Ảnh minh họa.
Lao động là một trong những quyền cơ bản của công dân được ghi nhận trong Hiến pháp. Trong quá trình phát triển và hội nhập quốc tế của nước ta cùng với việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hệ thống chính sách, pháp luật về lao động cũng được đổi mới, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Việc tạo ra hành lang pháp lý đã tạo điều kiện quan trọng cho việc hình thành và phát triển thị trường lao động, góp phần chuyển đổi cơ cấu lao động, nhất là chuyển đổi lao động trong khu vực nông lâm nghiệp - nơi có năng suất lao động thấp sang khu vực công nghiệp, dịch vụ có năng suất lao động cao hơn. Chất lượng nguồn nhân lực từng bước được nâng lên đáp ứng nhu cầu của thị trường, doanh nghiệp; tiêu chuẩn lao động cơ bản được bảo đảm, quan hệ lao động hình thành và hướng đến sự hài hòa ổn định; vấn đề an sinh xã hội, nhất là việc bảo đảm ổn định cuộc sống cho các đối tượng yếu thế, bị tác động trong quá trình công nghiệp hóa, của nền kinh tế thị trường được đặt ra và có sự quan tâm nhất định. Hệ thống chính sách, pháp luật lao động đã góp phần quan trọng trong việc sử dụng nguồn nhân lực có hiệu quả để phát triển và thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tận dụng tốt hơn cơ hội của thời kỳ dân số vàng cho sự nghiệp phát triển đất nước. Công dân có sức lao động phải được làm việc để duy trì sự tồn tại của bản thân và góp phần xây dựng xã hội, thực hiện các nghĩa vụ của họ đối với những người xung quanh trong cộng đồng. Giải quyết việc làm, đảm bảo cho mọi người có khả năng lao động đều có cơ hội có việc làm là trách nhiệm của Nhà nước, của các doanh nghiệp và của toàn xã hội.
Việc hoàn thiện và thực hiện chính sách pháp luật lao động trong thời gian qua đã đạt được một số kết quả như sau:
Thứ nhất, hệ thống chính sách, pháp luật về lao động đã được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phù hợp với Hiến pháp năm 2013; phù hợp với các tiêu chuẩn của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Thứ hai, thị trường lao động tiếp tục phát triển trên cơ sở các yếu tố bền vững hơn, như nguồn cung lao động dồi dào, chất lượng nguồn lao động được cải thiện và tăng dần để đáp ứng yêu cầu. Việc mở cửa hội nhập cũng là áp lực lớn để yếu tố “cung” của thị trường lao động phải đổi mới nâng cao chất lượng. Hệ thống dịch vụ kết nối có sự phát triển đa dạng, số việc làm tăng, chất lượng việc làm dựa trên tiêu chí ổn định và tăng thu nhập tiếp tục được cải thiện. Các tiêu chuẩn về tuổi làm việc, giờ làm thêm, tiền lương tối thiểu được quan tâm và quy định cụ thể. Các thiết chế hỗ trợ quan hệ lao động hài hòa ổn định như cơ chế đối thoại, thương lượng, hệ thống hòa giải, trọng tài được tăng cường. Hoạt động của Ủy ban Quan hệ lao động, Hội đồng Tiền lương quốc gia bước đầu đạt được những kết quả nhất định. Việc cải thiện điều kiện lao động; bảo đảm môi trường làm việc an toàn được nhiều doanh nghiệp quan tâm thực hiện. Các chính sách an sinh xã hội mà trong đó trọng tâm là các chính sách bảo hiểm bao gồm: Bảo hiểm xã hội bắt buộc, Bảo hiểm xã hội tự nguyện, Bảo hiểm hưu trí bổ sung, Bảo hiểm thất nghiệp, Bảo hiểm y tế đều được quy định khá chi tiết theo hướng mở rộng đối tượng tham gia, bảo đảm tính bền vững của chính sách, từng bước thực hiện nguyên tắc đóng - hưởng, cải cách, đổi mới, đơn giản hóa thủ tục hành chính, áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý, nâng cao tính chuyên nghiệp trong cung cấp dịch vụ cho người tham gia.
Thứ ba, công tác quản lý nhà nước về chế độ, chính sách cho người lao động được tăng cường nhất là công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật, kiểm tra, thanh tra giám sát việc thực hiện, qua đó ý thức chấp hành của người sử dụng lao động và người lao động được nâng lên. Nhiều doanh nghiệp coi người lao động là nguồn lực quý giá nên đã xây dựng hệ thống chính sách riêng áp dụng trong doanh nghiệp: tôn trọng quá trình trao đổi, thương lượng, thực hiện, quy chế dân chủ tại nơi làm việc tạo môi trường, văn hóa của doanh nghiệp hướng tới người lao động.
Trách nhiệm của Nhà nước trong việc giải quyết việc làm cho người lao động
Trước hết, tuy không trực tiếp thực hiện các biện pháp bảo đảm việc làm, tuy nhiên, theo Hiến pháp năm 2013, “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước” (Điều 69). Theo đó, Quốc hội ban hành Bộ luật Lao động trong đó quy định nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan có thẩm quyền, trách nhiệm người sử dụng lao động, các biện pháp bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động. Trong đó, pháp luật lao động quy định trách nhiệm trực tiếp thuộc về Chính phủ và các cơ quan hành chính Nhà nước, trách nhiệm trước hết thuộc về Quốc hội và hệ thống các cơ quan quyền lực (Hội đồng nhân dân các cấp). Nội dung của việc giải quyết việc làm cho người lao động bao gồm:
- Nhà nước định chỉ tiêu việc làm mới trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm và hằng năm. Nhà nước có chính sách hỗ trợ tài chính, cho vay vốn, giảm, miễn thuế và các biện pháp khuyến kích để người có khả năng lao động tự giải quyết việc làm, để các tổ chức, đơn vị, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế phát triển nhiều nghề mới nhằm tạo nhiều việc làm cho người lao động.
- Nhà nước có chính sách ưu đãi về giải quyết việc làm để thu hút và sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số.
- Nhà nước có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân trong và ngoài nước, bao gồm cả người Việt Nam định cư ở nước ngoài đầu tư phát triển kinh doanh nhằm tạo nhiều việc làm cho người lao động. Sử dụng nhiều nhân công Việt Nam cũng là một trong những điều kiện giảm thuế thu nhập doanh nghiệp theo luật pháp hiện hành.
Nhiệm vụ cụ thể của các cơ quan Nhà nước trong việc giải quyết việc làm cho người lao động được quy định như sau:
- Về phía Chính phủ
Chính phủ lập chương trình quốc gia về việc làm, dự án đầu tư phát triển kinh tế xã hội, di dân phát triển vùng kinh tế mới gắn với chương trình giải quyết việc làm.
Chương trình việc làm bao gồm mục tiêu, chỉ tiêu tạo việc làm mới, các chính sách, nguồn lực, hệ thống tổ chức và các biện pháp bảo đảm thực hiện chương trình. Thủ tướng Chính phủ quyết định chương trình việc làm quốc gia do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đệ trình. Chính phủ quyết định Chỉ tiêu tạo việc làm mới trong kế hoạch hằng năm và 5 năm do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng Bộ Lao động,Thương binh và Xã hội và các ngành có liên quan xây dựng đệ trình. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có trách nhiệm hướng dẫn kiểm tra và báo cáo chính phủ kết quả chỉ tiêu thực hiện tạo việc làm mới (hằng năm và 5 năm) và chương trình việc làm quốc gia.
Lập Quỹ quốc gia về việc làm từ ngân sách Nhà nước và các nguồn khác (trợ giúp của các nước, các tổ chức quốc tế và cá nhân nước ngoài; của các đơn vị và cá nhân trong nước hỗ trợ giải quyết việc làm). Quỹ quốc gia về việc làm được sử dụng vào các mục đích: Hỗ trợ các tổ chức dịch vụ việc làm; Hỗ trợ các đơn vị gặp khó khăn tạm thời để tránh cho người lao động không bị mất việc làm; Hỗ trợ cho những đơn vị nhận người lao động bị mất việc làm theo đề nghị của cơ quan lao động địa phương; Hỗ trợ quỹ việc làm cho người lao động bị tàn tật và dùng để cho vay với lãi suất thấp để giải quyết việc làm cho một số đối tượng thuộc diện tệ nạn xã hội.
Phát triển hệ thống tổ chức dịch vụ việc làm: Nhà nước có chính sách triển khai thành lập và kiểm tra giám sát hoạt động của các trung tâm dịch vụ việc làm.
Theo quy định tại Điều 133 Bộ luật Lao động năm 2019, Chính phủ quyết định Chương trình quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động.
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập chương trình và quỹ giải quyết việc làm của địa phương trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định và tổ chức thực hiện quyết định đó, đồng thời có trách nhiệm báo cáo về Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính.
Định hướng, hỗ trợ và kiểm tra chương trình việc làm của cấp huyện và cấp xã.
Lập quỹ giải quyết việc làm (từ các nguồn ngân sách địa phương, khoản hỗ trợ từ quỹ quốc gia về giải quyết việc làm do trung ương chuyển xuống và các nguồn khác) để giải quyết việc làm cho người lao động.
Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các chương trình việc làm, việc sử dụng quỹ giải quyết việc làm trong phạm vi địa phương theo các quy định của pháp luật.
Trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc giải quyết và đảm bảo việc làm cho người lao động
Theo quy định tại Bộ luật Lao động năm 2019, khi có nhu cầu nhân công lao động thì người sử dụng lao động có quyền và trách nhiệm như sau:
- Người sử dụng lao động có quyền trực tiếp hoặc thông qua tổ chức dịch vụ việc làm để tổ chức tuyển chọn người lao động.
- Người sử dụng lao động phải có trách nhiệm giải quyết việc làm cho một số đối tượng lao động đặc thù, trường hợp nhiều người cùng có đủ điều kiện tuyển dụng thì phải ưu tiên tuyển dụng lao động là thương, bệnh binh; con liệt sĩ, con thương bệnh binh, con em gia đình có công; người tàn tật, phụ nữ, người có quá trình tham gia lực lượng vũ trang, người tham gia lực lượng thanh niên xung phong, người đã bị mất việc làm từ một năm trở lên.
- Doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, mọi hình thức sở hữu phải nhận một tỷ lệ người lao động là người tàn tật, lao độngû nữ vào làm việc. Doanh nghiệp tiếp nhận số người lao động là người tàn tật vào làm việc thấp hơn tỷ lệ quy định thì hàng tháng phải nộp vào quỹ việc làm cho người tàn tật một khoản tiền theo quy định, nếu cao hơn thì khi sản xuất kinh doanh gặp khó khăn hoặc có dự án phát triển sản xuất sẽ được xét cho vay vốn với lãi suất thấp hoặc được xét hỗ trợ từ quỹ việc làm. Doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ thì được hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước.
Trong quá trình sản xuất kinh doanh và hoạt động dịch vụ, người sử dụng lao động:
- Người sử dụng lao động phải đảm bảo công việc thường xuyên liên tục theo hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể, phải có trách nhiệm tổ chức nâng cao trình độ nghiệp vụ cho người lao động theo kịp tiến bộ khoa học kỹ thuật và làm việc có trách nhiệm, hiệu quả cao. Phải đào tạo lại trước khi chuyển người lao động sang làm việc mới trong doanh nghiệp.
- Khi có sự thay đổi về cơ cấu hoặc công nghệ mà cần phải cho người lao động thôi việc, người sử dụng lao động căn cứ vào nhu cầu của công việc và thâm niên làm việc, tay nghề, hoàn cảnh gia đình và những yếu tố khác của từng người để lần lượt cho thôi việc sau khi đã trao đổi nhất trí với ban chấp hành công đoàn cơ sở và phải công bố danh sách. Trước khi quyết định cho thôi việc phải báo cho cơ quan lao động địa phương biết để cơ quan này nắm được tình hình lao động của địa phương và có kế hoạch hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp hoặc tạo điều kiện giải quyết việc làm cho người lao động mất việc làm.
Trách nhiệm của người lao động trong việc tự tạo việc làm và bảo đảm việc làm
Mặc dù Nhà nước cũng như người sử dụng lao động có những trách nhiệm trong việc bảo đảm việc làm, tuy nhiên, người lao động cũng cần nâng cao trách nhiệm trong việc tự tạo việc làm và bảo đảm việc làm cho chính bản thân mình. Theo đó, Nhà nước tạo điều kiện cần thiết để hỗ trợ tài chính, cho vay vốn và áp dụng các biện pháp khuyến khích khác để người lao động tự tạo việc làm
Nhà nước có chính sách khuyến khích và ưu đãi đối với người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao đến làm việc ở vùng cao, biên giới, hải đảo và những vùng có nhiều khó khăn.
Đối với những người lao động có nhu cầu việc làm mà không tự giải quyết được thì có thể đăng ký với trung tâm dịch vụ việc làm để yêu cầu môi giới tìm việc làm, kể cả môi giới đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, hoặc yêu cầu dạy nghề gắn với tạo việc làm phù hợp với nghề đã chọn, phù hợp với khả năng sức khỏe của mình và theo tiêu chuẩn của nơi cần nhân công.
Tổ chức dịch vụ việc làm với vấn đề giải quyết việc làm cho người lao động
Bộ luật Lao động không quy định về tổ chức dịch vụ việc làm, tuy nhiên, tổ chức này không nằm ngoài tổng thể pháp luật lao động, theo đó, được quy định tại Luật Việc làm năm 2013.
Tổ chức dịch vụ việc làm được gọi thống nhất là: “Trung tâm dịch vụ việc làm” kèm theo tên địa phương hoặc tên bộ, tổ chức đoàn thể. Trung tâm dịch vụ việc làm là đơn vị sự nghiệp có thu thuộc lĩnh vực hoạt động xã hội, do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoặc do các tổ chức đoàn thể, hội quần chúng thành lập, có tư cách pháp nhân, có con dấu, được mở tài khoản tại ngân hàng, kho bạc Nhà nước.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thống nhất quản lý Nhà nước đối với các Trung tâm dịch vụ việc làm trong cả nước. Sở Lao động Thương binh và Xã hội thống nhất quản lý Nhà nước đối với các Trung tâm dịch vụ việc làm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Theo quy định tại Chương 5 Luật Việc làm năm 2013, Trung tâm dịch vụ việc làm có chức năng tổ chức thực hiện các hoạt động dịch vụ việc làm, dạy nghề.
Trung tâm dịch vụ việc làm có quyền: Tổ chức dạy nghề gắn với đào tạo việc làm; Tổ chức sản xuất để tận dụng cơ sớ vật chất, kỹ thuật, kết hợp lý thuyết với thực hành, giải quyết công việc làm tại chỗ theo quy định của pháp luật; Thu học phí, lệ phí, phí theo quy định của Bộ Tài chính, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và theo hướng dẫn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Nhiệm vụ của trung tâm dịch vụ việc làm là: Tư vấn cho người lao động và người sử dụng lao động về chính sách lao động và việc làm, hướng nghiệp và đào tạo nghề; Giới thiệu việc làm và học nghề ở những nơi phù hợp; Tổ chức tuyển chọn cung ứng lao động cho người sử dụng lao động trong nước và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; Cung cấp thông tin về thị trường lao động và người sử dụng lao động đang hoạt động hợp pháp tại Việt Nam và cung cấp thông tin cho các cơ quan quản lý Nhà nước về lao động và việc làm.
Trung tâm dịch vụ việc làm được thành lập phải phù hợp với quy hoạch do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực theo quy định. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định thành lập trung tâm dịch vụ việc làm theo loại hình đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện các nhiệm vụ công do nhà nước giao. Theo đó, pháp luật quy định rất chặt chẽ việc quản lý tài chính của trung tâm dịch vụ việc làm.
Các trung tâm dịch vụ việc làm được tổ chức và hoạt động theo quy định của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và các quy định của nhà nước. Bộ Lao động, Thương binh và xã hội có quyền chấp nhận hoặc không chấp nhận việc thành lập các trung tâm giới thiệu việc làm và có quyền đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra hoạt động của các trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định của pháp luật.
Chính sách việc làm là chính sách quan trọng trong hệ thống chính sách an sinh xã hội nhằm phòng ngừa rủi ro cho người lao động. Chính sách việc làm phải hướng đến mục tiêu việc làm bền vững và tạo cơ hội bình đẳng về việc làm cho mọi người trong xã hội, nâng cao trách nhiệm của nhà nước và xã hội đối với vấn đề việc làm, cải thiện điều kiện làm việc, thu nhập công bằng và chất lượng việc làm tốt hơn cho người lao động. Xây dựng những chính sách pháp luật hỗ trợ tạo việc làm đối với người lao động là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay, khuyến khích mạnh mẽ sự tham gia của xã hội trong chính sách việc làm thông qua việc đa dạng hóa các nguồn lực; xã hội hóa dịch vụ công; mở rộng sự tham gia của cộng đồng, các tổ chức xã hội và cá nhân trong thực hiện chính sách việc làm.
VŨ HỒI