Ảnh minh họa.
Trước hết, hàng cấm được hiểu là những mặt hàng mà Nhà nước cấm cá nhân, tổ chức kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng, chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam.
Một trong những tinh thần quan trọng trong Hiến pháp năm 2013 đã nêu rõ về quan điểm việc kinh doanh của cá nhân, tổ chức đó là việc: “Cá nhân, tổ chức, pháp nhân được phép kinh doanh ngành nghề mà pháp luật không cấm”. Pháp luật Việt Nam hiện hành đã có những quy định về danh mục ngành nghề kinh doanh bị cấm được quy định tại Điều 6 Luật Đầu tư năm 2020 và Điều 10 Nghị định 31/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đầu tư, đối với ngành nghề kinh doanh hàng hóa, bao gồm những ngành nghề sau:
Thứ nhất, mặt hàng hóa bị cấm kinh doanh vĩnh viễn đó là các chất ma túy. Ma túy được biết đến là những chất kích thích, gây nghiện, có nguồn gốc tự nhiên hoặc nhân tạo mà khi con người sử dụng sẽ kích thích hệ thần kinh gây ra cảm giác hưng phấn, sảng khoái, tạo ảo giác, làm cho họ phụ thuộc, không thể chấm dứt việc sử dụng, từ đó gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe cũng như trật tự an toàn xã hội. Chính bởi lẽ này, những chất ma túy bị pháp luật của hầu hết các quốc gia trên thế giới cấm kinh doanh vĩnh viễn.
Thứ hai, kinh doanh các loại hóa chất, khoáng vật. Trong đó, hóa chất được xác định là một dạng vật chất có hợp chất và đặc tính hóa học không đổi. Còn khoáng vật thì lại được biết đến là các hợp chất có nguồn gốc tự nhiên được hình thành trong quá trình địa chất. Bởi vì, tính chất nguy hiểm của hóa chất và khoáng vật nếu không biết cách sử dụng hoặc quá lạm dụng thì cũng gây nguy hiểm cho con người. Chính vì điều đó, để giảm thiểu các nguy cơ gây thiệt hại đến con người nên theo như quy định tại pháp luật này đã nghiêm cấm các hành vi kinh doanh các chất này. Việc nghiêm cấm các loại hóa chất, khoáng vật được quy định theo Phụ Lục II Luật Đầu tư năm 2020, đã nêu rõ các loại hợp chất và khoáng vật bị cấm đầu tư kinh doanh.
Thứ ba, kinh doanh mẫu vật các loại thực vật, động vật hoang dã. Vấn đề bảo tồn đa dạng sinh thái không chỉ là nghĩa vụ của riêng Việt Nam mà nó còn được áp dụng đối với tất cả các quốc gia trên thế giới về vấn đề bảo vệ thảm thực vật của trái đất. Đối với sự sinh sống của mỗi loài sinh vật đều có sự ảnh hưởng đến loại khác, cho nên nếu một số loại động vật ngày càng bị săn bắn nhiều dẫn đến tuyệt chủng thì sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến hệ sinh thái. Chính vì thế mà pháp luật đã quy định về mẫu vật các loại thực vật, động vật hoang dã bị cấm đầu tư kinh doanh được quy định tại Phụ lục 1 Công ước quốc tế các loại thực vật, động vật hoang dã nguy cấp được chia thành ngành động vật có dây sống bao gồm lớp động vật có vú, lớp chim, lớp bò sát, lớp lưỡng cư, lớp cá sụn, lớp cá, lớp cá phối và ngành da gai, ngành chân khớp, ngành thân mềm, ngành ruột khoanh.
Còn theo như quy định của pháp luật Việt Nam thì được quy định tại Phụ lục III Luật Đầu tư năm 2020 về các mẫu vật các loại động, thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm thuộc Nhóm I có nguồn gốc từ tự nhiên bị cấm đầu tư kinh doanh. Trong đó, thực vật gồm ngành mộc lan, ngành thông. Động vật gồm lớp vú, bò sát, lớp chim…
Thứ tư, mua, bán người, mô, bộ phận cơ thể người. Vấn đề này được nhắc đến trong Điều 20 Hiến pháp năm 2013 đó là: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”. Chính vì vậy, thân thể, bộ phận trên cơ thể là tài sản vô giá của mỗi người, tuy nhiên việc mua bán người, các bộ phận cơ thể người bị pháp luật cấm.
Thứ năm, hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người. Chính bởi vì sự phát triển của xã hội ngày càng phát triển với các thiết bị điện tử và công nghệ ngày càng lớn mạnh. Nên để nhằm mục đích gây mất trật tự công cộng và có những yếu tố gây nguy hiểm đến xã hội mà pháp luật Việt Nam đã quy định đưa hoạt động này vào danh mục mặt hàng cấm được kinh doanh.
Thứ sáu, mua bán mại dâm cũng là một trong những vấn đề gây nên những tệ nạn xã hội, gây ảnh hưởng đến các chủ thể buôn bán mại dâm, làm mất đi nét đẹp văn hóa của một đất nước.
Thứ bảy, một trong những mặt hàng kinh doanh bị cấm mới được đưa vào trong danh mục hàng cấm đó là pháo nổ và đòi nợ thuê.
Như vậy, hiện nay có tất cả những nhóm ngành nghề bị cấm đầu tư kinh doanh được quy định tại Luật Đầu tư 2020 và Nghị định 31/2021/NĐ-CP về hướng dẫn luật đầu tư. Trong đó, có năm nhóm ngành nghề về mua bán hàng hóa tương ứng với năm loại hàng hóa bị cấm là: Ma túy, hóa chất, khoáng vật, thực vật, động vật hoang dã, người, mô, bộ phận cơ thể người và kinh doanh pháo nổ. Tất cả các mặt hàng kinh doanh bị cấm nếu pháp luật hiện hành cho phép kinh doanh đều có khả năng gây rối loạn trật tự xã hội vốn có, suy thoái đạo đức con người, tàn phá và làm mất cân bằng tự nhiên.
Quy định của pháp luật về tội "Tàng trữ, vận chuyển hàng cấm"
Hành vi tàng trữ hàng cấm, được hiểu là hành vi cất giữ hàng cấm bằng bất kỳ hình thức nào. Tàng trữ hàng cấm được thể hiện qua hành vi cất giữ các loại hàng hóa mà Nhà nước cấm kinh doanh để tránh sự phát hiện, kiểm soát của các cơ quan chức năng hoặc của người khác. Hành vi vận chuyển hàng cấm, được hiểu là việc đưa (di chuyển) hàng cấm từ nơi này đến nơi khác bằng bất kỳ hình thức nào. Việc vận chuyển có thể thực hiện thông qua các phương thức, thủ đoạn khác nhau như thông qua đường bộ; thông qua đường thủy; thông qua đường hàng không bằng các thủ đoạn khác nhau như: dùng vật nuôi để vận chuyển trực tiếp, lợi dụng trẻ em, thương binh… để phục vụ việc vận chuyển. Hành vi tàng trữ, vận chuyển hàng cấm để bán thì coi là hành vi buôn bán hàng cấm.
Mặc dù mỗi hành vi tàng trữ, vận chuyển hàng cấm đã có các dấu hiệu riêng như trên nhưng tùy theo tính chất, mức độ sẽ bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự. Hành vi tàng trữ, vận chuyển hàng cấm chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh này khi có một trong các dấu hiệu cấu thành cơ bản: (i) Hàng cấm có số lượng lớn, thu lợi bất chính lớn; (ii) Nếu hàng cấm không bị coi là số lượng lớn, thu lợi bất chính lớn thì phải thuộc trường hợp đã bị xử phạt hành chính về hành vi tàng trữ, vận chuyển hàng cấm hoặc tại các tội sau đây: Tội buôn lậu; tội vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua biên giới; tội tàng trữ, vận chuyển hàng giả; tội tàng trữ, vận chuyển hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; tội kinh doanh trái phép; tội trốn thuế; (iii) Hoặc đã bị kết án về các tội này chưa được xoá án tích mà còn vi phạm (về hành vi tàng trữ, vận chuyển hàng cấm).
Những dấu hiệu pháp lý của tội phạm:
Khách thể của tội phạm này là trật tự quản lý kinh tế mà cụ thể là xâm phạm chế độ độc quyền của Nhà nước trong quản lý, tàng trữ, vận chuyển hàng cấm.
Đối tượng tác động của tội "Tàng trữ, vận chuyển hàng cấm" là các loại hàng hóa mà Nhà nước cấm kinh doanh, cầm lưu hành, cấm sử dụng, chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam.
Đối với mặt khách quan của tội phạm: (i) Về dấu hiệu hành vi khách quan, tội phạm thể hiện qua các hành vi: Hành vi tàng trữ hàng cấm: Người phạm tội bằng hành vi cất trữ trái phép hàng cấm trong người, trong nhà hoặc bất kỳ nơi nào đó để tránh sự phát hiện, kiểm soát của các cơ quan chức năng hoặc của người khác mà không kể thời gian dài hay ngắn; Hành vi vận chuyển hàng cấm: Người phạm tội thực hiện bằng cách đưa hàng cấm dưới bất kỳ hình thức nào từ địa điểm này đến điểm khác mà không nhằm mục đích bán. Việc vận chuyển có thể thực hiện thông qua các phương thức, thủ đoạn khác nhau như thông qua đường bộ (ôtô, tàu hoả…); thông qua đương sông (ghe, xuồng…); thông qua đường hàng không (máy bay) bằng các thủ đoạn khác nhau như: dùng vật nuôi để vận chuyển trực tiếp, lợi dụng trẻ em, thương binh… để phục vụ việc vận chuyển.
Các thủ đoạn thường thực hiện: Mở các cơ sở sản xuất trá hình, đăng ký với cơ quan có thẩm quyền để cất giấu loại hàng hóa không được phép lưu thông trên thị trường; Thuê các cơ sở làm ăn uy tín để tàng trữ hàng cấm; Dùng những chiếc xe công để che đậy quá trình vận chuyển hàng cấm…
(ii) Về dấu hiệu hậu quả của tội phạm: Hậu quả của tội phạm tàng trữ, vận chuyển hàng cấm đó là những thiệt hại gây ra cho trật tự quản lý kinh tế mà cụ thể là trật tự quản lý thị trường sản xuất, kinh doanh, gây lũng đoạn thị trường trong nước dẫn đến Nhà nước không kiểm soát được hàng hóa, ảnh hưởng đến tình hình trật tự xã hội. Những biểu hiện cụ thể hậu quả của tội phạm rất đa dạng. Nó có thể là số lượng hàng hóa, có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên; nó cũng có thể là số lượng tiền thu lợi bất chính lớn, hoặc gây hậu quả nghiêm trọng…
Mặt chủ quan của tội phạm: Người thực hiện hành vi tàng trữ, vận chuyển hàng cấm là do cố ý (cố ý trực tiếp), tức là nhận thức rõ hành vi của mình là hành vi tàng trữ, vận chuyển hàng cấm, thấy trước được hậu quả của hành vi tàng trữ, vận chuyển hàng cấm và mong muốn cho hậu quả đó xảy ra. Không có hành vi tàng trữ, vận chuyển hàng cấm nào được thực hiện do cố ý gián tiếp.
Mục đích của người phạm tội là thu lợi từ hoạt động tàng trữ, vận chuyển hàng cấm đó. Biểu hiện của mục đích thu lợi là người phạm tội tìm cách trốn tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng.
Ngoài ra, chủ thể của tội phạm này chỉ cần là người có năng lực trách nhiệm hình sự và đến độ tuổi nhất định theo quy định của pháp luật. Chủ thể của tội này còn là pháp nhân được thành lập hợp pháp; Có cơ cấu tổ chức chặt chẽ; Có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và chịu trách nhiệm bằng tài sản đó; nhân danh mình tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập; Đã có hành vi nguy hiểm cho xã hội xâm phạm vào trật tự quản lý kinh tế, cụ thể xâm phạm các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực quản lý thị trường.
NGUYỄN THỊ YẾN HOA
Tòa án quân sự Quân khu 1
Phân biệt tội danh quy định tại Điều 359 và Điều 341 Bộ luật Hình sự