Ảnh minh họa.
Nguyên tắc xử lý người chưa thành niên phạm tội
Các nguyên tắc xử lý người chưa thành niên phạm tội được quy định tại Điều 91 Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015, có các nguyên tắc cụ thể như sau: Thứ nhất, so với Điều 69 BLHS 1999, Điều 91 BLHS năm 2015 bổ sung nguyên tắc: “Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi” (khoản 1 Điều 91). Đây là nguyên tắc định hướng, nội dung của nguyên tắc này là đòi hỏi các cơ quan, tổ chức, cá nhân, khi tiến hành một hoạt động liên quan đến việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội cần bảo đảm rằng quyết định đó là tốt nhất cho trẻ em trong mối quan hệ hài hòa với các lợi ích khác cũng như bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật.
Như vậy, mục đích của việc xử lý người chưa thành niên phạm tội là để giáo dục, giúp họ sửa chữa lỗi lầm, trở thành công dân có ích cho xã hội chứ không đề cập trực tiếp đến mục đích trừng trị. Do đó, cần hiểu rằng, đối với người chưa thành niên, nếu như hành vi mà họ thực hiện bị BLHS coi là tội phạm nhưng việc có đưa ra truy tố xét xử hay không là việc mà các cơ quan chức năng có thẩm quyền phải xem xét, cân nhắc và ngay trong giai đoạn này mục tiêu giáo dục, giúp đỡ người chưa thành niên cũng phải được đặt lên hàng đầu. Để thực hiện được nguyên tắc này, khi người chưa thành niên phạm tội các cơ quan tư pháp phải xác định tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội. Việc làm này sẽ giúp người chưa thành niên phạm tội nhận thức một cách đầy đủ và sâu sắc về hành vi của mình có như vậy mới có thể giúp họ sửa chữa lỗi lầm và trở thành người có ích cho xã hội.
Thứ hai, điều kiện miễn trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội thấp hơn so với người thành niên phạm tội. Trên cơ sở kế thừa quy định tại khoản 2 Điều 69 của BLHS 1999 về miễn trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên, khoản 2 Điều 91 của BLHS 2015 quy định người dưới 18 tuổi phạm tội thuộc một trong các trường hợp theo quy định của pháp luật và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng các biện pháp giám sát, giáo dục.
Theo đó, các trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng các biện pháp giám sát, giáo dục gồm: người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng, trừ trường hợp quy định tại các điều: Điều 134 (tội "Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác"); Điều 141 (tội "Hiếp dâm"); Điều 171 (tội "Cướp giật tài sản"); Điều 248 (tội "Sản xuất trái phép chất ma túy"); Điều 249 (tội "Tàng trữ trái phép chất ma túy"); Điều 250 (tội "Vận chuyển trái phép chất ma túy"); Điều 251 (tội "Mua bán trái phép chất ma túy"); Điều 252 (tội "Chiếm đoạt chất ma túy"). Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý quy định tại khoản 2 Điều 12 của Bộ luật tức là phạm tội rất nghiêm trọng thuộc một trong 28 tội danh mà BLHS 2015 quy định đối tượng này phải chịu trách nhiệm hình sự, trừ trường hợp quy định tại các điều: Điều 123 (tội "Giết người"); Điều 134, các khoản 4, 5 và khoản 6 (tội "Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác"); Điều 141 (tội "Hiếp dâm"), Điều 142 (tội "Hiếp dâm người dưới 16 tuổi"); Điều 144 (tội "Cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi"); Điều 150 (tội "Mua bán người"); Điều 151 (tội "Mua bán người dưới 16 tuổi"); Điều 168 (tội "Cướp tài sản"); Điều 171 (tội "Cướp giật tài sản"); Điều 248 (tội "Sản xuất trái phép chất ma túy"); Điều 249 (tội "Tàng trữ trái phép chất ma túy"); Điều 250 (tội "Vận chuyển trái phép chất ma túy"); Điều 251 (tội "Mua bán trái phép chất ma túy"); Điều 252 (tội "Chiếm đoạt chất ma túy"). Người dưới 18 tuổi là người đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể trong vụ án.
Như vậy, so với BLHS 1999, khoản 2, Điều 91 BLHS năm 2015 đã mở rộng đối tượng được miễn trách nhiệm hình sự đối với cả người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi, quy định cụ thể điều kiện miễn trách nhiệm hình sự, đồng thời bổ sung quy định về việc áp dụng các biện pháp giám sát, giáo dục đối với các em được miễn trách nhiệm hình sự nhằm bảo đảm tính khả thi cũng như hiệu quả áp dụng của chế định pháp lý này.
Thứ ba, việc truy cứu TNHS người chưa thành niên phạm tội và áp dụng hình phạt đối với họ chỉ trong trường hợp cần thiết và phải căn cứ vào tính chất của hành vi phạm tội, vào những đặc điểm về nhân thân và yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm. Nếu thấy không cần thiết phải áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội thì tòa án áp dụng các biện pháp giám sát giáo dục và biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng được quy định tại mục 2 và mục 3, Chương XII của BLHS, gồm: Khiển trách (Điều 93), Hòa giải tại cộng đồng (Điều 94), Giáo dục tại xã, phường, thị trấn (Điều 95) và biện pháp tư pháp Giáo dục tại trường giáo dưỡng (Điều 96).
Như vậy, có thể nói rằng việc truy cứu TNHS và áp dụng hình phạt đối với người thành niên phạm tội là biện pháp cuối cùng. Nguyên tắc thứ tư đối với người chưa thành niên phạm tội là nguyên tắc giảm nhẹ TNHS. Tính chất giảm nhẹ được thể hiện ở những quy định về loại và mức phạt tù có thể áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội. Thứ năm, không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Thứ sáu, Tòa án chỉ áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với người dưới 18 tuổi phạm tội khi xét thấy các hình phạt và biện pháp giáo dục khác không có tác dụng răn đe, phòng ngừa.
Khi xử phạt tù có thời hạn, Tòa án cho người dưới 18 tuổi phạm tội được hưởng mức án nhẹ hơn mức án áp dụng đối với người đủ 18 tuổi trở lên phạm tội tương ứng và với thời hạn thích hợp ngắn nhất. Không áp dụng hình phạt bổ sung đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Tử hình và tù chung thân là hai biện pháp nghiêm khắc nhất trong hệ thống hình phạt được quy định trong BLHS, người phạm tội chỉ bị áp dụng hình phạt này trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng và khi khả năng giáo dục không còn nữa. Chính vì vậy, đối với người chưa thành niên phạm tội, khi mục đích của việc truy cứu TNHS chủ yếu là nhằm giáo dục cải tạo họ, thì không thể áp dụng hai hình phạt này.
Nguyên tắc cuối cùng đối với người chưa thành niên phạm tội được quy định tại khoản 7 Điều 91 BLHS: “Án đã tuyên đối với người chưa đủ 16 tuổi phạm tội, thì không tính để xác định tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm”.
Các biện pháp giám sát, giáo dục áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội
Trước đây, BLHS 1999 chỉ quy định chung chung rằng người chưa thành niên phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự thì sẽ có gia đình hoặc cơ quan, tổ chức giám sát, giáo dục. BLHS 2015 bổ sung một số biện pháp giám sát, giáo dục đối với người chưa thành niên được miễn trách nhiệm hình sự là: Biện pháp khiển trách (Điều 93), Hòa giải tại cộng đồng (Điều 94) và Giáo dục tại xã, phường, thị trấn (Điều 95). Đây là những quy định cụ thể nhằm đưa việc giáo dục, nâng cao nhận thức đối với người phạm tội đi vào thực tế và có hiệu quả.
Trên cơ sở quy định của BLHS, Bộ luật tố tụng hình sự năm (BLTTHS) 2015 cũng bổ sung các quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp giám sát, giáo dục đối với người dưới 18 tuổi phạm tội tại các Điều từ 426 đến 429 của Bộ luật. Ngoài ra, BLHS 2015 bỏ đi biện pháp tư pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo quy định của BLHS 1999 (do đã có các biện pháp giám sát, giáo dục cụ thể nêu trên) và chỉ giữ lại 1 biện pháp tư pháp áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội, đó là biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng (Điều 96).
(i) Biện pháp khiển trách (Điều 93 BLHS 2015).
Được áp dụng đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 91 của BLHS 2015; người dưới 18 tuổi là người đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án. Việc khiển trách đối với người dưới 18 tuổi phạm tội phải có sự chứng kiến của cha mẹ hoặc người đại diện hợp pháp của người dưới 18 tuổi. Người bị khiển trách phải tuân thủ pháp luật, nội quy, quy chế của nơi cư trú, học tập, làm việc; trình diện trước cơ quan có thẩm quyền khi được yêu cầu; tham gia các chương trình học tập, dạy nghề do địa phương tổ chức, tham gia lao động với hình thức phù hợp.
Tùy từng trường hợp cụ thể, cơ quan có thẩm quyền ấn định thời gian thực hiện các nghĩa vụ quy định tại điểm b và điểm c khoản 3 Điều 93 BLHS 2015 từ 3 tháng đến 1 năm. Biện pháp này nhằm giúp họ nhận thức rõ hành vi phạm tội và hậu quả gây ra đối với cộng đồng, xã hội và nghĩa vụ của họ.
(ii) Hòa giải tại cộng đồng (Điều 94 BLHS 2015).
Được áp dụng đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trọng thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 91 của BLHS 2015; người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng quy định tại điểm b khoản 2 Điều 91 của BLHS. Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát hoặc Tòa án phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức việc hòa giải tại cộng đồng khi người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại đã tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn TNHS.
Người được áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng phải xin lỗi người bị hại và bồi thường thiệt hại; tuân thủ pháp luật, nội quy, quy chế của nơi cư trú, học tập, làm việc; trình diện trước cơ quan có thẩm quyền khi được yêu cầu; tham gia các chương trình học tập, dạy nghề do địa phương tổ chức, tham gia lao động với hình thức phù hợp.
Tùy trường hợp cụ thể, cơ quan có thẩm quyền ấn định thời điểm xin lỗi, thời gian thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại quy định tại điểm a khoản 3 điều 94 BLHS 2015 và nghĩa vụ quy định tại điểm b và điểm c khoản 3 Điều 93 của BLHS 2015 từ 3 tháng đến 1 năm.
(iii) Giáo dục tại xã, phường, thị trấn (Điều 95 BLHS 2015).
Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát hoặc Tòa án có thể áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn từ 1 năm đến 2 năm đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trọng quy định tại điểm a khoản 2 Điều 91 của BLHS; người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng quy định tại điểm b khoản 2 Điều 91 của BLHS. Người được Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát hoặc Tòa án giao cho Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức giám sát, giáo dục phải chấp hành đầy đủ nghĩa vụ về học tập, lao động; chịu sự giám sát, giáo dục của gia đình, xã, phường, thị trấn; không đi khỏi nơi cư trú khi không được phép và thực hiện các nghĩa vụ theo quy định tại khoản 3 Điều 93 của BLHS 2015.
Nếu người được giáo dục tại xã, phường, thị trấn đã chấp hành một phần hai thời hạn, có nhiều tiến bộ thì theo đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp xã được giao trách nhiệm quản lý, giáo dục, cơ quan đã áp dụng biện pháp này có thể quyết định chấm dứt thời hạn giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Việc áp dụng các biện pháp thay thế xử lý hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội là một trong những điểm mới nổi bật của BLHS 2015, thể hiện rõ chính sách nhân đạo của Nhà nước ta, tăng tính hướng thiện trong chính sách xử lý hình sự, nhất là đối với đối tượng cần bảo vệ đặc biệt là người chưa thành niên.
Biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng (Điều 96 BLHS 2015)
Biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng là biện pháp tư pháp đối với người chưa thành niên phạm tội nếu xét cần phải cách ly họ ra khỏi môi trường gia đình - xã hội để giáo dục và cải tạo họ thành công dân có ích. Khi quyết định biện pháp tư pháp này, tòa án cần xem xét tính chất nghiêm trọng của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội và môi trường sống của người đó. Thời hạn của biện pháp giáo dục trường giáo dưỡng là từ 1 năm đến 2 năm.
Trường giáo dưỡng là cơ sở giáo dục đặc biệt được Nhà nước thành lập để giáo dục, cải tạo người chưa thành niên phạm tội hoặc có những vi phạm pháp luật khác. Tuy biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng bắt buộc người chưa thành niên phạm tội phải chịu sự quản lý chặt chẽ và phải cách li ra khỏi xã hội nhưng họ được học tập văn hóa và nghề nghiệp. Tại đây, họ được học tập, rèn luyện để trờ thành công dân tốt trong tương lai. Nếu người được giáo dục tại trường giáo dưỡng đã chấp hành một phần hai thời hạn, có nhiều tiến bộ, thì theo đề nghị của trường giáo dưỡng được giao trách nhiệm quản lý, giáo dục, Tòa án có thể quyết định chấm dứt thời hạn giáo dục tại trường giáo dưỡng (Điều 97 BLHS).
Hệ thống hình phạt áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội
Hệ thống hình phạt được quy định trong BLHS, bao gồm hình phạt chính và hình phạt bổ sung. Tuy nhiên, căn cứ vào đặc điểm của người chưa thành niên, yêu cầu của việc phòng chống tội phạm, nguyên tắc nhân đạo, pháp luật hình sự quy định các hình phạt được áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội bao gồm: Cảnh cáo; Phạt tiền; Cải tạo không giam giữ; Tù có thời hạn.
Theo đó, Cảnh cáo là hình phạt chính, có tính giáo dục sâu sắc, thể hiện sự khiển trách công khai của Nhà nước đối với người phạm tội và hành vi phạm tội của họ. Cảnh cáo gây ra cho người bị kết án những tổn hại về tinh thần. Người chưa thành niên phạm tội bị phạt cảnh cáo khi phạm tội ít nghiêm trọng và có nhiều tình tiết giảm nhẹ. Phạt tiền là hình phạt chính áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội nhằm tước đi quyền lợi vật chất của họ. Người chưa thành niên phạm tội bị phạt tiền khi có đủ hai điều kiện: Họ là người đã từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi và có thu nhập hoặc tài sản riêng.
Hình phạt cải tạo không giam giữ được áp dụng đối với người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng hoặc phạm tội rất nghiêm trọng do vô ý hoặc người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý. Cải tạo không giam giữ là hình phạt chính có nội dung giáo dục sâu sắc không buộc người được áp dụng hình phạt này phải cách li khỏi xã hội. Họ vẫn có thể thực hiện công việc thường ngày và sống trong môi trường gia đình và xã hội như trước đây. Người chưa thành niên phạm tội bị phạt cải tạo không giam giữ cần đáp ứng hai điều kiện sau: Hành vi phạm tội thuộc vào tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng do vô ý hoặc người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý; Họ phải có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi thường trú rõ ràng.
Bên cạnh đó, tù có thời hạn là hình phạt cách li người phạm tội ra khỏi xã hội để giáo dục, cải tạo họ trở thành công dân có ích cho xã hội. Đây là hình phạt có hiệu quả giáo dục và ngăn ngừa cao. Chính vì vậy, loại hình này có thể áp dụng đối với mọi tội phạm được quy định trong pháp luật hình sự Việt Nam. Tù có thời hạn là hình phạt nghiêm khắc nhất có thể áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội. Mức phạt tù có thời hạn áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội được quy định như sau: Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 18 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định.
Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 12 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá một phần hai mức phạt tù mà điều luật quy định.
Xuất phát từ chính sách nhân đạo của Nhà nước ta trong đường lối xử lý trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội là nhằm cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ, tạo điều kiện cho họ để trở thành người công dân tốt, có ích cho xã hội. Do vậy, việc xử lý người chưa thành niên phạm tội đòi hỏi phải cân nhắc, xem xét kỹ lưỡng trước khi quyết định áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội, nhằm vừa đảm bảo được tính nghiêm minh của pháp luật, nhưng cũng thể hiện rõ quan điểm của Đảng, Nhà nước ta trong chính sách hình sự đối với người chưa thành niên.
HỒ QUÂN
Tòa án quân sự Khu vực Quân khu 4