/ Trao đổi - Ý kiến
/ Một số khó khăn, vướng mắc sau 6 năm triển khai thực hiện Luật Hộ tịch

Một số khó khăn, vướng mắc sau 6 năm triển khai thực hiện Luật Hộ tịch

02/08/2022 16:33 |

(LSVN) - Luật Hộ tịch được Quốc hội khóa XIII thông qua vào ngày 20/11/2014 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016. Việc triển khai Luật Hộ tịch đã đạt được một số kết quả bước đầu quan trọng, việc đăng ký khai sinh cho trẻ em có kết nối liên thông với hệ thống cấp số định danh cá nhân hoặc cá nhân có quyền lựa chọn cơ quan đăng ký hộ tịch cho mình không phụ thuộc vào nơi đăng ký hộ khẩu thường trú như trước đây, công tác đăng ký, quản lý hộ tịch từng bước ổn định và đi vào nề nếp, cơ sở vật chất từng bước được cải thiện góp phần nâng cao hiệu quả công tác đăng ký và quản lý hộ tịch, phục vụ tốt hơn yêu cầu của người dân khi đăng ký các sự kiện hộ tịch.

Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, qua thực tế 6 năm triển khai thi hành Luật Hộ tịch đã phát sinh một số khó khó khăn, vướng mắc sau đây:

Thứ nhất, việc đặt tên cho con khi đi đăng ký khai sinh: khoản 3, Điều 26, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Tên của công dân Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam; không đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ”. Tuy nhiên, đối với những trường hợp đăng ký khai sinh có yếu tố nước ngoài, mặc dù cha mẹ lựa chọn quốc tịch Việt Nam cho trẻ em nhưng do trẻ em có một bên cha hoặc mẹ là người nước ngoài nên ngoài việc lựa chọn theo họ cha hoặc họ mẹ thì cha mẹ trẻ thường muốn trẻ có tên ghép giữa tên Việt Nam và tên nước ngoài, ví dụ như các tên: Trần John, Lê Anna...

Thứ hai, về đăng ký giám sát giám hộ: Bộ luật Dân sự năm 2015 đã quy định cụ thể, chặt chẽ hơn về cơ chế giám sát việc giám hộ, bổ sung quyền và nghĩa vụ cho người giám sát việc giám hộ, trong đó, một điểm mới nổi bật của Bộ luật Dân sự năm 2015 là quy định trường hợp giám sát việc giám hộ liên quan đến quản lý tài sản của người được giám hộ, đó là sau khi cử, chọn được người giám sát, người giám sát phải thực hiện thủ tục đăng ký giám sát việc giám hộ tại UBND cấp xã nơi cư trú của người được giám hộ. Tuy vậy, Luật Hộ tịch và các văn bản quy định chi tiết thi hành hiện chưa có quy định về thủ tục đăng ký giám sát việc giám hộ nên trong thực tế nếu có người dân đến yêu cầu được đăng ký giám sát việc giám hộ, công chức Tư pháp - Hộ tịch còn lúng túng trong việc giải quyết.

Thứ ba, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, còn nhiều bất cập, vướng mắc trong thủ tục nhận cha, con đối với trường hợp trẻ em sinh ra trong thời kỳ hôn nhân nhưng không phải là con chung của hai vợ chồng; thế nào là có tranh chấp khi xác định thẩm quyền nhận, cha, mẹ con trong thời kỳ hôn nhân; xác  định cha, mẹ, con khi một trong hai bên đã chết nhưng không có tranh chấp; xác định tình trạng hôn nhân trong trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng trước ngày 03/01/1987, hiện tại họ không còn tiếp tục chung sống nữa nhưng chưa làm thủ tục ly hôn hoặc không có sự kiện vợ/chồng của họ chết/bị tuyên bố là đã chết, một bên không có thông tin và không liên lạc được với người còn lại.

Thứ tư, về ghi chú thông tin thay đổi hộ tịch: Theo quy định tại khoản 2, khoản 3, Điều 10, Nghị định số 19/2011/NĐ-CP ngày 21/3/2011 của Chính phủ đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 24/2019/NĐ-CP ngày 05/3/2019 thì: “Căn cứ vào Giấy chứng nhận nuôi con nuôi, theo yêu cầu của cha mẹ nuôi và sự đồng ý của con nuôi từ đủ chín tuổi trở lên, cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền thực hiện việc thay đổi họ, chữ đệm và tên của con nuôi theo quy định của pháp luật dân sự và pháp luật về hộ tịch. Việc bổ sung, thay đổi thông tin về cha, mẹ trong Giấy khai sinh của con nuôi được thực hiện theo quy định của pháp luật về hộ tịch”.

Nhưng khoản 9, Điều 31, Thông tư số 04/2020/TT-BTP quy định: “Phần ghi chú những thông tin thay đổi sau này tại mặt sau của Giấy khai sinh sử dụng để ghi chú nội dung thay đổi, cải chính, bổ sung thông tin hộ tịch, xác định lại dân tộc; ghi các thông tin hộ tịch thay đổi theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”. Việc quy định ghi những thông tin thay đổi, trong đó có thay đổi thông tin về bố mẹ nuôi tại mặt sau Giấy khai sinh của trẻ sẽ không đảm bảo vấn đề giữ bí mật thông tin đối với người được nhận nuôi và người nhận nuôi.

Ngoài ra, việc giải quyết các hồ sơ giải quyết về hộ tịch còn một số hạn chế như: Các việc hộ tịch luôn phát sinh hết sức đa dạng, phức tạp, nhiều trường hợp tuy là các sự kiện hộ tịch thường xuyên xảy ra và có nhiều tình tiết phức tạp, nhạy cảm mà Luật Hộ tịch và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa có dự liệu và chưa có điều chỉnh, dẫn đến yêu cầu đăng ký hộ tịch của người dân vẫn nãy sinh khó khăn, vướng mắc chưa thể giải quyết; một số thủ tục hành chính hộ tịch có thời gian giải quyết quá dài, như: Đăng ký kết hôn, đăng ký nhận cha, mẹ con có thời gian giải quyết là 15 ngày; thủ tục ghi vào Sổ hộ tịch việc kết hôn, ly hôn, hủy việc kết hôn đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài có thời gian giải quyết là 12 ngày, do đó cần rút ngắn thời gian giải quyết nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công dân trong giải quyết thủ tục hành chính có liên quan đến lĩnh vực hộ tịch có yếu tố nước ngoài...

Vì vậy, cơ quan có thẩm quyền cần sớm sửa đổi, bổ sung những quy định còn hạn chế, bất cập để đưa quy định pháp luật về đăng ký, quản lý hộ tịch ngày càng sát đúng, phù hợp với thực tế cuộc sống. Điều này vừa đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, vừa đảm bảo công tác quản lý hộ tịch, quản lý dân cư này càng khoa học, chặt chẽ và hiệu quả hơn.

Thạc sĩ PHẠM VĂN CHUNG

Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum

Thực tiễn giải quyết các tranh chấp về hợp đồng tặng cho tài sản có điều kiện trong các vụ án dân sự

Lê Minh Hoàng