1. Một số điểm chưa phù hợp về “Tội tham ô tài sản”
a) Về cấu trúc của Điều 353 BLHS năm 2015.
Cấu trúc tại Điều 353 BLHS năm 2015 là tình tiết định khung. Theo tác giả cấu trúc này gây khó khăn cho việc áp dụng, vì tạo nên nhiều cách hiểu và vận dụng khác nhau trong cùng một quy định của điều luật.
Khoản 1, khoản 2 Điều 353 BLHS năm 2015 quy định: “1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;
c) Phạm tội 02 lần trở lên;
d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
đ) Chiếm đoạt tiền, tài sản dùng vào mục đích xóa đói, giảm nghèo; tiền, phụ cấp, trợ cấp, ưu đãi đối với người có công với cách mạng; các loại quỹ dự phòng hoặc các loại tiền, tài sản trợ cấp, quyên góp cho những vùng bị thiên tai, dịch bệnh hoặc các vùng kinh tế đặc biệt khó khăn;
e) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đến dưới 3.000.000.000 đồng;
g) Ảnh hưởng xấu đến đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, tổ chức”.
Việc chưa rõ ràng của điều luật nêu trên nằm ở phần quy định của quy phạm pháp luật. Tại khoản 1, sau cụm từ “hoặc dưới 2.000.000 đồng”, lại đặt tiếp cụm từ “nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây” và khoản 2 cũng lặp lại cụm từ “thuộc một trong các trường hợp sau đây”. Điều này dẫn đến cách hiểu là toàn bộ các phần quy định trước cụm từ này tại khoản 1 được áp dụng tiếp vào khoản 2, bao gồm cả trường hợp dưới 2.000.000 đồng cũng được áp dụng cho trường hợp có tình tiết tại khoản 2.
Theo quan điểm của tác giả, cần phải hiểu là tại khoản 1 của điều luật trên có hai nội dung cấu thành cơ bản, nội dung thứ nhất là từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng; nội dung thứ hai là dưới 2.000.000 đồng nhưng phải có thêm ít nhất một trong các điều kiện ở các điểm a, b. Sau đó, một trong hai nội dung cấu thành cơ bản phải cộng thêm tình tiết định khung tại khoản 2 mới có thể áp dụng khoản 2 để xử lý được.
Thêm nữa, cách đặt cụm từ “thuộc một trong các trường hợp sau đây” cũng chưa hợp lý, chính xác, tại khoản 2 Điều 353 BLHS năm 2015 quy định: “Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm…”. Như vậy, có thể dẫn đến cách hiểu là thuộc một trong các trường hợp đó thì bị phạt tù còn nếu không thuộc các trường hợp đó hoặc thuộc nhiều hơn các trường hợp đó thì không thể bị xử lý được theo quy định tại khoản 2 Điều 353 BLHS năm 2015. Theo logic là một trong các trường hợp mà không phải là thuộc nhiều trường hợp bị xử lý. Trên thực tế từ trước đến nay việc xử lý theo hướng có một hoặc đồng thời nhiều trường hợp tại khoản 2 thì đều bị xử lý theo khoản 2, việc áp dụng này là phù hợp với tinh thần của BLHS. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là về kỹ thuật lập pháp cần đảm bảo tính logic, khoa học và chặt chẽ hơn.
b) Về định lượng giá trị tài sản bị chiếm đoạt xác định tội "Tham ô tài sản".
BLHS năm 2015 quy định giá trị tài sản bị chiếm đoạt tối thiểu là 2.000.000 đồng, nếu xử lý hình sự với những hành vi chiếm đoạt tài sản 2.000.000 đồng thì không xuể. Tình hình kinh tế nước ta hiện nay đã có sự thay đổi, phát triển mạnh mẽ; giá tiêu dùng hàng năm liên tục tăng, năm sau cao hơn năm trước; mức lương tối thiểu tăng lên hàng năm, nay là 1.490.000 đồng. Như vậy, xét trong tình hình hiện nay quy định này đã không còn phù hợp nữa, giá trị này chưa phản ánh được tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội mà hành vi tham ô tài sản gây ra. Do vậy, tác giả kiến nghị nâng mức định lượng tối thiểu để xác định tội tham ô tài sản dựa vào mức lương tối thiểu có thể gấp hai, gấp ba lần để tránh tính trạng việc quy định “cứng” sẽ sớm bị lạc hậu do trượt giá và sẽ không phải sửa đổi, bổ sung các quy định trong những lần sửa đổi, bổ sung sau.
c) Về quy định hình phạt tiền là hình phạt bắt buộc trong tội "Tham ô tài sản".
Khoản 5 Điều 353 BLHS năm 2015 quy định: “Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”.
BLHS năm 2015, ngoài quy định các hình phạt chính là hình phạt tù có thời hạn, tù chung thân, tử hình đối với tội tham ô tài sản thì Điều 353 còn quy định các hình phạt bổ sung nhằm tăng cường hiệu quả trừng trị, răn đe tội phạm. Hình phạt tiền là một trong những hình phạt bổ sung đó. Phạt tiền là tước đi những quyền lợi vật chất của người bị kết án, tác động đến tình trạng tài sản của họ và thông qua đó tác động đến ý thức của người phạm tội. Các mức phạt tiền cao thấp khác nhau cũng gây nên khả năng tác động ý thức khác nhau.
Tham ô tài sản là loại tội phạm chức vụ mang tính chất chiếm đoạt, người phạm tội là người có chức vụ, quyền hạn khi thực hiện hành vi phạm tội họ nhận thức rõ tính nguy hiểm cho xã hội nhưng vẫn thực hiện vì mục đích tư lợi, vì lợi ích của bản thân, bất chấp hậu quả xảy ra. Trong tội tham ô tài sản, tiền là lợi ích vật chất mà người phạm tội mong muốn đạt được. Tăng mức phạt tiền là đánh vào lợi ích của người phạm tội, thông qua đó đạt được mục đích của hình phạt. Tăng mức phạt tiền còn nhằm tước bỏ phương tiện phạm tội, góp phần hạn chế hành vi phạm tội của tội phạm. Do đó, cần phải tăng cường mức phạt tiền đối với tội tham ô tài sản để tác động mạnh hơn nữa tới ý thức của người phạm tội. Mặt khác, nhà làm luật cũng nên quy định hình phạt tiền là hình phạt bắt buộc trong tội tham ô tài sản, không nên quy định là hình phạt mang tính lựa chọn như hiện nay.
2. Đề xuất hướng hoàn thiện
Để giải quyết những vấn đề đặt ra ở trên, các cơ quan có thẩm quyền xây dựng, ban hành pháp luật cần rà soát lại toàn bộ các quy định về tội "Tham ô tài sản”, qua đó có những chỉnh sửa, bổ sung đối với BLHS hiện hành; ban hành các văn bản dưới luật hướng dẫn cụ thể đối với các vấn đề liên quan theo hướng sau:
Theo tác giả có thể sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 2, khoản 5 Điều 353 BLHS năm 2015 như sau:
“1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý, thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Tài sản có trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
b) Tài sản có trị giá dưới 4.000.000 đồng và thuộc ít nhất một trong các trường hợp sau đây:
- Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;
- Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc ít nhất một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;
c) Phạm tội 02 lần trở lên;
d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
đ) Chiếm đoạt tiền, tài sản dùng vào mục đích xóa đói, giảm nghèo; tiền, phụ cấp, trợ cấp, ưu đãi đối với người có công với cách mạng; các loại quỹ dự phòng hoặc các loại tiền, tài sản trợ cấp, quyên góp cho những vùng bị thiên tai, dịch bệnh hoặc các vùng kinh tế đặc biệt khó khăn;
e) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đến dưới 3.000.000.000 đồng;
g) Ảnh hưởng xấu đến đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, tổ chức.
…
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”.
Tóm lại, việc chỉnh sửa, bổ sung đối với BLHS hiện hành và ban hành các văn bản hướng dẫn đối với tội "Tham ô tài sản” không chỉ có ý nghĩa về mặt lý luận còn có ý nghĩa thực tiễn, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng trong việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đối với các vụ án này, từ đó đảm bảo pháp chế xã hội chủ nghĩa, đáp ứng được yêu cầu cải cách tư pháp trong việc đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng.
ĐẶNG THẾ THANH
Tòa án quân sự Khu vực 2 Quân khu 5
(Tạp chí Tòa án)