/ Phân tích - Nghiên cứu
/ Một số bất cập về pháp lý trong mô hình liên thông 9+ của giáo dục nghề nghiệp

Một số bất cập về pháp lý trong mô hình liên thông 9+ của giáo dục nghề nghiệp

12/06/2021 14:20 |

(LSVN) - Giáo dục Việt Nam mặc dù đã trải qua nhiều cuộc cải cách và đổi mới nhưng vẫn đang trong vòng xoay vần của sự "thí nghiệm", "thí điểm", mà càng thí điểm dường như càng lạc hậu và bị tàn phá bởi sự cục bộ và cách nhìn phiến diện. Việc giao cho nhiều bộ cùng quản lý hệ thống giáo dục quốc dân, tách cao đẳng của giáo dục đại học về GDNN và duy trì quá lâu cơ chế chủ quản đã là những trải nghiệm đi ngược lại với mô hình tiêu chuẩn quốc tế ISCED của UNESCO năm 2011, có hiệu lực trên toàn thế giới từ 2014. Không thể nào có phân luồng và liên thông nếu giáo dục quốc dân không được tồn tại với tư cách là một hệ thống thống nhất. Việc đưa ra mô hình 9+ lại một lần nữa tàn phá thêm hệ thống giáo dục quốc dân, làm suy giảm thêm sức mạnh của toàn bộ hệ thống. Vì vậy, không thể không xem xét mô hình này một cách nghiêm túc và đặc biệt là không thể dung túng cho sự tùy tiện và cục bộ như cách làm từ trước đến nay trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

Ảnh minh họa.

Liên thông là một yêu cầu tất yếu của phát triển hệ thống giáo dục quốc dân. Mỗi “hệ thống” nói chung và hệ thống giáo dục quốc dân muốn tồn tại và phát triển với tư cách là một hệ thống thống nhất thì phải bảo đảm 05 yếu tố chính: Nguồn vào, cổng ra; phân công, phân luồng; liên thông, kết nối và tiến trình vận động. Xem xét vấn đề liên thông nói chung phải đặt trong tổng thể quan hệ của cả 05 yếu tố này, nếu tách rời biệt lập thì không thể có cách nhìn toàn diện và đúng đắn, theo đó các đề xuất chính sách sẽ không có độ chuẩn xác cao.

Xem xét liên thông giáo dục nghề nghiệp phải xem xét cả 05 yếu tố trên của cả hệ thống giáo dục quốc dân, liên thông giáo dục nghề nghiệp phải đặt trong quan hệ với các hệ thống khác của cả hệ thống giáo dục quốc dân, phải bảo đảm cho sự phát triển chung của giáo dục phổ thông, giáo dục đại học và giáo dục thường xuyên. Đặc biệt liên thông gắn rất chặt chẽ với phân luồng. Không chỉ giáo dục nghề nghiệp mới có nhu cầu liên thông mà tất cả các tiểu hệ thống trong hệ thống giáo dục quốc dân thống nhất đều có nhu cầu và khả năng liên thông, vấn đề là gắn kết và có sự phù hợp giữa các nhu cầu và khả năng ấy. Nếu liên thông giáo dục nghề nghiệp chỉ đứng dưới góc nhìn của giáo dục nghề nghiệp thì chắc chắn là sẽ phá vỡ tính hệ thống của toàn bộ hệ thống giáo dục quốc dân, kìm hãm sự phát triển chung, từ đó tiến trình vận động của bản thân giáo dục nghề nghiệp cũng sẽ phát triển lệch lạc.

Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Dạy nghề Bộ LĐ-TB&XH hiện đang đăng tải mô hình 9+ này với nội dung như sau: “Công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS được định hướng vào 04 luồng chính gồm: học tiếp lên THPT; học lên trung cấp chuyên nghiệp hoặc trung cấp nghề; vừa làm vừa học tiếp THPT theo chương trình giáo dục thường xuyên; trực tiếp đi làm kiếm sống. Cho phép học sinh tốt nghiệp THCS học liên thông theo mô hình 9+ được xem là giải pháp đột phá trong giáo dục nghề nghiệp (GDNN) thời gian tới. Theo đó, các em có thể ra nhập thị trường lao động sớm hơn, trong khi cơ hội học lên cao đẳng, đại học vẫn rộng mở. 9+ là mô hình đào tạo song hành học nghề và văn hóa sau khi học sinh tốt nghiệp lớp 9 và có thể tiếp tục liên thông lên bậc cao đẳng, rút ngắn thời gian đào tạo… Mô hình 9+ theo Luật GDNN và theo thông lệ quốc tế là học hết lớp 9, học sinh có quyền lựa chọn học nghề ngắn hạn trong thời gian 06 tháng đến 01 năm và các em tham gia thị trường lao động ngay tại các trung tâm dạy nghề. Các em không phải làm những công việc độc hại và được pháp luật cho phép độ tuổi từ 16 đến 18. Lựa chọn khác là học sinh tham gia chương trình đào tạo 9+2, 9+3, 9+4, 9+5 để theo 08 bậc của khung trình độ quốc gia. Sau 02 năm, các em lấy bằng trung cấp và có thể học liên thông lên cao đẳng, đại học... Hiện mô hình 9+ đã được triển khai tại một số cơ sở GDNN và được xem là hướng đi hiệu quả trong tháo gỡ nút thắt phân luồng THPT tại Việt Nam.

Theo ý kiến chuyên gia, mô hình này nếu được áp dụng rộng rãi ở Việt Nam thì cần thay đổi một số quy định trong Luật Giáo dục, cho phép học sinh tốt nghiệp THCS học thẳng lên cao đẳng qua chương trình đào tạo được phê duyệt, nhằm bảo đảm kiến thức văn hóa, chuyên môn và bằng tốt nghiệp cao đẳng được liên thông lên trình độ cao hơn. Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành Thông tư số 07/2019/TT-BLĐTBXH ngày 07/3/2019 với nhiều điểm mới, tạo điều kiện cho các trường cao đẳng, trung cấp tuyển sinh năm 2019. Thông tư này tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh có nhu cầu đăng ký vào học GDNN. Học sinh tốt nghiệp THCS có nguyện vọng học trình độ cao đẳng cũng có thể đăng ký dự tuyển. Tuy nhiên, các đối tượng này trong quá trình học phải hoàn thiện chương trình văn hóa THPT theo quy định của Bộ GD&ĐT. Về vấn đề phân luồng hướng nghiệp, chọn ngành nghề của giới trẻ hiện nay, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Quân cho rằng, học trung cấp ngay sau khi tốt nghiệp lớp 9 là một lựa chọn khả thi. Thay vì mất thêm 03 năm theo học THPT, học nghề ngay từ khi học xong lớp 9, học sinh hệ trung cấp sẽ gia nhập thị trường lao động sớm hơn. Trong khi đó, cơ hội học lên cao đẳng và đại học vẫn còn rộng mở.

“Nếu các em được định hướng tốt, theo học trung cấp ngay sau khi tốt nghiệp THCS, xã hội sẽ có thêm nhiều người lao động có tay nghề tốt đã qua đào tạo”, Thứ trưởng Lê Quân chia sẻ. Thị trường lao động và doanh nghiệp hiện quan tâm nhiều hơn tới tay nghề, trình độ thực tế và thái độ làm việc của người lao động, thay vì việc chỉ quan tâm tới bằng cấp như trước đây. Học trung cấp là một trong những con đường ngắn và phù hợp với năng lực nhiều em để có một nghề nghiệp và thu nhập ổn định. Đồng thời, các em vẫn có cơ hội học tiếp lên cao đẳng và đại học sau này. Quá trình học trung cấp sau khi tốt nghiệp THCS đã được quy định rõ trong Luật Giáo dục và Luật GDNN. Học nghề để trở thành kỹ thuật viên, lao động có tay nghề, có thu nhập tốt và ổn định. Người theo học nghề thường có việc làm ngay khi tốt nghiệp và được phép học tiếp lên cao đẳng, đại học nếu có nhu cầu.

Mô hình này rõ ràng chỉ tính riêng cho GDNN theo cách nhìn cục bộ, phiến diện của Bộ LĐ-TB&XH mà không hề nhìn nhận lợi ích chung của toàn bộ hệ thống giáo dục quốc dân, không cần biết đến ưu thế, sự cần thiết và lợi ích của THPT và thậm chí phủ nhận cả con đường đi lên học đại học theo quy luật nhận thức phát triển từ thấp đến cao, theo thứ bậc các cấp học và trình độ đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân đã quy định trong Luật Giáo dục. Giả định rằng mô hình này do Bộ LĐ-TB&XH đưa ra là đúng đắn và khoa học, hiệu quả thì có thể và nên bỏ luôn giáo dục THPT và giáo dục đại học như hiện nay, thay vào đó là chương trình 9+ vừa giải quyết được bài toán tốt nghiệp phổ thông, vừa có thể có trình độ đại học, vừa đáp ứng nhu cầu thị trường lao động. Giả thiết như vậy sẽ thấy cách tính toán của mô hình liên thông giáo dục nghề nghiệp 9+ hiện nay đã phá vỡ tính hệ thống của hệ thống giáo dục quốc dân một cách khủng khiếp như thế nào. Thậm chí đề xuất của mô hình 9+ này là không cần THPT, học sinh tốt nghiệp THCS có thể học thẳng lên cao đẳng, đại học và đề nghị phải sửa đổi Luật Giáo dục để có được điều đó.

Có nhiều ý kiến, không chỉ của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội mà cả một số ý kiến chuyên gia đã viện dẫn kinh nghiệm quốc tế về GDNN để luận chứng cho mô hình 9+ trên. Tuy nhiên, tất cả các ý kiến biện hộ cho mô hình này đều chỉ xem xét dưới giác độ cục bộ của GDNN mà không xem xét toàn diện toàn bộ hệ thống giáo dục quốc dân. Thực tế kinh nghiệm của các nước tiên tiến phải nằm ở chỗ: phát triển GDNN rất mạnh mẽ nhưng không những không phá vỡ hệ thống giáo dục quốc dân mà nằm trong sự phát triển chung của toàn bộ hệ thống giáo dục quốc dân. Chẳng hạn ở Đức, cái nôi của tự chủ, giáo dục khai phóng và tự do học thuật (academy freedom) phát triển rất mạnh hệ thống GDNN, nhưng hệ thống giáo dục phổ thông (13 năm tại 14 bang và 12 năm tại 02 bang) vẫn rất ổn định, phát triển và hệ thống giáo dục đại học vẫn là tấm gương sáng, cung cấp những người sẵn sàng tiên phong nhận giải Nobel và đưa nước Đức đi tiên phong trong tất cả các cuộc cách mạng công nghiệp và 4.0 hiện nay. Do phân luồng tốt và tiến trình vận động diễn ra tự nhiên không bị ép buộc như ở nước ta nên ở Đức phần lớn những người đã đi học nghề khá yên tâm phấn đấu nâng cao tay nghề, kỹ năng nghề nghiệp và phấn đấu nâng cao bậc thợ chứ không mấy chú ý đến các bằng cấp hàn lâm như ở nước ta hiện nay.

Có thể khẳng định rằng mô hình 9+ là không có căn cứ pháp lý. Các tác giả của mô hình 9+ viện dẫn các Điều 28, Điều 29 của Luật Giáo dục và các Điều 6, Điều 33 của Luật GDNN làm căn cứ pháp lý của mô hình này là không chuẩn xác vì các điều khoản trên không có định lượng cho mô hình này. Chẳng hạn có người viện dẫn Luật Giáo dục 2019 quy định “GDNN đào tạo trình độ sơ cấp, trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác” và lấy cụm từ “chương trình đào tạo nghề nghiệp khác” làm căn cứ pháp lý để biện hộ cho mô hình 9+ là không thể được, vì luật quy định “các chương trình khác” chứ không phải là các trình độ đào tạo khác, còn khuôn viên của GDNN nước ta theo Luật GDNN vẫn phải là các trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng, không nên và không thể hiểu “chương trình đào tạo nghề nghiệp khác” là vô hạn, là tùy tiện.

Lại có ý kiến viện dẫn Điều 6 khoản 1 của Luật GDNN về chính sách phát triển GDNN là “Phát triển hệ thống GDNN mở, linh hoạt, đa dạng theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế, liên thông giữa các trình độ GDNN và liên thông với các trình độ đào tạo khác” làm căn cứ. “Giáo dục mở, linh hoạt, đa dạng theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế, liên thông giữa các trình độ” là chính sách, là phương thức vận động của hoạt động giáo dục, không chỉ riêng cho GDNN để xây dựng mô hình 9+, mà bắt nguồn từ Luật Giáo dục, cho toàn bộ hệ thống giáo dục quốc dân, cho cả giáo dục đại học, giáo dục phổ thông.

Hiện nay trong toàn bộ hệ thống pháp luật về giáo dục, từ Điều 61 Hiến pháp đến Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật GDNN không có điều khoản nào cho phép tốt nghiệp lớp 9 được học thẳng lên cao đẳng, đại học, cũng không có điều khoản nào cho phép chương trình THPT được cắt ngắn, rút gọn (bỏ bớt 07-09 môn học) để trong vòng 01 năm có thể có bằng hoặc chứng nhận tốt nghiệp phổ thông. Cũng không có quy định nào trong Luật cho phép bằng tốt nghiệp cao đẳng 9+ được thay thế cho bằng tốt nghiệp phổ thông.

Quan trọng nhất là nỗi lo về chất lượng. Nỗi lo chất lượng không chỉ của xã hội, mà là nỗi lo của chính những người thiết kế mô hình 9+ và các chuyên gia biện hộ cho mô hình này. Lo lắng là đúng vì với mô hình này thì chất lượng GDNN không thể nào có được.

Trước hết là về nguồn đầu vào. Những học sinh tốt nghiệp THCS hoặc hết lớp 9 không tiếp tục học lên THPT để vào học 9+ thực tế là những đối tượng sau đây: muốn có một nghề nghiệp sớm để sớm tham gia thị trường lao động; vì khó khăn gia đình hoặc bản thân mà không thể tiếp tục học THPT; những học sinh học yếu kém, không có khả năng để theo học tiếp văn hóa của chương trình THPT; những học sinh lười học, ngại học, không muốn tiếp tục học phổ thông sau khi đã học đến hết chương trình phổ cập là THCS. Ngoại trừ lý do thứ nhất, phần lớn học sinh đầu vào đều ở ba lý do còn lại.

Các lý do ấy đều cho thấy chất lượng đầu vào để có thể theo học văn hóa phổ thông là thực sự không được bảo đảm. Trong khi đó nhiều trường trung cấp, cao đẳng còn tuyển cả những học sinh chưa tốt nghiệp THCS, chỉ cần có chứng nhận đã học xong chương trình lớp 9 là đủ để có hồ sơ trúng tuyển. Thật phi lý khi học sinh đã tránh học THPT để đi học nghề nhưng cơ quan quản lý nhà nước lại vẫn dùng chương trình tốt nghiệp phổ thông rút gọn và dễ dàng để chiêu dụ học sinh, thâm chí thay vì 03 năm THPT thì khoảng 03 năm học nghề ấy vừa có nghề vừa có tốt nghiệp phổ thông, cao đẳng, thậm chí đại học.

Thứ hai, về thực hiện chương trình. Sau khi học xong lớp 9, nếu không đi làm ngay thì học sinh sẽ có 02 sự chọn lựa chính: một là tiếp tục học lên THPT với 03 năm học nữa sau đó thi tốt nghiệp phổ thông quốc gia đầy căng thẳng; hai là đi học 9+ để sau đó vừa có bằng GDNN vừa có chứng nhận tốt nghiệp phổ thông, thậm chí sau khoảng 03 năm có thể vừa tốt nghiệp phổ thông vừa tốt nghiệp cao đẳng hoặc chuẩn bị tốt nghiệp đại học. Lựa chọn thứ hai đầy quyến rũ, nhưng việc rút ngắn thời gian, bỏ bớt các môn học (từ 07-09 môn như hiện đang làm) không phải là giải pháp bảo đảm chất lượng và cũng không có giải pháp nào kèm theo để bảo đảm chất lượng khi thực hiện cùng lúc hai chương trình.

Thứ ba, chương trình giáo dục THPT và chương trình GDNN là hai loại chương trình có những đặc điểm, yêu cầu, mục tiêu và phương pháp khác nhau, điều kiện thực hiện khác nhau, được chia thành các hệ thống khác nhau trong hệ thống giáo dục quốc dân. Chương trình 9+ thực chất là muốn ghép 02 chương trình làm một để thực hiện trong cùng một chương trình, sự lắp ghép này không tránh khỏi khiên cưỡng về yêu cầu, phương pháp, điều kiện thực hiện. Ví dụ giảng dạy chương trình THPT phải có đội ngũ nhà giáo, học liệu thư viện và phương pháp đặc thù phổ thông khác với dạy nghề chuyên nghiệp, nếu không thỏa mãn yêu cầu này thì không thể bảo đảm chất lượng. Theo Điều 4 Luật GDNN thì mục tiêu của GDNN là “nhằm đào tạo nhân lực trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ...” chứ không phải nhằm đào tạo học sinh tốt nghiệp phổ thông, vì vậy các chương trình GDNN muốn bảo đảm chất lượng thì chỉ nên học văn hóa ở mức độ cần thiết phù hợp cho các trình độ đào tạo của GDNN ở các ngành nghề khác nhau, không nên xác định mục tiêu phải tốt nghiệp phổ thông hoặc hướng tới đại học.

Thứ tư, về đầu ra, để tốt nghiệp THPT thì học sinh cần phải qua kỳ thi THPT quốc gia, được công nhận bằng văn bằng tốt nghiệp phổ thông do Giám đốc các Sở GD&ĐT cấp, có sự kiểm soát chặt chẽ trong thi cử và cấp văn bằng. Tuy nhiên mô hình 9+ đề xuất chỉ cần có xác nhận hoàn thành chương trình giáo THPT do Thủ trưởng cơ sở GDNN cấp là đủ, có thể không cần thi, việc giám sát hoặc kiểm định cũng không thấy đặt ra trong mô hình này. Như vậy, đầu vào đã là xác nhận học hết lớp 9, quá trình vận hành đã bỏ bớt và rút ngắn các môn học, đầu ra lại chỉ cần xác nhận của chính Thủ trưởng cơ sở đào tạo nghề, quá trình đó chắc chắn sẽ là lỗ hổng pháp lý không nhỏ cho sự tùy tiện, bỏ qua yếu tố chất lượng để chỉ lấy văn bằng, chứng nhận danh nghĩa là chính.

Thứ năm, trong thực tiễn thử nghiệm mô hình 9+ hai năm qua có nhiều báo cáo sơ kết, tổng kết về sự thành công nhưng vẫn không thể che lấp được chất lượng yêu kém của mô hình này. Rất nhiều vận động và quảng cáo đã được đưa ra để hạ thấp giá trị của giáo dục THPT và giáo dục đại học nhưng vẫn không cưỡng lại được xu hướng có tính quy luật của phát triển nhận thức trong phát triển giáo dục. Dù ra sức đăng tải trên công luận và tung dư luận xã hội về việc 9+ khắc phục tình trạng “thừa thầy thiếu thợ”, tuy nhiên trong thực tế thì không thể phủ nhận rằng xã hội đang thiếu thầy một cách nghiêm trọng, còn lao động thì quá “thừa ế” và “thất nghiệp”, nghiêm trọng đến mức Bộ LĐ-TB&XH phải tính chuyện xuất khẩu lao động càng nhiều càng tốt...

Giáo dục Việt Nam mặc dù đã trải qua nhiều cuộc cải cách và đổi mới nhưng vẫn đang trong vòng xoay vần của sự “thí nghiệm”, “thí điểm”, mà càng thí điểm dường như càng lạc hậu và bị tàn phá bởi sự cục bộ và cách nhìn phiến diện. Việc giao cho nhiều bộ cùng quản lý hệ thống giáo dục quốc dân, tách cao đẳng của giáo dục đại học về GDNN và duy trì quá lâu cơ chế chủ quản đã là những trải nghiệm đi ngược lại với mô hình tiêu chuẩn quốc tế ISCED của UNESCO năm 2011, có hiệu lực trên toàn thế giới từ 2014. Không thể nào có phân luồng và liên thông nếu giáo dục quốc dân không được tồn tại với tư cách là một hệ thống thống nhất. Việc đưa ra mô hình 9+ lại một lần nữa tàn phá thêm hệ thống giáo dục quốc dân, làm suy giảm thêm sức mạnh của toàn bộ hệ thống. Vì vậy, không thể không xem xét mô hình này một cách nghiêm túc và đặc biệt là không thể dung túng cho sự tùy tiện và cục bộ như cách làm từ trước đến nay trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

PGS.TS.Luật sư CHU HỒNG THANH

Nguyên giảng viên cao cấp Luật học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Quyền sử dụng đất cấp cho hộ gia đình những bất hợp lý từ thực tiễn và kiến nghị

Lê Minh Hoàng