy định việc nộp giấy đòi nợ tại Tòa án, chứ Tòa án không thực hiện quy định nộp giấy đòi nợ cho Quản tài viên như quy định của luật pháp sản. Do đó việc luật phá sản quy định việc nộp, nhận giấy đòi nợ tại Quản tài viên là không thực tế, bất khả thi. Chúng tôi thấy rằng, luật phá sản nên sửa đổi thống nhất theo hướng chủ nợ nộp giấy đòi nợ (hồ sơ về khoản nợ) tại Tòa án nhằm để bảo đảm an toàn trong việc quản lý lưu giữ hồ sơ phá sản (hồ sơ đòi nợ thuộc tính chất của chứng cứ).

Đối với việc tòa án quy định  khi hết thời hạn 30 ngày mà chủ nợ không nộp giấy đòi nợ thì bị mất quyền đòi nợ (từ bỏ quyền đòi nợ) là không phù hợp quy định của pháp luật phá sản hiện hành bởi lẽ Luật Phá sản số 51/2014/QH13  hoàn toàn không quy định điều này, do đó Tòa án không có quyền tước bỏ quyền đòi nợ của chủ nợ sau khi hết thời hạn 30 ngày gửi giấy đòi nợ (Phân biệt với Luật phá sản năm 2004 quy định tại khoản 1 Điều 51, chủ nợ phải gửi giấy đòi nợ cho Toà án trong thời hạn 60 ngày, hết thời hạn này các chủ nợ không gửi giấy đòi nợ thì được coi là từ bỏ quyền đòi nợ).

Thực tế cũng có những trớ trêu là không phải tất cả chủ nợ đều mong muốn doanh nghiệp bị phá sản, do đó họ chần chừ đắn đo trong tình thế phải nộp giấy đòi nợ (ví dụ Công ty Sofel bị một chủ nợ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, nhưng còn nhiều chủ nợ khác thì không muốn Công ty Sofel bị mở thủ tục phá sản). Ngoài ra cũng có thể phát sinh chủ nợ tiềm năng đối với các trường hợp doanh nghiệp đang bị mở thủ tục phá sản là bên bảo lãnh thế chấp tài sản bảo đảm cho nghĩa vụ của bên thứ ba (ví dụ như trường hợp Công ty Sofel dùng tài sản của mình đem thế chấp bảo đảm cho khoản nợ của Công ty SMV vay tại Ngân hàng BIDV).

Mặt khác, việc tước bỏ quyền đòi nợ theo thời hạn ấn định của việc nộp giấy đòi nợ còn trái với quy định  tại khoản 1 Điều 110 Luật Phá sản (Điều 110. Nghĩa vụ về tài sản sau khi có quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản: 1. Quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản quy định tại các điều 105, 106 và 107 của Luật này không miễn trừ nghĩa vụ về tài sản của chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh của công ty hợp danh đối với chủ nợ chưa được thanh toán nợ, trừ trường hợp người tham gia thủ tục phá sản có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác).

Do đó, nhằm trách những cách hiểu khác nhau, không thống nhất về chúng tôi kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định về quyền đòi nợ theo hướng không hạn chế thời hạn nộp giấy đòi nợ cho đến khi ban hành quyết định tuyên bố phá sản.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 71 Luật Phá sản, khi tòa án ra quyết định mở thủ tục phá sản, cơ quan thi hành án dân sự phải ra quyết định đình chỉ và chuyển hồ sơ vụ việc cho TAND đang tiến hành thủ tục phá sản để giải quyết. Như vậy đối với chủ nợ là người được thi hành án thì có phải nộp giấy đòi nợ hay không? Theo chúng tôi, người được thi hành án là chủ nợ đương nhiên nên không cần phải nộp giấy đòi nợ, tuy nhiên cần quy định rõ trong điều luật.

Ngoài ra đối với các trường hợp tòa án, trọng tài, cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định đình chỉ và chuyển hồ sơ vụ việc cho TAND đang tiến hành thủ tục phá sản để giải quyết thì việc xác định chủ nợ như thế nào, theo trình tự thủ tục nào? Đối với chủ nợ là người được thi hành án mà sau đó cấp giám đốc thẩm, tái thẩm hủy bản án, quyết định đó thì giải quyết như thế nào?.

Thực tế xảy ra nhiều trường hợp chủ nợ này yêu cầu được đọc, ghi chép, sao chụp đối với hồ sơ đòi nợ của chủ nợ khác. Tại khoản 5 Điều 18 Luật Phá sản quy định người tham gia thủ tục phá sản được biết và ghi chép, sao chụp tài liệu, chứng cứ do người tham gia thủ tục phá sản khác xuất trình hoặc do thẩm phán thu thập. Tuy nhiên, đối với việc chủ nợ có được quyền đọc, ghi chép, sao chụp đối với hồ sơ đòi nợ của chủ nợ khác hay không thì chưa được quy định rõ trong luật phá sản. Nhằm để bảo vệ thông tin tài sản, thông tin giao dịch của chủ nợ, chúng tôi đề xuất quy định rõ là chủ nợ không được quyền đọc, ghi chép, sao chụp đối với hồ sơ đòi nợ của chủ nợ khác.

3. Về thanh toán thù lao, chi phí Quản tài viên đối với trường hợp thực hiện nghĩa vụ bù trừ

Bù trừ nghĩa vụ giữa doanh nghiệp bị mở thủ tục phá sản với chủ nợ vụ đối với hợp đồng được xác lập trước khi có quyết định mở thủ tục phá sản được quy định tại Điều 63 Luật Phá sản, thực hiện theo quy định tại Điều 378 Bộ luật dân sự. Việc thực hiện bù trừ nghĩa vụ phải được sự đồng ý của Quản tài viên; Quản tài viên báo cáo thẩm phán về việc thực hiện bù trừ nghĩa vụ.

Như vậy, Quản tài viên tham gia làm việc và chịu trách nhiệm trong quá trình thực hiện nghĩa vụ bù trừ nên mất nhiều thời gian, công sức, thậm chí phải định giá tài sản để làm cơ sở cân đối nghĩa vụ bù trừ, thế nhưng trong trường hợp này Quản tài viên không được thanh toán thù lao, chi phí.

Nghị định số 22/2015/NĐ-CP ngày 16/2/2015 của Chính Phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phá sản, quy định chi phí Quản tài viên  được thanh toán từ giá trị tài sản thu được sau khi thanh lý.

Vấn đề đặt ra, nếu trường hợp sau khi thực hiện nghĩa vụ bù trừ mà doanh nghiệp bị mở thủ tục phá sản không còn tài sản thì ai thanh toán chi phí Quản tài viên, chi phí phá sản giải quyết như thế nào nếu rơi vào trường hợp này? Cần lưu ý rằng, các trường hợp tương tự như thế này là rất phổ biến trong thực tiển phá sản doanh nghiệp.

4. Về thanh toán thù lao, chi phí Quản tài viên đối với trường hợp cho thanh toán nợ có bảo đảm bằng tài sản bảo đảm

Về thanh toán nợ có bảo đảm bằng tài sản bảo đảm của doanh nghiệp bị mở thủ tục phá sản cho chủ nợ có bảo đảm được quy định tại Điều 53 Luật phá sản; Mục 9 hướng dẫn Điều 41 và Điều 53 Luật phá sản tại Công văn 152/TANDTC-PC  ngày 19/7/2017 của TANDTC V/v giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng, xử lý nợ xấu; Điều 8 Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của HĐTP-TANDTC Quy định xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm theo NQ.42/QH.

Theo quy định sau khi mở thủ tục phá sản, Quản tài viên đề xuất Thẩm phán về việc xử lý khoản nợ có bảo đảm đối với các trường hợp thuộc quy định tại khoản 1, 2 Điều 53 Luật Phá sản;  đối với khoản nợ có bảo đảm được xác lập trước khi Tòa án nhân dân thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản được thanh toán bằng tài sản bảo đảm đó (khoản 3 Điều 53). Như vậy, Quản tài viên tham gia làm việc và chịu trách nhiệm trong quá trình Tòa án quyết định cho thanh toán nợ có bảo đảm bằng tài sản bảo đảm nên mất nhiều thời gian, công sức, thậm chí phải định giá tài sản để làm cơ sở cân đối chênh lệch giá trị, tham gia bàn giao tài sản thanh cho chủ nợ…, thế nhưng trong trường hợp này Quản tài viên không được thanh toán thù lao, chi phí theo Nghị định số 22/2015/NĐ-CP ngày 16/2/2015.

Vấn đề đặt ra, nếu trường hợp sau khi thực hiện thanh toán nợ có bảo đảm bằng toàn bộ tài sản bảo đảm mà doanh nghiệp không còn tài sản thì ai thanh toán chi phí Quản tài viên, chi phí phá sản giải quyết như thế nào nếu rơi vào trường hợp này? Cần lưu ý rằng, các trường hợp tương tự như thế này là rất phổ biến trong thực tiển phá sản doanh nghiệp.

5. Về xử lý tài sản đối với trường hợp chủ nợ có bảo đảm không đồng ý nhận tài sản bảo đảm để cấn trừ khoản nợ có bảo đảm.

Tại điểm a khoản 3 Điều 53 Luật Phá sản quy định đối với khoản nợ có bảo đảm được thanh toán bằng tài sản bảo đảm đó, theo quy định này tòa án sẽ giao tài sản bảo đảm cho chủ nợ có bảo đảm để cấn trừ khoản nợ có bảo đảm (tương ứng với quy định tại điểm c khoản 1 Điều 303, Điều 305 Bộ luật Dân sự).

Tuy nhiên thực tế vụ việc phá sản Công ty Sofel xảy ra trường hợp như sau: Căn cứ điểm a khoản 3 Điều 53 Luật Phá sản, tòa án cho thanh toán khoản nợ có bảo đảm của Ngân hàng BIDV bằng tài sản bảo đảm là máy móc thiết bị, nhà xưởng, phương tiện vận chuyển và các tài sản khác của Công ty Sofel, yêu cầu Ngân hàng BIDV-CN.HCM nhận tài sản bảo đảm tương ứng với giá trị thẩm định giá để cấn trừ một phần khoản nợ có bảo đảm. Thế nhưng, Ngân hàng BIDV phản hồi không đồng ý nhận tài sản để cấn trừ nợ mà yêu cầu Tòa án giao tài sản để Ngân hàng BIDV tổ chức bán đấu giá, số tiền thu được từ bán đấu giá tài sản sẽ được dùng thanh toán nợ cho Ngân hàng.

Tương tự, tòa án  xử lý khoản nợ có bảo đảm của Công ty Sofel đối với Ngân hàng VietinBank được thanh toán bằng tài sản bảo đảm gồm thân vỏ tàu, máy móc, thiết bị đã thi công thuộc Dự án tàu biển theo giá trị thẩm định giá,  yêu cầu Ngân hàng VietinBank nhận tài sản bảo đảm này tương ứng với giá trị thẩm định giá để cấn trừ một phần khoản nợ có bảo đảm. Thế nhưng, Ngân hàng VietinBank phản hồi không đồng ý nhận tài sản để cấn trừ nợ mà yêu cầu Tòa án giao tài sản để Ngân hàng tổ chức bán đấu giá, số tiền thu được từ bán đấu giá tài sản sẽ được dùng thanh toán nợ cho Ngân hàng.

          Vấn đề đặt ra

  • Trong trường hợp chủ nợ có bảo đảm không đồng ý nhận tài sản để cấn trừ nợ thì giải quyết như thế nào?
  •  Trong trường hợp chủ nợ có bảo đảm không đồng ý nhận tài sản để cấn trừ nợ mà yêu cầu Tòa án giao tài sản để chủ nợ tự tổ chức bán đấu giá, số tiền thu được từ bán đấu giá tài sản sẽ được dùng thanh toán nợ cho khoản nợ có bảo đảm thì giải quyết như thế nào?

6. Về lập bảng kiểm kê tài sản

Chúng tôi thấy rằng việc lập bảng kê tài sản là cực kỳ khó khăn và trở ngại nhất trong vụ việc phá sản đối với trường hợp doanh nghiệp bị chủ nợ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.

Việc kiểm kê tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán được quy định tại Điều 65 Luật Phá sản. Doanh nghiệp bị mở thủ tục phá sản phải tiến hành kiểm kê tài sản và xác định giá trị tài sản trong thời hạn không quá 90 ngày kể từ ngày nhận được quyết định mở thủ tục phá sản.

Thế nhưng, thực tế  đối với trường hợp phá sản Công ty Sofel (bị chủ nợ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản), Công ty này không tiến hành kiểm kê tài sản với lý do người đại diện theo pháp luật đã rời Việt Nam từ trước khi bị mở thủ tục phá sản (không trở lại dù tòa án triệu tập), nhân sự và người lao động đã nghỉ việc hết; khối lượng tài sản sản của Công ty Sofel (nhà máy đóng tàu) rất lớn, lưu giữ nhiều nơi nhưng thông tin hồ sơ kế toán tài sản không biết ai lưu giữ, quản lý. Lẽ thường ai cũng biết rằng, nếu không có lợi ích gì thì không ai nhận công việc do người khác chỉ định, do đó quy định Tòa án, Quản tài viên  chỉ định người khác làm đại diện của doanh nghiệp phá sản thực hiện công việc kiểm kê và xác định giá trị tài sản là không khả thi, và thực tế họ cũng chẳng chịu làm. Công ty Sofel có người đại diện theo ủy quyền trong quá trình mở thủ tục phá sản, tuy nhiên họ lại không biết gì về tình hình của công ty, họ đến tòa án làm việc như là để điểm danh cho sự có mặt.

Vì vậy, Quản tài viên gặp khó khăn, trở ngại khi lập bảng kê tài sản theo quy định tại điểm b khoản Điều 16; khoản 1 Điều 75 Luật Phá sản.

Mặc dù khoản 5 quy định trường hợp đại diện doanh nghiệp và những người khác không hợp tác về việc kiểm kê tài sản hoặc cố tình làm sai lệch việc kiểm kê tài sản thì bị xử lý theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên việc áp dụng quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã  tại Mục 37 của Nghị định 67/2015/NĐ-CP ngày  14/8/2015) cũng bất khả thi (vì doanh nghiệp không còn ai để mà xử lý).

Vấn đề đặt ra: Khi doanh nghiệp không còn người có trách nhiệm tiến hành các công việc kiểm kê tài sản, cung cấp, giao nộp thông tin hồ sơ kế toán tài sản thì giải quyết như thế nào?

7. Về chi phí thẩm định giá tài sản

Theo quy định tại khoản 4 Điều 65 Luật Phá sản, trường hợp xét thấy việc kiểm kê, xác định giá trị tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã quy định tại khoản 1 Điều này là không chính xác thì TAND yêu cầu Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản tổ chức kiểm kê, xác định lại giá trị một phần hoặc toàn bộ tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã. Giá trị tài sản được xác định, định giá theo giá thị trường tại thời điểm kiểm kê.

Vấn đề đặt ra: Chi phí tổ chức kiểm kê, xác định lại giá trị tài sản lấy từ nguồn nào nếu tiền tạm ứng chi phí phá sản không đủ thanh toán? Ai phải chịu chi phí này đối với trường hợp kiểm kê, định giá tài sản bảo đảm nếu doanh nghiệp không còn tài sản khác?

Chúng tôi đề xuất sửa đổi, bổ sung theo hướng chủ nợ phải nộp tạm ứng chi phí thẩm định giá tài sản, vì như luật hiện nay thì chủ nợ chẳng làm gì cũng được chia tiền nếu doanh nghiệp còn tài sản (thực tế trong vụ phá sản Công ty Sofel, Tòa án phải thông báo vận động chủ nợ nộp tạm ứng chi phí thẩm định giá tài sản, nhưng người nộp, người không thực hiện).

8. Về giao dịch vô hiệu

Tại khoản 1 Điều 59 Luật Phá sản quy định các trường hợp giao dịch của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán được thực hiện trong thời gian 06 tháng trước ngày TAND ra quyết định mở thủ tục phá sản bị coi là vô hiệu.

Tuy nhiên đối với các trường hợp giao dịch vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật (Điều 123 BLDS), giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo (Điều 124BLDS) và các trường hợp vô hiệu khác đã quy định trong Bộ luật Dân sự 2015 không được luật phá sản đề cập.

Vấn đề đặt ra, nếu phát hiện có giao dịch vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật, giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo thì xử lý như thế nào?

9. Trường hợp tài sản thế chấp của doanh nghiệp bị ngân hàng bán sai trái trước khi doanh nghiệp bị mở thủ tục phá sản.

 Trong vụ việc phá sản Công ty Mỹ Xuân, trước 06 tháng từ khi Công ty này bị mở thủ tục phá sản,  Công ty này đã ủy quyền cho Chi nhánh Ngân hàng MB bán tài sản thế chấp với điều kiện giá bán phải đủ trả nợ gốc. Chi nhánh Ngân hàng MB đã bán trực tiếp tài sản (không qua đấu giá) cho Công ty Sơn Việt với giá thấp hơn số nợ gốc (tại thời điểm bán tài sản định giá 49 tỷ đồng nhưng chỉ bán 27 tỷ đồng). Khi Công ty Mỹ Xuân bị mở thủ tục phá sản thì Ngân hàng MB nộp giấy đòi nợ đối với số nợ gốc còn thiếu.

Vấn đề đặt ra, khi giao dịch không thuộc các trường hợp vô hiệu quy định tại Điều 59 Luật Phá sản, nhưng đối với hợp đồng giao dịch sai trái giải quyết như thế nào, thiệt hại của doanh nghiệp khi tài sản bị  bán không đúng pháp luật thì bên nào phải chịu trách nhiệm bồi thường?

10. Về nộp báo cáo tài chính

Luật Phá sản hiện hành chỉ quy định nghĩa vụ nộp báo cáo tài chính trong 03 năm gần nhất đối với trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã làm đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản (Điều 28 Luật Phá sản), còn lại các trường hợp do người khác nộp đơn thì doanh nghiệp phá sản không có nghĩa vụ nộp báo cáo tài chính.

Trường hợp mở thủ tục phá sản Công ty Sofel vào tháng 09/2019, Công ty này không nộp báo cáo tài chính của năm 2017 do không có báo cáo tài chính. Việc này khó khăn cho quá trình xác định tình trạng tài chính, tài sản của công ty này (không có người làm kế toán, không làm kiểm toán, hồ sơ kế toán không còn).

Do đó, chúng tôi đề nghị bổ sung vào Điều 20 Luật Phá sản về nghĩa vụ của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán là phải có nghĩa vụ nộp báo cáo tài chính trong 03 năm gần nhất.

Trên đây là một số ý kiến đóng góp cho việc sửa đổi, bổ sung luật pháp sản nhằm góp phần hoàn thiện chế định tư pháp phá sản tại Việt Nam. Ngoài ra, còn nhiều vấn đề vướng mắc, hạn chế khác trong quá trình áp dụng luật pháp sản, khi có điều kiện chúng tôi xin được trình bày trong những dịp tiếp theo.

Luật sư Dương Thanh Thuận

(Đoàn Luật sư Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu)

/xac-dinh-cha-me-con-trong-truong-hop-sinh-con-bang-ky-thuat-ho-tro-sinh-san-theo-quy-dinh-cua-phap-luat.html