/ Trao đổi - Ý kiến
/ Một số khó khăn, vướng mắc khi sử dụng thông tin về nơi cư trú liên quan đến lĩnh vực hộ tịch, đất đai

Một số khó khăn, vướng mắc khi sử dụng thông tin về nơi cư trú liên quan đến lĩnh vực hộ tịch, đất đai

13/09/2022 16:30 |

(LSVN) - Để triển khai Luật Cư trú, nhất là các vấn đề liên quan đến thông tin về nơi cư trú để thực hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực hộ tịch, đất đai đạt hiệu quả các cơ quan chức năng sớm ban hành văn bản quy định khi thực hiện thủ tục hành chính chỉ sử dụng thông tin trên Căn cước công dân (CCCD); không yêu cầu xuất trình các loại giấy tờ khác để chứng minh nơi cư trú...

Ảnh minh họa. 

Ngày 01/7/2021, Luật Cư trú có hiệu lực thi hành; đồng thời, công tác đăng ký và quản lý cư trú được thực hiện trên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã tạo ra bước ngoặt lớn chuyển đổi từ phương thức thủ công sang phương thức quản lý dân cư bằng mã số định danh cá nhân. Việc này góp phần nâng cao công tác cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong giải quyết các thủ tục hành chính.

Tuy nhiên, qua thực tế triển khai Luật Cư trú có một số hạn chế, bất cập liên quan đến lĩnh vực hộ tịch, đất đai cần sớm sửa đổi, bổ sung hoàn thiện, cụ thể như sau:

Thứ nhất, theo quy định của Luật Cư trú và các văn bản hướng dẫn thi hành thì mọi thông tin liên quan đến cư trú đều được cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Hiện nay, Bộ Công an đã cấp CCCD gắn chíp cho người dân, mọi thông tin liên quan đến cư trú đều có lưu trữ trên CCCD. Tuy vậy, khi người dân có nhu cầu thực hiện các thủ tục hành chính, đặc biệt là lĩnh vực hộ tịch, đất đai để xác định được thẩm quyền trong quá trình giải quyết các thủ tục hành chính liên quan, người dân phải cung cấp Giấy xác nhận thông tin về cư trú (mẫu CT07) có giá trị 30 ngày kể từ ngày cấp. Giấy này có giá trị sử dụng trong thời gian rất ngắn, vì vậy người dân cần phải đi lại nhiều lần, mất thời gian khi phải đi làm lại. Trong khi đó, nhiều trường hợp người dân không biết quy trình, thủ tục để được cấp loại giấy tờ này như thế nào.

Thứ hai, một số cơ quan, tổ chức khi giải quyết thủ tục hành chính vẫn yêu cầu xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú mà không chấp nhận việc sử dụng Giấy xác nhận thông tin về cư trú mà cơ quan công an đã cấp cho người dân để giải quyết gây khó khăn, phiền hà cho người dân. Mặt khác, dù thủ tục cấp giấy xác nhận thông tin về cư trú đã được triển khai trên Cổng dịch vụ công quốc gia nhưng việc tạo tài khoản trên Cổng dịch vụ công quốc gia đòi hỏi phải có số điện thoại chính chủ và sử dụng điện thoại thông minh, dẫn đến một số người dân gặp khó khăn khi thực hiện, đặc biệt là đối với các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, ở vùng sâu, vùng xa, người già, người dân tộc thiểu số không có điều kiện và hạn chế kiến thức về công nghệ thông tin…

Thứ ba, việc kết nối, chia sẻ vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác đã được Công an tỉnh triển khai thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Công an. Tuy nhiên, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác do các Bộ quản lý, vận hành và đang trong quá trình hoàn thiện nên việc kết nối, chia sẻ dữ liệu gặp nhiều khó khăn, một số dữ liệu của công dân cập nhật chưa kịp thời, một số trường thông tin chưa được “làm sạch” theo quy định.

Thứ tư, hiện vẫn chưa có văn bản quy định thống nhất việc sử dụng CCCD gắn chíp thay thế sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hoặc giấy tờ thay thế, tài liệu xác nhận về cư trú để thực hiện thủ tục hành chính nên khi giải quyết thủ tục hành chính còn lúng túng, vướng mắc. Công tác tuyên truyền, quán triệt các điểm mới của Luật Cư trú tại các cơ quan, địa phương còn chưa được kịp thời, thường xuyên, một số cán bộ giải quyết thủ tục hành chính chưa nắm bắt các quy định mới, gây khó khăn cho người dân.

Thiết nghĩ, để triển khai Luật Cư trú, nhất là các vấn đề liên quan đến thông tin về nơi cư trú để thực hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực hộ tịch, đất đai đạt hiệu quả các cơ quan chức năng sớm ban hành văn bản quy định khi thực hiện thủ tục hành chính chỉ sử dụng thông tin trên CCCD; không yêu cầu xuất trình các loại giấy tờ khác để chứng minh nơi cư trú. Bộ Công an cần chỉ đạo công an các cấp tăng cường công tác xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư một cách kịp thời, đặc biệt là khi người dân có sự thay đổi về nơi cư trú. Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống liên thông, kết nối giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các Cơ sở dữ liệu chuyên ngành để làm giàu cơ sở dữ liệu và triển khai có hiệu quả việc bỏ giấy tờ, tài liệu xác nhận về nơi cư trú; tăng cường đầu tư trang thiết bị, đào tạo nguồn nhân lực thực hiện công tác tiếp nhận hồ sơ, giải quyết các thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu của người dân và doanh nghiệp.

Ngoài ra, tăng cường công tác tuyên truyển, phổ biến về lợi ích của việc giải quyết thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia; việc sử dụng CCCD gắn chíp, số định danh điện tử… đến rộng rãi người dân.

                                                                Thạc sĩ PHẠM VĂN CHUNG

                                                            Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum

Kỹ năng của Luật sư khi tham gia giải quyết các tranh chấp thương mại

Lê Minh Hoàng